Lời khuyên tâm linh cho thiên niên kỷ mới (phần 3) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Lời khuyên tâm linh cho thiên niên kỷ mới (phần 3)

250
24/01/2017 - 16:25
Chúng ta cần đưa cam kết phát nguyện vào sự thực hành

Các bạn cần phát nguyện tạo ra những điều kiện tốt đẹp trong đời sống của mình. Chừng nào chưa có tâm nguyện đó chúng ta chưa tạo dựng được những nhân duyên tốt đẹp cho bản thân, và vì thế mà phần lớn thời gian, chúng ta vẫn chịu ảnh hưởng của duyên nghiệp. Nghiệp luôn tự vận hành, không cần sự thúc đẩy, và chúng ta không cần làm bất cứ điều gì để nghiệp diễn ra. Đó là lý do tại sao chúng ta lại làm theo duyên nghiệp, nói một cách khác, chúng ta luôn chịu tác động của nghiệp. Chúng ta không thể kiểm soát được bản thân. Nói một cách khác, chúng ta không có các nhân duyên. Chúng ta đã không kiểm soát được các nhân duyên vì chúng ta thiếu sự phát nguyện cam kết làm những điều đó.



Do vậy, từ giờ phút này trở đi, chúng ta nên đưa cam kết phát nguyện vào việc tu tập thực hành. Từ thời khắc chào đón năm mới này đến khi chúng ta đạt được giác ngộ, chúng ta nhất thiết phải thực hành phát nguyện. Trong đời sống chúng ta cần có tâm nguyện. Thế nhưng, tâm nguyện lại không phải là điều tự nhiên tức thì được viên mãn. Khi thấy tâm nguyện không được đáp ứng ngay, chúng ta thường vội vã cho rằng rốt cuộc chẳng có gì trong cuộc sống này là nhiệm màu và chẳng có tâm nguyện nào của mình được viên mãn nữa cả. Tôi muốn nói, những tâm nguyện của bạn có thể được viên mãn hay có thể không, nhưng nếu chúng ta chỉ biết ngồi đó mà chờ thì mọi chuyện sẽ luôn quá muộn. Do không có tâm nguyện nào có thể thành tựu ngay tức khắc nên chúng ta cần phải dần dần thực hành để biến tâm nguyện đó thành sự thật. Chúng ta cần hiện thực hóa tâm nguyện của mình với niềm cảm hứng, và nếu không có sự trợ duyên của phát nguyện thì quá trình này sẽ trở nên rất khó khăn. Nếu không có động lực, nếu chúng ta chỉ uể oải thụ động để mặc mọi việc diễn ra theo cơn gió nghiệp thì cuộc sống này sẽ sớm trôi qua một cách vô cùng luống uổng. Trong khi đó, việc thực hiện những nghiệp tiêu cực lại là điều gì đó rất dễ thực hiện, thực sự dễ dàng và với những kết quả gần như tức thời.

Những việc như trò chuyện một cách tiêu cực, suy nghĩ một cách tiêu cực, ăn uống một cách tiêu cực là những điều tự nhiên chúng ta có thể làm mà không cần cố gắng. Lấy ví dụ như việc hầu hết chúng ta đều muốn ăn nhiều đồ ăn có hại. “Có hại” ở đây có nghĩa là “tiêu cực”. Nếu đồ ăn đó không có hại cho cơ thể, nó có thể có hại cho đời sống tâm linh, hoặc nếu không phương hại đến đời sống tâm linh, nó có thể có hại cho thể chất. Nói chung, dường như những đồ ăn, đồ uống của chúng ta và những điều chúng ta nói đến và suy nghĩ đến đều có sự tiêu cực. Kiểu tiêu cực này diễn ra gần như tức khắc. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở phần trước, việc thực hiện những điều tích cực là việc làm rất khó khăn. Các bạn cần phải được khích lệ sách tấn để có thể bắt đầu chuyển hóa mình qua việc thực hiện những thiện nghiệp. Sự khích lệ này được gọi là thệ nguyện, và giới hạnh. Tôi cho rằng, những điều này rất quan trọng để các bạn có thể thực hành tu tập tâm linh.

Con đường của chư Bồ tát

Tâm nguyện mà chúng ta đang nói đến nằm trong phạm vi của “Tứ vô lượng tâm”. Tứ vô lượng tâm là những suy nghĩ chúng ta cần có trong tâm chúng ta và trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cần luôn suy nghĩ và thực hành, tu tập theo con đường mà chư Bồ tát đã phát nguyện đi theo và thực hiện. Con đường của chư Bồ tát khởi đầu bằng bài cầu nguyện Tứ vô lượng tâm như sau:
Nguyện chúng sinh đắc nhân an lạc
Sống an vui từng chớp sát na.
Nguyện chúng sinh muôn khổ lìa xa
Thoát vòng tục lụy phiền hà thế gian.
Nguyện chúng sinh dứt khổ hân hoan
Vô lượng hỷ lạc từ quang sáng ngời
Nguyện chúng sinh an trụ không rời
Trong bình đẳng xả muôn đời vô ưu.




Đây là những suy nghĩ hay còn gọi là tâm nguyện chúng ta cần nghĩ đến và thực hành trên bước đường tu tập.

Những lời phát nguyện trên nói: “Nguyện chúng sinh...”, nhưng khi chúng ta nguyện: “Nguyện chúng sinh đắc nhân an lạc” thì cùng lúc chúng ta phải thực hành tâm nguyện đó. Khi những lời nguyện này được viết ra, nghe có vẻ như đó chỉ là một nguyện ước chứ chưa phải là một cam kết thực hành. Tuy nhiên, cùng lúc phát nguyện, chúng ta thực sự cần phải cam kết làm mọi việc với động lực mạnh mẽ được nâng đỡ bởi đại nguyện này để biến những những tâm nguyện của chúng ta trở thành hiện thực. Chúng ta phải có sự cam kết thực hành, phải thực sự phát nguyện thực hành. Ví dụ như, khi chúng ta nói: “Nguyện chúng sinh…” thì cùng lúc chúng ta phải nguyện rằng: “Tôi sẽ biến điều này thành hiện thực, tôi sẽ giải thoát mọi chúng sinh khỏi khổ đau và cội rễ của khổ đau, tôi sẽ đem lại an lạc, hạnh phúc, tôi sẽ thấy hạnh phúc khi làm cho người khác hạnh phúc.” Do đó, “tôi sẽ” là một dạng cam kết. Nếu muốn, bạn có thể nói đây là một dạng thệ nguyện bạn đang đưa ra. Việc nghĩ về điều này theo cách như vậy chẳng có gì là sai trái cả. Điều đó không phương hại và cũng không gây ra khổ đau gì, cũng như không làm chúng ta rối trí hay bất cứ điều gì mang tính tiêu cực. Bạn có thể lặp lại lời thệ nguyện này bao nhiêu lần tùy thích. Việc đó không có gì là sai trái. Những lời thệ nguyện này cần được phát nguyện càng nhiều càng tốt, qua đó, những lời phát nguyện sẽ tự động nuôi dưỡng, thúc đẩy bạn trên con đường thực hành tâm linh.

Tứ vô lượng tâm có ba khía cạnh hoặc còn gọi là ba cách thực hành. Ví dụ như trong Kim Cương thừa chúng tôi nói: “sem chen tham ched de wa dang de wei gyu dang den par gyur chig,” và cùng lúc đó nói: “de wa dang den nang chi ma rung,” và sau đó nói “den par ja’o.” Mặc dù những câu này thường được nói, song chúng không được đưa vào các văn bản. Trong các văn bản thường chỉ có: “den par gyur chig”, có nghĩa là ‘Nguyện cho mọi chúng sinh’. Tuy nhiên, trong thực tế có ba khía cạnh đối với việc thực hành cụ thể này. Ví dụ:
Sem chen tham ched de wa dang de wei gyu dang den par gyur chig,
Sem chen tham ched de wa dang den nang chi ma rung, và
Sem chen tham ched de wa dang den par ja’o.

Dòng đầu tiên là lời cầu chúc và dòng thứ hai là một tâm nguyện mạnh mẽ hơn, là tâm nguyện kết hợp với tâm khát khao giác ngộ. Dòng thứ ba là một lời cam kết hay phát nguyện biến điều đó thành hiện thực.



Việc cầu mong hết thảy chúng sinh được hạnh phúc là căn duyên của tâm khao khát giác ngộ. Trong khi việc phát nguyện là điều tốt, chỉ có phát nguyện không thì vẫn chưa đủ. Lời nguyện của bạn phải được sự hỗ trợ nâng đỡ của tâm khao khát tìm cầu giác ngộ. Tâm khao khát giác ngộ khởi phát khi chúng ta có những mong ước tốt đẹp cho hết thảy chúng sinh. Điều này phải xuất phát từ thái độ vô ngã (không vị kỷ). Thái độ vị kỷ là trở ngại lớn nhất đối với Bồ đề tâm, đối với lòng yêu thương và từ bi đích thực mà bạn có thể chia sẻ cho khắp thảy mọi chúng sinh. Bạn không thể có được tâm khao khát giác ngộ trừ khi bạn có thái độ không vị kỷ. Nếu không, như những gì chúng ta giờ đang trải nghiệm, chúng ta sẽ không thể chia sẻ tình yêu thương đích thực tới bất cứ chúng sinh nào khác. Đương nhiên là chúng ta có tình yêu thương thể xác và chúng ta có kiểu tình yêu cảm tính mà chúng ta có thể chia sẻ với một số người. Song đó không phải là tình yêu thương mà chúng ta đang nói đến. Tình yêu thương mà chúng ta nói đến là một tình yêu thương vô điều kiện, hoàn toàn vì lợi ích của người khác và không hề liên quan đến lợi ích cá nhân mình. Động lực này đủ để hướng những hoạt động của các bạn theo con đường đúng đắn để thực hành tu tập tâm linh.

Bạn cần có động lực hướng đến giác ngộ

Tâm nguyện đạt giác ngộ rất quan trọng trong việc hỗ trợ cho sự thực hành tu tập của các bạn cũng như thực hành tu tập Bồ đề tâm, là sự thực hành về bố thí, trì giới, thiền định và trí tuệ… Tất cả các thực hành Bồ tát đều có liên hệ chặt chẽ với tâm nguyện đạt giác ngộ. Điều này khá dễ hiểu bởi nếu bạn không có tâm nguyện đạt giác ngộ, bạn sẽ không có động lực để hướng đến giác ngộ. Bạn cần phải cân nhắc, quán xét kỹ lưỡng bởi chúng ta đang thực hành để đạt được giác ngộ, nếu không thì tại sao giờ này chúng ta lại có mặt ở đây? Các bạn có thể tận hưởng một kỳ nghỉ thú vị ở miền Nam trong tiết trời ấm áp, thú vị hơn rất nhiều thay vì phải ngồi đây để lắng nghe những gì tôi đàm luận. Việc ở đây sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không có tâm nguyện đạt giác ngộ hoặc ít nhất là có nguồn cảm hứng đó. Có thể, chúng ta không nhất thiết phải có tâm nguyện đạt giác ngộ, nhưng phải có chút cảm hứng hoặc động cơ tương tự, nếu không bạn đã không đến đây, tất cả chúng ta đã không có mặt ở đây.

Tất cả chúng ta ở đây là để truyền cảm hứng cho nhau và để truyền cảm hứng cho tâm của chúng ta đạt đến giác ngộ. Đó là mục tiêu chính, nếu không có mục tiêu này, chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu. Tâm cảm hứng hướng đến giác ngộ cần phải được thực hành trong bất cứ hoạt động nào. Điều này rất quan trọng không chỉ khi bố thí, trì giới, thiền định, trì tụng chân ngôn mà trong tất cả thực hành. Mọi thứ đều phụ thuộc vào tâm nguyện đạt giác ngộ. Việc thực hành của bạn có đúng pháp hay không, có đạt được kết quả hay không đều phụ thuộc vào tâm nguyện đạt giác ngộ. Ví dụ, sở dĩ chúng ta gặp khó khăn trong việc thực hành trì tụng, thiền định, bố thí, cúng dàng, trì giới, đều do thiếu tâm nguyện đạt giác ngộ. Đó là nguyên nhân chính khiến chúng ta không thể thực hành.



Dĩ nhiên là chúng ta có rất nhiều lý do. Lấy ví dụ như, hầu hết mọi người trong chúng ta đều cho rằng mình không có đủ thời gian để thực hành tu tập, tức là đổ lỗi cho thời gian. Hoặc là chúng ta có nhiều trách nhiệm đối với gia đình, tức là đổ lỗi cho gia đình. Đó là lý do vì sao chúng ta không thực hành tu tập được. Nhiều khi, những bận bịu của công việc cũng là một lý do. Tuy vậy, tất cả các lý do này chủ yếu là do ta thiếu tâm nguyện đạt giác ngộ. Nếu bạn thực sự có tâm nguyện đạt giác ngộ thì chắc chắn không có vấn đề gì. Ngay cả khi đang gặp rất nhiều ràng buộc từ gia đình, công việc…, bạn vẫn sẽ thực hành được giáo pháp và phát triển con đường tâm linh. Nếu bạn xem xét kỹ lưỡng xem vấn đề chủ yếu có phải là do công việc bận rộn hay vì lý do nào khác, bạn sẽ thấy lý do là bạn thiếu tâm nguyện đạt giác ngộ. Vì thế, phát được tâm nguyện đạt giác ngộ là việc tối quan trọng.

Nguồn cảm hứng đối với giáo pháp là điều quan trọng

Để có được điều đó, như tôi đã nói: trước hết chúng ta cần phải có niềm cảm hứng. Ngay lúc này chúng ta đã có, nhưng chúng ta không biết chắc điều gì đang truyền cảm hứng cho chúng ta. Để có được điều này, chúng ta cần biết đâu là nguyên nhân thực sự của nguồn cảm hứng. Một số người nghĩ rằng, những bài giảng của tôi là nguồn cảm hứng. Hoặc họ cho rằng, sự hiện diện của tôi mới là nguồn cảm hứng chứ không phải là những bài giảng. Một số người lại cho rằng, sự hiện diện của tôi thì chưa đủ, nhưng những bài giảng cũng không tồi. Một số người có thể nghĩ rằng, đến đây cũng thấy vui rồi, đó là một nguồn cảm hứng. Dù sao thì, họ cũng đã có nguồn cảm hứng nào đó. Tuy vậy, số đông trong chúng ta chắc chắn không có tâm nguyện đạt giác ngộ, đơn giản là vì chúng ta không biết tâm giác ngộ là gì. Vậy tâm giác ngộ là gì, ở đâu? Tôi nghĩ rất khó chứng đạt được tâm giác ngộ, nhưng tất cả chúng ta đều có chủng tử hoặc có tiềm năng giác ngộ, vì chúng ta đã có được nguồn cảm hứng. Đó chính là nguyên nhân đã dẫn chúng ta tới đây.

Như các giáo pháp thường nhắc tới, có được nguồn cảm hứng đối với giáo pháp là điều quan trọng nhất. Cảm hứng đối với giáo pháp sẽ khơi nguồn cho sự thực hành hàng ngày của các bạn. Rồi chính giáo pháp lại nâng đỡ thúc đẩy sự thực hành. Đây là nền tảng cho việc thành tựu sự thực hành. Thực tế là, những bài pháp đều bắt nguồn từ sự giác ngộ, không phải từ người giáo thọ mà từ sự giác ngộ của người giáo thọ. Sau khi hiểu rằng, giáo pháp của bậc thầy đến từ sự giác ngộ, thì tâm nguyện đạt giác ngộ của bạn sẽ xuất hiện ngay tức khắc, và bạn sẽ có tâm nguyện mạnh mẽ để đạt giác ngộ.

Khi nói về giác ngộ thì không có cái gì gọi là sự giác ngộ của anh ấy, của tôi hay của cô ấy. Thực ra, không có sự khác biệt trong việc giác ngộ. Giác ngộ chỉ là một, thậm chí cũng không phải một, nó ở khắp mọi nơi. Vì thế, chúng ta bước vào “cảnh giới” của giác ngộ bất nhị. Đó là thời điểm mà bạn có thể tự nhận mình là một hành giả. Trước lúc đó, chúng ta có thể vẫn thực hành, nhưng chỉ thực hành một cách tương đối, chúng ta chưa thực sự tiếp cận, xúc chạm hay chứng đạt được trạng thái chân thực của thực hành.



Khi bạn có tâm nguyện đạt giác ngộ, thì lòng từ bi cũng cùng lúc nhậm vận xuất hiện. Tất cả những ai chưa nhận ra được bản chất của tâm hay bản chất của giác ngộ, tất cả những ai chưa thể tự khuyến tấn bản thân bằng nguồn cảm hứng từ giác ngộ đều là những đối tượng của lòng từ bi. Lòng từ bi này gần như ngay lập tức xuất hiện. Ví dụ như, tất cả chúng ta đều đã chịu đói trong nhiều tiếng đồng hồ liền, không có bất cứ thứ gì để ăn nên ai ai cũng cảm thấy vô cùng khổ sở. Nhưng rồi thì bằng cách nào đó, tôi có thể có một bữa ăn ngon và tôi sẽ không còn cảm thấy khổ sở vì bị cơn đói hành hạ nữa. Khi ấy, một cách tự nhiên tôi sẽ cảm thông và lòng bi mẫn nhậm vận phát khởi với những ai vẫn còn đang đói khổ, vì chỉ cách đó vài giờ hay vài phút thôi, chính tôi cũng đang rất khổ sở bởi sự hành hạ của những thứ này. Giờ đây, tất cả những người này vẫn đang phải chịu đựng sự khổ sở dày vò, cũng chỉ vì họ không có đồ ăn, nhưng tôi thì đã có được một bữa ăn ngon miệng. Tôi không còn thấy khổ sở nữa, song họ vẫn còn phải chịu khổ đau. Vì vậy, gần như ngay tức khắc, tôi cảm thông sâu sắc với những người còn lại.
(còn tiếp)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,120,622
Số người trực tuyến: