Pháp hội "Kiến tức giải thoát" Naropa 2004 | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Pháp hội "Kiến tức giải thoát" Naropa 2004

426
28/12/2015 - 08:21

Pháp hội Naropa "Kiến tức giải thoát"

Một nghìn bốn trăm năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Đạo Phật lại phát triển thịnh vượng rực rỡ ở Ấn Độ vào thế kỷ XI. Vào thời đại hoàng kim này trong lịch sử Phật giáo, rất nhiều đại hành giả yogi thị hiện trên thế gian tu hành và thành tựu Phật quả ngay trong một đời sau khi trải qua bao công phu khổ luyện tu tập. Những bậc xuất chúng siêu việt có thể du hý bay lượn trong không trung, đi trên mặt nước, cải tử hoàn sinh cùng phô diễn vô số những đại thần thông bất khả tư nghì. Vì vậy tất cả các Ngài được tôn xưng là Mahasiddha hay các Đại Thành Tựu Giả cũng gọi là những bậc đại thần thông lực. Trong số 84 Đại Thành Tựu Giả nổi tiếng nhất trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Ngài Naropa là một trong những bậc siêu việt ấy. Ngài đã phô diễn đại thần lực phương tiện thiện xảo cùng vô số công hạnh giác tha, độ thoát vô lượng hữu tình, trở thành một nguồn cảm hứng bất tận, một tấm gương ngời sáng cho những thế hệ hành giả Phật giáo sau này và mãi cho đến tận ngày nay.


(Đại Thành tựu giả Naropa) 

Đức Naropa sống vào khoảng năm 1016-1100 sau công nguyên. Giống như Đức Phật Thích Ca, từ khi còn rất trẻ Ngài đã sớm từ bỏ cuộc sống vương giả vinh hoa phú quý và người vợ hiền thục xinh đẹp để tìm cầu giác ngộ, giải thoát đau khổ luân hồi sinh tử, xả thân trọn đời tu tập Phật pháp. Trước khi hạnh ngộ Đức Tilopa, Naropa đã tới rất nhiều thánh địa của đạo Phật như Kashmir, Nalanda để tầm sư học đạo, sau cùng Ngài được hạnh ngộ Đại thành tựu Tilopa, căn bản Thượng sư của mình bên bờ sông Mandi nằm về phía Bắc Ấn. Trong thời gian cầu đạo với Tilopa suốt mười hai năm dòng, Naropa phải trải qua mười hai thử thách lớn và mười hai thử thách nhỏ để tịnh hóa vô số tội chướng cùng những phiền não do tình xúc phát khởi, Ngài chứng đắc tự tâm bản lai trong sáng thanh tịnh. Sau khi thành tựu sự chứng ngộ siêu việt này, Đức Naropa hoằng dương giáo pháp và phổ độ vô số đệ tử ở rất nhiều nơi, đặc biệt là vùng Kashmir và thung lũng Zanskar. Ngài xây dựng rất nhiều tự viện và trung tâm nhập thất tại hai nơi này. Tự viện Jamia Masjid ở trung tâm Srinagar, thủ phủ của Kashmir, từng là nơi vân tập hàng vạn Phật tử tới nghe Naropa thuyết pháp. Vào thế kỷ XIII, ngôi tự viện này được trùng tu và xây dựng thành ngôi tự viện lớn nhất ở vùng Kashmir. Bằng chứng lịch sử để lại là 370 đế trụ bằng đá tại bốn bảo điện trong tự viện còn tồn tại cho đến ngày nay.

Trên núi Khunumoo cách Srinagar mất khoảng mười phút đi xe có dấu tích Pullahari cổ kính. Đây là nơi Naropa đã ẩn cư nhập thất trong suốt sáu năm trước khi nhận lời làm viện trưởng trường đại học Nalanda, đồng thời đây cũng là trụ xứ của Ngài trong mười năm sau khi thành tựu đại giác ngộ. Người bạn đời trước kia của Naropa là nàng Niguma trở thành một trong những đệ tử xuất chúng của Ngài và trở thành một đại hành giả yogini của Pullahari. Có hai hang động ở Pullahari, một của Naropa, một của Niguma chỉ cách nhau khoảng 10m. Có hai hình tượng lớn nhỏ nổi tự hiện trên vách đá của hang động nơi Đức Naropa tu tập, hình tượng lớn tượng trưng cho Naropa, hình tượng nhỏ tượng trưng cho Niguma; cả hai hình tượng này biểu trưng cho từ bi và trí tuệ bất nhị - hai phẩm hạnh thành tựu Phật quả vô thượng Bồ Đề.
 

(Mũ miện, một trong Sáu Sức Trang hoàng Naropa)

Ngôi tự viện Sani của Truyền thừa Drukpa ở Sinagar là nơi Đức Naropa khoác Sáu Sức Trang Hoàng bằng xương bay thẳng lên trời sau khi chứng ngộ. Tại đây, Naropa nhập thiền định trong một am thất nhỏ quay mặt hướng về tháp Kanitra, và Ngài đã khai thị hướng đạo cho dân chúng Sani trong một vài năm.

Một trong những ngôi tự viện quan trọng của Naropa ở Zanskar là chùa Dzongkhul thuộc Truyền thừa Drukpa, nơi có hai hang động ở Dzongkhul, một hang bên trên, một hang bên dưới. Một vị Tăng tại tự viện Dzongkhul đã kể lại: Sau chuyến hồi hương của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tới đây vào năm 2002, có một khe suối nhỏ chảy xuống từ hang động phía trên. Ngay ở bên ngoài hang động chính, trên trần vách đá vẫn còn nhìn thấy mũi tên Naropa bắn sang từ phía quả núi đối diện xuyên qua khe núi Ating. Đức Naropa ẩn cư tu tập trong hang động bên trên và trên vách hang hiện vẫn còn in dấu chân của Ngài. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa dạy rằng, bức tượng Naropa ở trong hang miêu tả chính xác thân tướng của Ngài. Đây cũng là nơi Đại Thành tựu giả Naropa truyền lại cho đệ tử chân truyền của mình là Ngài Marpa những giáo pháp tối thượng. Nằm trong rừng cây cối rậm rạp phía trên ngôi làng cổ Pibiting trong thung lũng Zanskar là ngôi chùa Stakrimo. Đây cũng là thánh địa nơi Đức Naropa truyền cho đệ tử Marpa vô số giáo pháp tinh  yếu.


(Đức Marpa, đệ tử của Đại Thành tựu giả Naropa)

Ở Ladakh cũng có nhiều thánh địa liên quan đến Naropa như tự viện Lamayuru, nơi đây có hang động mà Đức Naropa từng nhập thất tu tập. Đức Naropa phụng sự Thượng sư Tilopa trong suốt mười hai năm cho đến khi Thượng sư viên tịch. Truyền thuyết kể rằng Naropa trụ thế cho tới năm 1100 sau công nguyên, Ngài không để lại nhục thân và thị hiện hóa quang cầu vồng.

 

(Đại Thành tựu giả Tilopa và đệ tử, 
Đại Thành tựu giả  Naropa)

 

(Cung điện Naropa ở Shey, Ladakh, nơi diễn ra Đai Pháp hội Naropa 2004)

Khoảng 8 tháng trước khi bắt đầu Pháp hội Naropa, khi lần thứ III, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa sẽ khoác Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa, theo lời chỉ dạy của Đức Pháp Vương, ban trị sự chùa Hemis bắt tay xúc tiến công trình xây dựng cung điện Naropa tại Shey. Trước đó, Đức Pháp Vương đã hai lần khoác lên mình Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa, một lần vào năm 1980 và một lần vào năm 1992 tại tự viện Hemis. Vì theo dự kiến sẽ có hơn mười vạn người tham dự Pháp hội nên cần thiết phải xây dựng một cung điện mới tại một nơi rộng rãi hơn để tất cả mọi người đều có thể chiêm bái Pháp Vương khoác Sáu Sức Trang Hoàng. Do đó, cung điện Naropa mới được quyết định xây dựng tại học viện Druk Padma Karpo ở Shey.

Sân bay ở Ley

Đức Pháp Vương đáp máy bay đến Ley, Ladakh vào ngày 23 tháng 6 năm 2004. Rất nhiều người dân địa phương và Phật tử nước ngoài hân hoan chào đón Ngài ở sân bay. Có ít nhất hơn một trăm đoàn tùy tùng đi từ Sikkim đến Giáo hội Phật giáo Ladakh ở Ley đến Bazar, cung điện Naropa ở Shey và cuối cùng dừng chân tại tự viện Hemis. Trong thời gian này, Lama Nawang – trưởng đại diện của Pháp Vương ở Châu Âu cùng hơn 200 Phật tử đến từ những nơi khác nhau trên thế giới cũng từng đoàn bắt đầu đến dự Pháp hội Naropa và sau đó tham gia kỳ nhập thất ở Kortsa.

Hơn 700 lều trại, 60 nhà tắm và 60 toa lét được chuẩn bị trên khu vực gần cung điện Naropa ở Shey do Shindu Expedition, một công ty du lịch chính thức được lựa chọn để tổ chức cho chuyến hành hương này.

Vì Naropa được chính thức xác nhận là hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm đại từ đại bi nên Pháp Vương mở đầu Pháp hội bằng pháp tu Đại Thành Tựu Pháp Drubchen của Bồ Tát Quan Âm vào ngày 24 tháng 6 năm 2004. Pháp tu diễn ra trong 7 ngày tại cung điện Naropa mới được xây dựng ở Shey.
 


(Chư Ni Truyền thừa Drukpa tại Pháp hội Naropa 2004)

Trái với thông lệ chư tăng là người được phép cử hành những đại lễ quan trọng, lần này Đức Pháp Vương cử hơn 200 chư Ni chịu trọng trách tổ chức Đại Thành Tựu Pháp cùng Pháp hội Naropa tiếp sau đó. Chúng tôi đã tham vấn Pháp Vương liệu có phải Ngài nhận thấy ở chư ni có nhiều tiềm năng hơn chư Tăng hay không. Ngài trả lời:

‘Tất cả mọi người ai cũng có tiềm năng cả. Việc tổ chức được thực hiện như vậy vì tôi nhận thấy mình có trách nhiệm trong việc xây dựng mối quan hệ bình đẳng giữa nam và nữ. Bởi vì như các bạn biết đấy, sự phân biệt cố chấp này đã diễn ra từ rất lâu rồi, không chỉ trong xã hội Tây Tạng hay Ladakh mà trên khắp thế giới đều như vậy, ngay như xã hội nước Mỹ cũng không phải là ngoại lệ, vai trò người phụ nữ thường bị coi thấp trong khi vai trò của nam giới lại được đề cao coi trọng hơn. Nhưng ngày nay, mối quan hệ ấy đã được bình đẳng hơn. Bản thân tôi cũng rất muốn mang sự cải cách bình quyền nam nữ trong Pháp hội này. Tôi mong muốn có thể nâng vị thế của người phụ nữ lên cao hơn, lên mức độ mà họ cảm thấy mình ngang bằng và bình đẳng với nam giới. Đó là điều tôi đang nỗ lực thực hiện. Tôi đang đề cập về một vấn đề rất rộng, tuy nhiên điều mà tôi có thể làm được bây giờ chỉ giới hạn trong nhóm Tăng đoàn của mình, khích lệ nâng đỡ một số ít chư ni gồm khoảng 200-300 người mà thôi. Không phải là tôi ôm ước nguyện lớn về một tương lai vĩ đại khi mà người phụ nữ được quyền bình đẳng hơn. Các Ni chúng đệ tử của tôi thật tội nghiệp đáng thương. Họ cần phải có quyền bình đẳng hơn. Vì vậy, tôi cố gắng hướng đạo rèn luyện họ như với chư tăng. Không những thế, tôi tin tưởng rằng họ cũng có thể phụng sự tốt hơn cho xã hội, cho con người và tất cả chúng sinh thông qua tu tập Phật Pháp. Tôi hoàn toàn không nghi ngờ điều đó. Cũng không lý do gì để nghi ngờ và không tin tưởng cả. Có lẽ chắc hẳn cũng có những nguyên nhân nhất định khiến trong suốt hàng trăm năm qua phụ nữ bị cấm đoán không được làm việc này, không được làm việc kia, không được nhìn cái này, không được chạm vào cái kia. Tất nhiên bạn có thể chưa bao giờ chứng kiến phụ nữ bị cấm chạm vào cuốn kinh này. Tại sao phụ nữ lại không thể tiếp xúc với kinh điển, không thể tu tập? Trừ khi Đức Phật Thích Ca thuyết trong kinh rằng phụ nữ không thể làm được thì tôi sẽ hoàn toàn tuân theo. Tôi không chấp nhận và không thể chấp nhận chỉ vì có người nói rằng trong kinh dạy như vậy. Bản thân tôi rất tự hào vì mình đang cố gắng thực hiện sự bình đẳng nam nữ. Và tôi cũng rất tự hào về chư ni bởi họ thực sự chân thành tu tập xuất phát từ con tim của mình chứ không hề giả tạo bên ngoài. Tôi cảm thấy rất hoan hỷ và mãn nguyện vì điều đó’

Công việc chuẩn bị tại cung điện Naropa

Trong khi đại lễ Đại thành tựu pháp Drubchen đang diễn ra thì một số chư tăng của tự viện Hemis, tự viện Sangling, Chemdrey và một số Phật tử địa phương vô cùng bận rộn chuẩn bị hết sức mình để cung điện Naropa sẵn sàng cho Pháp hội Naropa sắp đến.

Một số chư tăng của tự viện Hemis và Chemdrey đang khẩn trương chuẩn bị cho Pháp hội Hemis chiêm bái bức Thangka 300 năm tuổi Đạo sư Liên Hoa Sinh người Ấn Độ, Ngài sống vào thế kỷ thứ VIII sau công nguyên, người đã đóng góp công đức to lớn trong việc hoằng dương giáo pháp Tantra tại Tây Tạng. Trong những ngày này, Pháp Vương vô cùng bận rộn đến tham dự hết Pháp hội này đến Pháp hội khác, từ Shey đến Hemis và ngược lại.

Tự viện Hemis 

Ngày 28/6/2004 diễn ra lễ hội ở tự viện Hemis và là ngày đặc biệt mười hai năm một lần trưng bày bức Thangka Thượng sư Liên Hoa Sinh. Đúng vào ba giờ sáng bức Thangka được trưng bày trước sự chứng kiến của hàng ngàn Phật tử. Chỉ nghe thấy tiếng chũm chọe và ốc loa rộn rã ngân vang, tất cả mọi người tham dự đều lắng lòng cầu nguyện đợi giây phút bức Thangka được mở ra trước mắt đại chúng.

Lễ hội Hemis

Các vũ điệu mang mặt nạ khác nhau do chư Tăng tự viện Hemis và Chemdrey trình diễn nhằm thỉnh cầu sự gia trì của Thượng sư Liên Hoa Sinh khiển trừ những ác nghiệp, chướng ngại. Một trong những điểm đặc sắc của buổi lễ vũ điệu Kim Cương là sự xuất hiện của đạo sư Liên Hoa Sinh và tám hóa thân của Ngài để ban năng lực gia trì tới đại chúng trong Pháp hội. Một điểm đặc sắc nữa là vũ điệu mặt nạ của chư tăng tượng trưng cho các bản tôn phẫn nộ, các Ngài cắt một vật nhỏ tượng trưng Lingam làm nhiều mảnh nêu biểu cho việc cắt đứt sự bám chấp bản ngã. Lúc này, có hơn tám vạn người dân sống gần tự viện Hemis và các khu vực lân cận, trong số đó có rất nhiều người không thể vào được bên trong nội viện của tự viện. Rất nhiều người đã vào được rồi lại không có chỗ ngồi, còn người đã ra khỏi thì không có cách nào quay trở lại trong tự viện được nữa.


 

Đại Pháp hội Naropa ‘Kiến tức giải thoát’

Đức Pháp Vương ban quán đỉnh Quan Âm và thuyết giảng 37 Bồ Tát Hạnh cho đại chúng vào ngày 1/7/2004 tại cung điện Naropa ở Shey. Đây là bước chuẩn bị cho đại chúng trước Pháp hội Naropa “Kiến tức giải thoát” sẽ diễn ra vào ngày hôm sau. Dân chúng dãy Hymalaya cùng nhau vân tập câu hội tại bãi đất trống phía trước cung điện Naropa. Vào những ngày này có tới hơn năm vạn người tới tham dự pháp hội.

Một số các đời Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa không bao giờ khoác Sáu Sức Trang Hoàng Naropa vì những pháp bảo truyền thừa này được cất giữ rất bảo mật và quá đỗi quý giá nên đương thời không bao giờ được trưng bày trước đại chúng. Nhưng một số đời Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ IV Kunkhyen Pema Kapo lại khoác Sáu Sức Trang Hoàng tới hơn mười hai lần. Hầu hết các đời Pháp Vương Gyalwang Drukpa chỉ khoác Sáu Sức Trang Hoàng một lần trong đời. Tuy nhiên, vì Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời tin tưởng rằng rất cần thiết phải đem lại sự giải thoát giác ngộ cho chúng sinh nhờ chiêm bái Sáu Sức Trang Hoàng vào thời mạt pháp này nên vào ngày mùng 2/7/2004, lần thứ III Ngài khoác Sáu Sức Trang Hoàng Naropa tại Ladakh.

Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa tượng trưng cho sự thành tựu đại giác ngộ nhờ tu tập Sáu Pháp Yoga của Naropa. Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa gồm có mũ miện, yếm, vòng đeo khủyu tay, vòng đeo tay, vòng đeo cổ, đai lưng, khuyên tai, tất cả đều được làm bằng xương và được Naropa sử dụng trong khi tu tập Tantra. Trong số đó, đặc biệt nhất là chiếc vương miện được tết bằng tóc của một trăm nghìn Dakini. Dakini là Phật mẫu và nữ Bồ Tát thị hiện để trợ giúp các đạo sư và hành giả thành tựu thực chứng. Khi lần thứ ba Marpa đi Ấn Độ để thụ pháp với Naropa, Naropa đã truyền lại cho Marpa kế thừa Sáu Sức Trang Hoàng này và lập Marpa làm đệ tử chân truyền. Marpa là người đã phục hưng và hoằng dương Phật Pháp tại Tây Tạng. Sau đó, Marpa lại truyền Sáu Sức Trang Hoàng bằng xương của Naropa cho đệ tử của mình là Ngài Ngokton Chokou Dorje. Sáu Sức Trang Hoàng tiếp tục được truyền xuống trong dòng Ngokten cho đến vị tổ sư thứ VII của dòng Ngokten là Ngài Ngok Jangchoub Pal - người đã cúng dường Sáu Sức Trang Hoàng lại cho Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa Kunga Paljor đời thứ II (1426-1476), Ngài nói rằng: “Nay xin hoàn trả bảo báu chân truyền này cho chủ cũ” và tuyên bố: “Pháp Vương Drukpa chính là hóa thân chuyển thế của Ngài Naropa”. Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa tượng trưng cho sự chứng đắc Mật thừa Tantra vô song và ban thần lực gia trì ‘Kiến tức giải thoát’, đây là những bảo báu pháp khí chân truyền quý giá nhất của Truyền thừa Drukpa.

‘Nói về Naropa, tôi cho rằng đáng chiêm bái nhất là Sáu Sức Trang Hoàng của Ngài. Những trang hoàng bằng xương thù thắng này là phẩm vật cúng dường của chư Dakini. Đặc biệt Naropa đã mang những sức trang hoàng ly thế để thực hành vô số công hạnh siêu việt, nói cách khác Ngài đã xả ly thế gian nhập hành động bất khả tư nghì mà đến ngay cả đại đệ tử của Ngài là đại dịch giả Marpa cũng không thể tìm thấy Ngài sau một thời gian dài. Có thể Ngài đã ẩn cư nơi thâm sơn cô tịch hay cũng có thể an trụ ở nơi nào đó. Bởi vì những trang hoàng vô cùng trân quý thù thắng này Ngài đã khoác lên mình ở những thánh địa linh thiêng đặc biệt. Những trang hoàng vô song này rất đáng trân quý và thù thắng, đặc biệt là đối với những hành giả của dòng truyền thừa áo vải yogi.’

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa thường nói rằng, Ladakh là một trong những nơi Ngài yêu thích để tu tập và giảng dạy Phật Pháp. Chính tình cảm nhiệt thành của người dân nơi đây khiến Ngài luôn quan tâm và thường xuyên tới thăm Ladakh để chia sẻ giáo Pháp và những kinh nghiệm hiểu biết của mình. Cũng chính vì người dân Ladakh và các vùng lân cận rất quen thuộc và sùng kính Naropa cùng truyền thừa của Ngài nên Đức Pháp Vương đã ba lần chọn Ladakh làm nơi tổ chức Pháp hội và khoác Sáu Sức Trang Hoàng của Naropa.
 

Khi được tham vấn về tâm nguyện của Ngài đối với những người được tham gia Pháp hội “Kiến tức giải thoát” của Naropa, Đức Pháp Vương trả lời:

‘Dĩ nhiên tôi nguyện tất cả mọi người đều chứng ngộ ngay lập tức sau khi tham dự Pháp hội này nhưng làm sao có thể thực hiện được điều này? Điều tôi thực sự muốn nói là sự thành tựu còn phụ thuộc vào căn cơ trình độ của từng người. Nếu thuộc hạ căn thì họ sẽ thành tựu trí tuệ ở mức độ thấp. Điều này thực sự phụ thuộc vào căn cơ của từng người. Nếu có trí tuệ tính không hay Mahamudra thâm sâu đồng thời đặc biệt tôn kính Naropa cùng những công hạnh và thành tựu của Ngài thì đương nhiên đây sẽ là lợi ích vô cùng to lớn cho họ. Đối với những ai không thực sự hiểu biết về Naropa thì tôi nghĩ Pháp hội này sẽ khó mang lại lợi ích cho họ. Không có nghĩa là hoàn toàn không lợi ích vì chắc chắn vẫn có sự gia trì nhưng rất hạn chế. Đó cũng là lý do tại sao đây là lần thứ ba tôi tổ chức Pháp hội ở Ladakh, nơi rất nhiều người dân biết về Naropa, về Bồ Tát Quán Thế Âm, về dòng truyền thừa Drukpa, về Ngài Pema Karpo. Nơi đây rất thích hợp để tổ chức Pháp hội. Người dân sẽ có tăng thượng duyên để trợ giúp tiến trình đạt đến giải thoát giác ngộ. Có thể không ngay tức thời nhưng dần dần họ sẽ thành tựu thông qua những hoạt động này. Đó là lý do tôi tổ chức ở đây chứ không phải nơi nào khác. Tôi cũng nhận được một số lời thỉnh cầu tổ chức Pháp hội ở những nơi khác nhưng tôi không thể nhận lời vì những nơi đó không thích hợp. Có người thỉnh cầu mong tôi hãy tổ chức ở Bồ Đề Đạo Tràng, tôi hỏi:‘Tại sao?’. Họ đáp: ‘Bởi vì nơi đó tập trung rất đông người’. Tôi trả lời: ‘Không, tôi không phải nhà ảo thuật’. Nếu là nhà ảo thuật thì tôi hẳn đã tới những nơi còn đông người hơn như Las Vegas chẳng hạn. Nhưng tôi không nghĩ đó là động cơ chân thật bởi vì những người tham dự, khi họ ngồi đối diện trước tôi, họ phải có động cơ chân thật, họ phải thực sự hiểu thì mới đem lại lợi ích. Mặc dù nếu không hiểu tường tận thì vẫn có thể lợi lạc nhưng chỉ ở mức độ hạn chế thôi. Ngay cả những súc sinh nếu có mặt tại đây cũng sẽ được lợi ích, điều này cũng được nhắc đến trong kinh. Vì vậy, Pháp hội này được gọi là ‘Kiến tức giải thoát’. Đó là sự thực. Tôi không biết liệu mình có uổng công không nếu cố gắng mà chỉ mang lại không nhiều lợi ích cho họ. Tôi cho rằng để được lợi ích thì mọi người phải có động cơ chân thật. Các bạn cũng biết đấy, để đến được nơi đây thực sự chẳng dễ dàng chút nào. Nơi đây rất khó tiếp cận, ở trên một độ cao rất lớn, phải đi bằng máy bay. Đây cũng là một điều rất thú vị. Ai đến được nơi này cũng hẳn phải có động cơ thúc đẩy. Ít nhất 85% số người dân tham gia hẳn phải động lực bên trong thúc đẩy, nếu không thì họ chẳng đến tham dự. Nhờ vào động cơ ấy chắc chắn họ sẽ được lợi lạc. Nếu tôi khoác Sáu Sức Trang Hoàng này ở một nơi nào khác như Bồ Đề Đạo Tràng chẳng hạn thì người đi đường có thể sẽ thấy kỳ thú và rủ nhau đến xem có gì khác lạ. Cho nên dù có hàng hai trăm hay ba trăm ngàn người xem đi nữa mà nếu không có động cơ chân thật thì cũng chẳng có ý nghĩa gì. Về mặt công việc hẳn sẽ rất tốt vì có rất đông người vân tập, tham dự. Nhưng vì đây là hoạt động tâm linh nên điều tối quan trọng là mang lại lợi ích tâm linh lớn lao cho chúng sinh.’
 

 

 

(Đại Pháp hội Naropa năm 2004, Shey, Ladakh)

Cuộc hành trình tâm linh

Hơn 130.000 người thuộc dãy Hymalaya và một vài nghìn người nước ngoài tham dự Pháp hội Naropa năm 2004. Mỗi người đến dự với những tâm nguyện khác nhau nhưng ai ai cũng đều mang tâm nguyện đạt được chân hạnh phúc và dưới ân đức gia trì của Bồ Tát Quán Thế Âm, ai ai cũng cầu nguyện và hồi hướng công đức cho những người kém may mắn hơn không được tham dự Pháp hội. Không chỉ người dân Ladakh mà cả Phật tử từ những vùng khác của dãy Hymalaya và nhiều nước trên khắp thế giới cũng tham dự Pháp hội.

“Hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát thị hiện trên thế gian để truyền dạy giáo pháp Tantra, Ngài chính là hóa thân chuyển thế của Naropa. Dù có tin hay không, điều này thực sự phụ thuộc vào tâm chí thành dâng hiến của bạn. Việc chiêm bái Sáu Sức Trang Hoàng là một phúc duyên vô cùng hy hữu. Những trang hoàng này của Naropa được Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII khoác lên mình để chúng ta được chiêm bái vì lợi ích và hạnh phúc của chính mình và mọi người. Tôi cho rằng đây thật là một đại phúc duyên hy hữu”.

Ba ngày sau, Pháp hội vẫn còn có rất nhiều người tập trung xung quanh cung điện Naropa chỉ để chiêm bái mũ miện của Ngài và Mandala đại bi Quan Âm. Riêng điều này cũng đủ cho thấy lòng tin sâu sắc và tâm chí thành dâng hiến của người dân đối với Naropa và Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời. Mặc dù xảy ra một số sự cố nằm ngoài mong đợi trong khi dân chúng chiêm bái Mandala đại bi Quan Âm và mũ miện Naropa, người dân vẫn tiếp tục xếp hàng bên ngoài cung điện Naropa, kiên nhẫn chờ đến lượt mình được vào chiêm bái Pháp Bảo truyền thừa.
 

 

 

Viết bình luận

Cùng chuyên mục

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,559
Số người trực tuyến: