Bạn đang ở đây
Trở về với Thiên nhiên
Tuy nhiên, bản ngã luôn bảo ta rằng “Ta là chủ nhân của Thiên nhiên. Ta ưu việt hơn Tự nhiên, có thể sai khiến Tự nhiên, sai khiến tất cả. Ta là nhân vật trung tâm và đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Ta có toàn quyền huy động và sử dụng tất cả mọi nguồn lực tài nguyên thiên nhiên”. Tôi nhớ rằng, cách đây rất lâu, thậm chí ở Ấn Độ, chúng ta cũng không phải mua nước, không cần mua phân bón hóa học. Vào thời đó chúng ta sống rất sung túc, yên ổn. Thực tế là, thời đó đời sống con người an vui, thuần hậu hơn thời nay rất nhiều.
Gần đây, tôi đọc được một vài bài báo nói về “kỹ thuật nuôi cấy gen” cho những sản phẩm nông nghiệp. Tin đó khiến tôi vô cùng sửng sốt. Hẳn là tôi biết điều này quá muộn vì đã từ lâu, ngay cả những lương thực thực phẩm mà con người sử dụng đã được sản xuất nhân tạo theo những kỹ nghệ vô cùng phức tạp, chúng không còn giữ được nguồn gốc tự nhiên, không còn là sản phẩm thuần khiết của thiên nhiên nữa. Có lẽ, trong tương lai rất gần, chính bản thân con người cũng sẽ trở nên phi tự nhiên, bất thường và khác lạ. Tôi nhớ rằng, trước đây, chúng ta luôn sử dụng những sản phẩm sinh học tự nhiên. Và bây giờ, chúng ta lại phải chi rất nhiều tiền để có được những sản phẩm nguồn gốc tự nhiên như trước đây. Điều này mang ý nghĩa gì? Tôi cảm thấy thật hài hước và tự cười thầm. Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian, hàng thập kỷ, hàng thế kỷ để sáng chế và tìm ra ra vô số công thức, vô vàn kết quả nghiên cứu giúp con người có được những thực phẩm hấp dẫn hơn, cuộc sống tiện nghi hơn và hiệu quả, năng suất hơn trong công việc. Sau khi đã tiêu tốn hàng tỷ đô la cho các công trình nghiên cứu, chúng ta nhận ra rằng sẽ tốt hơn cho loài người nếu không có những phát minh, những sáng chế phức tạp này. Tôi không có ý nói rằng tất cả mọi phát minh hay sáng chế đều tiêu cực. Tuy nhiên, nhìn một cách khách quan, nhiều phát minh quả thực hết sức xa lạ, phản tự nhiên.
Vì cuộc sống của chúng ta được định hướng và phát triển một cách vị kỷ xoay quanh cái tôi cá nhân, cho nên mỗi ngày, thậm chí từng giây phút, chúng ta phải đương đầu với vô số bệnh tật. Đây là Nghiệp quả của chính chúng ta, nói cách khác, đó là kết quả các hành động tạo tác của chúng ta trong quá khứ. Nếu nói theo cách tiêu cực, chính chúng ta chiêu vời những nghiệp quả bất thiện này.
Chúng ta đã lạm dụng Mẹ Thiên Nhiên trong một thời gian quá dài, từ đời này sang đời khác, từ thế hệ nối tiếp thế hệ. Chúng ta không thể làm khác đi, bởi vì bản ngã của chúng ta quá lớn, thậm chí vượt tầm kiểm soát của chính mình. Bản ngã luôn sai sử chúng ta, khơi gợi tâm tham khiến chúng ta ham muốn rất nhiều thứ, khi đã có thứ này rồi chúng ta vẫn muốn có thứ khác, chúng ta luôn muốn nhiều hơn nữa và tốt hơn nữa. Chính vì lạm dụng thiên nhiên, bạc đãi môi trường sống xung quanh nên chúng ta phải đương đầu với vô số thảm họa. Chúng ta thường gọi đó là thảm họa “tự nhiên” nhưng như vậy không công bằng, bởi chính chúng ta đã làm tổn hại sâu sắc tới Tự Nhiên, khiến Tự Nhiên lâm trọng bệnh. Điều này cũng giống như khi không giữ gìn sức khỏe, chúng ta để cơ thể bị ốm, bị cảm lạnh, khi đó cơ thể sẽ không thể điều tiết hài hòa và sẽ não hại chúng ta, khiến ta vô cùng mệt mỏi, thậm chí đau đớn. Chúng ta gọi những căn bệnh “nan y” đó của Tự Nhiên là “thảm họa tự nhiên”, nhưng thực chất, đó chính là cách mà Tự Nhiên biểu lộ nỗi đau, sự tổn thương sâu sắc của mình.
Trở về với Tự nhiên, bù đắp cho Tự nhiên là điều tôi luôn trăn trở suy tư và luôn dành mối quan tâm cũng như sự ưu tiên hàng đầu. Vì không hiểu biết nhiều về khoa học, tôi chỉ có những ý tưởng và phương pháp hết sức đơn giản, hết sức căn bản như là trồng cây và Hành hương triều bái thánh địa bảo vệ môi trường. Đối với nhiều người, đó có thể là những giải pháp tầm thường, chẳng có gì nổi bật bởi chúng thật sự giản dị, chân phương. Như tôi đã nói, chúng ta đã khiến cuộc sống này trở nên vô cùng phức tạp bởi nghĩ rằng, bằng cách phức tạp hóa cuộc sống, chúng ta có thể đạt được nhiều thành tựu. Thay vì thành tựu rất nhiều theo ý nghĩa tích cực, chúng ta lại đem về cho mình vô số những căn bệnh nan y kỳ lạ và cuộc sống trong một thế giới đầy ắp những thảm họa, bất an.
Tôi đề nghị các bạn, các đạo hữu và đệ tử, hãy nỗ lực cùng tôi, vượt qua những khó khăn, thử thách để chung tay bảo vệ môi trường thiên nhiên quanh dải Himalaya. Hệ sinh thái Himalaya có ảnh hưởng vô cùng quan trọng tới hệ sinh thái toàn cầu. Đây chính là nơi cung cấp nguồn nước nuôi sống gần một nửa dân số thế giới. Vào ngày 29 tháng 10 sắp tới, chúng ta sẽ nỗ lực lập kỷ lục Guinness Thế giới về trồng cây tại Ladakh, đây sẽ là một đóng góp nho nhỏ của chúng ta vào việc bảo vệ thiên nhiên. Tôi muốn nhân dịp này ngỏ lời tri ân tới bà Zangmola đã hỗ trợ Tổ chức Thanh niên Drukpa (YDA) trong việc đặt nền móng cho phong trào trồng cây gây rừng tại đây, cũng như tới chư Tăng Tự viện Hemis cùng toàn thể Tổ chức Thanh niên Drukpa tại Ladakh đã nhiệt tâm tham gia công tác gây dựng phong trào này. Tôi cũng xin bày tỏ niềm tri ân tới các tổ chức của Live to Love (Sống để Yêu thương) tại địa phương trên toàn thế giới, đã hỗ trợ việc gây quỹ. Xin gửi tới tất cả các bạn niềm tri ân sâu sắc vì những đóng góp đáng trân trọng này!
(Tổ chức Kỷ lục Thế giới ghi nhận kỷ lục trồng nhiều cây nhất trong thời gian ngắn nhất, tại Ladakh, 2013)
(Đức Pháp Vương nhậng giảithưởng Vì mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ do LHQ trao tặng)
Tôi mong nguyện các bạn sẽ chung tay góp sức cùng chúng tôi trong việc trồng cây, có thể bằng cách trực tiếp tham gia hoặc gián tiếp hỗ trợ cho dự án. Đây không chỉ là nỗ lực và công sức của một hay một vài cá nhân, mà nó đòi hỏi sự đồng lòng chung sức của tất cả mọi người, bởi tất cả chúng ta đều là thành viên của ngôi nhà chung duy nhất - Trái đất thân yêu.
(Trích dịch từ chia sẻ của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)Viết bình luận
- 855 reads