Thiền mang lại lợi ích như thế nào trong đời sống của bạn? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Thiền mang lại lợi ích như thế nào trong đời sống của bạn?

1149
18/05/2017 - 08:00
Khi tâm an trụ, bạn có thể thấy được cả vũ trụ.
(Trích từ khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Cùng với chính niệm tỉnh giác mỗi ngày, Thiền là phương pháp tuyệt vời để nuôi dưỡng hạnh phúc trong tâm. Do đã thực hành thiền suốt cuộc đời nên với tôi đó là một trạng thái rất tự nhiên. Nhưng đa số bạn bè của tôi gặp nhiều khó khăn trong những bước đầu thực hành, cho dù chỉ cần tập ngồi yên trong vòng năm phút.
Hãy nghĩ xem cuộc sống hiện đại đã ảnh hưởng đến tâm chúng ta ra sao: hầu hết chúng ta không ngừng chạy theo những vọng tưởng náo loạn và bất kham. Việc không thể kiểm soát được suy nghĩ khiến chúng ta mất kiểm soát cả lời nói và hành động. Chúng ta phản ứng tức thì trước mỗi tình huống mà chẳng cần xem xét tìm hiểu sự việc hay cho mình một chút khoảng trống trong tâm. Chúng ta đã đánh mất “nút nhấn tạm dừng”.
 
 
Lợi ích đầu tiên của thiền là giúp tâm chúng ta được tĩnh tại và bình an, ít nhất là trong vòng vài phút. Thiền bắt đầu giúp cho những tư tưởng của chúng ta trở nên thân thiện hơn: chúng sẽ lắng nghe thay vì kiểm soát chúng ta. Vì thế, chúng ta có the thoải mái nói với chúng rằng: “OK, anh bạn, đừng làm phiền tôi trong vòng năm phút nhé!”. Thực hành thiền là công cụ tuyệt vời làm lắng dịu mọi suy tư và giúp tâm có thời gian thư giãn cần thiết.
Nếu chúng ta cho rằng thiền chỉ đơn thuần là làm lắng tâm thì ngay khi trở lại công việc hàng ngày, những thói quen cố hữu của tâm sẽ quay lại phá vỡ sự cân bằng trước đó. Vì vậy, tôi muốn giới thiệu với các bạn những lý do khác khiến chung ta nên thực hành thiền định và chính niệm, không chỉ làm lắng dịu tâm mà bạn có thể bắt đầu chuyển hóa và thay đổi cuộc đời mình.
 
 
Thiền mang lại cho bạn niềm tri ân sâu sắc với cuộc sống. Lòng tri ân vẫn luôn ở đó, ẩn nấp dưới biến động tinh thần, vùi sâu dưới những lớp tầng của sợ hãi và kỳ vọng. Nhờ thiền, cảm xúc này có thể trỗi dậy giúp chúng ta thực sự trải nghiệm được nó. Tương tự, khi quán chiếu cảm xúc và nhìn lại những tổn thương sâu sắc trong quá khứ, những tình cảm chúng ta cố tình chôn giấu suốt nhiều năm tháng có thể nổi lên và đây là lúc chúng ta xả bỏ chúng đi. Điều này đòi hỏi sự dũng cảm, nhưng khi nhìn trực diện vào những suy nghĩ và cảm xúc ấy, trong khoảng thời gian vô cùng an ổn của một thời thiền, chúng ta bắt đầu nhận ra mình được toàn quyền quyết định có để chúng tiếp tục bào mòn thực tại và che phủ cả cuộc đời mình nữa không. Thiền luôn mở ra một khoảng không gian rộng lớn trong tâm, để tâm được nghỉ ngơi và giúp chúng ta có thời gian suy ngẫm về cuộc sống. Chúng ta bớt bám chấp vào những tư tưởng, cảm xúc, và nhờ vậy chúng cũng trôi đi dễ dàng.
 
 
Thực hành thiền đồng thời trưởng dưỡng sự tỉnh thức về chính mình và cuộc sống xung quanh giúp chúng ta ngừng rượt đuổi mục tiêu ảo vọng để tận hưởng những gì tốt đẹp sẵn có. Chúng ta có thể hạnh phúc ngay lúc này thay vì lăng xăng cố gắng tích vào bảng danh sách dài dằng dặc những việc cần làm, cho rằng chỉ khi hoàn thành xong, chúng ta mới xứng đáng được hưởng hạnh phúc.
Thiền giúp mở rộng tâm, cho phép chúng ta nhìn mọi việc dưới góc độ khác để khám phá ý nghĩa đích thực của cuộc sống và hoàn thiện chính mình. Chúng ta giải phóng tâm khỏi trói buộc hàng ngày của những lo toan nghi ngại và tạo ra không gian cho hạnh phúc hôm nay.
 
 
Thiền giúp chúng ta hiểu bản chất của thời gian và tự tính vô thường của vạn pháp thế gian. Quán chiếu được điều này, chúng ta sẽ bớt bám chấp vào kỳ vọng về những điều phải có trong cuộc sống để ta được hạnh phúc. Bằng sự chiêm nghiệm và suy ngẫm, chúng ta bắt đầu hiểu tâm vận hành như thế nào, hiểu rằng mọi suy nghĩ của chúng ta đều chỉ là nhận thức hay một cách nhìn tương đối. Từ nhận thức này, ta có thể chấp nhận một cách nhìn khác có giá trị đúng đắn tương đương.
Chúng ta có thể suy ngẫm về những mối quan hệ với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và ngay cả với một người xa lạ trên phố. Chúng ta có đang cư xử với mọi người theo cách ta muốn được đáp lại hay khong? Nếu ai đó làm chúng ta khó chịu, chúng ta có tự soi chiếu lại và suy nghĩ làm cách nào để sửa đổi bản thân, thay vì ngay lập tức phản bác và trả đũa họ?
Chúng ta cũng có thể quán chiếu về mối quan hệ của mình với mọi thứ - chẳng hạn như tài sản, tiền bạc. Liệu chúng ta có đang ôm giữ khư khư hay biết cách buông xả những đối tượng này? Một khi bắt đầu bám chấp vào bất kỳ ai hay vào điều gì, tâm ta sẽ trở nên cố chấp thiếu linh hoạt, để những điều kiện, kỳ vọng che lấp tự tính hạnh phúc sẵn có nơi tâm mình.
 
 
Thiền quán giúp ta loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực. Đó là khoảng thời gian chúng ta có thể tạm dừng và quán chiếu. Những lúc bế tắc bởi tư tưởng tiêu cực, chúng ta thường trách móc số phận hay đổ tại mình kém may mắn, nhưng khi lặng lẽ quán chiếu những cảm xúc như sân giận, đố kị, sợ hãi, chúng ta có thể tìm hiểu mà không cảm thấy bế tắc. Ta có thể tự hỏi vì sao mình có những cảm xúc này và nhìn sâu trong tâm để thấy câu trả lời thay vì đổ lỗi cho những lý do ngoài tầm kiểm soát.
Chúng ta rất dễ bị nhịp sống tất bật cuốn đi và bỏ lỡ những cơ hội quán chiếu, trau dồi thêm hiểu biết về bản thân cũng như về cuộc đời. Trạng thái quá phấn khích hoặc quá lo âu ngăn cản chúng ta dừng lại và suy ngẫm. Đặc biệt là những khi để xúc tình phiền não chi phối,  chúng ta chẳng còn năng lượng và sự tỉnh thức để tìm hiểu sự việc, tìm hiểu chính mình.
 
 
Tâm là nền tảng, cội nguồn của mọi khổ đau và hạnh phúc. Trong Đạo Phật, tâm hay “tự tính” của chúng ta không chỉ là lý trí mà còn bao gồm cả tình cảm hay tình yêu thương. Mỗi chúng ta có thể kết nối thông qua tình yêu thương đến toàn thể vũ trụ. Một khi an trụ trong tâm, bạn có thể thấy được cả vũ trụ.

(Trích từ ấn phẩm Thiền - Năng lượng chữa lành, Drukpa Việt Nam biên soạn và phát hành, tháng 3/2017)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,141,496
Số người trực tuyến: