Vô úy: Trạng thái bình thường hay “tự nhiên” của cuộc sống | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Vô úy: Trạng thái bình thường hay “tự nhiên” của cuộc sống

173
19/06/2021 - 06:08
Chủ đề VÔ ÚY thường được đàm luận và chú trọng rất nhiều trong Đạo Phật. Tôi nghĩ rằng, các tôn giáo khác cũng có những luận giải về vô úy nhưng có lẽ họ có cách nhìn nhận khác. Tuy nhiên, về phương diện triết học và minh triết đời sống, tức là thông qua sự hiểu biết chung về vô úy và việc phát triển tri kiến để nhìn nhận cuộc sống một cách chân thật thì tất cả những gì chúng ta phải thấu đáo đó là: Trạng thái bình thường hay “tự nhiên” của cuộc sống thực sự chính là vô úy. Vô úy đã, đang và vẫn sẽ mãi tồn tại. 

Nếu bạn thực sự biết cách nhìn nhận trạng thái tự nhiên của cuộc sống thì vô úy sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều. Trái lại ngay lúc này, chúng ta đang sống trong sợ hãi, chúng ta đang bị bao trùm bởi những nỗi sợ hãi. Thậm chí, chúng ta có thể không tin hoặc không nhận ra điều đó, rằng chúng ta đang rất sợ một điều gì đó, rằng nỗi sợ hãi luôn tồn tại ngự trị trong chúng ta. 

Tại sao lại như vậy? Bởi lúc nào chúng ta cũng thao túng và ngụy tạo cuộc sống, ngụy tạo “thiên nhiên”, khiến cuộc sống không còn giữ được bản tính tự nhiên mà bị xuyên tạc. Chính vì vậy, nó không được tôn trọng. Khi đó, mọi thứ trở nên hỗn loạn, bởi vì chúng ta không tự tin vào những gì chúng ta đang làm.

Vô minh tạo ra tham muốn, rồi tham muốn lại  tạo ra sợ hãi

Từ quan điểm của Đạo Phật, chúng ta khẳng định rằng, sự vô minh của chính chúng ta đã tạo ra tất cả những ảo tưởng trên. Vô minh tạo ra tham muốn và tham muốn tạo ra sợ hãi. Đây là những ý tưởng tôi muốn gửi gắm tới các bạn và mong muốn bạn hãy suy ngẫm tường tận về chúng.

Theo quan điểm Đạo Phật, chúng ta luôn cho rằng: Vô minh là nguyên nhân, kẻ tạo ra tham muốn; còn tham muốn là mong đợi (khát vọng hay thèm khát) một điều gì đó và khi nó xuất hiện thì luôn mang theo sự sợ hãi. Ðiều này thật dễ hiểu bởi vì những cảm xúc như dưới đây sẽ cứ xuất hiện: “Tôi đang kiếm tìm một thứ gì đó nhưng lại không biết liệu có thể tìm được hay không. Rồi khi đã có được, tôi chẳng biết sẽ phải làm gì với nó đây?”. Những cảm xúc sợ hãi đó không khi nào chấm dứt và chúng luôn song hành với tham muốn. 

Nói như vậy không có nghĩa tham muốn là xấu và sợ hãi là xấu, bởi vì đó là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Và cuộc sống cần phải được “trải nghiệm” một cách tự nhiên, không thao túng, ngụy tạo. Nếu có vui thích hay sợ hãi xuất hiện, dù trong bất cứ hình thức nào, chỉ cần chúng không gây chướng ngại cho ta, thì hãy cứ sống với chúng. Tất nhiên bạn cần cách sống với chúng theo cách khác, tức là phải luôn chính niệm, tỉnh giác và sáng suốt. Ðây là điều cốt tủy mà tôi muốn đề cập tới.

Những cảm xúc tham muốn, sân giận hay ghen tỵ là một phần của cuộc sống. Cuộc sống vẫn cứ diễn ra; bạn là người phải thích nghi với cuộc sống chứ cuộc sống sẽ không bao giờ thích nghi với bạn. Chúng ta luôn ngạo mạn, muốn thao túng, ngụy tạo và kiểm soát cuộc sống, nhưng điều này là không thể. Chính vì thế, cuộc sống phải được tôn trọng. Vậy bạn phải trân trọng cuộc sống như thế nào? Bằng cách nào bạn có thể tỉnh giác để đối mặt với cuộc sống? Ðây là một câu hỏi đầy ý vị và nếu là người sáng suốt, bạn hãy suy ngẫm tường tận về câu hỏi này.

(Trích ấn phẩm “Vô Úy Trong Thời Mạt Pháp”
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,136,262
Số người trực tuyến: