Bạn đang ở đây
Nhắc nhở về giới hạnh
404
28/10/2009 - 00:00
NHẮC NHỞ VỀ GIỚI HẠNH
(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
Trước hết, các bạn cần phải luôn giữ chính niệm rằng Giới hạnh này không phải là một tiêu chuẩn để bạn đánh giá những người khác, mà cần được áp dụng vào chính sự thực hành và tự kiểm điểm bản thân bạn. Bạn cần thường xuyên suy xét, quán chiếu lại xem mình có vi phạm Giới hạnh nào trong đó hay không. Thứ hai, cho dù bạn là một hành giả hay một tình nguyện viên, cho dù bạn có cúng dường rất nhiều thời gian hay vố số tài vật, thì việc trì giữ lục hòa với Tăng đoàn, trì giữ sự hòa hợp trong gia đình và trong công việc, hay kể cả đối với bạn bè vẫn là điều vô cùng quan trọng.
Tất cả chúng ta cùng đến với sự thực hành tâm linh bởi chúng ta muốn trở thành người hoàn thiện hơn, thân thiện hơn và dễ mến hơn. Một số đạo hữu và đệ tử của tôi chia sẻ với tôi rằng “Con chỉ có thể là chính con, mọi người sẽ phải chấp nhận con người con như vậy”. Tôi hoàn toàn có thể thấu hiểu được cách suy nghĩ này. Tôi không thể nói rằng điều đó đúng hay sai, mỗi người đều được tự do lựa chọn cách sống của mình cũng như cách họ đối xử với những người khác. Song điều quan trọng là bạn cần phải suy xét lại bản thân, xem mình có hoàn thiện hơn sau khi đã trở thành một hành giả tu tập tâm linh hay không. Thí dụ như sau khi đã theo học một bậc Thượng sư, bạn thực hành theo những lời chỉ dạy của Ngài không? Cho dù bạn có không được hòa hợp với một số thành viên trong Tăng đoàn, liệu bạn có thể dẹp bỏ những lời chỉ trích phê phán do bản ngã của bạn phóng chiếu và phát sinh ra không? Bạn đã cảm tạ, tri ân những gì mà họ đã đóng góp, cho dù là việc nhỏ hay việc lớn? Bạn đã trở thành một người dễ mến hơn không?
Sau khi đọc lại Uy nghi Giới hạnh trong Phật pháp, tôi cảm thấy vô cùng tự hào vì mình đã có thể viết ra được điều này từ cách đây hơn 8 năm. Song tôi cũng cười và tự nhủ, “liệu có bao nhiêu người trong số những đạo hữu và đệ tử của tôi đã nghiêm cẩn, chuyên cần và tuân thủ những phẩm Giới hạnh này?. Bao nhiêu người trong số họ đã tuân thủ một cách tự nguyện và hoan hỷ? Bao nhiêu người đã dùng Giới hạnh để đánh giá những người xung quanh?
Một trong những giáo lý căn bản nhất của Đức Phật là “chính ngữ”. Những lời nói thực sự có thể sát hại mạng người và có thể thiêu rụi công đức của bạn. Nếu như bạn nghe thấy những bình phẩm tiêu cực nhằm vào người khác, bạn không nên mù quáng tin theo, hoặc ít nhất bạn cũng phải tự nhủ rằng mỗi người đều có phẩm hạnh và khiếm khuyết, cũng như chính mình vậy. Cũng giống như bạn không hề muốn những người khác nhận định sai lệch về mình, bạn cũng không nên có những nhận địch sai lệch về người khác. Nghiệp luôn có mắt, sẽ theo bạn ở khắp mọi nơi và không có cách nào trốn tránh được nghiệp. Những người mang tới khổ đau cho người khác thì chính họ cũng sẽ không bao giờ được hạnh phúc. Các bậc thầy tâm linh như chúng tôi du hóa khắp nơi để chỉ dạy cho các bạn về những điều cần được hoàn thiện và những điều nên xả bỏ, song chính các bạn sẽ lựa chọn và quyết định rằng các bạn có muốn nghe theo hay không, các bạn có muốn thực hành theo hay không. Như tôi đã nói trong một lần gần đây, không phải chỉ có môi trường bên ngoài cần được làm sạch, mà cả môi trường nội tâm của bạn tức là tâm thức và môi trường bí mật của bạn tức là Tam Muội Da cũng cần phải được tịnh hóa rất nhanh chóng và rất đẹp đẽ. Tôi vô cùng hoan hỷ khi nói rằng đa số các đạo hữu và đệ tử của tôi đều mong muốn trở thành người hoàn thiện hơn và hạnh phúc hơn, vì vậy tôi mong nguyện sẽ được chứng kiến những bước tiến bộ vượt bậc. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng mỗi người đều đang cố gắng hết sức để trưởng dưỡng thân tâm và mọi thứ sẽ trở nên hoàn thiện hơn!
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và các Rinpoche trong một chuyến hành hương Pad Yatra)
Phần Giới hạnh mà tôi đã viết sẽ được nêu lại bên dưới đây, tôi có một niềm tin vững chắc rằng tất cả đạo hữu và đệ tử của tôi sẽ đều hoan hỷ thực hành đặc biệt là những khi có chúng hội vân tập:
01. Từ bỏ những việc làm hại người khác hoặc những ý nghĩ tổn hại người khác dẫn tới ác hạnh. Đây là pháp thực hành của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Pháp tu tập này là nền tảng của tất cả các thừa.
02. Luôn học cách giúp đỡ mọi người và không ngừng tu tập, trưởng dưỡng Bồ đề ttâm quý giá của bạn vì pháp tu trì chính này là con đường chung của Đại thừa. Đây là cốt tủy để thực hành viên mãn bất kỳ một Pháp nào và tiêu trừ si ám trên con đường đạo. Điều tối quan trọng là thiện nam tín nữ, từ trẻ đến già, những người đã phát nguyện thực hành Phật pháp và được tạo nguồn cảm hứng từ chính niệm, phải tinh tiến thực hành hai pháp trên và không được sao nhãng bởi những hoạt động thế tục ích kỷ và vô nghĩa. Điều trọng yếu để tu tập tối thượng đạo đầy ý nghĩa nhiệm màu là phải có động cơ thanh tịnh và hành động chân chính.
03. Dựa trên nền tảng sự hiểu biết chân thực của mình, bạn phải bày tỏ sự thân thiện, tình yêu thương và sự tôn kính lên bậc Thượng sư - người dìu dắt hướng đạo mang lại cho cuộc đời bạn trở nên đầy ý vị giải thoát, cũng như đối với Phật tử, Tăng đoàn là những thiện tri thức đã ủng hộ, nâng đỡ bạn tu tập thực hành Phật pháp. Thượng sư Tôn quý, người khai thị tự tính tâm cho bạn thông qua con đường đạo giải thoát thông thường và siêu việt trong truyền thống Kim cương thừa, Ngài chính là Pháp thân Dharmakaya hiện thân trong hình tướng loài người để hướng đạo dẫn dắt chúng ta tới bến bờ giải thoát. Ngài đã dìu dắt hướng đạo chúng ta theo chính đạo, Ngài từ bi hơn tất cả chư Phật và Bồ Tát. Do đó, điều tối quan trọng cần thấu hiểu rằng, bạn phải luôn nhu hòa nhẫn nhục theo “ba cách” để Ngài hoan hỷ, đó là thực hành tâm linh, thân phụng sự và cúng dường phẩm vật với chí tâm bất thoái. Đây là tinh yếu của tu tập Kim cương thừa.
04. Những hành giả tu tập ở Đạo tràng nên thường xuyên tham gia tu tập thực hành vào buổi sáng và buổi tối, tụng kinh và thực hành thiện hạnh hàng ngày; thực hành những thiện hạnh như thọ Bát Quan Trai giới vào những ngày rằm và mùng một, mùng tám hàng tháng.
05. Đặc biệt là lễ cúng Ganachakra nên được cử hành vào buổi sáng mùng 10 với pháp thực hành Guru Yoga và vào tối ngày 25 với pháp thực hành Dakini.
06. Nói chung, bạn nên chí thành tha thiết, xả thân hành trì với bất kỳ một phương pháp tu chuyển hóa tâm thức nào, đặc biệt là với Bốn Pháp Tu Mở Đầu cho tới khi chứng đạt Giác Ngộ. Nếu nghĩ rằng chỉ thực hành một vài lần Bốn Pháp Tu Mở Đầu đã là đủ thì thực sự là ngộ nhận và sai lầm.
07. Những Pháp hữu tri thức nên yêu thương cảm thông, tận tâm chia sẻ và tương thân tương ái. Những tập khí xấu như cố chấp vào những tà kiến, buông lung thân khẩu như nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói ác khẩu, nói thêu dệt.phải được từ bỏ.
08. Mọi gốc rễ của lầm lỗi là do khẩu nghiệp tạo nên. Do vậy, điều quan trọng phải chính niệm, kiểm soát được khẩu nghiệp.
09. Sự quá thân cận gần gũi với người khác có thể làm kích động ngọn lửa ái kết và hận thù. Bởi vậy, duy trì khoảng cách đúng mực ngay từ ban đầu là rất quan trọng.
10. Cho dù bạn tham gia vào những hoạt động tâm linh hay thế tục thì trước tiên bạn phải soi xét kỹ lưỡng, tường tận động cơ của mình. Ngay cả khi động cơ đó không phải quá tồi nhưng bạn phải xét xem hành động đó có mang lại lợi ích cho người khác hay không. Bạn nên giác tỉnh rằng, việc tham gia vào bất cứ hoạt động nào mà không có sự quán chiếu, suy xét là dấu hiệu của thiếu hiểu biết và si mê.
11. Đừng nên cô phụ tự tính của chính mình với sự ngã mạn dựa trên một chút kiến thức thiển cận. Thay vào đó, bạn nên tri ân phụng sự Thượng sư- người đã soi rọi con đường chính đạo và phụng sự cả những Pháp hữu của mình. Sau khi đã phụng sự được một chút cho Phật pháp, Tôn sư, bằng hữu, Giáo thọ… bạn không nên khoe khoang về những gì bạn đã làm mà nên tùy hỷ khiêm cung.
12. Những người vốn thiếu trí tuệ và trình độ giáo dục hạn chế thì không nên tự ti và mất niềm tin, mà hãy nhiệt thành tham gia vào thiền định hay nhiều những thiện hạnh khác để trưởng dưỡng việc thực hành tâm linh của mình, tuy nhiên phải nhớ rằng, luôn tuân thủ mà không được vi phạm giáo huấn của Căn bản Thượng sư. Nếu những hoạt động như vậy không làm người khác an vui thì thật là đáng tiếc.
13. Khi thấy những Pháp hữu khác có trình độ cao hơn, bạn nên tùy hỷ chứ không được ghen tị. Thậm chí ngay cả khi bạn không có ý muốn ca ngợi người bạn đó một cách cởi mở, thì bạn cũng nên giữ yên lặng và không nên phê bình chỉ trích, điều này là rất quan trọng.
14. Trong mọi hoàn cảnh, bạn nên luôn hồi quang tự kỷ, khắc kỷ khoan tha, trau dồi giới hạnh, hoàn thiện thân tâm. Chính cái ý nghĩ chỉ trích người khác là ngọn lửa để thiêu trụi công đức của chính bạn. Vì vậy hãy từ bỏ nó.
15. Khen mình, chê người là nhân của động cơ chấp thủ bè đẳng và thù hận, nó là trở ngại đối với mục đích chí hướng của Bậc giác ngộ và hoàn toàn trái ngược với việc tu tập chính Pháp. Vì vậy, hãy từ bỏ những khẩu nghiệp như vậy.
16. Nếu một người nào đó buông lung phóng dật trong lời nói thì tốt hơn hết bạn không nên phê bình chỉ trích gì, nếu không thể thực hành tâm linh thì bạn hãy trở lại nơi ở và ngủ một giấc thật sâu.
17. Hãy luôn hồi quang phản chiếu chính mình và tham gia vào các hoạt động Phật pháp. Tư tưởng bạn không nên bị chi phối bởi “Tám Món Bận Tâm Thế Tục” (Bát Phong) và buông lung trong sự lừa dối, xảo trá, ngộ nhận… Đây là điều tối quan trọng.
18. Ngoại trừ những người mà nội chứng của họ về ý niệm Đại từ, Đại bi và Bồ Đề Tâm đã được tán thán bởi một Thượng sư phẩm hạnh thì Pháp nhũ của các Ngài thực sự đem lại giải thoát an lạc cho chúng sinh, còn những Giảng sư chỉ giảng pháp dựa trên sự hiểu biết hạn hẹp theo nghĩa đen thì không những hoàn toàn tổn hại cho chính họ mà còn làm cho những người khác si mê lầm lạc. Một việc làm như thế sẽ gây tổn hại nhiều hơn lợi lạc. Bởi vậy không cần thiết phải vội vàng để có được địa vị hay danh hiệu Khenpo hay Lama.
19. Tóm lại, trong bất cứ sự tu tập Phật pháp nào nên hướng tới mục đích là trau dồi trưởng dưỡng tâm mình. Việc thực hành Pháp với mục đích để có được danh tiếng và sự tôn trọng không phải là việc thực hành chính Pháp mà chỉ dẫn đến quả báo đọa lạc tam đồ. Vì vậy, việc hiểu được chính tà và thực hành chính đạo một cách đúng đắn là đạo của Bậc Hiền Trí.
20. Những Phật tử tu tập ở Đạo tràng nên chấp tác với động cơ thanh tịnh, với tín tâm chí thành dâng hiến, sự chứng minh của Tam Muội Da giới cùng với tâm hỷ lạc.
21. Trong trường hợp thân tâm đau ốm bệnh tật, thì nên xin nghỉ phép một cách đúng cách hoặc về nhà tĩnh dưỡng nghỉ ngơi.
22. Gây ra sự bất an và hiểu lầm giữa những Pháp hữu, Phật tử và Tăng Đoàn, từ trẻ đến già thông qua những lời phù phiếm buông lung thêu dệt, đơn giản chỉ bởi những tâm nguyện của mình chưa được viên mãn sẽ tích lũy vô số ác nghiệp. Do đó, phải tinh tiến nỗ lực từ bỏ những ác hạnh như vậy.
23. Thịt, rượu, thuốc lá, thuốc phiện,…không những trái với mục đích giải thoát của Phật pháp mà còn như một lưỡi kiếm sắc cắt vụn cơ thể của bạn. Bởi vậy, những ai biết trân trọng sự quý giá của thân người hãy nên tự kiềm thúc thân tâm và hạn chế sử dụng chúng.
24. Ngay cả khi bạn chưa thể hoàn toàn bỏ được chúng thì hãy nỗ lực cố gắng không sử dụng chúng trước những hình ảnh, biểu tượng của Phật, Pháp, Tăng trong những chốn thực hành tâm linh, thiền thất v.v…
25. Tóm lại, những người khoác Tăng phục sau khi đã nghe và suy ngẫm về Giới luật thì nên trì giữ, cố gắng nỗ lực từ bỏ những hành động phi pháp; không được tự cao tự đại và phải luôn tàm quý khiêm cung, không nên tranh giành địa vị và danh tiếng.
26. Những hành giả thực hành theo đạo Phật nên từ bỏ mười bất thiện nghiệp và hãy luôn cố gắng kiểm soát thân, khẩu, ý trong mọi thời khắc để cuộc sống vô thường ngắn ngủi này trở nên có ý nghĩa.
Chúng ta có thể tạm kết thúc ở đây. Tôi sẽ sớm chia sẻ với các bạn vài tin tức về đợt điều trị mắt trong một hoặc hai ngày tới.
Thứ ba, ngày 08 tháng 9 năm 2009
Nguồn: drukpa.orgViết bình luận
- 404 reads