Đức Pháp Vương khai thị: Sự giác tỉnh trong Thiền định | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Pháp Vương khai thị: Sự giác tỉnh trong Thiền định

1711
28/08/2022 - 20:17
Khi bàn về thiền, tôi muốn nhắc đến ý nghĩa giác tỉnh trong đó. Giác tỉnh là điều vô cùng cần thiết trong cuộc sống bởi năng lực này sẽ ngay lập tức giúp chúng ta cải thiện và tổ chức cuộc sống. Tôi chia sẻ như vậy dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Tôi bắt đầu thực hành thiền khá thường xuyên từ năm lên 8 hay 9 tuổi, nhờ vậy mà tích lũy được một chút kinh nghiệm. Chỉ với kinh nghiệm ít ỏi như vậy, song tôi cảm thấy có thể tự tại trước hầu hết mọi hoàn cảnh. Tôi hoàn toàn có thể chuyển hóa thế giới này theo hướng tích cực hoặc tiêu cực.
 
 
Ở đây tôi đang đề cập tới thế giới quan của riêng tôi, nghĩa là tôi nắm giữ quyền kiểm soát bản thân mình. Đó quả là điều kỳ diệu. Tôi mong nguyện tất cả các bạn và mọi người trên thế giới đều có được năng lực như vậy, để tự mình kiểm soát, tự mình lựa chọn, tự do tự tại ngay giữa dòng đời. Tôi luôn có tâm nguyện như vậy và tôi xin hồi hướng tất cả công đức, thiện hạnh của mình để tất cả mọi người, mọi chúng sinh trên thế gian đều đạt tới năng lực đó.
 
Theo trải nghiệm của tôi, thực hành thiền đem tới sự giác tỉnh và điều đó thực sự giúp chúng ta làm chủ cuộc sống. Ví dụ, bạn có thể kiểm soát lời nói (thuộc về “khẩu nghiệp”). Khi cảm thấy nóng nảy, sân giận, bạn sẽ gào thét la lối và có thể cho rằng điều này vốn rất tự nhiên. Thực chất thì nó không hoàn toàn hợp lẽ tự nhiên như bạn tưởng.
 
 
Nếu trưởng dưỡng được năng lực thiền cùng với sự tỉnh giác, khi cảm xúc sân giận phát khởi, bạn sẽ không gặp khó khăn khi tạo cho mình một khoảng lặng, khoảng không gian để bình tĩnh suy nghĩ xem mình có nên gào thét, nhiếc móc hay la mắng người khác. Chắc chắn với năng lực thiền, bạn có thể dễ dàng dành cho mình một khoảng dừng để suy ngẫm. Hiện tại, bạn vẫn chưa có khoảng lặng nào giữa thời điểm sân giận phát khởi và hành động phản xạ của bạn. Vì vậy, ngay tức thì, bạn sẽ gào thét, la mắng, khóc lóc. Đó là sự mất kiểm soát khẩu nghiệp. Đồng thời, bạn có thể mất luôn khả năng kiểm soát hành động (thuộc về “thân nghiệp”), bạn sẽ đập bàn, thậm chí đánh người khiến bạn nổi cơn sân, có thể làm bất cứ điều gì một cách rất bộc phát thiếu kiểm soát. Đôi khi, có những người còn mất cả lý trí, làm những việc dại dột như đập đầu vào tường hay tự sát thương. Hành động như vậy thật dại dột vô nghĩa, gây tổn hại đối với toàn bộ thân, khẩu, ý của mình.
 
 
Những điều như vậy xảy ra do bạn thiếu tỉnh thức. Nếu tỉnh thức, ít nhất bạn dừng lại một chút để suy nghĩ, liệu mình có nên gào thét hay không? Nếu gào thét, điều đó có giúp gì cho mình hay không?. Cách hành xử này mới được coi là “sáng suốt”. Một người có thể nổi giận, song không vì thế mà làm những điều dại dột. Nếu thực sự sáng suốt, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những người sáng suốt giống như mình. Những người không sáng suốt sẵn sàng tự sát, hoặc giết người, họ sẵn sàng làm những việc dã man, tàn sát đầy bản năng, họ thật thiếu trí tuệ. Không hẳn bản chất họ là người xấu, chỉ đơn giản vì họ không hề tỉnh thức hay rèn luyện tâm qua thực hành thiền. Họ không có khả năng tạo ra khoảng trống để suy ngẫm.
 
 
Cảm xúc sân giận quá mạnh mẽ sẽ khiến tâm không có một chút khoảng trống nào, từ đó khiến bạn mất kiểm soát, nói hay có những hành vi dại dột. Nếu cứ để mọi việc tiếp diễn mà không có cách kiểm soát, cuộc sống của bạn sẽ ngày càng hỗn độn. Ngày nào bạn cũng sân giận, ngày nào bạn cũng gao thét, la mắng vợ chồng, con cái hay gây sự với hàng xóm, bạn bè. Bạn có thể tạo vô số nghiệp tiêu cực về thân và tâm. Trong hoàn cảnh đó bạn nên làm gì?

Thực hành thiền sẽ giúp bạn sắp xếp lại hành động, lời nói, ý nghĩ và cuộc sống của mình một cách quy củ, hài hòa và bình ổn nhất.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,024,530
Số người trực tuyến: