Bạn đang ở đây
Nghiệp, hóa thân và quy y
NGHIỆP
Nghiệp một phần được biểu hiện qua quy luật nhân quả. Những gì chúng ta đang trải qua là kết quả của các nghiệp nhân do chính ta đã tạo trước kia. Mặc dù không hề muốn nhưng những người tàn tật mù lòa đau ốm đang phải trải qua một cuộc sống vô cùng đau khổ, không có chút quyền lựa chọn, bởi vì họ đang nhận được nghiệp quả do chính họ đã gieo nhân (nghiệp nhân). Tuy nhiên các nghiệp nhân này có thể được chuyển hóa hoặc tiêu hủy trước khi trổ quả nhờ vào sự thực hành pháp. Vì thế bạn không nên hiểu lệch lạc rằng “nghiệp là cố định” để rồi nhắm mắt buông xuôi, bi quan yếm thế, buông đời mình cho dòng nghiệp cuốn lôi. Trên thực tế, nghiệp có thể được chuyển hóa, chỉ cần chúng ta khéo sử dụng trí tuệ của mình hướng đạo cho các hành động của thân, khẩu, ý một cách đúng đắn, thì mọi khổ đau sẽ được chấm dứt.
Có rất nhiều giải pháp để tiêu trừ nghiệp xấu
Có rất nhiều cách để chuyển hóa và tiêu hủy các nghiệp nhân, trước khi chúng kết thành nghiệp quả. Một điều quan trọng bạn cần biết: tuy hiện đời chúng ta đang thụ nhận nghiệp quả đã chín, là những khổ đau hay hạnh phúc từ những nghiệp nhân của các đời trước, song cũng chưa hẳn là quá muộn, vẫn còn có rất nhiều cách để chuyển hóa chúng. Giống như khi mắc một căn bệnh, sẽ dễ dàng điều trị hơn nếu bạn phát hiện ra từ sớm.
Nếu chúng ta phát hiện ra căn bệnh quá muộn thì sẽ không còn hy vọng gì. Nghiệp cũng tương tự như vậy. Vì thế bạn phải quán sát và chuyển hóa nghiệp ngay từ hôm nay trở đi, thay vì chờ đợi đến ngày mai. Tôi nói như vậy bởi vì cuộc sống của chúng ta rất vô thường, không ai trong chúng ta có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra ngày mai. Cho nên, chúng ta cần bắt đầu thực hành pháp chuyển hóa những bất thiện nghiệp ngay từ giờ phút này.
Rất đáng tiếc, từ bao nhiêu kiếp rồi, do màn vô minh che phủ, chúng ta đã gieo trồng vô số nghiệp nhân bất thiện, vì vậy chúng ta đang phải gánh chịu những nghiệp quả bất thiện. Bởi thế, chúng ta cần phải tu tập để thực sự chuyển hóa và tiêu trừ chúng. Thực hành giáo pháp trong cuộc sống thường nhật chính là cách chuyển hóa và tiêu trừ ác nghiệp hữu hiệu nhất.
Tại sao chúng ta cần đến sự hướng đạo tâm linh
Bạn không nên chờ đến khi các nghiệp xấu trổ quả. Có rất nhiều cách để chuyển hóa bất thiện nghiệp nên bạn không nhất thiết phải ngồi bất lực để gánh chịu những quả khổ. Bởi vậy, có được giáo pháp và sự hướng đạo tâm linh là vô cùng cần thiết. Ý nghĩa chính của con đường tâm linh là chuyển hóa và loại bỏ những nghiệp nhân bất thiện mà ta đã gieo trồng, để có thể chấm dứt khổ đau. Sự thực hành tâm linh sẽ không thể trợ giúp bất kỳ khía cạnh thế tục nào khác ngoài việc này. Trong cuộc sống, chúng ta nên biết vừa lòng với những vật chất thế tục. Hiện tại, chúng ta vẫn có thực phẩm để ăn, quần áo để mặc, nhà để ở, bởi thế chúng ta không nên tìm cầu những thứ thế tục từ sự thực hành tâm linh bởi con đường tâm linh chỉ nhằm vào việc chấm dứt khổ đau. Nếu có ai trong chúng ta muốn được khổ đau, người đó không cần thiết phải tìm kiếm và thực hành tâm linh. Họ chỉ cần ngồi yên, không cần làm gì cả và chắc chắn họ sẽ có khổ đau. Nhưng trên thực tế, không ai trong chúng ta lại thích đau khổ, nên chúng ta phải thực sự bắt tay vào việc thực hành tâm linh để tiêu trừ tất cả những bất thiện nghiệp mà chúng ta đã tích lũy. Để làm được việc này chúng ta cần phải trưởng dưỡng tuệ giác. Bạn không nhất thiết phải chịu khổ đau phiền não, vì vẫn còn các giải pháp để tiêu trừ nghiệp xấu. Vì thế, chúng ta cần biết tìm cầu giáo pháp và sự hướng đạo, và cũng vì thế mà tâm linh có vai trò vô cùng quan trọng. Trên thực tế tâm linh không có mục đích tối hậu nào khác ngoài điều này. Chúng ta, theo cách nào đó, đều tự hài lòng vì số phận mình khá may mắn. Ta thấy mình có thực phẩm để ăn, quần áo để mặc, nhà cửa để ở, v.v... tức là từ góc độ thế tục mà nói, chúng ta chẳng thấy tâm linh có gì đáng giá. Mục tiêu chính yếu của tâm linh là giúp bạn tiêu trừ những nghiệp xấu mà bạn đã gieo trồng. Con đường tu tập tâm linh chủ yếu tập trung vào điều này vì chẳng ai muốn rước lấy khổ đau phiền não. Nếu có ai trong số chúng ta thích đau khổ thì chúng ta không cần tu tập trưởng dưỡng tâm linh làm gì. Chúng ta có thể cứ việc ngồi lỳ một chỗ mà không cần phải làm gì. Song như thế, chắc chắn chúng ta sẽ chịu nhiều đau khổ. Do chúng ta không muốn đau khổ, chúng ta cần tu tập, thực hành để tiêu trừ các nghiệp tiêu cực mà mình đã và đang tích tụ. Và để tiêu trừ được chúng, chúng ta cần phải trưởng dưỡng trí tuệ của mình.
Tâm của bạn nắm giữ toàn bộ trí tuệ của chân lý vũ trụ
Vậy nghiệp đến từ đâu? Nó tồn tại như thế nào? Cái gì đã tạo nên nghiệp? Đây là những điều mà bạn cần hiểu biết với trí tuệ chân thật. Nhờ đó, bạn có thể tiêu trừ tất cả nghiệp bất thiện. Bởi vậy, tất cả điều bạn cần là phát triển trí tuệ. Trí tuệ không phải là thứ mà tôi có thể chỉ cho bạn, tuy thế tôi có thể chỉ cho bạn chỗ để tìm kiếm trí tuệ, trí tuệ nằm ở chính trong tâm của bạn. Trí tuệ không phải là thứ bạn có thể mua hay lấy trộm từ bên ngoài, nó chỉ có thể được tìm thấy ở bên trong chính bạn, bên trong tâm bạn, bên trong tim bạn. Tâm của bạn nắm giữ toàn bộ trí tuệ của chân lý vũ trụ. Khi bạn có thể thực chứng được trí tuệ này, bạn sẽ thấu suốt được bản chất của vạn pháp.
Sự sáng tạo là một khía cạnh của tâm, ngã chấp là một khía cạnh của tâm, và trí tuệ cũng là một khía cạnh của tâm. Tâm chúng ta nắm giữ mọi thứ, bao gồm cả trí tuệ và vô minh. Chúng ta sống trong mê muội, bởi vì chúng ta đã không nhận ra bất kỳ thứ gì trên phương diện tâm linh. Theo phương diện này mà nói, chúng ta rất vô minh. Bởi chúng ta vô minh và lầm lẫn, nên chúng ta thấy tâm chúng ta có hai mặt: một mặt của trí tuệ và một mặt của vô minh. Nhưng về mặt tuyệt đối, bản chất chân thật của tâm chúng ta là thuần khiết thanh tịnh, không có vô minh trong đó, chỉ cần chúng ta đừng cho rằng tâm của chúng ta có hai mặt. Từ vô thủy cho đến nay chúng ta đã sống và tạo nghiệp dưới sự chi phối của ngã chấp. Vậy ngã chấp là gì? Nó thực sự là tâm mê lầm của bạn. Từ tâm vô minh này khởi sinh ái dục, từ ái dục phát sinh tất cả các loại cảm xúc, những cảm xúc này tác động toàn bộ đến hoạt động của thân và khẩu của bạn.
Trí tuệ là Thượng sư bên trong của bạn
Trí tuệ thực sự là bậc thầy “bên trong”, chỉ cho bạn thấy rõ tâm vô minh đang diễn tiến như thế nào. Bậc thầy bên ngoài là người giảng dạy giáo pháp và hướng đạo cho bạn trên con đường tâm linh, còn trí tuệ chính là bậc thầy bên trong của bạn, giúp cho bạn thấy rõ được chức năng của bản ngã. Khi nhận ra được điều này, bạn có thể hiểu được phương pháp về cắt bỏ ngã chấp hiệu quả hơn hàng trăm lần so với việc nương theo giáo pháp từ bậc thầy bên ngoài. Bởi vậy, chúng ta nói có bậc thầy bên trong, bậc thầy bên ngoài
và bậc thầy bí mật. Một người khi đã nhận ra được toàn bộ sự thật về ngoại cảnh một cách đúng đắn, họ sẽ nhận thấy tâm của họ tràn đầy trí tuệ. Sau đó mọi khổ đau sẽ chấm dứt. Lúc này ngã chấp hay ái dục không còn ảnh hưởng chi phối, khiến họ tạo nên lầm lỗi nữa. Người này sẽ giải thoát khỏi mọi sự trói buộc. Bất kì những gì họ làm sau đó, họ sẽ làm với trí tuệ và tự do. Nếu bạn không muốn tái sinh, sự ra đi của bạn cũng là một sự giải thoát. Còn nếu bạn muốn tái sinh, sự tái sinh đó sẽ là một tái sinh tự chủ với tuệ giác. Bạn sẽ chứng ngộ được trí tuệ vĩ đại hay còn gọi là sự giác ngộ. Sự giải thoát này còn gọi là đại hỷ lạc hay Phật quả.
Tâm là chủ thể tạo tác của vạn pháp
Tuy nhiên, do vô minh, chúng ta thường không hiểu điều này. Khi chúng ta nghe đến từ “Thượng Đế”, “Phật” hay “Khodah”, chúng ta nghĩ rằng các Ngài đang tồn tại ở một nơi nào đó “bên ngoài”. Quan điểm, thói quen tìm kiếm mọi thứ bên ngoài sẽ khiến chúng ta rơi vào sự lầm lạc vô phương hướng. Nếu bạn nghĩ rằng Phật hay Thượng đế ở bên ngoài, bạn sẽ bơ vơ không nhận được sự trợ giúp nào. Bạn sẽ mong chờ một vị cứu tinh đến giải thoát cho bạn, nhưng rốt cuộc chẳng ai đến cả. Rồi bạn nhận ra mình đang ở trong tình trạng tuyệt vọng, khi bạn nhận ra điều này thì đã quá muộn. Bạn đã trở nên quá già hoặc sắp chấm dứt cuộc đời. Vì thế, đây không phải là cách tiếp cận đúng đắn với con đường tâm linh. Cách đúng đắn là nhận ra mọi thứ ở bên trong chính bạn. Nếu bạn nhận ra rằng tâm là chủ thể tạo tác của vạn pháp, thì cho dù bạn không giải thoát ngay bây giờ, về mặt tâm lý bạn cũng cảm thấy mọi thứ ở trong tầm tay của bạn. Điều này có nghĩa là một bầu không khí hỷ lạc của sự giải thoát đã sẵn có ở đó. Cho dù có thể bạn chưa thành tựu được trong sự thực hành nhưng bạn vẫn cảm nhận được một trạng thái tự do giải thoát. Đây là kinh nghiệm của tôi, tôi hy vọng bạn hiểu được.
HỎI VÀ ĐÁP
Câu hỏi: Kính bạch Pháp Vương, xin cho con hỏi làm sao chúng con có thể đảm bảo chắc chắn rằng chúng con đang trải nghiệm trực tiếp với Thượng sư bên trong chứ không phải chỉ là sự phóng chiếu của tâm?
Trả lời: Tất nhiên, đó là một sự phóng chiếu của tâm. Chúng ta vẫn sẽ tiếp tục có những sự phóng chiếu cho tới khi đạt được giác ngộ, tuy nhiên Thượng sư bên trong là một cách phóng chiếu hoàn toàn khác. Ví dụ về mặt kinh nghiệm mà nói, bạn sẽ có một sự hiểu biết thấu suốt về sự hình thành của thế giới này, trước hết bạn sẽ biết điều đó. Tất nhiên, bạn cần phải thực hành theo sự hướng dẫn của Thượng sư bên ngoài. Nhưng nếu một sự hướng dẫn bạn có được từ trí tuệ của chính bạn lại đối lập với sự hướng dẫn của bậc thầy bên ngoài, thì điều này đáng nghi ngờ, bạn phải cẩn thận xem xét lại.. Còn nếu trí tuệ bên trong của bạn hướng dẫn những điều chính xác như bậc thầy bên ngoài đã dạy thì hãy yên tâm rằng bạn đang đi trên con đường đúng đắn.
Câu hỏi: Kính bạch Pháp Vương, nếu không có trí tuệ đúng đắn thì sự mâu thuẫn giữa bậc Thầy bên trong và Ngã chấp sẽ phát sinh. Nếu bản Ngã có xu hướng sai khiến chúng ta làm môt điều gì đó trái ngược với bậc Thầy bên trong, dường như phần trí tuệ đó của tâm vượt ra khỏi cả bậc Thầy bên trong và Ngã chấp. Con hiểu như vậy đúng không?
Trả lời: Tôi nghĩ rằng cách hiểu này cũng đúng, hay ít nhất cũng không hoàn toàn sai. Nhưng nó chẳng liên quan gì đến những điều tôi nói. Mặc dù nghe có vẻ đúng nhưng bạn đã quá xa rời sự thực hành. Đây là lý do tại sao chúng ta phải thiền định và đi tới những nơi thâm sơn để nhập thất. Chúng ta muốn suy nghĩ và quán chiếu điều này một cách kỹ lưỡng. Sự quán chiếu vô cùng quan trọng để phát sinh trí tuệ. Ví dụ, khi chúng ta đang nói về đề mục này, có thể chúng ta đạt được một phần trí tuệ, cũng có thể không đạt được gì. Bạn không thể cố gắng đẩy trí tuệ này vào tim của bạn, nó chỉ có thể thấm vào tâm của bạn thông qua sự thực hành. Đây là cách thức đúng đắn để trưởng dưỡng chính mình.
Câu hỏi: Kính bạch Pháp Vương, có phải không có mối liên hệ nào giữa đời trước và đời này của Ngài?
Trả lời: Không, bạn không thể nói rằng không có mối liên hệ giữa đời trước và đời nay của tôi. Sự liên hệ vẫn rõ ràng ở đó bởi vì bạn vẫn là bạn, vẫn chỉ là một mà thôi. Sự khác biệt duy nhất chỉ là thân tướng thay đổi. Giống như trong một vở kịch, bạn thay trang phục và đeo một chiếc mặt nạ. Sau đó bạn lại đổi trang phục khác và đeo một chiếc mặt nạ khác. Sự liên hệ giữa đời trước và đời sau cũng tương tự như vậy. Trong những đời trước, có thể bạn đã từng là một con chó hay một con chim, nhưng đời này sắc tướng đã thay đổi, bạn trở thành một con người. Đương nhiên, bạn không thể nhớ được do khoảng cách về thời gian, do vô minh và do nhiều thứ khác. Nhưng đối với những người có trí tuệ và sự tỉnh thức, họ có thể nhớ được rất nhiều chuyện. Có rất nhiều những người như vậy, thậm chí họ là những người bình thường, không hẳn là những bậc hóa thân tôn kính hay những vị thánh nhân, họ vẫn nhớ về các đời trước của mình rất rõ ràng. Có một số người có thể kể lại những sự việc về đời trước của họ dưới sự chứng thực của người khác. Như vậy đây chỉ là một câu hỏi về việc bạn có nhớ hay không mà thôi.
Ví dụ trong trường hợp của tôi, tôi cũng chẳng nhớ sáng nay mình đã ăn gì, thì làm sao tôi nhớ chuyện đời trước? Nếu có sự tỉnh thức, thì ít nhất tôi cũng nhớ mình đã ăn gì sáng nay. Có rất nhiều người đã nói những điều tương tự như vậy nhưng với một thái độ bất cần. Họ nói: “Có sao đâu! Có thể tôi sẽ khổ đau trong đời sau nhưng điều đó chẳng hề hấn gì. Tôi sẽ không nhớ mà cũng chẳng thấy hối hận gì và bây giờ tôi đang thụ hưởng mọi thứ.” Nhưng đây không phải là một thái độ đúng đắn vì khi quả khổ chín, lúc đó sẽ trở nên quá muộn. Như những người tàn tật, mù lòa đang chịu đau khổ trong hiện tại. Đã quá muộn, họ không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi tình trạng hiện tại bởi quả khổ của họ đã chín mùi. Họ không thể nói “Có sao đâu!” khi họ đang thực sự đau khổ. Người đang chịu khổ đau trong đời này chỉ là một với người gieo nhân của đời trước, đó chỉ là sự liên tục của cùng một dòng tâm thức.
QUY Y
“Quy y” và “Bồ đề tâm” là những thuật ngữ đặc trưng của đạo Phật. Sự thực hành đặc biệt về Quy y và Bồ đề tâm của Phật giáo là một điểm khởi đầu của con đường tâm linh. Bồ đề tâm là động lực cho con đường tâm linh của bạn.
Để bắt đầu Quy y, chúng ta nên có một thái độ đúng đắn (chính kiến). Để Quy y chúng ta cần phải có trí tuệ xả ly từ bên trong. Trí tuệ hiểu biết về bản chất của luân hồi, của khổ đau, của hạnh phúc và của đời sống thường nhật là vô cùng quan trọng. Nếu bạn không hiểu gì về những điều này, thì cho dù bạn có thọ Tam Quy và Giới nguyện hay tự gọi mình là hành giả tâm linh, thiền giả hay Phật tử, điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì, bởi vì bạn không làm gì cả. Trí tuệ (chính kiến) rất quan trọng cho tất cả mọi việc, và đặc biệt quan trọng hơn nếu bạn muốn bước vào con đường tâm linh, bởi vì một người phải hiểu rõ toàn bộ những gì đang xảy ra trong cuộc đời của mình. Nếu bạn hiểu rõ về cuộc sống của mình, thì bạn sẽ nhậm vận hướng theo con đường tâm linh. Không có vấn đề gì dù bạn hiểu hay không hiểu về sự khác biệt giữa các tôn giáo như Đạo Phật, Thiên Chúa giáo, v.v.., bạn sẽ thực sự cảm thấy những sự thay đổi bên trong tâm của bạn. Nếu bạn đã biết một vài điều về một con đường tâm linh cụ thể, thì tất nhiên bạn sẽ cảm thấy một sự hấp dẫn đặc biệt hướng về con đường tâm linh đó. Thậm chí nếu bạn chẳng có khái niệm nào về con đường tâm linh thì bạn vẫn có những cảm nhận đặc biệt bên trong. Chúng ta có thể gọi những cảm thọ này là “sự xả ly”. Đây là sự xả ly bên trong. Bạn đang bắt đầu xả ly và đó là điều cần phải có. Sự xả ly này chính là điều chúng ta đang thiếu.
Cảm thọ về sự xả ly sẽ thúc đẩy bạn quy y
Nói một cách ngắn gọn, hiểu biết về toàn bộ cuộc sống sẽ làm nảy sinh một vài cảm nhận đặc biệt bên trong bạn, đó là sự xả ly. Bước kế tiếp là Quy y. Cảm nhận rõ ràng về sự xả ly sẽ thúc đẩy bạn thọ giới nguyện Quy y với một bậc thầy giác ngộ. Điều này sẽ xảy ra một cách tự nhiên bởi bạn sẽ nhận ra rằng mọi thứ trong cuộc đời của bạn và thế giới bên ngoài đều không phải là nơi nương tựa. Do đó, bạn sẽ cảm thấy rằng bạn cần một nơi trú ẩn, một nơi nương tựa. Đây là bước kế tiếp hay sự cảm nhận tiếp theo trong dòng tâm của bạn.
Nếu bạn không hiểu biết về những gì đang xảy ra trong cuộc sống thì toàn bộ bầu không khí hay mỗi ngày trong cuộc đời của bạn sẽ bị xô đẩy và trôi trượt trong dòng đời đau khổ. Và bạn sẽ bị chìm trong biển luân hồi, càng ngày càng đắm sâu hơn mà không hề nhận ra được tình cảnh của mình. Đây là đặc điểm của khổ đau. Khi bạn có trí tuệ nhận ra điều này thì chính là lúc bạn muốn thoát khỏi biển khổ luân hồi, bạn sẽ tìm nơi nương tựa Quy y. Có thể bạn không biết gì về sự khác biệt giữa các con đường tâm linh hay sự khác biệt giữa các trường phái tôn giáo nhưng bạn chắc chắn sẽ biết rằng bạn cần phải tìm kiếm một nơi nương tựa đáng tin cậy. Đó là cảm thọ chân thật về sự xả ly.
Xả ly không có nghĩa là bạn chạy trốn khỏi gia đình, xã hội
Xả ly là một thuật ngữ phổ thông được sử dụng trong mọi tôn giáo, tất cả các bậc thánh nhân đều đã đi qua con đường xả ly và nhờ thế các Ngài đã đạt được giác ngộ. Họ nhận ra được toàn bộ cuộc sống của mình không có nơi nương tựa đáng tin cậy trong kiếp luân hồi, bởi vậy họ tìm kiếm môt con đường tâm linh, một chỗ nương tựa vững chãi. Đây là tiến trình mà chúng ta gọi là sự xả ly. Tất cả các hành giả Yogi, các bậc Thầy, các vị Thánh và các vị tu sĩ đều đạt được giác ngộ sau khi đã xả ly. Tuy nhiên, sự xả ly không có nghĩa là chạy trốn khỏi gia đình và xã hội bởi nếu đó là sự xả ly thì tất cả chúng ta đều có thể làm được; tất cả chúng ta đều giải thoát và sẽ chẳng còn ai sót lại trong cõi luân hồi.
Giác ngộ là điều duy nhất chúng ta có thể nương tựa. Bạn có thể suy xét kỹ lưỡng xem điều này có đúng hay không, có gì đáng tin cậy hơn sự giác ngộ hay không. Chúng ta có đủ trí tuệ để tự suy xét về những gì chúng ta được nghe. Bây giờ chúng ta nghĩ rằng bạn bè hay cha mẹ có thể là chỗ dựa. Cha mẹ thì nghĩ rằng con cái có thể là nơi nương tựa hoặc bạn có thể nghĩ rằng: “Ít nhất tôi có thể nương tựa vào chính mình”. Song nếu chúng ta tư duy, suy xét sâu xa hơn, theo kinh nghiệm cá nhân tôi, chúng ta không thể tìm thấy bất cứ thứ gì hay một ai để hoàn toàn nương tựa trên thế gian này. Thậm chí bạn cũng không thể nương tựa vào chính bạn ngay lúc này. Ví dụ, sáng nay tôi đã nói rằng sáng mai tôi sẽ đi Zurich nhưng bây giờ tôi lại nghĩ tôi phải đi lúc 10 giờ. Vì thế, tôi cũng thể tin vào quyết định của chính mình. Quyết định này lẽ ra phải là điều tôi có thể tin, nhưng bây giờ nó không còn đáng tin nữa.
Tất cả những gì xuất hiện trong tâm bạn như phiền não, yêu thương, tâm chí thành, lòng quyết tâm v.v... đều không đáng tin. Đây là những đặc điểm của cuộc sống. Chẳng hạn như sáng nay tôi rất vui nhưng giờ thì tôi không vui. Điều này có nghĩa là gì? Như vậy nghĩa là niềm vui của sáng nay cũng hoàn toàn không đáng tin. Tôi có thể nghĩ tôi hạnh phúc nhưng cảm nhận về hạnh phúc sẽ không kéo dài mãi mãi; nhưng chỉ vài giờ sau đó tôi có thể rơi vào tình cảnh vô cùng đau khổ. Bởi thế không có gì đáng tin cậy trên thế giới này. Đây là bản chất thật hay đặc tính của khổ đau, tuy nhiên chẳng có gì phải lo lắng về điều này. Nếu bạn lo lắng về điều này sẽ chỉ thêm đau khổ mà thôi. Thay vì ngồi lo lắng bạn nên tìm một giải pháp để thoát khỏi khổ đau. Giải pháp đó, theo kinh nghiệm của cá nhân tôi và cũng dựa vào các học thuyết và giáo pháp của các bậc giác ngộ.
Giác ngộ ở trong tâm của bạn và tiến trình này được gọi là “Quy y”
Giác ngộ là điều thực sự bạn có thể đạt được, bởi đó là bản chất tự nhiên của bạn. Giác ngộ là nét đẹp tự nhiên, tuyệt hảo, bền vững và có thể nương tựa. Nhưng hiện tại chúng ta đang ngụy tạo rất nhiều. Do quá nhiều sự phóng chiếu ngụy tạo, bản chất tâm của chúng ta không còn hiện diện một cách tự nhiên nữa, bởi vậy chúng ta không còn định tĩnh và an bình. Vẻ đẹp tự nhiên của chính bạn không còn ở đó, nó bị che lấp dưới bao nhiêu tầng lớp của sự ngụy tạo. Vì thế chúng ta không nên ngụy tạo. Sau khi dứt trừ và thanh lọc sự phóng chiếu ngụy tạo, bạn sẽ nhận ra sự giác ngộ ở bên trong tâm của bạn, và tiến trình này được gọi là “Quy y”. Quy y trong đạo Phật gồm: Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng (Quy y Tam Bảo). Thực chất ý nghĩa của việc Quy y là nương tựa vào giác ngộ, bởi vì bạn đang tìm kiếm thứ gì đó đáng tin cậy, và đó chính là giác ngộ.
Khi bạn hiểu rằng giác ngộ là thứ đáng tin cậy duy nhất, bạn hoàn toàn mong mỏi đạt được nó, bạn sẽ có một bức tranh về cái gọi là giác ngộ. Đây là thời điểm bạn cần thận trọng. Một số người có thể nghĩ rằng sự giác ngộ giống như pha lê hay một luồng ánh sáng lớn có thể chiếu khắp toàn bộ thế giới. Điều này không đúng. Một số người, đặc biệt là những Phật tử, họ tưởng ra hình ảnh của Đức Phật khi họ nghĩ về giác ngộ. Một số khác lại tưởng ra một người với bộ râu tóc dài và ngồi bất động. Mỗi loại hình ảnh phóng tưởng khác nhau và họ bám chấp vào những gì họ tưởng tượng ra. Đây không phải là một cách tiếp cận đúng đắn. Khi bạn ở giai đoạn này, bạn phải thực sự thận trọng, vì đây chính là giai đoạn quyết định. Bởi vì trong giai đoạn này, bạn có thể bước vào con đường giác ngộ, nhưng nếu trong giai đoạn này bạn lại có một hình ảnh sai lệch về giác ngộ thì bạn có thể bị lạc lối. Bởi vậy bạn phải thực sự thấy rõ giác ngộ là đại trí tuệ. Sự giác ngộ không có hình tướng, ánh sáng, mùi vị hay màu sắc. Nó không là gì cả và chính bản thân sự thấy biết là giác ngộ.
Quy y Phật, bạn nên hiểu Phật chính là giác ngộ
Trong thuật ngữ của Đạo Phật chúng ta nói về Phật, Pháp, Tăng. Phật là đối tượng Quy y đầu tiên. Khi bạn thọ giới nguyện Quy y Phật, bạn nên hiểu rằng Phật chính là Giác ngộ. Khi nói về Đức Phật, hầu hết mọi người đều có hiểu sai lệch. Họ chỉ nghĩ rằng danh từ Phật là nói đến Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người đã chuyển bánh xe Pháp, giảng dạy triết lí Phật Pháp ở Ấn Độ. Thực ra, chúng ta không chỉ Quy y Đức Phật Thích Ca mà chúng ta còn Quy y tâm giác ngộ của mình. Đây là tinh túy của mười phương chư Phật, tinh túy của tất cả Bồ tát thánh hiền, tinh túy của vạn pháp và tinh túy của chính bạn. Và chúng ta gọi đó là Phật, đây là thuật ngữ của Phật Pháp. Toàn bộ giáo pháp được giảng dạy từ Đức Phật Thích Ca, người đã thực sự đạt được giác ngộ từ hơn 2.500 năm về trước. Bởi thế hồng danh của Đức Phật rất đặc biệt trong thuật ngữ của chúng ta, và đó lí do tại sao chúng ta sử dụng thuật ngữ này.
Giáo Pháp thực sự là tiến trình hiểu biết của giác ngộ
Khi nói về việc Quy y Pháp, bạn không nên chỉ nghĩ về các học thuyết, kinh điển hay giáo lý. Khi mọi người nghe thuật ngữ “Dharma” (Pháp Bảo), họ luôn luôn tưởng đến hình ảnh của sự tụng niệm ngồi nhắm mắt trước một bàn thờ. Nhưng điều này không hoàn toàn như vậy, mặc dù nó có thể là một phần của Pháp Bảo. Khi tôi còn nhỏ, mỗi khi nhắc đến thuật ngữ Dharma (Pháp Bảo) tôi luôn luôn tưởng đến hình ảnh một cuốn kinh ở trong tâm. Nhưng sau đó, khi nhận ra được ý nghĩa chân thật, tôi tự cười mình. Hình ảnh Pháp Bảo như một quyển kinh không mang đến ý nghĩa gì. Dĩ nhiên đọc kinh sách cũng có thể giúp cho bạn hiểu biết thêm nhiều điều, cho nên chúng ta cũng cần phải tôn kính kinh điển và giáo pháp. Nhưng tất cả kinh điển đều được in bằng giấy mực nên không thể giúp đỡ và bảo vệ bạn. Đây chỉ là một phần của đối tượng Pháp Bảo mà chúng ta Quy y. Pháp Bảo chân thật nhất là toàn bộ tiến trình của trí tuệ giác ngộ. Chúng ta Quy y nương tựa vào tiến trình hay con đường này.
Tăng Bảo có nghĩa là tâm của bạn tập trung hoàn toàn vào con đường tâm linh
Đối tượng thứ ba của Quy y là Tăng Bảo. Khi tâm chúng ta tràn đầy ước nguyện chân thành tha thiết được thực hành con đường tâm linh để chứng ngộ bản chất tâm chân thật của chính mình (sự giác ngộ), ước nguyện đó được gọi là Tăng. Nói một cách khác, thời điểm này bạn có thể bạn nói chính mình là Tăng (khoảng khắc tâm hành giả tha thiết chân thành muốn thực hành Pháp là thời điểm tâm hoàn toàn thanh tịnh và hòa hợp nên mới được gọi là Tăng - chú ý đây chỉ là phần lý, không giống với phần sự: Tăng phải là người xuất gia, thọ giới, đắp y, sống đời phạm hạnh). Về lý mà nói, Tăng có nghĩa là tâm của hành giả tập trung trọn vẹn vào con đường tâm linh, nên lúc đó hành giả là Tăng, không quan trọng việc hành giả đang thực hành theo pháp môn nào.
Việc hiểu kỹ về ý nghĩa cả hai phần sự và lý của Quy y Tam Bảo trong giáo pháp của Đạo Phật là vô cùng quan trọng trước khi Quy y. Tôi luôn luôn nói rằng danh hiệu của Tam Bảo là của Đạo Phật, nhưng ý nghĩa về sự và lý của ba ngôi này có thể được thực hành và được thấu hiểu ngay cả với những người không phải là Phật tử. Bởi vì ý nghĩa căn bản của Tam Bảo là “sự giác ngộ”: tịnh quang phải được tìm thấy ở trong chính bạn. Đây là điều mà mọi người nên trân trọng, bởi đó là bản chất của vũ trụ. Cũng là cái mà tất cả mọi người đều có. Ngay cả mọi loài, cho đến muỗi mòng, cũng có. Đây là lý do tại sao tôi gọi đó là chân lý của vũ trụ, không quan trọng gì nếu bạn tin hay không tin. Hầu hết chúng ta chưa đạt được giác ngộ bởi vì do vô minh, chúng ta đã không cảm nhận và không hiểu được điều này. Tất nhiên, loài muỗi hoàn toàn vô minh, còn chúng ta (loài người dường như rất thông minh và sáng suốt) nhưng cũng rất vô minh trong phương diện này. Thậm chí nếu bạn không tin vào bất cứ điều gì, thì đó cũng vẫn là một quy luật thiên nhiên muôn đời như vậy. Không có con đường nào ra ngoài quy luật đó. Điều này không có nghĩa là chúng ta ép buộc những người không tin phải tin theo. Không, tôi không muốn nói như thế. Chúng ta không thể ép buộc bất kỳ ai.
Quy y là bước đầu hướng tới giác ngộ
Giả sử thần kinh tôi có vấn đề bất ổn và tôi không thể phân biệt được mình đang đứng ngoài trời hay trong nhà, mặc dù chúng ta đang ở bên trong. Song tôi lại thấy như mình đang ở bên ngoài. Và rồi tôi cố thuyết phục rằng chúng ta đang ở ngoài. Có thể bạn rất tốt bụng nên đã không tranh cãi với tôi. Bạn có thể nói, “Ồ không sao, Ngài nói chúng ta đang ở bên ngoài, không có vấn đề gì cả, hãy để Ngài như vậy.” Rõ ràng chúng ta đang ở bên trong, song các tri kiến của tôi cứ cho rằng tôi đang ở bên ngoài. Cho dù tôi có cố sức tranh cãi mình đang ở bên ngoài thì sự thật tôi vẫn đang ở trong nhà. Đây chỉ là một ví dụ. Khi nào bạn vẫn còn đang ở trong thế giới này, chân lý vũ trụ vẫn trải khắp như hư không và bạn không thể từ chối nó. Nó vẫn ở đó. Đó là ý nghĩa điều tôi nói. Cho nên Quy y là bước đầu tiên hướng đến giác ngộ.
Viết bình luận
- 194 reads