Pháp quán như huyễn và như không thành tựu thân Như Lai | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Pháp quán như huyễn và như không thành tựu thân Như Lai

840
21/06/2018 - 06:08

Như huyễn và như không là chủ đề quan trọng của kinh Hoa Nghiêm, cho nên được nói đến từ đầu cho đến cuối kinh. Trong thiền định sâu xa, Đức Phật thấy rõ tất cả các pháp đều là những hiện tượng không thật có, vì chúng do nhiều duyên tụ hội lại mà thành. Bản chất của chúng là không, vì chúng không có tự thể. Pháp giới Hoa Nghiêm chính là Chân Không Diệu Hữu. Phổ Hiền Bồ Tát đã thuật lại lời dạy của tam thế chư Phật về mười nhẫn với chư vị Bồ Tát, trong đó có pháp quán như huyễn nhẫn và như không như sau:

Bấy giờ Phổ Hiền Bồ Tát bảo chư Bồ Tát:

Chư Phật tử! Thế nào là như huyễn nhẫn?

Ðại Bồ Tát này biết tất cả pháp đều như huyễn, từ nhân duyên khởi. Ở trong một pháp hiểu nhiều pháp, trong nhiều pháp hiểu một pháp. Ðã biết các pháp như huyễn, đại Bồ Tát này rõ thấu quốc độ, chúng sinh, pháp giới. Rõ thấu thế gian bình đẳng, Phật xuất thế bình đẳng, tam thế bình đẳng. Thành tựu những thần thông biến hóa.

Ví như huyễn chẳng phải voi, ngựa, xe, nam, nữ, đồng nam, đồng nữ, chẳng phải cây, lá, bông, trái, đất, nước, lửa, gió, chẳng phải ngày, đêm, mặt trời, mặt trăng, chẳng phải nửa tháng, một tháng, một năm, trăm năm, một kiếp, nhiều kiếp, chẳng phải định, loạn, thuần, tạp, một, khác, chẳng phải rộng, hẹp, nhiều, ít, lượng, vô lượng, thô, tế. Huyễn chẳng phải tất cả sự vật, tất cả sự vật chẳng phải huyễn, nhưng do huyễn thị hiện ra những sự vật sai khác.

Cũng vậy, đại Bồ Tát quán tất cả thế gian như huyễn. Những là nghiệp thế gian, phiền não thế gian, quốc độ thế gian, pháp thế gian, thời thế gian, thú thế gian, thành thế gian, hoại thế gian, vận động thế gian, tạo tác thế gian.

Lúc Bồ Tát quán tất cả thế gian như huyễn, chẳng thấy chúng sinh sinh, chẳng thấy chúng sinh diệt, chẳng thấy quốc độ sinh diệt, chẳng thấy các pháp sinh diệt, chẳng thấy quá khứ có thể phân biệt được, chẳng thấy vị lai có khởi tác, chẳng thấy hiện tại một niệm trụ, chẳng thấy quán sát bồ đề, chẳng thấy Phật xuất hiện, chẳng thấy Phật Niết Bàn, chẳng thấy trụ đại nguyện, chẳng thấy nhập chính vị, chẳng ngoài tính bình đẳng.

Ðại Bồ Tát này dầu thành tựu Phật độ mà biết quốc độ vô sai biệt. Dầu thành tựu chúng sinh mà biết chúng sinh vô sai biệt. Dầu khắp quán pháp giới mà an trụ pháp tính vắng lặng chẳng động. Dầu thấu rõ tam thế bình đẳng mà chẳng trái phân biệt pháp tam thế. Dầu thành tựu uẩn xứ mà dứt hẳn sở y. Dầu độ thoát chúng sinh mà rõ biết pháp giới bình đẳng không các thứ sai khác. Dầu biết các pháp xa lìa văn tự không thể ngôn thuyết mà thường thuyết pháp biện tài vô tận. Dầu chẳng chấp lấy việc giáo hóa chúng sinh mà chẳng bỏ đại bi, vì độ tất cả mà chuyển pháp luân. Dầu vì chúng sinh khai thị nhân duyên quá khứ mà biết tính nhân duyên không có động chuyển. Ðây gọi là như huyễn nhẫn của đại Bồ Tát.

Chư Phật tử! Thế nào là đại Bồ Tát như không nhẫn?

Ðại Bồ Tát này rõ tất cả pháp giới như hư không, vì vô tướng. Tất cả thế giới như hư không, vì vô khởi. Tất cả pháp như hư không vì vô nhị. Tất cả chúng sinh hạnh như hư không, vì vô sở hành. Tất cả Phật như hư không, vì vô phân biệt. Tất cả Phật lực như hư không, vì vô sai biệt. Tất cả thiền định như hư không, vì tam thế bình đẳng. Tất cả pháp diễn thuyết như hư không, vì chẳng ngôn thuyết được. Tất cả thân Phật như hư không, vì vô trước vô ngại.

Bồ Tát dùng phương tiện như hư không rõ thấu tất cả pháp đều không chỗ có.

Ðại Bồ Tát dùng nhẫn trí như hư không lúc thấu rõ tất cả pháp thời được thân và thân nghiệp như hư không, được ngữ và ngữ nghiệp như hư không, được ý và ý nghiệp như hư không.

Ví như hư không, tất cả pháp y tựa, chẳng sinh chẳng diệt. Cũng vậy, đại Bồ Tát, tất cả pháp thân chẳng sinh chẳng diệt.

Ví như hư không, chẳng thể phá hoại được. Cũng vậy, đại Bồ Tát, tất cả trí huệ các lực chẳng thể phá hoại được.

Ví như hư không là chỗ y chỉ của tất cả thế gian mà không sở y. Cũng vậy, đại Bồ Tát là chỗ y chỉ của tất cả pháp mà không sở y.

Ví như hư không bất sinh bất diệt mà hay giữ lấy tất cả thế gian sinh diệt. Cũng vậy, đại Bồ Tát không hướng không đắc mà hay thị hiện hướng đắc, khiến khắp thế gian tu hành thanh tịnh.

Ví như hư không chẳng có chỗ chẳng có góc mà hay hiển hiện vô biên chỗ góc. Cũng vậy, đại Bồ Tát không nghiệp không báo mà hay hiển thị những thứ nghiệp báo.

Ví như hư không chẳng đi chẳng đứng mà hay thị hiện các thứ oai nghi. Cũng vậy, đại Bồ Tát chẳng đi chẳng đứng mà hay phân biệt tất cả các hành.

Ví như hư không chẳng phải sắc chẳng phải phi sắc mà hay thi hiện các loại màu sắc. Cũng vậy, đại Bồ Tát chẳng phải sắc thế gian, chẳng phải sắc xuất thế gian mà hay thị hiện tất cả thân sắc.

Ví như hư không chẳng phải lâu chẳng phải gần mà hay ở lâu hiển hiện tất cả vật. Cũng vậy, đại Bồ Tát chẳng phải lâu chẳng phải gần mà hay ở lâu hiển thị những hạnh của Bồ Tát làm.

Ví như hư không chẳng phải tịnh chẳng phải uế, chẳng rời tịnh uế. Cũng vậy, đại Bồ Tát chẳng phải chướng chẳng phải không chướng, chẳng rời chướng không chướng.

Ðại Bồ Tát như vậy chứng biết tất cả pháp, với tất cả pháp không có phân biệt. Nghiêm tịnh tất cả Phật độ. Viên mãn tất cả thân vô sở y. Rõ tất cả phương không có mê lầm. Ðủ tất cả lực chẳng thể phá hoại. Ðầy đủ tất cả vô biên công đức. Ðã đến tất cả pháp xứ thậm thâm. Thông đạt tất cả đạo ba la mật. Ngồi khắp tất cả tòa Kim Cương. Phát khắp tất cả tiếng tùy loại. Vì tất cả thế gian mà chuyển pháp luân chưa từng lỗi thời.

Ðây gọi là hư không nhẫn của đại Bồ Tát.

Ðại Bồ Tát thành tựu nhẫn này thời được thân Như Lai, vì vô khứ. Ðược thân vô sinh vì vô diệt. Ðược thân bất động, vì vô hoại. Ðược thân chân thiệt, vì rời hư vọng. Ðược thân nhất tướng, vì vô tướng. Ðược thân vô lượng, vì Phật lực vô lượng. Ðược thân bình đẳng, vì đồng tướng như. Ðược thân vô sai biệt, vì quán tam thế bình đẳng. Ðược thân đến tất cả chỗ, vì tịnh nhãn chiếu khắp không chướng ngại. Ðược thân rời dục tế, vì biết tất cả pháp không hiệp tan. Ðược thân hư không vô biên tế, vì phước đức tạng vô tận như hư không. Ðược thân biện tài vô đoạn vô tận pháp tính bình đẳng, vì biết tất cả, pháp tướng chỉ là một tướng, không tính làm tính như hư không. Ðược thân âm thanh vô lượng vô ngại, vì không chướng ngại như hư không. Ðược thân đầy đủ tất cả bồ tát hạnh thiện xảo thanh tịnh, vì nơi tất cả chỗ đều không chướng ngại như hư không. Ðược thân tất cả Phật pháp thứ đệ tiếp nối,vì chẳng thể đoạn tuyệt như hư không. Ðược thân trong tất cả cõi Phật hiện vô lượng Phật độ, vì rời tham chấp như hư không vô biên. Ðược thân thị hiện tất cả pháp tự tại không thôi nghỉ, vì như hư không chẳng có biên tế. Ðược thân tất cả thế lực kiên cố chẳng thể phá hoại, vì như hư không nhiệm trì tất cả thế gian. Ðược thân các căn sáng lẹ như Kim Cương kiên cố không thể phá hoại, vì như hư không tất cả kiếp hỏa chẳng đốt cháy được. Ðược thân có sức giữ lấy tất cả thế gian, vì sức trí huệ như hư không.

(Lược trích: Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh – Phẩm thứ Hai mươi chín

Hán Dịch: Ðại Sư Thật Xoa Nan Ðà

Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh)

 

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,467
Số người trực tuyến: