Học theo hạnh nguyện hồi hướng công đức của bậc Đại Bồ tát | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Học theo hạnh nguyện hồi hướng công đức của bậc Đại Bồ tát

1492
06/05/2022 - 19:11

Đức Phật đã từng nói, nếu chỉ cầu nguyện cho mình thì công đức bé bằng hạt cải nhưng nếu cầu nguyện hồi hướng cho tất cả chúng sinh công đức ấy lớn bằng đại điện. Điều bí mật cho sự thực hành Bồ Đề Tâm của bậc Đại Bồ Tát là nếu chúng ta biết hồi hướng, chia sẻ công đức chúng ta đã tích lũy được cho hết thảy chúng sinh thì công đức ấy sẽ quay trở lại sinh gấp bội.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Thập Hồi hướng, Kim Cương Tràng Bồ Tát phát nguyện tu vô lượng thiện căn để có thể lợi ích tất cả chúng sinh, lìa hẳn vô lượng khổ não trong ác đạo Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, đưa đến bến bờ giác ngộ.

Hồi hướng lợi ích bình đẳng chúng hữu tình

Đại Bồ Tát lúc trồng thiện căn, đem thiện căn của mình hồi hướng như vầy: “Tôi sẽ làm nhà cho tất cả chúng sinh để họ khỏi tất cả sự khổ; tôi sẽ làm chỗ cứu hộ của tất cả chúng sinh khiến họ đều được giải thoát phiền não; tôi sẽ làm chỗ quy y của tất cả chúng sinh khiến họ đều được lìa sự bố úy; tôi sẽ làm chỗ xu hướng của tất cả chúng sinh khiến họ được đến nơi Nhất thiết trí; tôi sẽ làm chỗ an ổn cho tất cả chúng sinh khiến họ được chỗ an ổn rốt ráo; tôi sẽ làm ánh sáng cho tất cả chúng sinh khiến họ được trí quang diệt si ám; tôi sẽ làm ngọn đuốc cho tất cả chúng sinh để phá tất cả tối vô minh cho họ; tôi sẽ làm đèn cho tất cả chúng sinh khiến họ an trụ nơi rốt ráo thanh tịnh; tôi sẽ là Ðạo Sư cho tất cả chúng sinh dẫn dắt họ vào pháp chân thệt; tôi sẽ làm đại Ðạo Sư của tất cả chúng sinh ban cho họ trí huệ lớn vô ngại”.

Ðại Bồ Tát lợi ích hướng cho hàng chẳng phải thân hữu đồng như đối với hàng thân hữu của mình. Vì đại Bồ Tát đã nhập tính bình đẳng của tất cả pháp, với các chúng sinh không có một quan niệm là chẳng phải thân hữu. Giả sử có chúng sinh nào đem lòng oán hại Bồ Tát, Bồ Tát này cũng vẫn thương mến họ trọn không hờn giận.

Bồ Tát này làm thiện tri thức cho khắp tất cả chúng sinh, đem chính pháp diễn thuyết khiến họ tu tập. Ví như biển cả, tất cả chất độc, không làm biến hoại được. Tất cả kẻ ngu mông vô trí, vô ân, sân độc, kiêu mạn, mê tối không biết pháp lành, những kẻ ác này đủ cách làm bức hại vẫn không làm động loạn tâm Bồ Tát này được.

Ví như mặt nhật hiện ra thế gian, chẳng do vì kẻ sinh manh kia mà lại ẩn đi không sáng. Lại cũng chẳng vì sương mù, tay A Tu La, cây Diêm phù đề, gộp cao, hang sâu, bụi khói mây mù che chướng mà ẩn đi không sáng. Lại cũng chẳng vì thời tiết biến đổ mà ẩn đi không sáng.

Ðại Bồ Tát cũng như vậy. Có phước đức lớn, tâm sâu rộng chính niệm quán sát không thối khuất. Vì muốn rốt ráo công đức trí tuệ nên đối với pháp thắng thượng lập chí nguyện pháp quang chiếu khắp thấy tất cả nghĩa, nơi các pháp môn trí huệ tự tại, thường vì lợi ích chúng sinh mà tu pháp lành, chẳng bao giờ lầm sinh lòng tổn hại chúng sinh. Chẳng vì chúng sinh tệ ác tà kiến khó điều phục mà rời bỏ chẳng tu hồi hướng. Chỉ dùng giáp trụ đại nguyện để tự trang nghiêm, luôn cứu hộ chúng sinh không thối chuyển. Chẳng vì chúng sinh vô ơn mà thoái Bồ Tát hạnh, bỏ Bồ đề đạo, chẳng vì ở chung với kẻ phàm ngu mà lìa bỏ tất cả thiện căn như thiệt, chẳng vì chúng sinh thường sinh lỗi ác khó nhẫn thọ được mà sinh lòng nhàm mỏi. Như mặt nhật kia chẳng vì có một sự nào che chướng mà lại ẩn đi không chiếu sáng.

Ðại Bồ Tát quán sát các thiện căn như vậy, tín tâm thanh tịnh, đại bi kiên cố, dùng thâm tâm, hoan hỷ tâm, thanh tịnh tâm, tối thắng tâm, nhu nhuyến tâm, từ bi tâm, lân mẫn tâm, nhiếp hộ tâm, lợi ích tâm, An Lạc tâm, mà khắp vì chúng sinh hồi hướng chân thiệt, chẳng phải chỉ là lời suông.

Ðại Bồ Tát lúc đem các thiện căn hồi hướng tự nghĩ rằng: “Do thiện căn của tôi đây, nguyện tất cả loài, tất cả chúng sinh đều được thanh tịnh, công đức viên mãn, chẳng bị trở ngại hư hoại, không cùng tận, thường được tôn trọng chính niệm chẳng quên, được trí tuệ quyết định, đủ vô lượng trí, thân, khẩu, ý ba nghiệp tất cả công đức viên mãn trang nghiêm”.

Đón nhận khổ đau thay chúng sinh

Ðại Bồ Tát thấy các chúng sinh gây tạo ác nghiệp, chịu nhiều khổ, do nghiệp chướng mà không thấy được Phật, chẳng được nghe pháp, chẳng biết Tăng, Bồ Tát bèn nghĩ rằng: “Tôi sẽ ở trong các ác đạo kia, thay thế các chúng sinh chịu các sự khổ, khiến họ được giải thoát”.

Lúc Bồ Tát chịu khổ thế chúng sinh như vậy càng tinh tấn hơn, chẳng bỏ chẳng tránh, chẳng kinh chẳng sợ, không nhàm mỏi. Vì đúng như bản nguyện: Quyết muốn đảm nhiệm chúng sinh khiến họ được giải thoát. Bồ Tát nghĩ rằng: “Tất cả chúng sinh ở trong chỗ sinh, già, bệnh, chết các khổ nạn, theo nghiệp mà lưu chuyển, tà kiến vô trí mất các pháp lành, tôi phải cứu họ, cho họ được xuất ly”.

Lại các chúng sinh bị lưới ái vấn, lọng si che, mà nhiễm trước cõi hữu lậu theo mãi không rời bỏ, vào trong lồng củi khổ não, thực hành nghiệp ma, phước trí đều hết thường ôm lòng nghi hoặc, chẳng thấy chỗ an ổn, chẳng biết đạo xuất ly, ở trong sinh tử luân hồi mãi, luôn bị ngập chìm trong khổ bùn lầy.

Bồ Tát thấy chúng sinh như vậy nên khởi tâm đại bi, tâm lợi ích, muốn làm cho chúng sinh đều được giải thoát nên đem tất cả thiện căn hồi hướng, dùng tâm quảng đại hồi hướng, như chỗ tu hành của tam thế Bồ Tát hồi hướng, như lời dạy trong kinh Ðại Hồi Hướng mà hồi hướng. Nguyện các chúng sinh đều khắp được thanh tịnh, rốt ráo thành tựu Nhất thiết chủng trí.

Hồi hướng giải thoát chúng sinh khỏi sinh tử luân hồi

Bồ Tát lại nghĩ rằng: Chỗ tu hành của tôi, muốn làm cho chúng sinh đều được thành bậc trí huệ vô thượng. Tôi chẳng vì tự thân mà cầu giải thoát, chỉ vì cứu tế tất cả chúng sinh, khiến họ đều được Nhất thiết trí, qua khỏi vòng sinh tử thoát tất cả khổ.

Bồ Tát lại nghĩ rằng: “Tôi sẽ vì khắp tất cả chúng sinh chịu đủ sự khổ, khiến họ ra khỏi hố sinh tử khổ. Tôi vì khắp tất cả chúng sinh mà tận vị lai kiếp chịu tất cả khổ trong các đạo nơi tất cả thế giới, nhưng vẫn luôn vì chúng sinh mà tu thiện căn. Tôi thà riêng mình chịu mọi sự khổ, đem thân chuộc tất cả ác đạo chúng sinh khiến họ được giải thoát, chứ chẳng để chúng sinh đọa nơi Ðịa ngục, Súc sinh, Ngạ quỷ, Diêm La Vương các ác đạo”.

Bồ Tát lại nghĩ rằng: Tôi sẽ vì tất cả chúng sinh mà làm Ðiều Ngự Sự làm chủ binh thần, cầm đuốc đại trí, chỉ đường an ổn khiến họ lìa hiểm nạn, dùng thiện phương tiện khiến họ biết thiệt nghĩa. Nơi biển sinh tử làm thuyền trưởng khéo giỏi đủ trí đưa các chúng sinh đến bờ kia.

Bồ Tát lại nghĩ rằng: Tôi nguyện bảo hộ tất cả chúng sinh trọn chẳng rời bỏ. Ðây là lời nguyện thành thật không hư vọng. Tại sao vậy? Tôi vì cứu độ tất cả chúng sinh mà phát Bồ đề tâm, chứ chẳng phải vì tự thân mà cầu đạo Vô thượng. Cũng chẳng phải vì cầu hưởng phước lạc trong ba cõi mà tôi tu Bồ đề hạnh. Tại sao vậy? Vì phước lạc thế gian không gì chẳng phải là khổ, là cảnh giới ma, Chư Phật luôn quở trách, chỉ có kẻ ngu mới tham trước, tất cả khổ hoạn đều nhân đó mà có. Những ác đạo Ðịa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, chỗ Diêm La Vương, giận thù kiện cáo hủy nhục nhau v.v… đều do tham trước ngũ dục mà gây nên. Kẻ tham ngũ dục thời xa lìa Chư Phật, chướng ngại sinh lên cõi trời, huống là được Vô thượng Bồ đề.

Bồ Tát quán sát thế gian như vậy, vì tham chút ít dục lạc mà bị vô lượng sự khổ, nên trọn chẳng vì cảnh ngũ dục mà cầu Bồ đề Bồ Tát hạnh, chỉ vì An Lạc tất cả chúng sinh mà phát tâm tu tập thành tựu viên mãn đại nguyện, cắt đứt những dây khổ của chúng sinh khiến họ được giải thoát.

(Lược trích: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh – Phẩm thứ Hai mươi lăm

Hán Dịch: Ðại Sư Thật Xoa Nan Ðà

Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,430
Số người trực tuyến: