Bước chân đi và Thiền định | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bước chân đi và Thiền định

1281
09/04/2023 - 09:19
BƯỚC CHÂN ĐI VÀ THIỀN ĐỊNH

(Trích Khai thị về Nghệ thuật Thiền định của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
Tiếp theo là phần liên quan đến thực hành về thân. Có rất nhiều phương pháp yoga mà bạn có thể tập trung luyện tập và thực hành. Hoặc theo Phật giáo Nguyên thủy và giáo lý chung, bạn có thể đi kinh hành. Bạn cất bước và chú tâm vào bước chân, cố gắng không để những gì diễn ra xung quanh làm động niệm, xao nhãng. Bạn cần tập trung vào nhịp bước chân. Nếu có một căn phòng to rộng, bạn có thể đi lại ở trong phòng. Hoặc bạn có thể đi dạo ở trong vườn và chú niệm vào từng bước chân. Xung quanh bạn có thể nhiều người đang đi lại, cười nói, xe cộ đang chạy trên đường. Nhưng bạn không nên để những hiện tượng đó gây động niệm. Đầu tiên bạn có thể thực tập chú niệm vào một trăm bước đi. Một lần nữa, bạn cũng có thể nhẩm đếm bước chân của mình mà không cần dùng đến máy tính hay tràng hạt.
 
 
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa trong chuyến viếng thăm Việt Nam, năm 2010)

Khi mới thực tập kinh hành trong vài ngày hoặc vài tháng, bạn nên tập bước đi chậm rãi. Sau đó, bạn có thể bước nhanh dần lên. Bạn cũng có thể đi nhanh ngay từ đầu, không vấn đề gì. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn nên bước đi thật chậm rãi. Vì đối với những người mới bắt đầu thực hành, rất khó để họ tập trung chú tâm vào bước chân nếu họ đi nhanh. Bạn không cần phải đi quá chậm, nhưng cần bước thong dong, từ tốn.
Cuối cùng, thay cho lời kết về tất cả các phương pháp thực hành thiền định, tôi xin nhắc lại với bạn rằng bạn có thể thực hành rất dễ dàng nếu bạn phá bỏ được tri kiến sai lầm rằng mọi sự vật, hiện tướng xung quanh cũng như chính bạn đang tồn tại chắc thật. Khi không còn những tri kiến sai lầm như vậy, việc thiền định sẽ viên mãn một cách tự nhiên, nhậm vận. Có thể không hoàn toàn tự nhiên, nhưng bạn sẽ thiền định thành công. Chính vì vậy, một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự trưởng dưỡng tâm xả ly.


Tôi nghĩ nhiều người trong các bạn đang luyện tập yoga, có thể là phương pháp yoga của đạo Hindu, đạo Phật hay các phương pháp yoga khác. Bạn nên tiếp tục luyện tập và kết hợp với sự thực hành thiền định. Các bài tập yoga có sự kết nối với thân vật chất nên có thể hỗ trợ sự trưởng dưỡng định lực. Tôi nghĩ nếu bạn tập yoga, không những chẳng ảnh hưởng gì, mà như vậy càng tốt vì bạn có thể phối hợp với những kỹ thuật tôi chia sẻ hôm nay về thiền định và sự thực hành yoga về thân.
 

(Phong cảnh Tây Thiên nhìn từ cáp treo)

Thông thường, mọi người hay hỏi tôi rằng, làm sao con có thể tập trung thiền định khi trong lòng còn đầy những lo toan, sân giận, buồn phiền hay hối hận ăn năn?. Mọi xúc tình như sân giận, phiền não đều bắt nguồn từ tâm chấp thủ. Đó là những khái niệm của bám chấp và tri kiến sai lầm chứ không phải ngôn ngữ của trí tuệ. Thực chất, bạn chẳng có lý do gì để phiền não hay ân hận. Dù bạn đã từng phạm những lỗi lầm nghiêm trọng, nhưng trong quan kiến thiền định, bạn không nên vác gánh nặng đó trên vai suốt cuộc đời. Bạn cần vứt bỏ gánh nặng đi. Dù lỗi lầm của bạn rất xấu xa, khủng khiếp, nhưng đó là việc đã qua. Bạn sẽ kiểm soát mình để không bao giờ lặp lại sai lầm đó nữa. Điều này giống như bạn tự dựng nên một hàng rào, một ranh giới, rồi bạn để gánh nặng qua một bên và tự tại bước qua, bắt đầu một hành trình mới. Điều này vô cùng quan trọng, bởi sự dằn vặt thực sự là kẻ thù của thiền định. Bạn không thể mang theo gánh nặng đó suốt chặng đường, như vậy thật là thiếu trí tuệ. Tất nhiên, nếu bạn chưa phạm phải sai lầm thì tốt biết mấy, nhưng đã lỡ mắc rồi, mọi việc đã qua, bạn chẳng có cách nào để chuộc lại. Bạn phát nguyện sẽ không bao giờ tái phạm, đó là cách tốt nhất để làm lại một cuộc đời mới mẻ và hạnh phúc. Bạn sẽ hạnh phúc theo nghĩa bạn hoàn toàn có thể định tâm, hoàn toàn có thể tận dụng hết nguồn năng lượng còn lại trong bạn. Có thể bạn chỉ còn sống được mười năm, hai mươi năm, thậm chí chỉ còn một năm nữa,nhưng bạn sẽ sống cuộc đời tươi mới, tràn đầy hạnh phúc. Sao chúng ta không làm như vậy?
Đây chính là bí quyết quan trọng trong nghệ thuật thiền định. 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,115,993
Số người trực tuyến: