Phẩm vật cúng dường quý giá nhất dâng lên chư Phật | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Phẩm vật cúng dường quý giá nhất dâng lên chư Phật

2590
28/08/2022 - 20:15
Thực hành Phật Pháp là thực hành tích lũy công đức, xả ly và đoạn trừ bất thiện nghiệp, đồng thời điều phục tâm mình. Song nhiều khi, trong lúc thực hành thiện nghiệp, chúng ta không nhận thấy sự hiện diện của tâm ích kỷ nhỏ nhen. Đối với nhiều người, sự thực hành tích lũy công đức chỉ giới hạn ở việc đi chùa lễ Phật, thực hành nghi quỹ, trong khi thực chất chỉ như vậy chưa đủ.

Có rất nhiều cách tích lũy công đức, từ việc (i) cúng dường tán thán phẩm hạnh của chư Phật và chư Bồ Tát, (ii) cha mẹ thể hiện tình yêu thương vô bờ bên đối với con cái (iii) cũng như lòng từ bi hướng tới những người đang khổ đau hoạn nạn – đối với họ dù chỉ một chút quan tâm chia sẻ cũng vô cùng ý nghĩa. Tất cả mọi cách cúng dường này đều là cội nguồn tạo nên công đức vô biên – dồi dào và nhanh chóng giống như hạt giống được gieo vào mảnh ruộng phì nhiêu. Rất khó để nói cách nào mang lại công đức nhiều hơn. Chúng ta cần hiểu bất cứ việc làm nào lợi lạc cho chúng sinh được bắt nguồn từ tâm vô ngã, đều là phẩm vật cúng dường quý giá nhất dâng lên chư Phật, bởi các Ngài là hiện thân của lòng từ bi và tình yêu thương vô hạn hướng về hết thảy chúng sinh, giống như người mẹ yêu thương đứa con độc nhất của mình. Do vậy nếu bạn làm điều gì tốt đẹp cho đứa bé, lẽ đương nhiên người mẹ sẽ vô cùng hoan hỷ và cảm kích.
 
 
Quay lại với chủ đề chính trong buổi luận đàm của chúng ta hôm nay, về sự "Tôn trọng và tin tưởng trao quyền cho những người khuyết tật", tôi thường nghe nhiều bậc cha mẹ tỏ ra xấu hổ và ái ngại khi con cái họ không may bị tật nguyền, thậm chí có người còn xa lánh hoặc bỏ rơi con cái. Tôi nghĩ nếu chúng ta thực sự là những Phật tử thực hành Phật pháp, chúng ta nên coi đây là một cơ duyên để có thể tích lũy cho mình vô lượng công đức, dù cho động cơ này vẫn còn đầy vị ngã. Bất cứ việc làm nào nhằm cứu giúp những người đang gặp hoạn nạn khó khăn, đều tích lũy vô lượng công đức thiện nghiệp theo quy luật Nhân quả (Gewa). Tôi vẫn thường chia sẻ rằng nếu bạn thỉnh ý Phật lựa chọn sự cúng dường nào, giữa một món tiền khổng lồ, với việc cứu giúp người đang gặp khó khăn, Đức Phật sẽ luôn đáp lại rằng, xin hãy cứu giúp chúng sinh, bởi việc làm đó làm Đức Phật hoan hỷ. Bằng cách này Phật đã đạt giác ngộ – trưởng dưỡng tâm từ bi vô ngã và trí tuệ vị tha. Bởi vậy, khi thực hành thiện hạnh, hay thực hành một pháp tu (Rimdro – nghi quỹ), chúng ta cần mở rộng tâm hướng tới chúng sinh để trưởng dưỡng lòng từ bi.
 

Hoàng hậu Bhutan tại trung tâm khuyết tật Bhutan
 
  Tôi có ước nguyện rằng một ngày nào đó trong tương lai, khi mọi người muốn thực hành thiện hạnh, mọi suy nghĩ của họ sẽ không chỉ giới hạn ở việc tìm kiếm một vị tăng có thể cử hành đàn lễ hay đi chùa lễ Phật. Họ sẽ nghĩ tới những việc như đi tới Draktsho hoặc Trung tâm Người Khuyết tật tại Bhutan để làm những việc lợi ích cho các học viên ở đây, hoặc góp công sức xây dựng một cây cầu ở những vùng hẻo lánh, hoặc chăm sóc cứu trợ những người ốm đau. Bất kể làm cách nào, thì công đức của những việc làm như vậy cũng vô cùng to lớn.
 
 
Cách đây vài năm, có một người mẹ đến gặp tôi và kể về đứa con của bà mắc chứng tự kỷ. Bà muốn thỉnh cầu gia trì cho con trước khi bắt đầu một đợt trị liệu. Tôi nói với bà không nên lo lắng. Là Phật tử, chúng ta tin vào nhân quả, tất cả chúng ta đều sống trong sự chi phối của nhân duyên nghiệp quả. Bất cứ việc gì đang diễn ra đều là do nghiệp của đứa bé. Tôi cần chia sẻ điều này vì đôi khi mọi người nghĩ rằng do bố mẹ tạo nghiệp nên đứa con phải gánh chịu quả báo. Không phải như vậy. Là Phật tử, chúng ta hiểu và tin rằng tất cả chúng ta đều tự chịu trách nhiệm về nghiệp báo của bản thân. Chính vì vậy chúng ta không nên phán xét mọi người. Một người mẹ có bổn phận chăm sóc con mình, song không nên cảm thấy ăn năn hối hận đối với con. Hơn nữa, ngay cả khi bạn tin rằng đứa trẻ sinh ra tật nguyền do nghiệp báo bất thiện, song nếu bạn hắt hủi hoặc bỏ rơi con cái, tức là bạn đang gia tăng tích lũy bất thiện nghiệp. Thay vì tịnh hóa bất thiện nghiệp, bạn lại càng tích lũy thêm nhiều báo chướng.
Mặt khác, khi bạn giúp đỡ người trong cơn hoạn nạn, bạn tích lũy vô lượng công đức, nhưng nếu bạn làm tổn hại họ, bạn cũng sẽ tích lũy vô số bất thiện nghiệp. Có thể nói công đức hay bất thiện nghiệp tăng trưởng hàng nghìn lần so với nghiệp quả của một việc làm đối với người bình thường, bởi lẽ những người yếm thế đã không thể tự chăm sóc bản thân và họ còn chẳng thể than vãn hay lên án bất kỳ ai. Bởi vậy nếu thực sự hiểu và tin nhân quả, chúng ta cần coi đây là nhân duyên để thực hành thiện nghiệp.
 
 
Nếu chiếu theo giáo lý chân đế và tục đế, xét về khía cạnh tương đối bạn có thể nói một đứa trẻ khuyết tật thiệt thòi hơn chúng ta. Nhưng từ góc độ tuyệt đối, khuyết tật hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quan niệm. Chẳng hạn chúng ta có thể tự bước đi mà không cần ngồi xe đẩy, song như vậy liệu chúng ta có quyền năng hơn thật không? Nếu so với một con khỉ biết leo cây thoăn thoắt chẳng cần phương tiện nào trợ giúp, thì một người bình thường như chúng ta, hóa ra lại trở nên thiệt thòi hạn chế.
Cũng như vậy, tâm của chúng ta phóng chiếu phân biệt thiện và bất thiện cũng tùy theo hoàn cảnh. Khi bạn thấy những đồ vật đẹp đẽ, bạn muốn có mắt để nhìn ngắm chúng, nhưng khi nghe những điều đau lòng khiến tim chúng ta tan vỡ, có khi chúng ta ước giá mình không có tai để nghe. Khi đó, nếu một người bị điếc bẩm sinh đâm ra lại thành người may mắn. Có lúc tôi nói đùa rằng nếu lấy một người vợ không biết nói, có khi lại là một điều may mắn, bởi cô ấy sẽ chẳng bao giờ ca cẩm làu bàu, như vậy chẳng phải tốt sao. Hoặc một người chồng bị điếc, cô vợ có gào thét đến mấy thì anh ta cũng chẳng thể nghe, họ sẽ chẳng bao giờ cãi vã nhau. Tóm lại, về tương đối chúng ta có thể nói về thiện nghiệp, bất thiện nghiệp ; song về tuyệt đối tôi cho rằng chúng ta chẳng có quyền gì để tự nhận rằng mình toàn năng hơn người khác.
 
 
Bàn rộng ra một chút về trách nhiệm cộng đồng, thời xa xưa, những người cao tuổi thường được trọng vọng, người ta thường mong có thể sống lâu lên lão. Lúc trẻ họ có thể làm việc cực khổ, xây dựng gia đình, chăm nuôi con cái và đến khi con cái họ trưởng thành, họ hãnh diện khoe rằng tôi có bốn đứa con, giờ chúng là món đầu tư sinh lợi của tôi, đã đến lúc tôi được nghỉ ngơi. Trong rất nhiều xã hội, những người già được trọng vọng, được chăm lo và họ được hưởng thụ tuổi già xứng đáng. Thế nhưng ngày nay người ta bắt đầu sợ tuổi già, bởi ở nhiều nơi người ta thường phán xét con người dựa trên số tiền họ có thể làm ra, dựa trên năng suất lao động, và không còn quan tâm tới kinh nghiệm sống vô giá của những người cao tuổi như trước kia. Nói cách khác, chúng ta trở nên giống như những cỗ máy, cứ chạy mòn mỏi cho tới khi trục trặc thì sẽ bị bỏ xó và thải hồi. Có thể ở Bhutan không xảy ra tình trạng này song ở rất nhiều nước phát triển, người ta chỉ quan tâm tới năng suất lao động.
 
 
Đã vậy nhưng khi còn trẻ, chúng ta thường không muốn nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ già. Chắc chắn tất cả những người già đều đã có thời trai tráng. Đôi khi người ta khen nhau trông trẻ ra, điều này hoàn toàn không thật. Như vậy điều quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng xã hội dựa trên nền tảng tình yêu thương và tâm từ bi, giống như cách Đức Vua và Hoàng Hậu Bhutan, những người đỡ đầu Trung tâm Khuyết tật Bhutan, đang thực hiện. Một xã hội luôn khuyến khích và hướng đạo mọi người không nên coi rẻ và thờ ơ trước sự thiệt thòi của những người khuyết tật, thay vì vậy cần nhìn họ bằng tấm lòng vị tha và tôn trọng. Với một xã hội lấy tâm từ bi làm nền tảng, Bhutan có thể trở thành một xã hội nơi người khuyết tật cảm thấy mình may mắn, - điều đó sẽ tuyệt vời biết bao ? Bhutan sẽ trở thành một nơi người cao tuổi là người được tôn trọng và kính ngưỡng, bởi sự nỗ lực hy sinh không mệt mỏi của họ suốt một thời trai trẻ. Mỗi người già là một kho tàng tri thức và kinh nghiệm sống để cho thế hệ trẻ được học hỏi và noi theo. Hãy thử nghĩ xem điều đó sẽ tuyệt vời biết bao, tất nhiên có thể khi còn trẻ bạn không mường tượng hết, mà chỉ khi đến tuổi già bạn mới hiểu ra.
 
 
Cuối cùng, cá nhân tôi cho rằng, bất kể một người có khuyết tật hay thiệt thòi đến đâu, chúng ta đều có quyền được thấy mình bình đẳng, không phân biệt và được tôn trọng. Nếu có thể thực sự nghĩ như vậy đồng nghĩa với việc bạn đang cúng dường khiến hết thảy chư Phật và Bồ tát hoan hỷ.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,134,647
Số người trực tuyến: