Bardo – Nghệ Thuật Sinh Tử: 14. Căn & Đạo Đại Thủ Ấn | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bardo – Nghệ Thuật Sinh Tử: 14. Căn & Đạo Đại Thủ Ấn

1330
28/12/2015 - 08:21

Với tâm chí thành hướng về bậc Kim Cương Thượng sư, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và để chào mừng Hội nghị Thường niên chư Thượng sư Truyền thừa Drukpa (tổ chức tháng 9 tại Ladakh, Ấn Độ) cùng Hành trình của ân phúc gia trì triều bái thánh địa (tháng 11 tại Ấn Độ, Nepal),  chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu những vấn đề cơ bản nhất của tiến trình giác ngộ, được trích lược từ ấn phẩm “Bardo – Bí Mật Nghệ Thuật Sinh Tử”, một tác phẩm của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa do Drukpa Việt Nam chuyển dịch, phát hành trong năm 2012:

(Các bài trích lược trước của mục Nghệ Thuật Sinh Tử có thể được truy cập tại đây)

alt

alt

alt

III. Đại Thủ Ấn:

2. Căn Đại Thủ Ấn

Trong phần này tôi sẽ luận đàm về Căn Đại Thủ Ấn là nền tảng căn bản của vạn pháp, ý nghĩa của Căn Đại Thủ Ấn được giải thích ngắn gọn dưới góc độ vô minh và giải thoát.

Tinh tuý tâm không phải là thứ tồn tại bên trong dòng tâm của một cá nhân hay một đức Phật. Đó là nền tảng thực sự của tất cả những gì xuất hiện và tồn tại, là toàn bộ luân hồiniết bàn. Khi bạn chứng ngộ được tự tính tâm, hiểu ra được điều kiện, bản chất thực sự của tâm, lúc đó bạn được gọi là một vị Phật. Khi chưa chứng ngộ được tự tính tâm, sống trong vô minh ảo tưởng, bạn bị gọi là một chúng sinh hữu tình. Vì vậy, tinh tuý tâm là nền tảng để dẫn tới hoặc lang thang trong luân hồi hoặc tự do giải thoát, cho nên nó được gọi là nền tảng chung của luân hồi và niết bàn. Đại thành tựu giả Sahara đã từng nói: “Tâm này là hạt giống của vạn pháp, từ tâm mà có luân hồi hay niết bàn”.

Tinh tuý tâm Đại Thủ Ấn có sự hiển bày khác nhau hoặc những sắc tướng khác nhau xuất hiện, đơn giản là chỉ có sự khác biệt đã chứng ngộ hay chưa chứng ngộ được tinh tuý tâm. Dù chứng ngộ hay chưa chứng ngộ, tinh tuý tâm vẫn là sự hợp nhất bất khả phân với Trí tuệ bản lai của Tam thân không hề có những khiếm khuyết hay tốt xấu.

Tinh túy tâm Đại Thủ Ấn qua Tam thân

Mặc dù bị ảo tưởng và lang thang trong luân hồi, tự tính Như Lai là tinh túy tâm của bạn không bị hỏng hay khiếm khuyết và cũng không bị mất đi dù chỉ một phần nhỏ nhất. Tất cả chúng sinh hữu tình vốn đều là Phật, nhưng hiện đang bị vướng mắc nhiễm ô nên tự tính Phật tạm thời bị che lấp. Theo nghĩa đích thực, tự tính bản lai hiện diện sinh động là Tam thân bất khả phân. Khi bạn bị vô minh, nhiễm ô tạm thời che chướng, Phật tính vẫn sẵn đủ được thể hiện thành Tam thân. Đến khi việc giác ngộ tự tính tâm của bạn hiển bày thành quả vị chứng ngộ Tam thân, lúc này những vô minh, ám chướng đã được chuyển hóa và hai loại trí tuệ được viên mãn.

Đức Long Thọ (Nagarjuna) đã giảng: “Vì bị màng lưới xúc tình phiền não che chướng nên gọi là chúng sinh; khi giải thoát khỏi những xúc tình phiền não thì chúng sinh đó được gọi là Phật”. Vì lý do này, việc thấu hiểu và chứng ngộ được vạn pháp cùng với sự khai thị thiện xảo về ý nghĩa căn bản của Đại Thủ Ấn, hành giả sẽ an trụ trong tự tính của Căn Đại Thủ Ấn. Hành giả sẽ tịnh hoá những nhiễm ô của vọng tưởng sai lầm thông qua Đạo Đại Thủ Ấn và đạt được Tòa Kim Cương của Tam thân, đây là Quả của Đại Thủ Ấn.

Tinh túy tâm Đại Thủ Ấn vô sinh là Pháp thân; sự thể hiện không bị che chướng gọi là Báo thân; chức năng của tâm ứng hiện, hiển bày theo bất cứ cách nào gọi là Hóa thân. Tam thân này đồng thời hiện diện bất khả phân. Việc chứng ngộ và an định về trạng thái tự nhiên này được gọi là chứng ngộ hoàn hảo về kiến, nền tảng Phật tính. Việc duy trì tính liên tục của sự kết nối tự tính Phật được gọi là thiền. Việc hòa nhập tự tính Phật vào hoạt động đời sống và hành động phù hợp với giáo pháp được gọi là hành. Việc nhận ra tự tính Phật hoàn toàn không bị che chướng, giống như mặt trời tỏa ra những tia sáng rực rỡ trên bầu trời là quả.

3. Đạo Đại Thủ Ấn:

a. Động cơ

Thành công trên con đường thực hành tâm linh phụ thuộc rất nhiều vào động cơ của hành giả. Nếu không có động cơ hoặc động cơ không đúng đắn, chắc chắn bạn sẽ lầm đường lạc lối và không bao giờ có được kết quả mong đợi. Bởi vậy, trước tiên, chúng ta rất cần lưu tâm tới động cơ của bản thân. Chúng ta có thể nghĩ rằng việc đề cao vai trò của động cơ dường như không có gì thực sự hấp dẫn hay mới mẻ, bởi điều đó dường như là đương nhiên hay rất bình thường. Có lẽ bạn muốn tới đây để nghe về Bardo, bí mật của nghệ thuật sinh tử, và pháp thiền định Đại Thủ Ấn chứ không muốn nghe về động cơ tu tập. Nhưng như tôi đã nói, nếu bạn không có động cơ đúng đắn thì việc thực hành Phật pháp sẽ không bao giờ đạt được kết quả. Và thậm chí nếu sự thực hành này có hiệu quả trong một giai đoạn hay một thời gian ngắn, nó sẽ không giúp bạn thành tựu giác ngộ. Bởi vậy, tôi rất khuyến khích các bạn thực hành về động cơ tu tập trước để có một động cơ đúng đắn hay chính là thực hành Tâm Bồ đề để trải rộng tâm giác ngộ của các bạn.

Tâm giác ngộ ở đây là tâm nguyện lợi ích cho chúng sinh chứ không chỉ cho riêng bản thân bạn. Vào lúc này, do vô minh ám chướng và bản ngã xui khiến nên tâm chúng ta rất bị giới hạn. Bởi vậy, chúng ta cần mở rộng chan trải tâm mình ra để có thể kết nối và lợi ích tất cả chúng sinh hữu tình. Nếu chưa thể làm như vậy, ít ra bạn cũng cần mở rộng tâm mình hướng tới nhiều người xung quanh hơn. Dần dần, cùng với sự tu tập thực hành, nhất định Tâm Bồ đề sẽ được phát khởi nơi bạn.

Có nhiều người chẳng hề theo một tín ngưỡng nào nhưng vẫn lắng nghe những gì các bậc thầy thuyết giảng. Song động cơ của họ đối với việc này không thực sự đúng đắn. Họ chẳng hề lắng nghe giảng pháp vì lợi ích của hết thảy chúng sinh. Là những hành giả Đại thừa, chúng ta lắng nghe giáo pháp - giống như hôm nay các bạn đang lắng nghe những gì tôi nói. Cho dù tôi có giải thích về bất cứ chủ đề gì thì cũng cần phải được thực hiện với một động cơ chân chính. Việc tôi nói chuyện với các bạn không phải vì động cơ vị kỷ mà vì lợi ích hết thảy chúng sinh. Tôi cần phải nghĩ rằng giáo pháp này sẽ có lợi ích hướng các bạn đi đúng đường, để các bạn, cho dù chỉ một người thôi, cũng có thể giúp đỡ hàng triệu hay vô lượng chúng sinh. Về phần mình, khi lắng nghe những bài pháp hay sự chia sẻ này, các bạn cũng cần có động cơ chân chính tương tự.

Trên bước đường thực hành Bồ tát đạo, các bạn luôn cần phát nguyện duy trì và trưởng dưỡng động cơ chân chính,  không chỉ khi lắng nghe hay nghiền ngẫm giáo pháp trong  thiền định, mà ngay cả trong lúc làm những việc tưởng như không liên quan nhất như đi vệ sinh hay khạc đờm. Tất cả những điều này cần phải được hồi hướng cho lợi ích của hết thảy chúng sinh. Khạc đờm là một việc rất nhỏ và ít được coi trọng, thế nhưng lại có thể vô cùng lợi lạc đối với rất nhiều chúng sinh như quỷ đói hay những linh hồn vất vưởng chẳng có gì để ăn và chẳng hề được sở hữu chút gì do các ác nghiệp của họ tạo nên. Song với động cơ chân chính, nếu bạn khạc đờm và chú nguyện hồi hướng cho những chúng sinh này thì việc đó vẫn có thể lợi ích cho họ. Việc họ có được hưởng điều đó hay không còn tùy thuộc vào nghiệp quả của họ. Các bạn hãy nhớ là trên con đường tu tập Bồ tát đạo, bất kỳ điều gì bạn làm, cho dù là những việc vô cùng đơn giản như bước vào trong một căn phòng, đều phải vì lợi ích của chúng sinh. Bạn cần ghi nhớ: “Tôi bước chân vào căn phòng này vì lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Nguyện sẽ có ít nhất một chúng sinh nào đó được hưởng lợi ích từ việc tôi bước chân vào và ra khỏi căn phòng này.” Mỗi hành động, cho dù lúc ngủ hay khi nói chuyện, đều phải được hồi hướng cho hết thảy chúng hữu tình theo cách này. Đây là điều vô cùng quan trọng.

b. Thượng sư và đệ tử

Đại Thủ Ấn có nghĩa là Đại hợp nhất, cũng có nghĩa là sự hợp nhất với Thượng sư, với tâm giác ngộ của Ngài, vốn bất phân ly với Đại Thủ Ấn. Pháp tu Đại Thủ Ấn chính là nhận ra tự tính Phật, thực chứng được tự tính bản tâm của chúng ta. Điều này diễn ra trong chính chúng ta, sâu thẳm trong tâm thức mơ hồ của chúng ta. Ở cấp độ tuyệt đối, không có sự phân cách giữa Thượng sư với chính chúng ta. Theo nghĩa này, tâm chúng ta và tâm của bậc thầy cùng là Đại Thủ Ấn, nền tảng của vạn pháp. Tiếc thay, đến tận bây giờ, chúng ta luôn không nhận thấy như vậy, và chính chúng ta vẫn đang rất xa vời với Đại Thủ Ấn. Từ nay trở đi, thông qua thực hành các pháp tu như Guru Yoga Thượng sư Tương ưng pháp, chúng ta sẽ trưởng dưỡng tâm chí thành hay khả năng thực chứng hợp nhất, hay đúng hơn là thực chứng cảnh giới trong đó Thượng sư và chúng ta là không tách biệt. Đây chỉ là vấn đề thực chứng, giống như mặt trong và mặt ngoài của một bàn tay, giống như hai mặt của sự vật; để thấy lòng bàn tay khi ta đang úp tay xuống, chỉ cần lật bàn tay lên là đủ. Nương theo cách ấy, nhờ sự nhận biết đơn giản về sự hợp nhất, chúng ta không còn bị ngăn cách với Thượng sư nữa. Nhưng nếu chúng ta không nhận thức được rằng mình vốn không bị ngăn cách, thì bậc Thầy hiển nhiên đang bị ngăn cách với chúng ta. Chính vì vậy, suy nghĩ hoặc sự hiểu biết về Đại Thủ Ấn, theo nghĩa nền tảng của vạn pháp, chắc chắn sẽ trợ giúp chúng ta trưởng dưỡng tâm chí thành để bước vào kết nối với Thượng sư bên ngoài, bên trong và bí mật.

Hầu như mỗi đức Phật, mỗi bậc Bồ tát, bậc thánh nhân hay bậc Thầy đã đạt tới Phật quả và giác ngộ đều nhờ vào khả năng biết lắng nghe giáo pháp từ một bậc Thầy chân chính. Nếu không có sự hướng đạo từ một bậc Thầy giác ngộ, sẽ chẳng có cách nào đạt được quả vị giác ngộ. Ví dụ khi chúng ta nói tới từ bi, chúng ta không thực sự hiểu “từ bi” nghĩa là gì, hay “đau khổ” là gì và “giác ngộ” là như thế nào. Chúng ta hoàn toàn vô minh. Vì vậy lắng nghe giáo pháp từ bậc Thầy là việc thực sự cần thiết để thức tỉnh chúng ta. Những hành giả Đại thừa hay thụ giới Bồ tát như chúng ta đương nhiên cần phải làm tất cả mọi việc: thực hành, lắng nghe, trau dồi và thiền định với động cơ giải thoát mọi chúng sinh hữu tình. Đây là điểm cốt yếu vô cùng quan trọng.

Con đường siêu việt giác ngộ được định hình bằng thực chứng sự hợp nhất giữa tâm của chúng ta với tâm giác ngộ của Thượng Sư, vốn là tự tính tối thượng của vạn pháp. Có thể nói rằng việc thực chứng được bản chất tự nhiên sẽ nhờ phần nhiều vào ân phúc gia trì từ bậc Căn bản Thượng sư, bạn cần phải luôn ghi nhớ điều này. Phần còn lại phụ thuộc vào nỗ lực thực hành của chính bạn: bạn cần phải thực hành liên tục không gián đoạn để có thể trở nên tinh tấn. Điều này giống như bạn đã xây xong một cây cầu và nhờ đó đã thiết lập được cầu nối vững chắc với chân lý, song bạn vẫn cần phải bước đi trên cây cầu đó để sang được tới bờ bên kia. Đương nhiên là nếu chỉ đơn giản là xây xong cây cầu thì vẫn chưa đủ, bạn còn phải tiến bước trên đó. Để có thể tinh tấn, giờ là lúc bạn cần phải liên tục thực hành thiền Đại Thủ Ấn.

c. Nghi thức thiền định

Để nhận ra được về tính bất nhị, nếu nói về kỹ thuật, thì bạn chẳng cần làm gì cả. Bạn chỉ cần đưa tất cả những hiểu biết của mình về chân lý tuyệt đối, đưa tư tưởng Đại Thủ Ấn vào sự thực hành, đúng như tôi vừa mới giải thích ở trên. Thông thường, bạn cũng không cần phải tuân thủ theo nghi thức thiền định, không cần phải có những khóa tu tập thiền đặc biệt hay bất cứ hình thức thực hành phức tạp nào. Chẳng cần gì cả, trừ khi bạn gặp khó khăn trong việc nắm bắt được ý nghĩa của Đại Thủ Ấn để áp dụng đúng trong đời sống hàng ngày. Và lúc này chúng ta lại đang phải đối diện với chính khó khăn ấy.

Vì thế nên khi thực hành thiền định theo nghi thức, bạn có thể áp dụng nhiều phương cách khác nhau để trưởng dưỡng hiểu biết về Đại Thủ Ấn. Ở đây chúng ta sẽ đề cập chính tới bản thân pháp thực hành. Để có thể đạt được sự thiền định, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của việc tập trung kiểm soát và điều tiết toàn bộ năng lượng thân, khẩu, ý. Nếu như những năng lượng này không cân bằng, chúng ta sẽ gặp chướng ngại. Điều này cũng giống như một chiếc xe hơi nếu không được bảo trì sẽ có thể gây tai nạn cho người lái. Cũng như vậy, nếu thể trạng của chúng ta không tốt thì sẽ có thể xảy ra nhiều việc không tốt. Đối với những người mới bắt đầu tu tập, giữ đúng tư thế là việc rất quan trọng, cụ thể là bạn phải chú ý để thân, khẩu, ý đều tuân thủ đúng tư thế, trong trạng thái phù hợp và đúng mực.

Đương nhiên chúng ta cần phải luyện tập tất cả những điều nói trên, nhưng chúng cũng chỉ tương đối quan trọng, tương đối đúng. Chúng ta có thể thắc mắc vì sao cứ phải liên tục dùng tới những phương pháp tương đối, trong khi chúng ta đang muốn đạt được Đại Thủ Ấn, tức là chân lý tuyệt đối. Đây là những phương pháp do chính Đức Phật truyền giảng, và để giải thích tầm quan trọng của phương pháp này, Ngài đã dùng hình ảnh ẩn dụ về một cụ già muốn đi được, đứng được cần phải nương vào cây gậy. Hình ảnh cụ già tượng trưng cho chân lý tuyệt đối và cây gậy của cụ chính là chân lý tương đối. Cụ nương vào cây gậy cũng giống như chân lý tuyệt đối luôn nương vào chân lý tương đối. Các pháp thiền định, trì tụng chân ngôn, cầu nguyện, lễ lạy, các nghi quỹ, âm nhạc, các phẩm vật cúng dàng, tất cả đều có giá trị đúng đắn xét trên quan điểm đối với những người bắt đầu sự thực hành. Các pháp này không đúng tuyệt đối mà chỉ có giá trị tương đối. Thực chất, mọi sự đều chỉ tương đối đúng, thế nhưng chúng ta vẫn cần phải trưởng dưỡng khía cạnh tích cực của chân lý tương đối. Đó là nguyên nhân vì sao các pháp thực hành tâm linh có thể mang lại sự trợ duyên cần thiết để chúng ta tinh tấn hướng về sự thực chứng chân lý tuyệt đối.

Ngay từ thời điểm trực nhận ra Đại Thủ Ấn, bạn sẽ không cần tới bất cứ điều gì nữa: bạn chẳng cần phải nương vào sự thực hành, cho dù là bất cứ pháp nào. Tất cả đều trở nên tức khắc nhậm vận tự nhiên. Như tôi đã nói, tất cả sẽ trở nên mênh mông rộng lớn, tâm từ và tâm bi khởi phát tự nhiên, sự thực hành tâm linh cũng trở thành nhậm vận tự nhiên. Song chừng nào còn chưa đạt tới thành tựu giác ngộ này, chúng ta còn phải tuân theo một số phương pháp thực hành trên suốt hành trình tâm linh. Có rất nhiều điều bạn phải tuân thủ và nhiều việc bạn phải xa lánh. Có rất nhiều hình thức giới luật mà bạn phải nghiêm ngặt tuân theo.

Một hành giả đã đạt thành tựu giác ngộ sẽ không cần tới nhiều nghi thức như vậy. Đối với thành tựu giả, sẽ không còn sự phân biệt giữa tốt và xấu: tất cả đều có chung một tự tính. Nói vậy có nghĩa là mỗi người sẽ tự áp dụng những phương thức phù hợp với sự tiến bộ và khả năng của mình. Có những cách sẽ phù hợp với hành giả với lối tu hành yogi, trong khi có những hành giả lại phù hợp với hình thức tuân thủ giới luật. Cũng có những hành giả tu tập theo những phương thức rất lạ lùng, đặc biệt và không hề đi theo những chuẩn mực hay thông lệ thường tình, chẳng hạn như vị đó có thể uống rượu. Chúng ta có thể sẽ gặp rất nhiều cách hành xử khác nhau, song chúng ta không nên đánh giá hay chỉ trích. Chúng ta không thể biết được mức độ tinh tấn và thành tựu tâm linh của người khác. Mỗi người được lựa chọn phương pháp thích hợp nhất với mình. Chúng ta chưa có đủ phẩm hạnh để đưa ra những nhận xét đánh giá. Chúng ta chỉ có thể tự đánh giá bản thân, bởi nói cho cùng chỉ có mình là biết rõ mình hơn ai hết và chẳng ai khác có thể biết về chúng ta rõ hơn chính mình. Chỉ chúng ta mới biết được cách thức tu tập nào phù hợp nhất cho bản thân. Nếu tự thấy mình là người mới tu tập, chúng ta cần thực hành theo nghi thức giới luật. Nếu thấy mình đã có được chút thành tựu trên con đường tâm linh, chúng ta có thể lựa chọn những phương thức thực hành phù hợp với mình hơn và đến khi đạt được những thành tựu tâm linh nhất định, chúng ta sẽ thực hành tùy theo mức độ chứng ngộ của mình. Mỗi người, tùy theo những trải nghiệm cá nhân, sẽ có thể biết được mình đang ở cấp độ nào và cần phải thực hành pháp gì. Song bạn cũng cần phải cẩn trọng trong việc tự đánh giá bản thân để đừng phạm phải bất cứ sai lầm nào.

Bạn cũng không nên quá cứng nhắc, chẳng hạn như bạn cứ nghĩ rằng cần vội vã đi hết hành trình: đừng nên chạy đua với chính mình và coi nhẹ những khó khăn bạn có thể gặp phải trên đường đi. Hơn nữa, cho dù nhận thức rõ ràng rằng chính chúng ta phải nhận biết được mình đang ở đâu trên con đường đạo, bạn vẫn cần ghi nhớ rằng bạn có thể nương vào các bậc Thầy tâm linh, thỉnh ý kiến các Ngài để có được nhận định rõ ràng đúng đắn hơn. Sự kết nối với một bậc Thượng sư chân chính là điều vô cùng quan trọng.

d. Xả bỏ mọi bận tâm

Trong pháp Guru Yoga, sự thư giãn sau khi quán hòa tan có thể được coi là phương tiện chính của toàn bộ pháp tu thiền định. Trước tiên, hành giả cần thư giãn, thả lỏng toàn bộ cơ thể, rũ bỏ mọi cảm giác và thư giãn tâm, một cách thật nhẹ nhàng, mềm mại. Hãy để tất cả được yên tĩnh tự nhiên và an trụ trong thực tại không thủ không xả này.

Thông thường điều diễn ra sau đó là chúng ta sẽ bị những luồng vọng tưởng trào lên và dễ dàng thả mình cho chúng cuốn đi. Chúng ta vốn phàm trần, đã quá quen với việc để những luồng vọng tưởng dẫn dắt và chỉ biết cam chịu trước sức mạnh chi phối điên đảo của vọng tưởng! Thật là một sai lầm lớn khi bị cuốn theo như vậy: vọng tưởng dẫn tới đâu chúng ta đi theo đó; thoáng nghĩ tới điều gì là chúng ta tưởng tiếp về điều đó; đòi hỏi gì là chúng ta muốn thứ đó,… Chính thói quen tập khí này khiến chúng ta xa rời dần bản chất tự nhiên của vạn pháp. Nó ngăn cản chúng ta không thể nào thư giãn, không thể nào an trụ trong sự bình yên, thậm chí ngay cả khi chúng ta đang nghỉ ngơi trên sự tướng. Kể cả khi ngồi hàng giờ liền không bận bịu gì, nằm dài trên đi-văng, xét từ góc nhìn sự tướng, chúng ta có vẻ như đang nghỉ ngơi thư giãn, song thực chất bên trong chúng ta hoàn toàn không được bình yên, thậm chí chúng ta còn đang nghĩ ngợi triền miên và đang bị những luồng vọng tưởng cuốn trôi đi thật xa. Ngược lại, có những người trông bề ngoài có vẻ như hoạt động vô cùng năng nổ, nói cười, ăn uống, làm việc,... song bên trong họ lại hoàn toàn thư giãn. Họ không hề bị những luồng vọng tưởng cuốn đi. Đây mới chính là cách thư giãn đúng đắn.

Nói thì dễ nhưng thực hành lại rất khó. Chẳng phải là điều dễ dàng gì khi thân thể vận động còn tâm trí lại nghỉ ngơi. Điều này đòi hỏi phải có sức mạnh, bởi lẽ bình thường chúng ta đã quá quen thuộc với việc nương tựa vào những pháp tương đối. Chúng ta nhạy cảm tới mức mọi biến đổi của thế giới bên ngoài đều có thể khiến cho nội tâm chúng ta vọng động. Vì thế, nếu thử thiền định ở một ngã tư đường nơi xe cộ đi lại như mắc cửi, chúng ta sẽ thấy mình không thể nào thiền định nổi cho dù chỉ trong giây lát. Suy nghĩ của chúng ta sẽ bị cuốn theo mỗi người khách bộ hành hoặc mỗi chiếc xe chạy ngang qua, chẳng phải vì lỗi của chiếc xe hay của âm thanh ồn ào, mà chính bởi ý nghĩ của chúng ta cứ đuổi theo chiếc xe hay tiếng động đó. Chính theo nghĩa này mà vọng tưởng mới thực là chướng ngại ngăn cản chúng ta nhận ra được tự tính của vạn pháp. Không hề thương tiếc, chúng kéo chúng ta đi thật xa và làm chúng ta trở nên điên đảo. Bạn cần phải hiểu thật rõ điều này. Ngay cả trong một thời khóa thiền định, cho dù ở một nơi vô cùng thích hợp như chỗ chúng ta đang ngồi lúc này, chỉ cần một tiếng chim hót, mỗi tiếng gió khẽ thổi, một tiếng lá rơi cũng có thể khiến chúng ta bị gián đoạn thiền. Đó chính là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang nhạy cảm quá mức, điều này chẳng hề thuận lợi chút nào. Thực hành thiền định ở một nơi yên tĩnh có thể rất phù hợp khi mới bắt đầu, bởi lẽ chúng ta vẫn còn rất yếu đuối. Đó là lý do vì sao Đức Phật Thích Ca đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự xả ly trên sự tướng đối với một hành giả mới tu tập. Song với một hành giả tinh tấn hơn thì không nhất thiết cần như vậy. Do sự xả ly đã có được ngay từ bên trong nội tâm nên hành giả này sẽ không để mặc cho vọng tưởng lôi cuốn và các pháp bên ngoài sẽ không thể nào gây ảnh hưởng tới hành giả. Chỉ cần an trụ với tâm tĩnh lặng, người này sẽ có thể viên mãn mọi sự. Hành giả có thể tu tập thiền chỉ hoặc thiền minh sát, và có thể trưởng dưỡng được sự giác ngộ vốn nằm trong chính mình…

Toàn bộ mục đích của việc thư giãn là giúp cho tự tính căn bản có thể hiển hiện, vận hành và tự thân hiển lộ một cách tự nhiên nhất. Bình thường, chúng ta luôn cuốn mình theo các pháp thế gian và bắt tâm phải vọng tưởng loạn động nên chẳng bao giờ tâm có được một khoảng trống tự tại. Cho dù tự tính “đáng thương” này có nỗ lực bao nhiêu thì chúng ta cũng chẳng bao giờ cho nó một chút cơ hội. Bạn có thể hình dung giống như một người đang cố gắng tìm mọi cách để gọi điện cho bạn, nhưng đường dây lúc nào cũng bận. Từ đáy lòng, mỗi lần nghĩ tới ví dụ này tôi đều cảm thấy rất khôi hài…

Có rất nhiều hành giả lại cố gắng hết sức để đi ngược lại những gì cần làm. Thực tâm họ cố tìm cách thực hành thiền định, nhưng để bắt đầu họ lại ngồi xuống trong một tư thế tạo ra rất nhiều căng thẳng cho toàn cơ thể, và như vậy là một sự khởi đầu hoàn toàn lệch lạc. Rồi họ tìm cách ép hơi thở phải đi theo một cách nào đó. Đương nhiên khi làm như vậy sẽ khiến cho tâm của họ cũng trở nên căng thẳng… Họ đã nhận được những hướng dẫn sai lệch. Cho dù không chỉ trích một ai cụ thể, song tôi vẫn muốn giải thích với các bạn rằng mọi việc không nên đi theo chiều hướng như vậy. Bạn cần phải biết làm cách nào để thư giãn. Khi thực hành thiền Đại Thủ Ấn, chúng ta không nên thay thế sự bận rộn thông thường bằng một sự bận rộn tâm linh mới mẻ, chẳng hạn như “kiểm soát”, cho dù việc đó có thể là “kiểm soát ý nghĩ” hay “cắt đứt dòng tư tưởng”. Làm như vậy chúng ta vẫn cứ bận bịu như thường! Bạn cần phải không bận tâm vào việc gì cả, cho dù là việc tâm linh hay thế tục. Chính vì lý do này mà trong nhiều kinh điển đã nhấn mạnh rằng khi thiền định, cần phải dừng lại toàn bộ việc tụng niệm cầu nguyện hay trì chân ngôn. Điều quan trọng là phải không được bận rộn cho dù theo bất cứ nghĩa nào.

Khi tôi nói bạn không được bận rộn, có thể bạn sẽ nghĩ rằng bạn cần an trụ trong một trạng thái hoàn toàn tắt ngấm, mù lòa, cấm chỉ mọi suy nghĩ không được vận hành. Chẳng hạn thông thường bạn luôn bị quấy đảo bởi những luồng suy nghĩ, bạn có thể tự nhủ rằng bạn cần phải cắt đứt mọi liên hệ với chúng. Giống như một đầu mối cảm giác, bạn có thể nghĩ rằng cần vô hiệu hóa các giác quan để cắt đứt cảm giác. Nhưng đó không phải là cách cần làm. Có một số cách có thể giúp cho bạn an tĩnh tự tại mà không bị chìm vào hư vô. Nhưng điều đầu tiên bạn cần phải hiểu rõ, thiền định có nghĩa là an trụ, thư giãn, trong một trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn.

e. Ba pháp thư giãn Thân Khẩu Ý

Tâm chính là cội nguồn của mọi thăng trầm, khúc mắc, xung đột, khổ đau, hạnh phúc nơi chúng ta. Chính vì tầm quan trọng đặc biệt như vậy nên chúng ta cần bắt đầu tập cách làm quen và rèn luyện tâm. Để làm được điều này, chúng ta cần phải chuẩn bị nhiều điều kiện thuận lợi như địa điểm, thời gian, cách thức, tư thế thực hành…, như vậy mới có thể thiền định theo đúng cách.

Sự vận hành của tâm có mối liên hệ phụ thuộc với thân vật lý từ khi chúng ta sinh ra cho đến lúc từ giã cõi đời. Có thể nói thân thể cũng như hệ thống kinh mạch luân xa vi tế ở bên trong giống như một con đường. Những luồng khí vi tế chạy trong các kinh mạch có thể ví như một con ngựa hoặc một cỗ xe chạy trên con đường đó, và tâm của chúng ta giống như người kỵ sĩ hay người lái xe. Nếu muốn cỗ xe chạy được dễ dàng, con đường nhất thiết phải rộng rãi bằng phẳng. Để tránh những trục trặc như hỏng phanh, chết máy hay một vấn đề tương tự, chúng ta cần đảm bảo con ngựa kia có yên cương chắc chắn hoặc máy móc thiết bị trong xe vận hành trơn tru. Cuối cùng, người kỵ sĩ hoặc người lái xe cũng phải biết cách làm tốt công việc của mình.

Chúng ta cần luyện tập cho cơ thể mình biết cách ngồi vào một tư thế đúng để giúp tâm dễ dàng đạt được trạng thái cân bằng, ổn định mà chúng ta hướng tới. Tương tự việc điều khiển một con tuấn mã đòi hỏi nhiều công sức huấn luyện, để điều khiển được cơ thể và hơi thở của mình, bạn cũng phải luyện tập nỗ lực rất nhiều. Nếu con đường bằng phẳng, thẳng thoáng và yên cương được thắng tốt, chàng kỵ sĩ có thể ngồi thoải mái trên lưng ngựa và thúc nó phi nước đại tới bất cứ nơi đâu theo ý muốn. Cũng như vậy, nếu ngồi đúng tư thế thuận lợi, chúng ta sẽ kiểm soát tâm một cách dễ dàng.

Khi thiền định, bạn cần phải kiểm soát được cả thân, khẩu, ý của mình. Vì cả ba có mối liên hệ mật thiết với nhau nên cả thân và khẩu của bạn cũng phải đặt trong trạng thái thư giãn. Vậy khi nói “kiểm soát” nghĩa là sao? Điều này không có nghĩa là kiểm soát bằng sự khiên cưỡng, gồng cứng, mà phải đảm bảo chắc chắn bạn luôn trong trạng thái thư giãn tỉnh thức. Việc đạt tới sự thư giãn của thân, khẩu, ý này được hiểu là “ba sự vắng lặng của vận động”: cơ thể không vận động, lời nói không vận động và tâm không vọng động.

Tư thế bảy điểm, thả lỏng thân

Điều quan trọng trong khi thiềnđịnh làcơ thể phải được đặt vào một tư thế khiến cho bạn cảm thấy thật thoải mái, thư giãn. Theo tôi thích hợp nhất là mỗi người tự tìm cho mình một tư thế an lạc và khiến mình cảm thấy dễ chịu nhất. Bạn có thể chọn các tư thế thích hợp, loại trừ tư thế nằm dài ra hoặc trong khi cơ thể đang bận rộn quá mức. Có rất nhiều tư thế được chỉ dạy trong pháp thực hành Đại Thủ Ấn hoặc trong các pháp thiền định khác của Kim Cương thừa, điều quan trọng là những tư thế này không được tạo ra căng thẳng. Tư thế truyền thống nhất, có tên gọi là tư thế của Đức Phật Đại Nhật Như Lai (Vairocana) bao gồm bảy điểm. Cho dù không đi sâu vào chi tiết, chúng ta cũng sẽ điểm lại những nét chính.

Quan trọng nhất là bạn cần ngồi yên và giữ cho xương sống được thẳng để khí lực trôi chảy tự nhiên. Ngồi vươn thẳng lưng cũng là một cách để vực tâm chúng ta dậy. Khi còn nhỏ, tôi không thích nhìn thấy các hành giả trong tư thế thiền định vì cho rằng họ ngồi như vậy cốt để cho mình trông nổi bật. Giờ thì tôi đã hiểu sự thật không phải như vậy. Ngồi thẳng người giúp cho các kinh mạch vi tế trong cơ thể cũng được kéo thẳng. Nhờ đó, khí có thể trôi chảy dễ dàng nên tâm cũng trở nên thư thái. Nếu không thì cũng giống như một con đường có rất nhiều ngã quanh co, và như vậy bạn sẽ không thể có được sự thực hành thuận lợi.

Có rất nhiều điều được chỉ dạy liên quan tới tư thế của hai chân và hai tay. Thế nhưng đối với các hành giả mới tu tập, bạn không cần thiết phải đi quá sâu vào chi tiết. Bạn có thể ngồi kết già thế Kim cương tọa, nhưng nếu cảm thấy không thật thoải mái, bạn có thể chỉ cần bắt chéo chân phía trước, và nếu cần bạn cũng có thể dùng tới sự trợ giúp của một tấm đệm ngồi dày.

Thông thường bạn có thể thấy trong tư thế Kim cương tọa, chân phải được đặt trên chân trái, và không có sự phân biệt giữa hành giả nam và nữ. Trong một tư thế thoải mái hơn, chân trái có thể đặt bên trong và chân phải đặt bên ngoài.

Về tư thế hai bàn tay, bạn có thể đặt chúng giống như trong tư thế thiền định, tay nọ đặt lên trên tay kia kết ấn Đại định như được thấy trong hình ảnh Đức Amitabha A Di Đà Phật. Ngón tay cái có thể đặt nhẹ vào gốc ngón đeo nhẫn ở cả hai bên vì trong ngón tay đeo nhẫn có một kinh mạch vi tế đặc biệt có liên hệ mật thiết với những xúc tình như tham ái, sân giận hay ghen tị. Những xúc tình này tác động trực tiếp tới tâm có thể khiến nảy sinh một số chướng ngại trong lúc thực hành. Chính vì vậy mà ta nên dùng ngón tay cái bấm nhẹ lên kinh mạch này.

Ánh mắt cũng rất quan trọng. Hướng nhìn của bạn cũng có tác động lớn tới sự thực hành. Thông qua ánh mắt, suy nghĩ của chúng ta có thể bị cuốn theo một số đồ vật hoặc bị phân tâm. Bạn cũng không nên nhắm mắt hoặc đảo mắt nhìn từ hướng này sang hướng khác. Thật vậy, trong khi cử động mắt bạn có thể tạo ra sự vận động trong các kinh mạch vi thế đồng thời thúc đẩy khí vận chuyển trong não bộ. Bạn cũng không nên chớp mắt nhiều hơn so với bình thường. Ánh mắt không được tập trung quá nhiều vào nơi nào, điều đó có thể khiến cho bạn cảm thấy căng thẳng. Có nhiều phương pháp đã được thuyết giảng liên quan tới ánh mắt trong Đại Thủ Ấn. Nhiều kinh điển vẫn nhấn mạnh rằng ánh mắt nên nhìn xuống sàn, trong khi đó, Yoga Tối thượng lại dạy hành giả nên nhìn thẳng vào khoảng không trước mặt. Nhìn quá gần có thể khiến bạn cảm thấy đau đầu hoặc đau bên trong lòng mắt. Mỗi người nên tìm cho mình một tầm nhìn khiến tự mình cảm thấy thoải mái nhất. Song dù thế nào bạn cũng không nên nhắm mắt. Bạn cũng nên đặt nhẹ lưỡi một cách tự nhiên nhất lên trên hàm, ngay vị trí chân răng ở hàm trên. Vị trí này giúp cho hơi thở được dễ dàng mà không nhất thiết phải thở qua đường miệng.

Tư thế thiền định này vô cùng cần thiết giúp cho cơ thể được thư giãn. Việc này lại càng cần thiết khi bạn vẫn chưa thể thư giãn tâm mình trước các nhiễu loạn của thân, khẩu, ý và hoàn cảnh môi trường bên ngoài. Vì vậy chúng ta mới cần phải chuyên tu tại nhưng nơi yên tĩnh để tránh vọng động nhiễu loạn và có thể thực sự thư giãn thân mình.

Tuy nhiên, việc không cử động cũng không hoàn toàn có nghĩa là thân thể bạn không hề vận động. Lẽ đương nhiên những hành giả đã rèn luyện lâu năm sẽ không cần thiết phải bất động thân thể theo cách này. Họ có thể hoàn toàn an trụ trong tâm tự tại suốt cuộc đời mà không hề bị ảnh hưởng bởi những động thái của thân thể bên ngoài. Vì thế, một trong những bậc Thượng sư của chúng ta, trong một lần thuyết pháp, đã giảng rằng tư thế bảy điểm Vairochana thực sự không phải điều vô cùng quan trọng mà điểm cốt yếu là sự thư giãn. Đối với chúng ta thoạt nghe điều này tưởng chừng như đơn giản, bởi lẽ chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi ngồi đúng theo tư thế này. Thế nhưng bạn cần lưu ý rằng bậc Thượng sư đó thực sự là một Đại thành tựu giả: ở mức độ thành tựu của Ngài thì ngồi theo tư thế nào không còn quan trọng nữa. Chính vì vậy mà những lời Ngài dạy trên đây cần phải hiểu theo đúng nghĩa. Có những bậc Thầy của Đại Toàn Thiện hoặc Đại Thủ Ấn luôn tìm cách trụ trong tư thế này cả ngày lẫn đêm, ngay cả trong khi ngủ, để không bị đứt đoạn thiền định. Đó không phải vì các Ngài còn mới tu tập, mà ngược lại, đó là dựa trên kinh nghiệm: các Ngài biết rằng khi trì giữ tư thế này,

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,059
Số người trực tuyến: