Bạn đang ở đây
Ý nghĩa của cuộc sống nhiệm màu
Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG NHIỆM MÀU
Chia sẻ và huấn từ của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa dành cho những tội phạm vị thành niên
Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa trẻ tuổi đời thứ IX hòa ái và dễ gần. Với tâm niệm “Sống để Yêu thương” và tâm từ bi vô ngã, Ngài đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều tầng lớp xã hội khác nhau thông qua nhiều hoạt động thiện hạnh như thăm viếng, giảng pháp cộng đồng và hội thảo chuyên đề. Đặc biệt Ngài mong muốn được chia sẻ những trải nghiệm của chính mình với thế hệ trẻ, tuy chỉ bằng những thời pháp ngắn ngủi nhưng gây ảnh hưởng hết sức sâu sắc. Ngài đã gặp gỡ các sinh viên Hồng Kông gồm nhiều bạn trẻ đến từ Đại học Hồng Kông, Đại học Khoa học Công nghệ Hồng Kông, Đại học Bách khoa Hồng Kông, Đại học Lingnan, Trường Sáng tạo HKICC Lee Shau Kee và trường Trung học Ko Lui.
Tháng 8 năm 2012, Drukpa Hồng Kông đã cung thỉnh Đức Nhiếp Chính Vương đến thăm lại nơi đây. Trong chuyến hoằng pháp lần này, Ngài đã quyết định viếng thăm Trung tâm Cải tạo dành cho nam thanh niên phạm tội ở Hồng Kông. Tại đây, Ngài đã cho chiếu bộ phim tài liệu nổi tiếng mang tựa đề “Hành trình Ô-đi-xê Màu xanh”. Nhiếp Chính Vương đã chia sẻ với các phạm nhân thông điệp mà bộ phim truyền tải, đó là hãy đối diện và giải quyết những tình huống khó khăn bằng suy nghĩ và thái độ tích cực. Nhân dịp này, Ngài còn chia sẻ về phương pháp thiền định.
Chúng tôi đã phỏng vấn Đức Nhiếp Chính Vương ngay sau buổi Pháp thoại của Ngài dành cho các thanh niên Trung tâm Cải tạo. Chúng tôi băn khoăn không biết vị Rinpoche trẻ tuổi này đã khuyên nhủ và nhắn gửi điều gì với giới trẻ Hồng Kông.
“Chúng ta sống để yêu thương, không phải để thù hận. Đó chính là ý nghĩa nhiệm màu của cuộc sống” là điều mà Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa luôn tâm niệm.
Con người chúng ta chỉ là một phần của thế giới
Phóng viên (PV): Trong thời đại vật chất ngự trị ngày nay, con người trở nên vị kỷ đến mức họ luôn sống bó hẹp trong thế giới của riêng mình. Họ luôn đặt lợi ích bản thân lên hàng đầu và thường không để tâm xem liệu những hành vi tạo tác của mình có ảnh hưởng hay tổn thương đến người khác và môi trường tự nhiên không. Trong suốt thời gian Ngài đến thăm Trung tâm, bộ phim “Hành trình Ô-đi-xê Màu xanh – một bộ phim kể về hành trình gian khó và những trải nghiệm phi thường của người tham gia hành hương - đã được trình chiếu để truyền tải một thông điệp vô cùng quan trọng về triết lý sống.
Nhiếp Chính Vương (NCV): “Hành trình Ô-đi-xê Màu xanh” – bộ phim ngắn này thực chất muốn nhắn gửi một thông điệp hết sức quan trọng mà chúng ta cần thấu hiểu, rằng con người chỉ là một phần của thế giới. Chúng ta không phải toàn bộ thế giới. Trên thế giới này, có vô số loài động vật khác, vô số sinh thể, vạn loài hữu tình, cùng toàn bộ môi trường tự nhiên như rừng, núi, sông, suối, hệ thực vật v.v… đang cộng sinh. Con người không phải kẻ thống trị, không phải chủ nhân, mà chỉ là một phần trong đó. Nếu không hiểu được thông điệp quan trọng đó, chúng ta sẽ không biết quan tâm và chan chải tình yêu thương với thế giới này, cũng như không biết trân trọng, bảo vệ môi trường tự nhiên. Chúng ta cũng sẽ không biết quan tâm tới gia đình, bạn bè. Chúng ta sẽ trở nên ích kỉ và thờ ơ với tất cả. Chúng ta sẽ thấy mình như một cá thể tách biệt, độc lập và cho rằng mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Chúng ta sẽ không đếm xỉa tới người khác, thậm chí không cần biết bạn bè và người thân của mình suy nghĩ, cảm nhận gì. Rốt cuộc, bằng chính sự bàng quan và thờ ơ của mình, chúng ta sẽ toàn làm những điều gây hại cho người khác.
Cuộc sống giản dị có thể mang lại hạnh phúc
PV: Tại sao con người phạm tội? Ngày nay tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đều thúc đẩy và cổ súy cho chủ nghĩa tiêu thụ, khiến cho các nhãn hàng và ngành giải trí được khuyếch trương vô cùng tận. Quảng cáo và truyền thông khiến người ta tin rằng đến rạp xem phim sẽ đem lại niềm vui, tạo cho mọi người một ấn tượng sâu sắc rằng việc sở hữu của cải vật chất sẽ đem lại hạnh phúc đích thực - họ lăng xê hình ảnh những ngôi sao điện ảnh với nhà cửa, tiền bạc sung túc, sống cuộc sống giàu có, xa hoa. Nhưng trên thực tế, bao nhiêu người có được cuộc sống như vậy?
NCV: Trong cuộc sống thực tế, mỗi người chúng ta đều trở thành tỉ phú là điều không tưởng. Như vậy phải chăng chúng ta sẽ không có hạnh phúc? Tuy nhiên, chỉ cần đủ ăn đủ mặc là chúng ta có thể tồn tại. Tại sao chúng ta không cảm thấy hạnh phúc vì điều này? Còn những người giầu có, họ thực sự hạnh phúc chăng? Có lẽ, quảng cáo và truyền thông không ngừng đề cao chủ nghĩa tiêu thụ, vì vậy, thực chất họ chưa từng và sẽ không bao giờ đưa ra một thông điệp khác.
Nếu không có định hướng tâm linh, giới trẻ sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi các phương tiện thông tin đại chúng và sẽ không thể suy nghĩ khác đi. Họ cũng sẽ cho rằng để được hạnh phúc thì phải chi tiêu và hưởng thụ thật nhiều. Nếu điều đó quá khó khăn hoặc không thể đạt được, họ sẽ cố gắng bằng mọi giá.
Trong chuyến bộ hành Pad Yatra – “Hành trình Ô-đi-xê Màu xanh” mà chúng tôi thực hiện, 700 người đã tình nguyện tham gia. Trong suốt hành trình 45 ngày này, chúng tôi sống rất đơn giản chỉ với ba bữa ăn một ngày và mỗi người đem theo một chiếc áo khoác. Thực sự, chúng tôi cảm thấy vô cùng hoan hỷ và mãn nguyện. Điểm khác biệt chính là ở chỗ “ham muốn” và lòng tham vô tận luôn luôn chi phối, áp đảo chúng ta. Nhưng thực tế. “nhu cầu” thực sự của chúng ta không quá nhiều. Chẳng hạn, một số người dân Hồng Kông đang sống trong nghèo khó. Họ chỉ kiếm được một nghìn đô la Hồng Kông mỗi tháng và số tiền đó họ đem chia sẻ với các thành viên của gia đình. Họ sống trong thuận hòa, đùm bọc lẫn nhau. Tóm lại, chân hạnh phúc không nhất thiết đến từ sự thỏa mãn vật chất. Một cuộc sống giản dị cũng có thể đem lại hạnh phúc đích thực.
Biến khó khăn thành cơ hội
PV: Rất nhiều người dường như sống tự do không theo một tôn giáo hay niềm tin tâm linh nào. Nhưng họ luôn bị ganh ghét và hận thù bức bách, dày vò. Hoặc họ quá bám chấp và không thể quên đi những người và những việc xảy ra trong quá khứ. Ở một chừng mực nào đó, họ dường như bị trói chặt bởi những dây xích vô hình đó và không thể tự giải thoát khỏi nhà tù nội tâm. Liệu những người này có thực sự hạnh phúc?
NCV: Trong truyền thống tu tập của Phật giáo Kim cương thừa, chúng tôi thực hiện các kỳ nhập thất. Một kỳ nhập thất có thể kéo dài từ ba năm đến ba tháng. Ở Bhutan, theo truyền thống chung của khu vực Himalaya, các hành giả thường bịt kín cửa thất động bằng đá và xi-măng và chỉ để lại một khe nhỏ để đưa thức ăn. Tất cả đều thực hành theo cách này bởi họ biết rõ rằng chân hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà ở trong tâm của chính bạn.
Trong một chừng mực nhất định, những bạn trẻ ở đây cũng giống như hành giả nhập thất như chúng tôi. Tôi mong họ có thể chiêm nghiệm cuộc đời theo góc nhìn của nhập thất tu tập. Mặc dù phải sống trong Trung tâm Cải tạo, điều này hoàn toàn không tệ. Họ có thể tận dụng cơ hội này để rèn luyện tâm – điều phục và trưởng dưỡng tâm để trở nên từ bi, bao dung và độ lượng hơn. Đến lúc rời khỏi nơi này, họ có thể đương đầu và xử lý mọi tình huống xảy ra trong cuộc sống. Nếu tâm hết tham chấp, sân hận thì học có thể tìm thấy sự an bình từ bên trong. Một cách tự nhiên, bạn sẽ luôn vui vẻ, an bình. Như vậy, tất cả hoàn toàn tùy thuộc ở tâm ta cũng như thái độ sống và cách chúng ta nhìn nhận sự việc.
Chẳng có điều gì thực sự tốt hay xấu
PV: Ai cũng có lúc lo lắng và sợ hãi. Những bạn trẻ này có thể lo rằng dấu ấn quá khứ cùng những hành vi tội lỗi của mình sẽ là gánh nặng cho tương lai họ. Có thể họ sẽ không tìm được công việc tốt. có thể họ sẽ bị khinh rẻ và coi thường. Bởi nhìn thấy tương lai chẳng mấy tươi sáng, họ sẽ thiếu tự tin và tự hạ thấp mình. Do đó, họ sẽ trở nên nhút nhát, mặc cảm và không thể xử sự với người khác một cách thật sự bình đẳng. Thưa Ngài, làm sao để họ vượt qua rào cản tâm lý này?
NCV: Thực tế, chúng ta có một điểm chung. Đó là, ai cũng mong cầu hạnh phúc và không muốn bị đau khổ. Xét từ góc độ này, chúng ta hoàn toàn bình đẳng và không khác biệt. Không có công việc tốt hay xấu. Điều cơ bản là chúng ta luôn bình xét, phân loại công việc dựa trên những chuẩn mực và quan kiến theo tiếu chí của những nền văn hóa, xã hội khác nhau. Ví dụ, ở một số nước phát triển, nghề đầu bếp được coi là một công việc tốt, thời thượng và hái ra tiền. Tuy nhiên, theo quan điểm truyền thống của nhiều khu vực quanh dãy Himalaya, nấu nướng là một công việc thấp cấp. Những người làm nghề này thường không có địa vị xã hội. Còn theo quan điểm Phật giáo, không có sự khác nhau nhiều giữa một người là giám đốc ngân hàng và một người làm hộ lý hay giúp việc. Lý do bởi vì, dù kiếm được bao nhiêu tiền, bạn cũng cần chăm sóc bản thân và gia đình. Bạn là người chịu trách nhiệm duy nhất đối với sự tốt, xấu của bản thân và gia đình mình. Nếu nhìn từ quan điểm tâm linh, bạn làm gì không quan trọng. Nếu bạn làm bất cứ điều gì với động cơ vị tha vô ngã, với cả trái tim và sự thành tâm, thì đó đều là công việc tuyệt vời. Không chỉ giúp đỡ người khác mà bạn còn lợi lạc cho chính mình bởi bằng cách này, bạn không ngừng trưởng dưỡng tâm từ bi.
Đối mặt với khó khăn bằng thái độ tích cực
PV: Thưa Nhiếp Chính Vương, vì lý do gì Ngài khai thị cho các bạn trẻ về thiền định? Ngài muốn họ trải nghiệm điều gì từ thiền định?
NCV: Xét riêng về khía cạnh thực hành tu tập, thiền định phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của bản thân. Tuy nhiên, bạn có thể thực hành thiền định bất cứ khi nào mình muốn. Với sự tỉnh giác và chú tâm vào những tư tưởng tích cực, thiền định có thể giúp chúng ta giữ tâm an định khi cảm thấy đau buồn hay gặp nghịch cảnh. Đặc biệt, khi bị mắc kẹt trong những tình huống khó thay đổi, một thái độ tích cực sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề và như vậy sẽ giúp thay đổi thái độ. Bạn nên tự bằng lòng và tập trung vào những gì đang có hơn là luôn mong cầu và theo đuổi những gì chưa có. Nếu không bạn sẽ chỉ gia tăng phiền não, thất vọng. Chẳng hạn, trong chuyến Pad Yatra “Hành trình Ô-đi-xê Màu xanh”, dù nhiều lần cảm thấy vô cùng mệt mỏi nhưng chúng tôi vẫn bền lòng vượt suối trèo đèo. Con đường chúng tôi đi thực sự vô cùng gian nan. Khi đó, chúng tôi không hề tính xem còn quãng đường bao xa nữa phải vượt qua. Ngược lại, chúng tôi tính xem mình đã thành tựu bao nhiêu. Cách này đã giúp chúng tôi động viên, khích lệ tinh thần của chính mình rất hiệu quả.
Thay cho lời kết: hạt giống của tình yêu thương và lòng bi mẫn
Chúng tôi được biết rằng, không chỉ những thanh niên ở Trung tâm Cải tạo, mà cả đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc ở đây cũng đã được lợi lạc rất nhiều từ buổi chia sẻ này và những chia sẻ ngắn ngủi của Đức Nhiếp Chính Vương. Đặc biệt, cán bộ và nhân viên của Trung tâm vô cùng cảm kích trước niềm cảm hứng, sự sách tấn cũng như cách tiếp cận, tương tác và chia sẻ hết sức gần gũi, truyền cảm của Nhiếp Chính Vương.
Trên hành trình nhắn gửi và đề cao thông điệp Sống để yêu thương mà Đức Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche đã ươm mầm những hạt giống về tình yêu thương và lòng bi mẫn trên mảnh đất tâm hồn của các thanh niên ở Trung tâm Cải tạo, Đức Nhiếp Chính Vương mong nguyện rằng những hạt giống này sẽ nhậm vận nảy mầm, đơm hoa kết trái. Sau này, chính những bạn trẻ đó sẽ là tấm gương khích lệ và niềm cảm hứng cho những khác.
(*) Bộ phim tài liệu “Pad Yatra – Hành trình Ô đi xê màu xanh đã ghi lại toàn bộ chặng đường hành hương trên Nóc nhà Thế giới trong dải Himalaya. Bộ phim do chính ngôi sao quốc tế Michello Yeoh đạo diễn sản xuất, nhà chủ trương môi trường Daryl Hannah đọc lời bình luận, giám đốc sản xuất Wendy J.N Lee, nhiếp ảnh do Ngài Sonam Zopa – thị giả của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa – đảm nhận. Bộ phim đã được trình chiếu tại rất nhiều liên hoan phim như Liên hoan phim Quốc tế Cannes và BAFTA
(Chuyển dịch bởi Carol P. Lai tại Bắc Kinh, 29 tháng Mười năm 2012)
(Nguồn bài viết: gyalwa dokhampa.org )
Viết bình luận
- 997 reads