Ba Vị Thánh Điên | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ba Vị Thánh Điên

902
28/12/2015 - 08:21

 

 

Lobsang Thargay and Tashi Namgyal

Vào thế kỷ XV, miền đất Tây Tạng chứng kiến sự xuất hiện của hiện tượng Nyonpa – hiện tượng những “bậc cuồng yogi” trong truyền thừa Kagyud. Những bậc Yogi này được tôn kính là Nyonpa – những bậc thánh cuồng, bởi cách cư xử và những hành động không theo chuẩn tắc thông thường trong xã hội của các Ngài. Ba đại diện tiêu biểu vĩ đại nhất của truyền thống Nyonpa là Tsangnyon Heruka (1452 – 1507), Drukpa Kunleg (1455 – 1592) và Unyon Kunga Sangpo (1458 – 1532).

Unyon Kunga Sangpo (1458 – 1532)
Tashi Namgyal

Unyon Kunga Sangpo đản sinh tại Wosang ở Drang-yal Wolga miền Đông Lhasa vào năm 1458 và có tên gọi là Kyepo Dar. Ngài là người con trai út trong một gia đình có năm anh em trai, phụ thân là Wosang Sedga và mẫu thân là Babmo. Khi còn nhỏ, Ngài thường ngồi trên tòa cao và thể hiện như thể mình đang thuyết pháp cho mọi người. Ngài luôn an trụ trong tự tính quang minh và có thể thấu suốt vạn vật trong sáu cõi. Khi lên sáu tuổi, mẫu thân cõng ngài tới tự viện Liwu để nhận truyền thụ về tiểu sử của các thượng sư truyền thừa Kaguydpa, pháp Chod và Pháp Vị Bình Đẳng v.v… Ngài học đọc và học viết với Takshelwas Geshe Darpo và Meldowa Geshe Tashi Rinchen tại tự viện.

Thân mẫu của Unyon qua đời khi Ngài còn rất trẻ. Bởi cha và các anh Ngài đều là thần dân của Wolkhawa nên Ngài cũng phải đóng sưu thuế và phu dịch. Ngài nhận ra rằng đời sống thế tục chỉ mong manh như hạt sương đọng trên lá cỏ, thiếu mất nền tảng vững bền, rất khát khao, mong cầu được tu tập chân giáo pháp giải thoát. Ngài cố gắng tìm mọi cách để bỏ trốn nhưng đều bị cha và các anh ngài ngăn cản.

Năm mười sáu tuổi, cuối cùng Unyon cũng trốn thoát được khỏi gia đình tới Tsari cùng với một nhóm người thu thuế. Tại Tsari, Ngài hạnh ngộ đại hành giả yogi Chuworipa, thụ giới cư sĩ và giới Sadi tập sự. Ngài được ban Pháp danh là Kunga Sangpo. Ngài phụng sự trong ba năm và cùng với Chuworipa tới nhiều thánh địa linh thiêng ở Tsari, Daglha, Gampo… Sau đó, Ngài thụ Bồ Tát giới, quán đỉnh Vajra Varahi, các giáo pháp Mahamudra và Sáu Pháp Du Già của Naropa. Ngài tinh tiến tu tập tới tận khi chứng đạt sự trải nghiệm chân chính và liễu ngộ bản tâm nguyên sơ thanh tịnh. Ngài thụ nhận thêm những giáo pháp, quán đỉnh và truyền thừa khác từ đạo sư của mình.

Năm mười tám tuổi, Unyon đã thụ giới Sadi từ Khenchen Sonam Tashi Gyaltshen Pal Sangpo. Ngài thụ nhận thêm các giáo pháp quán đỉnh từ các ngài Lhunde Choje Paljor Gyatsho, Togden Sonam Sangpo, Choje Shar Medpa và nhiều bậc thầy vĩ đại khác.

Sau đó, Unyon hạnh ngộ Dragchok Rinchen Sangpo Rinpoche và toàn bộ quan kiến của ngài đã hoàn toàn thay đổi. Unyon làm hài lòng đạo sư theo cả ba cách và thụ nhận trọn vẹn quán đỉnh về 62 hóa thần Chakrasamvara, Guhyasamaja, Hevajra và năm Tantra của truyền thống Shangpa Kaguyd, Tantra cha và Tantra mẹ của Chakrasamvara truyền thừa khẩu truyền bí mật. Để tu tập những giáo pháp cao cấp này và chứng đạt giác ngộ, Ngài đã ẩn cư thiền định tại Lachi và Chubar trong ba năm.

Ngài thấu suốt vạn vật là những hóa thần và khắp hư không tràn ngập những hóa thần Chakrasamvara. Ngài thành tựu điều phục, chế ngự tất thảy vạn pháp bên ngoài. Sau đó, theo lời khuyên của hóa thần hộ pháp và chư dakini, Unyon quay trở lại tự viện và trình bày chỗ sở chứng của mình với Dragchok Rinpoche. Rinpoche rất hoan hỷ, ban cho Ngài những giáo pháp còn lại và chỉ dạy Ngài tới thiền định tại sáu sơn động của Milarepa, Nepal và Pharphing, nhằm mang lại lợi lạc cho chúng sinh thông qua bốn công hạnh lợi tha. Theo lời huấn thị, Unyon đi tới những nơi này để thiền định, bất chấp những khó khăn chướng ngại tột cùng và những rủi ro, hiểm nguy tới tính mạng. Trong khi thiền định tại Dechen Teng, Ngài đã thành tựu thực chứng Mahamudra.

Theo lời huyền ký của các Dakinis, Unyon đã xả giới và y phục trước Đức Phật và hiện thân trong hình tướng Heruka, Ngài thiền định tại Chubar, Lachi và sáu Dzong. Sau đó một thời gian, Ngài nhận ra rằng việc chế ngự vị vua Dzongkha cũng giống như việc chế ngự, điều phục chư thiên, quỷ thần và con người ở Tây Tạng. Trang hoàng lên mình y phục của Heruka, Ngài bước vào cung điện của vua Dzongkha bất chấp quân lính và đội cấm vệ. Vua và các quan tể tướng hoàn toàn kinh ngạc và sửng sốt. Bất ngờ, một đám đông người bắt lấy và ném Ngài ra ngoài. Quân lính và người dân tấn công, đánh đập ngài bằng gươm, gậy gộc và gạch đá. Nhưng ngài dường như vẫn hoàn toàn không bị hề hấn gì. Ngài đứng dậy, nhảy múa và hô vang “ Hung” và “ Phet”. Tất cả mọi người khi đó liền trào dâng một lòng sùng kính mạnh mẽ trước những dấu hiệu thành tựu giác ngộ của Ngài. Nhà vua thỉnh mời Ngài tới hoàng cung, cúng dường, phát lồ sám hối vì những cư xử lúc trước và cung thỉnh Ngài ban cho họ những giáo pháp giải thoát. Từ đó, Ngài trở nên trứ danh với danh hiệu ‘đại hành giả yogi Unyonpa’.

Vào mùa đông cùng năm, Ngài tới Nepal và viếng thăm tất cả những thánh địa linh thiêng tại đây. Ngài phá hủy rất nhiều tượng thần Shiva và Vishnu trong suốt khoảng thời gian này. Hàng trăm ngàn người đã tập trung lại, họ mang theo gươm, dao, giáo mác, cung tên tấn công Ngài. Họ buộc một sợi dây thừng quanh cổ rồi treo Ngài lên một cành cây và sau đó dựng một lò lửa để thiêu sống Ngài.

Unyon đóng giả như là đã bị thiêu chết nhưng ngày kế tiếp Ngài trở lại, nhảy múa và trông còn đẹp đẽ, lộng lẫy hơn trước. Những người dân ở đó vô cùng kinh sợ khi chứng kiến điều này. Sau khi trấn tĩnh, họ lại tấn công Ngài, dùng dây thừng trói và ném Ngài xuống sông; tuy nhiên Ngài không chìm mà lại nổi trên mặt nước. Nhà vua Nepal sau đó đã phải huy động quân linh của mình để đuổi bắt Ngài; Unyon bị tấn công, bắt trói và lại bị thiêu sống. Vào buổi sáng sớm ngày hôm sau, Unyon giáng hiện trở lại trung tâm thành phố, Ngài thổi kangling và hô vang âm chú “Hung” và “Phet”. Người dân vô cùng kinh ngạc, và òa khóc với tâm chí thành sùng kính tới Ngài, họ đỉnh lễ, sám hối những lỗi lầm của mình và cúng dường lên Ngài. Nhà vua cũng cúng dường ngài rất nhiều phẩm vật quý báu. Unyon đã đặt tranh tượng của Đức Phật và Bồ Tát Quan Âm bên trên tất cả những tượng thần Hindu và ngăn cản không cho tiếp tục việc  cúng tế các loài vật trong những ngôi đền này.

Người Hindu chiếm những hang động tại Asura và Yangle Shod, vào thời đó, không một Phật tử nào được phép bước vào những nơi này. Unyon đã tới những nơi này và cảm hóa người Hindus thành Phật tử. Sau đó Ngài trở lại Lachi. Theo lời huyền ký của chư dakini, Ngài tới Tsari và được Shing Kyong Wangpo, người bảo hộ xứ Tsari, cung nghing tiếp đón. Ngài lưu lại đây trong một năm. Sau đó, Unyon du hành qua các miền Kongpo, Dagpo, Jayul và nhiều nơi khác, truyền dạy giáo pháp và hướng đạo cho vô số chúng sinh hữu duyên trên đường đi.

Vào tuổi 45, theo lời huyền ký của đạo sư và chư dakini, Unyon kiến lập một tự viện tại Tsimar Palgyi Ri - cung điện của Chakrasamvara - thánh địa linh thiêng nơi chư daka và dakini vân tập. Rồi Ngài ẩn cư nhập thất trong mười năm, chỉ sống nhờ vào hoa trái. Sau đó, Ngài tuyên bố rằng mình sẽ hoằng dương giáo pháp, rất nhiều đệ tử từ những vùng miền khác nhau của Tây Tạng đã tới thụ nhận giáo pháp từ Ngài. Ngài đã thuyết giảng giáo pháp trong suốt bốn tháng và sau đó phái nhiều đệ tử đến tu tập thiền định tại đỉnh Kailash, hồ Manasarovar, Lachi, Chubar, Tsari và Swayambhunath ở Nepal.

Ngài Drukpa Kunleg viếng thăm Unyon, cúng dường đại phẩm vật, soạn văn cầu nguyện Nyen Gyud và truyền giáo pháp.

Vào năm 1526, Unyon cho gọi người cháu khi đó mới 13 tuổi từ Wolkhawa tới Tsimar Palgyi Ri, thụ giới xuất gia và ban cho cậu bé Pháp danh là Kunsang Nyida Palbar. Unyon trao cho Kunsang một vỏ tù và sắc trắng bọc trong các dải băng ngũ sắc và Ngài yêu cầu Kungsang tấu tù và lên vang khắp bốn phương. Một âm thanh vô cùng vang dội ngân vang và đây được coi là một điềm lành cát tường. Sau đó Ngài đã truyền trao tất cả những giáo pháp và ban quán đỉnh cho Kunsang Nyida Palbar. Vô số người bao gồm các vị tăng, quan lại và cư sỹ cùng câu hội để lắng nghe giáo pháp từ Ngài. Ngài ban giáo pháp vào mùa xuân, mùa hè và mùa đông, sau đó phái các đệ tử tới tu tập thiền định tại Tsari, đỉnh Kailash, Lachi, Chubar và nhiều thánh địa ling thiêng khác.

Một thời gian không lâu sau đó, Ngài nói với các đệ tử: “Nếu các con muốn gặp thân phụ của mình thì hãy tới vào năm nay. Không thể có cơ hội cho lần sau được nữa đâu.” Vô số người dân đã cùng nhau vân tập, dòng người bất tận cúng dường Ganachakra và trà lên Ngài. Ngài truyền ban giáo pháp và dạy rằng: “Trong khoảng thời gian từ 56 tới 75 tuổi, ta sẽ ở đây và ban cho các con vô số giáo pháp giác ngộ. Tất cả mọi người phải nhiệt tâm tinh tiến tu tập”. Sau đó, Ngài nhập thất ẩn cư nghiêm mật, không tiếp xúc với bất kỳ ai.

Vào năm 1532, đúng dịp kỷ niệm ngày đức Phật giáng lâm từ cõi trời Trayastrimsha, Ngài cho gọi người cháu Kunsang Nyida Palbar tới và ban lời chỉ dạy về những hoạt động về sau trong tương lai. Rồi Ngài nói: “Hôm nay là một ngày linh thiêng. Hãy châm sáng ngọn đèn để cháy mãi tới hết đêm nay và chuẩn bị đồ cúng dường. Đệ tử của ta, con chớ nên đau buồn, xót thương. Ta sắp vãng sinh miền tịnh độ.” Sau đó Ngài viên tịch trong tư thế thiền định kiết già.

Tsangnyon Heruka (1452 – 1507)
Lobsang Thargay

Tsangnyon đản sinh vào ngày rằm tháng 5 năm Nhâm Thân (1452) tại Kharga ở Upper Nyang, vùng Tsang Tây Tạng. Ngài là người con trai thứ hai trong gia đình năm anh em trai, phụ thân là Lama Ngag Chang Sangye Palden, còn mẫu thân là Sangye Dren.

Khi lên bảy tuổi, Tsangnyon đã thọ giới Sadi từ Khenchen Jangyang Kunga Sangye (Khenchen theo tiếng Tây Tạng có nghĩa là ‘Đại Phương Trượng’), người đã ban cho Ngài pháp danh Sangye Gyaltshen. Năm 18 tuổi, trong một linh kiến, Tsangnyon gặp 15 thiếu nữ lạ mặt thuyết phục Ngài tới Tsari, nơi triều bái linh thiêng của truyền thừa Kagyudpas, và tới thánh địa đó qua Dagpo. Nhận thấy đây là một điềm báo vô cùng quan trọng, Ngài đã lên đường cùng với ba vị sư ni.

Tại Labar Zurkhar ở Dagpo, Tsangnyon đã gặp Apho Choje Nyamnyid Dorje, một dược sư trứ danh đã cúng dường ngài thức ăn và nơi ở trong suốt thời gian Ngài ở đây. Trong khoảng thời gian đó, Ngài đã hạnh ngộ Shara Ramjampa, người đã từng được Apho Choje thỉnh mời cử hành một số nghi lễ. Ngay khi hạnh ngộ Shara Ramjampa, trong Tsangnyon liền trào dâng lòng sùng kính vô bờ và mối liên hệ giữa thượng sư và đệ tử được thiết lập.

Shara Ramjampa truyền trao những giáo pháp thâm diệu của dòng Kagyudpa và ban cho Tsangnyon Pháp danh Chokyi Dragpa. Sau đó, Tsangnyon tu tập giáo pháp tại những nơi nhập thất cô tịch, nơi những hành giả yogi của truyền thừa Kagyudpa đã từng tu tập thiền định. Thượng sư Ramjampa dạy Ngài phải thụ nhận những giáo pháp bí truyền cao cấp từ các đạo sư khác.

Tsangnyon quay trở lại Tsang và gia nhập học viện Gurpa của Pal Khorlo Dechen Chode, nơi Ngài thụ nhận giáo pháp Mật thừa Hỷ Kim Cương Hevajra và Phổ Ba Kim Cương Khon Vajrakila từ các ngài Gyulungpa Yonten Gyatsho, Lobpon Kunga Nyima và Panchen Dhondub Dragpa.

Vào khoảng năm 1471, Tsangnyon nhận thấy rằng đời sống tu học tại tự viện sẽ không giúp Ngài vươn tới sự chứng ngộ cao hơn. Từ đó, Ngài bắt đầu thể hiện tính cuồng điên thần thánh, hành xử rất lạ lùng, không ngừng nói những điều dường như vô nghĩa và luôn cười một cách cuồng dại. Vào một ngày nọ, hoàng tử  Gyaltse (một trong những người bảo trợ cho Tsangnyon) viếng thăm tự viện, Tsangnyon đã cư xử một cách rất thô lô và lăng mạ vị hoàng tử. Vì thế, Tsangnyon đã phải rời khỏi tự viện. Ngài trở lại Kharga và vào năm 1472, Ngài cùng với người anh trai của mình là Konchok Gyaltshen bắt đầu cuộc hành trình tới Tsari.

Tsangnyon đã dành khoảng thời gian 3 năm tại Tsari và có nhiều trải nghiệm rất phi thường huyền diệu tại đây. Những bản tôn hộ pháp của Ngài đã ban cho Ngài pháp danh bí mật là Thrag Thung Gyalpo. Vào cuối giai đoạn này, Ngài bắt đầu cuộc hành trình qua Nyal và Jayul, tới gặp người bảo trợ của mình là Ja Nagso Tashi Dhargye. Sau đó Ngài tới Kharchu tại Lhodrag, nơi đây Ngài đã hạnh ngộ Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ II Kunga Paljor (1428 – 1476). Ngài thuật lại cho Pháp Vương về những trải nghiệm của mình. Pháp Vương rất hoan hỷ và ban  cho Ngài ân đức gia trì của Hộ Pháp Mahakala 4 tay cùng những giáo pháp của dòng truyền thừa thực hành khởi nguồn từ đức Shang Drowei Gonpo tới Tsangpa Gyare và từ Phagmo Drupa tới Lingchen Repa. Ngoài ra, Tsangnyon còn thụ nhận quán đỉnh và giáo pháp Trường Thọ Phật Amitayus của truyền thống Rechung.

Sau đó, khoác trên mình những sức trang hoàng bằng xương, tay cầm khatvamga (chiếc đinh ba với ba sọ người xếp trồng lên nhau), không sợ hãi, nghi ngờ và chấp trước, Tsangnyon bắt đầu du hý khắp các vùng U và Tsang của Tây Tạng như một người điên. Khi ngài tới Lhasa, tất cả người dân ở đó ngay lập tức hoảng loạn, kinh sợ và la hét: “Kẻ ăn thịt người đang tới!” Buổi sáng hôm sau, khi một vài người mạnh dạn bước ra ngoài đường, Ngài liền lắc chuông kim cương và thổi kèn kangling (làm bằng xương đùi người), khiến một lần nữa tất cả mọi người lại hoảng sợ chạy tán loạn.

Trong khi một số người hoảng sợ: “Có kẻ ăn thịt người đang ở đây” thì những người khác lại cho rằng: “Đó chính là đại hành giả yogi Thangthong Gyalpo”. Những vị tăng từ Pal Khorlo Dechen Chode nhận ra Tsangnyon và cung thỉnh Ngài ban giáo pháp. Depa Paljor Gyalpo, người cai quản Neuzong gửi một sứ thần thỉnh mời Tsangnyon tới cung điện của ông. Một số Geshe từ tự viện Sera, Drepung và Ganden cũng có mặt và họ yêu cầu được tranh biện với Tsangnyon. Họ hỏi ngài: “Chúng tôi chưa từng đọc trong kinh văn của Đức Phật dạy về cách hành xử và y phục như vậy. Chưa từng có ai khoác lên mình một y phục như vậy. Y phục và hành tung của Ngài thuộc truyền thống nào vậy?” Tsangnyon trả lời: “Con kiến không thể thấy biết được ta. Con ếch trong đáy giếng không thể thấy được đại dương bao la rộng lớn. Bàn tay trẻ nhỏ không thể che lấp bầu trời. Nếu những y phục này chưa từng tồn tại trong quá khứ thì những hóa thần của Vajrayana và 84 Đại thành tựu giả Ấn Độ cũng chưa từng tồn tại. Các ngài chẳng nhẽ chưa từng bao giờ được chiêm ngưỡng những bức họa này? Hành tung và y phục của tôi đã được nhắc tới trong những Tantra Yoga cao cấp của Vajradhara và đặc biệt trong Tantra Hevajra.”

Trong chuyến viếng thăm tới Swayambhunath ở Nepal, Tsangnyon thiền định trong 6 ngày với tư thế Kim Cương tọa, vào ngày thứ 7 thì chư Daka và Dakini xuất hiện. Các Ngài trang hoàng với các trang sức bằng xương, ngọc quý, những pháp khí âm nhạc ngân vang cùng với những phẩm vật cúng dường đầy khắp hư không. Trong hư không phía trước Tsangnyon, Kalachakra đã xuất hiện trong hình tướng sắc thân cầu vồng và chỉ dạy: “Này hành giả Yogi, đã đến lúc con mang lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh thông qua giảng dạy giáo pháp và kết tập kinh điển. Bởi vậy con hãy thực hiện sứ mệnh cao cả này.”

Khi trở lại Tây Tạng, Tsangnyon thiền định tại sơn động Dre-lha Phug, nơi Milarepa đã thành tựu đại giác ngộ. Vào một buổi sớm bình minh, trong một linh ảnh, ngài được Đức Hevajra 9 mặt và 18 tay chỉ dạy: “Hỡi Pháp tử cao quý, đây là lúc con bắt đầu những công hạnh lợi tha. Hãy soạn những kinh điển nghi quỹ về Hevajra và Chakrasamvara.” Ngày hôm sau, Tsangnyon bắt tay soạn bản thảo Gyepa Dorje Ngon Tog Tsig Ched Ma, bản luận giải về Hevajra.

Tsangnyon tới đỉnh Kailash hai lần và trùng tu chùa Ja-kyib Gompa. Trở lại Lachi sau chuyến viếng thăm đầu tiên tới đỉnh Kailash, Ngài thiền định trong sáu sơn động của Milarepa. Ngài cũng thiền định trong những sơn động nổi tiếng của Gungthang trong ba năm.

Trong chuyến viếng thăm lần thứ hai tới Tsari, Nyen Gyud Dorje Tshig Kang được tiết lộ với Ngài trong một linh kiến và Ngài đã soạn rất nhiều luận giảng về truyền thừa khẩu truyền bí mật Demchog Nyen Gyud của Chakrasamvara. Khi trở lại Lachi, Ngài bắt đầu soạn tiểu sử (Nam Thar) và tuyển tập những bài thơ ca (Gur Bum) của Milarepa. Sau đó, Ngài viếng thăm Mustang lần thứ hai, sau đó quay trở lại Tsang.

Trong suốt khoảng thời gian ba năm an trú tại Lachi Gangra, Ngài bắt đầu soạn Nyen Gyud Yigcha, một bản kết tập về Rechung Nyen Gyud, Ngen Dzong Nyen Gyud và Dagpo Nyen Gyud. Sau đó Ngài viếng thăm Nepal theo lời thỉnh cầu của nhà vua và hoàng gia Nepal. Từ Nepal, Ngài tới thiền định trên đỉnh Kailash. Trên đường trở về từ đỉnh Kailash, trong thời gian ở Chubar, Tsangnyon được thỉnh mời để ban gia trì tấn phong cho ngôi đền vàng Mustang. Tsangnyon cũng bắt đầu trùng tu tháp Swayambhunath dưới sự bảo trợ của vua Ratna Malla và tể tướng.

Tsangnyon soạn Nam Thar (Tiểu sử), Gur Bum (Tuyển tập những bài ca) về Marpa và hoàn thành tuyển tập Nyen Gyud Yigcha. Ngài cũng hiệu đính bản thảo bằng vàng Nyen Gyud Yizhin Norbu mười ba tập.

Tsangnyon viên tịch tại Rechung Phug giữa những điềm cát tường thù thắng vào ngày 15 tháng 5 năm 1507 theo lịch Tây Tạng, trụ thế 56 năm.

Tsangnyon thuộc truyền thừa Rechung Kaguyd, một tiểu phái của truyền thừa Kaguyd. Giáo pháp trọng yếu nhất của truyền thống này là Rechung Nyen Gyud của Demchog Khandro Nyen Gyud hiện đang được các hành giả truyền thừa Drukpa tu tập phổ biến. Bởi vậy, Tsangnyon cũng được tôn kính là thuộc truyền thừa Drukpa.

Drukpa Kunleg (1455- 1529)
Lobsang Thargay

Druknyon Kunga Legpa, thường được gọi là Drukpa Kunleg, sinh ra trong dòng dõi hoàng tộc Gya cao quý, hoàng tộc đứng đầu truyền thừa Drukpa tại Ralung sau khi đức Tsangpa Gyare viên tịch. Ngài lớn lên trong môi trường tự viện nghiêm ngặt và được thụ nhận giáo pháp, khai thị từ rất nhiều đạo sư cao cấp. Thông qua sự rèn luyện nghiêm ngặt và thiền quán về giáo pháp mà mình đã thụ nhận, Drukpa Kunleg đã chứng đạt đại giác ngộ khi Ngài mới ở tuổi 20. Con đường tu học phát triển tâm linh đã hoàn tất, Ngài trở thành bản chất tinh túy của thực tại tuyệt đối. Sau đó, Ngài từ bỏ đời sống tự viện chật hẹp, cứng nhắc và bắt đầu đời sống du sĩ Yogi đi khắp nơi cùng với chiếc cung và mũi tên của mình. Với đời sống du sĩ tự do khoáng đạt cùng những phương tiện thiện xảo, Ngài đã phô diễn những thành tựu tâm linh và hướng đạo cho rất nhiều chúng sinh trên con đường đại giác ngộ. Ngài trở thành huyền thoại với những giáo pháp giải thoát kỳ đặc siêu việt được truyền đạt theo những phương cách bất ngờ nhất và thường kèm với nghĩa rộng của tham dục. Những hành động của Ngài hoàn toàn vượt trên những giới hạn, những chuẩn tắc của người đời thế tục và dường như không phù hợp với hành vi, cư xử thông thường, bởi vậy Ngài được tôn kính với pháp danh “Druknyon” hay “Thánh điên của truyền thừa Drukpa”. Ngài đã đi qua hầu hết các vùng U và Tsang của Tây Tạng, thuyết pháp, hướng đạo cho chúng sinh thông qua việc phô diễn những thần thông và những thành tựu tâm linh của mình. Giáo pháp của Ngài phá bỏ mọi chấp trước vào những thông lệ, giáo điều của xã hội và hiển lộ quy luật nhân quả cứu kính.

Tại Tây Tạng, Ngài trở thành một bậc anh hùng của toàn thể đại chúng và là nhân vật rất được kính ngưỡng tại Bhutan. Druknyon viếng thăm Bumthang tại Bhutan lần đầu tiên trong một chuyến hành hương triều bái và đã thiền định tại Kurje - thánh địa linh thiêng nơi Guru Padmasambhava đã từng thiền định và để lại một dấu ấn thân giác ngộ của mình trên vách đá. Ngài cũng truyền Mani và Vajra Guru Mantra cho người dân địa phương.

Drukpa Kunleg viếng thăm Bhutan lần thứ hai vào khoảng năm 1490. Khi ở Nangkatse Tây Tạng, Drukpa Kunleg nằm mộng thấy bản tôn hộ pháp Palden Lhamo khai thị cho Ngài tới Bhutan để hoằng dương giáo pháp dòng truyền thừa Drukpa và huyền ký rằng người con trai của Ngài được sinh ra tại Bhutan sẽ mang lại lợi ích to lớn cho dòng Drukpa trong tương lai. Ngài được chỉ dạy bắn một mũi tên theo hướng tới Bhutan để thông báo sự hiển diện của mình. Ngày hôm sau, Drukpa Kunleg đã bắn một mũi tên cùng với lời nguyện cầu: “Nếu những công hạnh của con mục đích là để mang lại lợi ích cho vô lượng chúng sinh và Phật Pháp thì xin hãy gia trì để mũi tên bay thẳng tới ngôi nhà có duyên với con”.

Một thời gian không lâu sau, Drukpa Kunleg thẳng hướng Bhutan đi tìm mũi tên của mình và đặt chân đến thung lũng Paro. Ngài đã hướng đạo, dìu dắt rất nhiều người dân trên con đường đạo tâm bằng cách phô diễn vô số đại thần thông. Sau đó, trên đường qua Thimphu, Drukpa Kunleg cuối cùng cũng tới được ngôi nhà của Toepa Tsewang và người vợ xinh đẹp tên là Palsang Bhuthri, nơi mũi tên của Ngài đã rơi xuống. Drukpa Kunleg đã lưu lại nơi này với Palsang Bhuthri một thời gian, và cả hai sinh hạ được người con trai Ngawang Tenzin. Ngawang Tenzin sau đó tu học với Ngawang Chogyal tại Ralung, Tây Tạng. Năm 50 tuổi, Ngài trùng tu ngôi tự viện Tago đã bị mục nát. Người con trai của Ngawang Tenzin là Tsewang Tenzin (1574- 1643) kế tục đảm nhiệm quản lý tự viện Tago và cung thỉnh Shabdrung Ngawang Namgyal khi Ngài tới Bhutan. Con trai của Tsewang Tenzin là Tenzin Rabgay (1638- 1696), vị Desi – quan nhiếp chính thứ tư của Bhutan là người cuối cùng của truyền thừa Drukpa Kunleg.

Tại Logthang Kyamo, một người đàn ông nhiều tuổi tên là Tenzin thỉnh cầu Drukpa Kunleg truyền dạy giáo pháp tâm linh cho ông. Drukpa Kunleg đã truyền dạy cho ông bài cầu nguyện quy y trong đó có những câu kệ rất thô tục và dặn ông hãy trì tụng bài nguyện bất kỳ khi nào ông nhớ nghĩ về lama của mình. Trên đường trở về nhà, cô con gái của Tenzin đã đề nghị ông trì tụng lại bài nguyện cầu mà ông đã thụ nhận từ Drukpa Kunleg. Ông đã trì tụng theo đúng như lời chỉ dạy của Drukpa Kunleg. Cô con gái đã rất xấu hổ khi nghe những câu kệ đó, còn người vợ thì rất tức giận nói với ông là không bao giờ được nhắc lại chúng trước mặt con gái mình. Nhưng Tenzin vẫn không ngừng trì tụng bài cầu nguyện quy y và bởi vậy ông đã buộc phải giam mình trong chiếc lều mái cỏ, tại đây ông tiếp tục nhất tâm trì tụng bài cầu nguyện quy y. Sau đó khoảng một tháng, người vợ vì không nghe thấy âm thanh trì chú của chồng nên bảo cô con gái tới chiếc lều xem điều gì đang xảy ra. Tới nơi, người con gái chỉ thấy một đống mền bông, bên trong là khối cầu ánh sáng cầu vồng, ở giữa là chữ chủng tử AH sắc trắng đang tỏa ánh hào quang rực rỡ. Mọi người chứng kiến tại đó thấy ánh sáng cuộn bay về phương Tây. Với tín tâm chí thành sâu sắc hướng tới Drukpa Kunleg và giáo pháp của Ngài, Tenzin đã chứng đạt giải thoát luân hồi sinh tử. Drukpa Kunleg đã sử dụng xương sọ của Tenzin làm xá lợi để xây dựng một tòa tháp nhỏ, nơi ông đã thị hiện viên tịch. Vào năm 1499, khi Ngawang Chogyal viếng thăm nơi này, Ngài xây dựng một ngôi chùa và thờ ngôi tháp nhỏ này tại trung tâm chùa. Ngày nay địa danh này được gọi là Chimey Lhakhang và được tôn kính là một trong những điện thờ linh thiêng nhất tại Bhutan. Cung và mũi tên bằng kim loại của Drukpa Kunleg cũng được cất giữ tại ngôi chùa này. Rất nhiều cặp vợ chồng viếng thăm chùa để cầu tự. Trong chùa có một biểu tượng lingam ban gia trì viên mãn mong nguyện này của những cặp vợ chồng tới viếng thăm.

Vào thời gian Drukpa Kunleg tới Sha Luetshogang ở huyện Wangdu, người dân trong đó có cả những nhà chức trách địa phương đã được nghe về quyền năng tâm linh của Ngài mặc dù họ chưa từng được chứng kiến trực tiếp. Bởi vậy, họ đã thỉnh cầu Drukpa Kunleg phô diễn thần thông. Họ mang tới một cái đầu dê và thân chú bò không đầu. Sau khi gắn đầu dê vào thân của bò, Ngài khảy móng tay một tiếng. Trước sự kinh ngạc khôn tả của tất cả mọi người, chú bò vùng đứng dậy và chạy thẳng lên thung lũng. Loài động vật này theo tiếng địa phương là Drong Gemtse, ngày nay được coi là loài thú đặc trưng của Bhutan.

Du hóa khắp đất nước Bhutan, Drukpa Kunleg đã truyền dạy giáo pháp tới người dân thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, tùy theo mức độ hiểu biết và tâm chí thành của họ. Ngài hàng phục vô số quỷ thần và chuyển hóa họ thành các vị hộ pháp. Sau nhiều năm tại Bhutan, Ngài quay trở lại Tây Tạng và ẩn cư thiền định nghiêm mật tới tận năm 1529 khi Ngài viên tịch, hòa nhập sắc thân vào với Pháp thân trong vô số điềm lành cát tường thù thắng.

NguồnThe Three Divine Madmen, People of The Lineage, The Dragon, Spring/ Summer, 2002.

 

Viết bình luận

Cùng chuyên mục

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,076
Số người trực tuyến: