Tỉnh thức trong từng khoảnh khắc | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Tỉnh thức trong từng khoảnh khắc

694
05/08/2022 - 13:18
TỈNH THỨC TRONG TỪNG KHOẢNH KHẮC
(Trích Khai thị về Nghệ thuật Thiền định của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Bậc Đại thành tựu giả Milarepa, một Bậc Thiền sư vĩ đại, đã từng nói: “Tâm chứa đựng tất cả, bạn đừng tìm kiếm bất cứ điều gì bên ngoài mà hãy tìm chính nơi tâm”. Lời khai thị này của Ngài khái quát hóa mọi vấn đề về thiền định.

Bất cứ người Phật tử nào cũng ít nhiều hiểu thế nào là “nghiệp”. Nhưng trong số những người mới, có thể vài người còn chưa hiểu rõ về nghiệp. Nói một cách đơn giản, nghiệp có nghĩa là nhân quả. Nhân là những hành động, việc làm của bạn và quả là những hệ lụy kéo theo. Quả chắc chắn sẽ trổ từ "hạt giống'' bạn đã gieo – tức là nhân. Vì vậy, theo quan kiến của đạo Phật, chúng tôi không tin Đức Chúa trời là Đấng sáng tạo. Ở đây, tôi xin nói rõ rằng chúng tôi có tin vào Chúa, nhưng chúng tôi không tin Ngài là Đấng sáng tạo. Chính vì lẽ này, mà chúng ta cần thiền định, bởi đó là sự thực hành để đào luyện tâm. Điều này rất quan trọng, đó chính là nguyên lý căn bản của nghiệp.


 
Khi bàn về nhân, trước hết là hành động của thân tạo nên kết quả. Kế đến là tác động của khẩu nghiệpý nghiệp. Mọi nghiệp do thân, khẩu, ý đều phải được sắp xếp chỉnh chu, trật tự. Quá trình sắp xếp lại hành động của thân, khẩu, ý là thiền định. Chỉ có sự thực hành thiền mới giúp chúng ta định hướng đúng đắn các nghiệp thân, khẩu và ý. Tất nhiên, việc kiểm soát và định hướng nghiệp sẽ phải theo thứ lớp, bắt đầu từ ý, rồi đến khẩu và thân. Trước tiên, chúng ta cần sắp xếp lại trật tự trong tâm mình. Rất nhiều Kinh điển gọi tâm là "vua" của mọi sự tướng. Vua là bậc cai quản đất nước, tương tự như vậy, tâm kiểm soát mọi hoạt động của thân và khẩu. Chúng ta thường vẫn hiểu nhầm thiền định là thực hành về ý. Điều này không sai nhưng chưa phải là cách hiểu toàn vẹn. Thực chất, đây là thực hành liên quan tới cả thân nghiệp và khẩu nghiệp, chứ không chỉ riêng ý nghiệp. 
 
Đương nhiên tâm sẽ chiếm nhiều thời gian hơn so với thực hành về thân và khẩu khi thiền định. Bởi tâm được coi là Vua của mọi sự tướng, đóng vai trò kiểm soát chính. Đây cũng là một trong những lý do khiến thiền định có sự kết nối mạnh mẽ với tâm. Song chúng ta không được quên mất sự thực hành thân nghiệp và khẩu nghiệp, điều này rất quan trọng. Thân hoạt động liên tục và tâm cần phải nương vào thân. Việc kiểm soát chặt chẽ thân nghiệp, chính là sự thực hành theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, là nền tảng không thể thiếu được đối với thực hành thiền định. Tiếp theo là kiểm soát khẩu nghiệp, tức thực hành Báo thân Phật, liên quan đến việc kiểm soát dòng khí trong cơ thể, vốn rất quan trọng vì khí giống như con ngựa hay cỗ xe chở tâm. Nếu cỗ xe chở tâm hoạt động không nhịp nhàng, tâm sẽ bị rối loạn. Chính vì lý do này nên sự thực hành trì giới, kiểm soát thân nghiệp theo giáo lý Nguyên thủy, rất cần được coi trọng.
 

 
Điểm cốt yếu tiếp theo cần hiểu rõ là sự trì giới đối với nghiệp thân, khẩu và ý. Chúng ta cần phải làm quen với sự trì giới, nếu không chúng ta sẽ không thể thiền định. Cần phải dụng tâm để làm quen với sự thực hành tu tập. Ví dụ như sự làm quen của thân vật lý không là gì khác mà chính là do tâm điều khiển. Khẩu cũng cần phải làm quen với sự thực hành, và điều đó cũng phụ thuộc tất cả vào tâm. Theo tôi, có thể có nhiều cách lý giải khác nhau về thiền định, nhưng xét cho cùng, quá trình khiến cho thân, khẩu và ý thuần thục với sự thực hành chính là thiền định. Hay thiền định là quá trình chúng ta làm quen với việc trì giới. Chỉ khi đã thuần thục, bạn mới có thể trì được giới, khi đó bạn mới có thể được trở thành một thiền giả. Lúc này đây khi bạn vẫn chưa hoàn thiện pháp thực hành thiền định, bạn nên hiểu rõ tầm quan trọng của giới luật, bởi dù bạn muốn hay không, trì giới vẫn là điều cốt yếu. Rất nhiều người, kể cả tôi, sẽ không thích nhắc đến giới luật, nếu đó giống như kỷ luật trong quân ngũ, chỉ cho phép bạn làm điều này, không làm điều kia, chấm hết. Chắc chắn tôi cũng không thích kỷ luật theo kiểu quân đội. Nhất định tôi sẽ phản đối, tôi sẽ không theo, cá nhân tôi cho rằng kỷ luật không phải là biện pháp tốt.Tuy nhiên, xét ở góc độ triết học hay thực tiễn, chúng ta lại cần có giới luật. Không có cách nào để bỏ qua, bạn nhất định cần trì giới, không nên tìm cách trốn chạy.
 

 
Trong cuộc sống, có những điều chúng ta không muốn hay không thích như cảm giác khó chịu, đau khổ, cô đơn, v.v… Và những điều mà chúng ta mong cầu là hạnh phúc, sự hài lòng, tiện nghi, an lạc. Nhưng dường như chúng ta luôn thấy mình không nhận được những gì mình muốn mà toàn nhận được những điều mình không mong muốn. Chắc chắn có điều gì đó không ổn đối với mỗi chúng ta. Tuy đó chỉ là sự phóng chiếu của tâm song chúng ta lại tưởng nhầm là thật, trong khi thực chất không phải như vậy. Tâm cũng giống như một chiếc máy chiếu phóng những hình ảnh tiêu cực lên màn hình. Bản thân màn hình không tạo ra những hình ảnh đó. Màn hình có thểhiển thị những hình ảnh tiêu cực và cả những hình ảnh tích cực. Vấn đề nằm ở chỗ chiếc máy chiếu chứ không nằm ở màn hình. Các bạn có thể lắp đĩa CD, thay con chíp trong máy tính hay cài đặt bất cứ chương trình nào để điều khiển máy chiếu. Thoạt nhìn, dường như mọi hình ảnh đều ở màn hình. Tương tự như vậy, khi cho rằng những điều không may luôn đổ xuống đầu mình trong khi những điều chúng ta mong cầu lại không xuất hiện, bạn cần hiểu thực chất đó chính là sự phóng chiếu của tâm. Hơn nữa, hạnh phúc hay bất hạnh cũng chỉ là cách mà các bạn nhìn nhận mọi việc. Vì vậy, bạn cần hiểu tầm quan trọng của việc làm quen với cách tâm mình phóng chiếu mọi thứ. Bạn cần tập phóng chiếu theo ý mình, giống nhưhọc cách sử dụng một cái máy chiếu. Bạn có thể sở hữu một chiếc máy chiếu rất đắt tiền, hiện đại nhưng lại không biết cách sử dụng nó như thế nào cho đúng. Khi đó, bạn cũng phải học để biết cách sử dụng chiếc máy chiếu đó.
 
 
Tâm của các bạn cần phải được làm quen theo cách mà chúng ta muốn, ví dụ cho dù bạn là ai đi chăng nữa, bạn vẫn có thể định hướng được hạnh phúc hay bất hạnh cho chính mình. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào các bạn. Rất nhiều người trong chúng ta hôm nay không phải là Phật tử. Đức Phật Thích Ca từng thuyết giảng rằng cho dù các bạn có là Phật tử hay không, các bạn vẫn có thể tự lựa chọn mình sẽ đi đâu, về đâu. Điều đó phụ thuộc vào các bạn bởi các bạn là vị vua của chính mình, các bạn là Đức Chúa của chính mình, và các bạn tự điều khiển cuộc sống của chính mình. Không có đấng cứu thế nào hay Đức Phật nào sáng tạo ra thế giới thay cho bạn. Chỉ có bạn tạo ra thế giới cho mình. Điều đó hàm nghĩa bạn phải làm quen với tâm mình, với cách thức hoạt động, vận hành của tâm cũng như làm thế nào để điều khiển tâm. Như ví dụ trước của tôi về chiếc máy chiếu, các bạn đã có chiếc máy trong tay, và điều cần làm là các bạn phải biết cách điều khiển nó, phải ấn nút nào và không ấn nút nào. Tâm mỗi người cũng giống như vậy. Ý tôi không phải là các bạn nên coi tâm mình hoàn toàn giống như một chiếc máy chiếu. Tôi chỉ muốn nói đến những khía cạnh tương đồng. Thật sự tôi không muốn dùng khái niệm “điều khiển”. Nhưng đôi khi đó lại là một từ có tác động mạnh mẽ khiến mọi người luôn thích dùng và thích được nghe. Thực tế, dù các bạn có muốn điều khiển tâm hay không, thì bản thân tâm của mỗi người vẫn mang vẻ đẹp vốn có của nó. Chỉ có điều chúng ta cần làm quen với tâm của chính mình. Sự làm quen đó được gọi là thiền định và chính vì vậy mà thiền định có sự kết nối mạnh mẽ với tâm.
 

 
 
Nói về cảm nhận hạnh phúc hay sự thoải mái của thân, có những người không quen sống trong điều kiện nóng bức, họ có thể cảm thấy khó chịu, bức bối, hoặc thậm chí đau khổ khi phải sống dù chỉ một ngày ở một đất nước nhiệt đới. Khi đó, các bạn có thể nói rằng anh ý không quen với khí hậu nhiệt đới. Nhưng nếu các bạn đã quen sống trong điều kiện nóng bức như vậy, bạn vẫn thấy chịu đựng được. Rồi có khi đến một ngày, bạn sẽ thốt lên rằng “Tôi thấy thật thoải mái và dễ chịu khi được sống ở đây, tôi không muốn sống ở xứ lạnh”.  Bởi lúc đó, thân bạn quen với điều kiện sống như vậy, và đó là quá trình thân bạn thích nghi với điều kiện xung quanh. Tuy bạn không gọi đây là sự thực hành thiền định nhưng đó thực chất là thiền định. Cho dù bạn không nhận ra song mỗi giây phút trong cuộc sống đều là thiền định. Tôi thường nói rằng mọi người vẫn luôn thiền định mà không biết. Chính vì thế nên điều quan trọng là sự nhận thức. Các bậc thầy vĩ đại về thiền định từng chỉ dạy chúng ta hãy tỉnh thức trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.
 
 
 
Vì sao điều này lại quan trọng như vậy?. Tại sao các bậc Thầy lại luôn nhắc đến sự nhận thức?. Bởi vì chúng ta cần phải cải thiện và trưởng dưỡng ý thức của mình. Tất nhiên, chúng ta có nhiều thứ cần cải thiện song cũng có nhiều thứ cần bỏ qua. Đây chính lúc chúng ta cần tới giới luật. Đó là lý do vì sao chúng ta phải hiểu về thiền định, vềsự thực hành thuần thục của thân và sự liên quan chặt chẽ với tâm. Khi các bạn nói rằng tôi không quen với việc này, điều đó có nghĩa rằng tâm của tôi không quen với việc đó. Ví dụ khi phải phơi mình dưới nắng nóng, tâm sẽ nói: “Không, tôi không thích như vậy!”. Đó là tâm nói như vậy chứ không phải thân nói. Thân cũng giống như một chiếc bàn vậy, các bạn có thể đem ra ngoài phơi nắng mà không vấn đề gì. Nhưng vì tâm đã nghĩ ngay là “Không được làm như vậy!” nên các bạn không phơi nắng nữa. Tuy nhiên, nếu các bạn đã làm quen với nắng nóng, các bạn có thể nằm phơi nắng hàng giờ liền. Khi đó, tâm sẽ nghĩ “Không vấn đề gì, cứ nằm mà phơi nắng!”. Về cơ bản, quá trình này cuối cùng sẽ lại bắt đầu từ tâm, rồi mới đến thân và khẩu. Tuy nhiên, do quá trình thực hành làm quen liên quan đến thân nên tôi mới nói rằng thiền định là quá trình thực hành của cả thân, khẩu và ý.
 
 
Do vậy, một trong các nguyên tắc thiền định là sự nhận thức bởi nhận thức có khả năng định hướng cho các bạn. Nếu không có sự nhận thức, tâm của các bạn có thể bị cuốn phăng đi bất kỳ đâu. Trong cơ thể mỗi người tồn tại hai loại phong đại, đó là gió nghiệp và gió trí tuệ. Gió nghiệp thường quá mạnh và cuốn trôi theo nghiệp lực. Gió trí tuệ thường yếu hơn do tác động bởi hành động của chúng ta. Thông thường, con người chúng ta thường hành xử rất tiêu cực, suy nghĩ tiêu cực, nói chuyện tiêu cực. Lý do chủ yếu là chúng ta đã quen như vậy nên cứ thế mà theo. Nếu thiền định cũng đi theo hướng đó thì chắc chắn chúng ta sẽ vô cùng khó khăn, vất vả và uổng phí. Điều chúng ta cần bàn cũng với chủ đề thiền định chính là sự nhận thức toàn vẹn. Thiền định cần có sự tỉnh thức, sự tỉnh thức cần được trưởng dưỡng đầy đủ nhờ thiền định. Tại sao điều này quan trọng như vậy? Bởi khi đó, các bạn có thể tùy ý định hướng và lựa chọn cho mình đi bất cứ con đường. Hiện giờ các bạn không được chọn bởi đang bị gió nghiệp cuốn trôi. Các bạn có thể gọi hai loại phong đại là luồng gió tích cực và luồng gió tiêu cực. Luồng gió tiêu cực hay gió nghiệp quá mạnh, mạnh đến nỗi các bạn không có được một chút gió trí tuệ nào.
 

 
Phong đại tương ứng với khẩu (trong thân, khẩu và ý). Chúng tôi vẫn thường nói như vậy. Khẩu nghiệp theo nghĩa thông thường là “nói”. Khi tôi đang phát biểu trên sân khấu này, điều đó có nghĩa là tôi đang sử dụng ngôn ngữ, điệu bộ, cử chỉ. Trong thực hành thiền định, khẩu không chỉ có nghĩa là “nói”. Khẩu liên quan đến luồng khí đang luân chuyển trong các kinh mạch của cơ thể. Với sức mạnh của nhận thức, chúng ta có thể tạo cho mình cơ hội định hướng tâm theo hướng cần đi. Nói cách khác, cầu nối giữa thân và tâm, giữa thế giới vật chất với tâm, là phong đại hay khẩu. Trong Kim Cương thừa, khi nói đến thân, khẩu, ý, chúng ta gọi đó là OM AH HUNG. Đó giống như thuật ngữ riêng của Kim Cương thừa. Trong Đại thừa, chúng ta gọi đó là Báo thân, Hóa thân và Pháp thân. Như vậy, phong đại giúp duy trì sự kết nối của tâm với thế giới bên ngoài. Bởi vậy, chúng ta cần hướng phong đại luân chuyển theo hướng mình muốn.
 

 
Điều này chỉ có thể thực hiện được bởi sức mạnh của nhận thức. Đó cũng chính là lý do vì sao thực hành thiền định rất cần nương vào nhận thức. Nếu các bạn không có đủ sức mạnh của nhận thức trong dòng chảy của tâm thì thật khó để thiền định. Não bộ của các bạn cũng không thể giúp tổ chức cuộc sống của chính các bạn, các bạn cũng không thể đưa cuộc sống của mình vào khuôn khổ. Đó cũng là nguyên nhân vì sao hầu hết chúng ta sống trong thế giới này, kể cả tôi, đều gặp nhiều khó khăn khi phải tuân thủ theo quy tắc, khuôn khổ. Một ví dụ rất nhỏ là bác sĩ vẫn khuyên tôi nên dành 1 đến 2 giờ mỗi ngày tập bơi, nhưng 17 năm nay tôi không hề làm theo. Suốt 17 năm liên tôi không hề bơi, chỉ bởi khi nghĩ đến bơi tôi cảm thấy rất vướng mắc. Tuy là ví dụ rất nhỏ song thật đáng nói, vì chúng ta ai cũng có một vài vấn đề nào đó.
Tôi nghĩ, vấn đề là do chúng ta thiếu sự chuyên cần. Đó là một thước đo vô cùng quan trọng trong sự thực hành trưởng dưỡng Bồ đề tâm. Khi nói đến từ “chuyên cần”, có lẽ mọi người đều hiểu. Hoặc khi chúng ta nói, tôi thiếu sự chuyên cần, các bạn cũng hiểu ý nghĩa về mặt ngôn từ. Nhưng xét về bản chất, điều chúng ta thực sự thiếu trong đầu chính là sự tỉnh thức. Không hẳn do chúng ta không biết kính ngưỡng Thượng sư.
 

 
Thí dụ như tôi, cho dù rất tôn trọng và tin tưởng bác sỹ và các loại thuốc. Nhất là đối với vị bác sỹ riêng của tôi, tôi tuyệt đối tin tưởng và trân trọng, bình thường ông nói gì tôi cũng nghe theo. Vấn đề là tôi không có đủ nhận thức sâu sắc trong đầu, bạn cũng có thể nói tôi không có đủ khả năng thiền định mạnh mẽ, để có thể đưa mình vào khuôn khổ phải thực hiện những lời dặn của bác sĩ. Điều này thực ra rất đơn giản. Chúng ta cần phải hiểu rằng chính thiền định giúp cho chúng ta sống quy củ. Nhưng vì sao chúng ta cần phải sống có quy tắc?. Đó là vì chúng ta mong cầu hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ. Các bạn mong muốn sống hạnh phúc, mong muốn làm được việc có ích cho những người khác và những loài khác. Các bạn không muốn sống khổ đau, sân giận hay thất vọng, phiền não. Mọi tâm nguyện có thể thành hiện thực nếu chúng ta biết trưởng dưỡng sức mạnh của tâm. Sức mạnh của tâm chính là sự nhận thức mà tôi đã nói đến ở trên. Sự nhận thức được phát triển thông qua quá trình làm quen, và giữ cho quá trình đó trong khuôn khổ, trật tự. Đây chính là bí quyết của thiền định!
 

 
Có rất nhiều việc chúng ta cứ làm dù biết rõ có hại cho bản thân. Ví dụ, dù biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng chúng ta vẫn không bỏ được. Dù biết uống rượu có hại cho gan nhưng chúng ta vẫn không thể tránh. Còn rất nhiều việc chúng ta làm gây tổn hại cho cuộc sống của chúng ta không chỉ trong đời này mà trong cả đời sau. Là Phật tử, chúng ta tin là có kiếp sau. Chúng ta cũng hiểu rất rõ về luân hồi. Chúng ta hiểu việc làm nào cho hại cho bản thân và cho mọi người cũng như mọi loài. Chúng ta cũng tin vào nghiệp. Nhưng vấn đề là chúng ta không thể thực hành, như là không thể không hút thuốc, uống rượu, làm hại người khác, nói dối, trộm cắp, v.v… Chúng ta không thể thực hành bởi chúng ta chưa có được khả năng thiền định mạnh mẽ. Như vậy, thiền định không chỉ là việc thực hành để giữ cho tâm mình bình lặng. Người ta vẫn gọi pháp thực hành này là thiền an trụ hay Shinay. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận pháp thực hành thiền định theo nghĩa rộng hơn. Thiền định là sự thực hành trong suốt cả cuộc đời, trong đời sống hàng ngày, chứ không chỉ ngồi nhiều giờ, không làm gì, bình an và tĩnh lặng. Như vậy chẳng khác gì người nghiện ma túy chỉ cần vài giọt thuốc hoặc vài mũi kim chích. Bạn có thể ngồi thoải mái trong vài giờ, thậm chí cả ngày hoặc vài ngày, họ cũng có thể như thế. Thiền như vậy không khác gì người nghiện dùng thuốc. Điều đó hoàn toàn sai lầm. Chúng ta nên coi thiền định chính là phương tiện thiện xảo giúp cải thiện cuộc sống của chính mình. Điều này thực sự quan trọng, đó mới là chính Pháp. Đó mới thực sự là cách lý giải đầy ý nghĩa về thiền.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,123,718
Số người trực tuyến: