9 câu hỏi về doanh nhân và hạnh phúc | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

9 câu hỏi về doanh nhân và hạnh phúc

1625
16/02/2017 - 08:07

(Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa trong buổi tọa đàm "Doanh nhân và Hạnh phúc")

Vừa rồi tôi có tóm lược một chút phương pháp thiền về hình ảnh, âm thanh, cảm xúc cho quý vị làm quen, bây giờ là phần tiếp theo của chương trình, phần Q & A.

Câu hỏi: sáng nay chúng ta tọa đàm với nhau về doanh nhân và hạnh phúc, doanh nhân thì chắc chắn chúng ta đã hiểu rõ nhưng khái niệm về hạnh phúc thì tôi nghĩ là chúng ta ngồi đây mỗi người có khái niệm riêng. Nhiều khi chúng ta cứ nói rằng tôi chưa thành công, hay tôi chưa hạnh phúc…thì ở đây tôi muốn thỉnh hỏi Đức Nhiếp Vương như thế nào là hạnh phúc ?

Trả lời: thông thường con người chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc cũng giống như các thú vui, niềm vui bình thường trong cuộc sống, ví dụ như chúng ta đi shopping, đi chơi cũng là niềm vui, nên điều đó cũng đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Thực ra điều này cũng không làm sao cả nhưng khi chúng ta bám chấp vào những điều đó thì khi đó sự phiền não tức khắc sẽ tới. Nên tôi cho rằng hạnh phúc là sự tự do ở trong nội tâm của mình, không phụ thuộc vào ngoại cảnh bên ngoài. Bản ngã thì thường hay tự marketing một điều gì đó là hay hay là dở, đó là sự phóng chiếu, cũng thế tâm chúng ta cũng tự định nghĩa về hạnh phúc của riêng mình, ngay như loài chó mèo nó cũng có thú vui riêng của nó. Tôi biết một nghệ sỹ người Pháp anh ta có thể chế tác được các tác phẩm nghệ thuật từ những đồ vật rất bình thường. Tâm chúng ta phóng chiếu ra tất cả hạnh phúc của riêng mình. Còn hạnh phúc chân thật là chúng ta vượt lên trên tất cả sự bám chấp đó. Khi chúng ta hiểu rằng hạnh phúc hay khổ đau là sự phóng chiếu của tâm mình, thì khi đó chúng ta sẽ có được sự tự do, bởi hạnh phúc hay khổ đau là sự lựa chọn của chính mình.

Câu hỏi: trong kinh doanh thì thường gắn với cạnh tranh, gắn với sự thắng thua, điều này có vẻ mâu thuẫn với triết lý của đạo Phật. Xin hỏi quan niệm của Ngài về cạnh tranh?

Trả lời: tôi không hiểu biết lắm về kinh doanh nhưng trong kinh doanh có chiến lược Đại dương xanh, ở đó nói rằng chúng ta có thể thành công trong kinh doanh mà không cần phải ganh đua, chà đạp lên người khác, làm tổn hại đến người khác. Cũng vậy Steve Job đã từng nói rằng, chúng ta có thể thành công bằng cách đi theo con đường riêng của mình mà không cần phải đi theo ai hay cạnh tranh với bất kỳ ai cả. Trước đây tôi cũng đã gặp các vị tăng ni ở một ngôi chùa vùng Tây Thiên bàn việc hợp tác để làm sao đem lại lợi lạc cho mọi người. Tôi nghĩ rằng tư duy cạnh tranh trong kinh doanh không hề mâu thuẫn gì với đạo Phật. Cạnh tranh ở đây nên hiểu theo ý nghĩa là tất cả mọi người cùng phấn đấu để làm tốt nhất mọi việc để lợi lạc cho chúng sinh. Ví dụ như hôm nay tôi đã giúp đỡ được cho mười ngàn người thì ngày hôm sao có vị nào khác có thể giúp đỡ nhiều người được lợi lạc hơn. Tôi nghĩ sự cạnh tranh này là cần thiết. Cạnh tranh có thể chỉ là mục tiêu ngắn hạn, còn về lâu dài thì mục đích hướng tới là làm lợi ích cho xã hội, cho thiên nhiên của chúng ta.

Câu hỏi: hiện nay đội ngũ nữ doanh nhân ở Việt Nam rất đông, nếu nữ doanh nhân cứ đặt ra mục tiêu doanh nghiệp của mình phải thành công và gia đình của mình hạnh phúc thì tôi nghĩ điều này mâu thuẫn với nhau. Đối với tôi đã làm doanh nghiệp hơn 30 năm nhưng vì bận bịu công việc kinh doanh nên tôi không có đủ thời gian chăm sóc cho con cái của mình. Vì thế khi nhìn lại tôi cảm thấy đã thành công trong kinh doanh nhưng hạnh phúc khi ở bên và chăm sóc con cái thì chưa đạt được.

Trả lời: có một phương pháp thiền quán về vô thường, tức là chúng ta suy ngẫm về sự vô thường của cuộc sống, mỗi một giây phút trôi qua ngay cơ thể chúng ta cũng đang thay đổi từng giây phút, trong cuộc sống cũng như vậy, chúng ta hiểu rằng tất cả mọi người đều bị chi phối bởi luật vô thường của cuộc sống và chúng ta cần chấp nhận quy luật này. Một tư duy logic thông thường thì chúng ta cũng hiểu rằng không thể vừa hát vừa thổi kèn được, nên chúng ta cũng cần đặt thứ tự ưu tiên và chấp nhận sự thay đổi vô thường của cuộc sống. Vấn đề chúng ta cần biết tận dụng tối đa để phù hợp với hoàn cảnh. Trong cuộc sống gia đình thì tôi nghĩ rằng bất cứ lúc nào có thời gian thì hãy dành thời gian cho gia đình và không cần quá lo lắng về công việc. Còn cách làm nào để có thời gian thì mỗi người thường có cách riêng của mình chứ cũng khó để đưa ra giải pháp chung cho tất cả.

Giống như trước đây có người hỏi tôi so sánh về cuộc sống giữa Bhutan và Mỹ, thì có nhiều người ở Bhutan họ thích cuộc sống ở Mỹ bởi ở đó có McDonald, còn người Mỹ thì lại thích Bhutan bởi ở đó có pho mai, ớt rất ngon. Mỗi đất nước đều có vẻ đẹp riêng mà chúng ta nên biết trân trọng khía cạnh tích cực của cuộc sống thay vì nhìn ở khía cạnh tiêu cực, ở Bhutan chúng tôi không nhảy disco nhưng lại có các vũ điệu kim cương của các Lama. Cuộc sống của doanh nhân rất bận, có ít thời gian dành cho con cái nhưng chúng ta cũng có thể dạy con cái tri ân những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Câu hỏi: Kính thưa Đức Nhiếp Chính Vương, trong kinh doanh khó tránh khỏi việc thất bại, làm thế nào chúng ta có thể đương đầu với thất bại đó?

Trả lời: chúng ta cần hiểu rằng thực ra thất bại cũng chỉ là một khái niệm của bản thân mình mà thôi, chúng ta dù cố nhìn cũng không thấy màu sắc của sự thất bại, mỗi người đều có quan niệm như thế nào về thất bại khác nhau. Có thể thất bại gây cho chúng ta rất nhiều khổ đau nhưng ở một khía cạnh khác thất bại như là kinh nghiệm giúp chúng ta tích lũy thêm trí tuệ, thì khi đó thất bại lại trở thành người thầy của mình. Khi chúng ta không còn bị bám chấp vào những khái niệm, khi con hổ gặp sai lầm nó vẫn tiến bước như bình thường nhưng con người chúng ta lại bị những tư duy bám chấp khiến chúng ta chùn bước trước thất bại. Chính vì vậy thất bại chỉ là khái niệm mà thôi.

Câu hỏi: thường những doanh nhân thành đạt hay có cá tính rất mạnh, đồng thời kèm theo cái tôi lớn, điều này làm cho họ dễ trở nên sân giận và bất an. Xin Ngài hãy chia sẻ những suy nghĩ về điều này?

Trả lời: tôi ví dụ như sắp tới đây có bầu cử Tổng thống Mỹ chẳng hạn, ngày hôm nay chúng ta chưa biết ai sẽ trở thành Tổng thống, rồi bỗng dưng sau một đêm một người nào đó bỗng trở thành Tổng thống quyền lực nhất hành tinh này, mặc dù trước đó ông ta có thể là một bác sỹ, một doanh nhân nào đó ít người biết đến. Để thấy rằng mặc dù ông ta vẫn là con người đó nhưng được mọi người nhìn nhận trở thành một con người đầy quyền lực. Đây cũng chỉ là tư duy khái niệm mọi người tạo nên mà thôi. Thí dụ có những người nổi tiếng họ đến Bhutan và cảm thấy rất thoải mái, bởi không ai biết họ là ai cả. Khi chúng ta vượt qua được những danh xưng, khái niệm, nhãn mác về thành công hay thất bại thì chúng ta sẽ có một cuộc sống tự tại, hạnh phúc.

Câu hỏi: liệu chúng con có thể lái xe Bentley và đồng thời là một hành giả tốt được không?

Trả lời: tôi nghĩ là được ạ. Vấn đề ở đây không phải là chiếc xe Bentley hay một vật xa xỉ nào, vấn đề nằm ở tâm ngạo mạn của chúng ta. Chúng ta lái xe Bentley chỉ vì sự yêu thích, đồng thời không khởi tâm ngạo mạn hơn người, cái tôi không bị thổi phồng lên thì tôi nghĩ đấy là hoàn toàn bình thường. Cũng như vậy có những người nghèo họ nghĩ rằng mình luôn là người khiêm nhường thì đấy có khi lại là vấn đề, có khi bản ngã lại còn lớn hơn người lái xe Bentley kia.

Câu hỏi: tôi là một doanh nhân, vậy làm thế nào để trở thành một doanh nhân đầy hoài bão nhưng không quá tham lam, bám chấp?

Trả lời: có rất nhiều doanh nhân, nhà lãnh đạo nói chuyện với tôi về vấn đề này, tôi luôn luôn cầu chúc cho tất cả mọi người có được sự thành công viên mãn nhất. Tôi nghĩ là tham vọng không có gì là xấu cả, miễn là chúng ta biết chia sẻ thành công, lợi lạc cho người khác. Bởi vì danh giới giữa đời sống tâm linh và vật chất chính là biết làm lợi lạc cho tất cả mọi người. Ngay như thời Đức Phật cũng có rất nhiều vị doanh nhân thành đạt, Đức Phật hoàn toàn khuyến khích điều này, về phần tôi khi nhìn thấy những nghèo đói, đau khổ mà con người phải chịu đựng thì đôi khi tôi cũng muốn mình trở thành một doanh nhân thành đạt để có tài bảo cứu giúp mọi người.

Câu hỏi: nhiều doanh nghiệp sử dụng việc thiện nguyện như là một cách thức để truyền thông PR, Ngài nghĩ sao về việc này, Ngài dạy cho chúng con biết làm sao một doanh nghiệp có thể thực hiện tốt trách nhiệm của mình?

Trả lời: tôi nghĩ rất là khó để có thể đọc thấu được suy nghĩ của người khác, trừ khi chúng ta có khả năng đọc thấu tâm lý của mọi người. Động cơ nào đứng sau hành động của mỗi người, tôi nghĩ rằng không nên chuyển hóa người khác bằng cách chỉ trích bởi vì điều này là không thể. Chúng ta chỉ có thể chuyển hóa bằng trí tuệ hiểu biết, bằng lòng tri ân. Nếu có doanh nhân nào đó làm từ thiện thì tôi cũng không quan tâm lắm tới động cơ của anh ta, và tôi muốn tri ân người đó từ đáy lòng mình, tôi nghĩ làm thế khiến họ trở thành những con người tốt đẹp hơn và làm thêm nhiều việc thiện hơn nữa.

Câu hỏi: cuộc sống của doanh nhân làm sao đạt được tâm bình an mỗi ngày?

Trả lời: theo tôi không có một phép màu nào có thể ngay lập tức chuyển từ tâm bất an thành tâm an lạc. Nhưng tôi nghĩ thiền định là một phương pháp rất hữu hiệu, giúp chúng ta kiểm soát và cân bằng được tâm trí của mình, khi tâm được cân bằng thì mọi chuyện sẽ trở nên an lạc, thoải mái. Ở Himalaya có bài hát rằng, nếu tâm chúng ta thấy hoa thì cuộc sống luôn tươi đẹp, còn nếu tâm thấy súng đạn thì cuộc sống sẽ tràn đầy bạo lực. Điều này có nghĩa là mọi sự vui buồn, hạnh phúc đều xuất phát từ tâm nên lời gợi ý của tôi là chúng ta hãy học cách rèn luyện tâm mình.


 

( Trích lời khai thị của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa trong buổi tọa đàm Doanh nhân và Hạnh phúc )

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,968
Số người trực tuyến: