Bạn đang ở đây
Những Hành giả Truyền thừa Drukpa ở núi Kailash
Những Hành giả Truyền thừa Drukpa ở núi Kailash
Vào thế kỷ thứ VIII, Thượng sư Liên Hoa Sinh Padmasambhava đã tọa thiền ở núi Kailash và hang động nơi Ngài nhập thiền được biết đến với tên gọi Sangag Chophug.
(Đỉnh núi thiêng Kailash)
Vào thế kỷ thứ XI, Đại dịch giả Marpa đã cử đệ tử lừng danh của Ngài là Đức Milarepa tới thiền định ở núi Kailash. Về sau, đệ tử của Đức Milarepa là Đức Gampopa, đã ban huấn thị cho đệ tử là Đức Phagmo Drukpa cần cử các hành giả tới nhập thất tại Tsari, Lachi và núi Kailash, song do nhân duyên chưa hội tụ đủ nên Đức Phagmo Drukpa đã không hoàn thành được theo huấn từ của Đức Gampopa. Mặc dù vậy, Đức Phagmo Drukpa đã giải thích cặn kẽ về tầm quan trọng của việc nhập thiền cũng như của việc cử các đệ tử Đức Drikung Kyobpa Gonpo và Đức Lingchen Repa Pema Dorje tới ba thánh địa này.
Đức Drikung Kyobpa Jigten Gonpo đã cử ba nhóm đệ tử tới nhập thiền tại núi Kailash. Đức Lingchen Repa đã ban huấn thị cho đại đệ tử của Ngài là Đức Gyalwang Drukpa đời thứ I Drogon Tsangpa Gyare tới núi Kailash nhập thiền. Đức Gyalwang Drukpa đã không chỉ thiền định tại Tsari và Lachi, mà còn viếng thăm hầu hết các thánh địa ở xung quanh núi Kailash và hoằng truyền giáo pháp của Truyền thừa Drukpa tại đây. Ngài đã hoá độ được vô số đệ tử nên câu ngạn ngữ truyền lại rằng: “Một nửa số dân là đệ tử của Truyền thừa Drukpa, một nửa số đệ tử Truyền thừa Drukpa là hành giả và một nửa số hành giả là Đại thành tựu giả”, và đã trở thành câu ngạn ngữ rất phổ biến ở đó. Như vậy, các Truyền thừa Drikung và Drukpa đã khởi nguồn cho tập quán đưa các hành giả thực hành thiền định tại núi Kailash và hầu hết các hang động và các am thất quanh vùng núi đều thuộc về hai Truyền thừa tâm linh này.
Nhiễu quanh Kailash và Manasarovar
Truyền thuyết về đỉnh núi Kailash và hồ Manasarovar
Đỉnh núi Kailash và hồ Manasarovar là hai thánh địa duy nhất ở Tây Tạng mà Đức Phật Thích Ca viếng thăm, cùng với đoàn tùy tùng là năm trăm vị A La Hán. Trong lần chuyển Ba bánh xe Pháp, Đức Phật Thích Ca đã từng thuyết giảng rõ ràng về công đức của việc tôn tạo tượng Phật. Sau đó Ngài Indra (Vua của chư Thiên) đã cúng dường nhiều phẩm vật quý báu của cõi Trời. Ngài Ananda (Vua của loài Rắn hay loài Rồng) đã cúng dường những phẩm vật quý báu của loài Rồng và Ngài Bimbisara (Vua của Magadh) đã cúng dường vô số vàng bạc lên Đức Thế Tôn, và thỉnh cầu được phép tạo nên ba pho tượng của Đức Thế Tôn, với hạnh nguyện mang lại lợi ích cho hết thảy chúng hữu tình về sau.
(Một Bảo tháp bên cạnh hồ Manasarovar và núi Kailash)
Theo lời huấn dụ của Đức Thế Tôn, bậc thầy trứ danh trong nghề gốm là Viswakarma đã làm nên ba pho tượng Phật và được chính Đức Phật Thích Ca ban phúc gia trì. Một pho tượng cao mười lăm bộ được thỉnh về cõi Trời, một pho tượng cao mười bộ được thỉnh về xứ sở của loài rồng và một pho tượng cao hai bộ được tôn thờ ở Magadh để các Phật tử tín tâm có thể tới cúng dường và chiêm bái.
Một hôm, Hộ pháp Mahakala mang pho tượng Phật từ Magadh tới nơi cư ngụ của Ngài tại Hồ Lanka, nằm dưới chân núi Kailash để thực hành cúng dường. Rồi Ngài nghĩ cần phải có một nơi đặc biệt để trì giữ pho tượng linh thiêng tôn quý này và Ngài tìm cách cõng ngọn núi Kailash trên lưng để mang về xứ sở Rồng thiêng tại hồ Lanka.
Đức Phật Thích Ca cùng năm trăm vị A La Hán đã bay từ Bồ đề Đạo Tràng tới núi Kailash và giáng lâm xuống ngọn núi đá có tên gọi Kyil Khor Teng hay “Ganachakra Basin of Arhats”, nằm ở phía trái đối diện với núi Kailash. Đức Phật Thế Tôn đã để lại dấu chân ở cả bốn phía của đỉnh núi Kailash và ngăn không cho Ngài Mahakala dời núi Kailash tới xứ sở của loài Rồng. Bốn dấu chân của Đức Phật được gọi là “Bốn Móng Trụ của núi Kailash”, bởi nhờ những dấu chân này mà Hộ pháp Mahakala không thể mang ngọn núi đi. Rồi Đức Phật an tọa trên hòn đá nằm đối diện với Núi Kailash và thuyết pháp cho loài Rồng sinh sống trong Hồ Manasarovar và Hồ Lanka nghe. Ngày nay, những Phật tử hành hương tới triều bái thánh địa xưng tán hòn đá này là “Bảo Tòa của Đức Phật”.
(Nhiễu quanh đỉnh Kailash)
Núi Kailash là thánh địa duy nhất trên thế giới được sùng bái là thánh địa linh thiêng của các tín chúng theo Phật giáo, Ấn Độ giáo, đạo Giai-na và đạo Bonpo. Đối với những hành giả theo Phật giáo Nguyên thủy, đây là trụ xứ của Sthavira Angaja, nơi vân tập của 1,300 vị A La Hán; và đối với hành giả Kim cương thừa thì đây chính là một Mạn Đà La hay là cung điện của Thắng Lạc Kim Cương Chakrasamvara. Tự tính linh thiêng của núi Kailash và Hồ Manasarovar được nhắc tới trong Kinh điển. Đối với những người theo Ấn Độ giáo, đây là nơi cư trú của Thần Shiva. Núi Kailash cũng được coi là thánh địa của người theo đạo Giai-na vì vị thánh đầu tiên của họ hay còn gọi là Tirthankar, Bhagwan Rishabdevji, đã chứng đạt Moksha (giải thoát) sau khi thiền định tại đây. Đối với đạo Bonpo đây là nơi linh thiêng vì Ngài Miwo Shenrab, người sáng lập ra tín ngưỡng Bonpođã từ thiên đàng giáng lâm xuống nơi này, với họnúi Kailash là “ngọn núi sống” và hồ Manasarovar là “hồ sống” của trái đất.
Bốn con sông lớn của tiểu châu lục Ấn Độ: Karnali (chảy ra các nhánh sông Hằng), Indus, Sutlej và Brahmaputra đều bắt nguồn từ núi Kailash. Độ cao trung bình của vùng này là 4,700 mét so với mực nước biển. Ngọn núi Kailash cao 6,714 mét so với mực nước biển. Nằm ở phía tây núi Kailash là dãy Karakorum, phía bắc là dãy Kunlun, phía đông là dãy Magyal Pomra và phía nam là dãy Himalaya.
Khoảng cách từ hồ Manasarovar tới núi Kailash xấp xỉ 26 km và khoảng cách từ hồ Manasarovar tới Hồ Lanka xấp xỉ 5 kmHồ Manasarovar có đường kính rộng 84 km và thông thường để có thể đi hết một vòng hồ phải mất bốn ngày đường.
Viết bình luận
- 956 reads