Chiêm bái xá lợi Tự chứng đắc của đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ I, Tsangpa Gyare Yeshe Dorje | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Chiêm bái xá lợi Tự chứng đắc của đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ I, Tsangpa Gyare Yeshe Dorje

334
12/04/2010 - 00:00

Năm 1737, đức Pháp vương đời thứ VII, Thinley Shingta (1718 – 1766) đã đưa xá lợi cất giữ tại tự viện Sangag Choling. Sau khi được thụ nhận nhiều giáo pháp và quán đỉnh từ đức Drubwang Shakyasri, đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ X Mipham Chowang đã cúng dường lên căn bản Thượng sư của mình. Kể từ đó dòng tộc của đức Thượng sư Drubwang Shakyasri liên tục cất giữ xá lợi tôn quý này. Theo tâm nguyện của đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, Kyabje Sey Rinpoche, hóa thân của thượng sư Thrulshik Padma Chogyal, đòng dõi của Shakyasri đã mang xá lợi thánh tượng của đức Tsangpa Gyare tới đại hội ADC lần thứ 2 tại núi Druk Amitabha để đại chúng chiêm bái đỉnh lễ.

 

Buổi sáng tại hội trường chính, đức Pháp vương đã cử hành rất nhiều các nghi thức cầu nguyện. Khóa lễ kéo dài tới tận gần 13 giờ chiều. Thật chỉ có cùng tham dự và tận mắt chứng kiến mới thấy được năng lực làm việc phi thường, sự xả thân dâng hiến vì lợi ích giải thoát cho muôn vàn chúng sinh của một bậc Thượng sư giác ngộ - một hóa thân của đức Bồ tát quán thế âm như đức Pháp vương.alt

Giữa thời khóa buổi sáng,  đức Pháp vương đã chia sẻ cho đại chúng về ý nghĩa của xá lợi và việc chiêm bái xá lợi. Ngài dạy rằng, tâm nguyện của chư Phật, chư Bồ tát, các bậc Thượng sư giác ngộ là cứu độ, giải thoát chúng sinh khỏi vòng khổ đau luân hồi sinh tử. Nhưng chỉ bởi vô minh sâu dầy nên chúng ta đã không nhận ra được sự hiện hữu của các ngài. Do đó ta chẳng có cách nào có thể ân hưởng được sự gia trì, tâm từ bi và trí tuệ từ nơi các ngài. Chúng ta không tin rằng chư Phật đang thực sự tồn tại. Đôi khi chúng ta hành hương tới thánh địa, chúng ta chiêm bái đỉnh lễ trước hình ảnh đức Phật, chúng ta chiêm bái Tượng Phật, tranh Thangka, nhưng chúng ta lại không có niềm tin rằng đó thực sự là Phật. Thật bất hạnh thay cho những kẻ vô mình mù lòa như chúng ta.

Ngài cũng dạy rằng, ngoài tấm gương là những bậc xả thân thực hành giáo pháp, để chỉ cho chúng sinh con đường tu tập giáo pháp giải thoát, chư Phật, chư Bồ tát đã để lại các xá lợi tôn quý. Không chỉ trong truyền thừa Drukpa, mà tất cả các truyền thống khác, xá lợi là biểu tượng giác ngộ linh thiêng. Xá lợi biểu hiện sự chứng đắc thành tựu và năng lực giác ngộ của các ngài, đồng thời cũng minh chứng cho một chân lý rằng, giác ngộ là một hiện thực, giác ngộ không phải là một cảnh giới xa vời ở tận đâu xa. Giác ngộ ngay trong hiện đời, hiện hữu ngay trước ta, ngay chính trong bản thân ta, vốn sẵn có tiềm ẩn trong mỗi người. Dưới sự hướng đạo của các bậc giác ngộ và tâm chí thành của chúng ta, chắc chắn chúng ta có thể theo bước chân sen của các ngài, thành tựu giải thoát giác ngộ.

altĐức Pháp vương  dạy rằng, xá lợi của đức Tsangpa Gyare là một trong những xá lợi vô cùng tôn quý của dòng truyền thừa. Bởi vì đức Tsangpa Gyare, bậc khai sáng của dòng truyền thừa Drukpa, ngài là hóa thân chân thật và trực tiếp của Bồ tát Quán thế âm. Trong cuộc đời, ngài đã thành tựu và chứng đắc các pháp tu cao cấp của dòng, và đã viên mãn sự nghiệp hoằng dương chính Pháp, bởi vậy khi thị hiện viên tịch, mắt tai mũi lưỡi, tóc của ngài vẫn còn nguyện vẹn, 21 đốt sống lưng của ngài biến thành 21 thánh tượng tôn quý của Bồ tát Quán thế âm. Đây là một cơ hội hy hữu cho những ai được chiêm bái đỉnh lễ xá lợi của truyền thừa – những ai có tâm chí thành sẽ nhận được cơ hội chứng đạt Kiến tức giải thoát.

Ngài cũng dạy rằng, một khi chiếm bái xá lợi chúng ta phải có một niềm tin kính rằng đó chính là biểu tượng giác ngộ, đó chính là chư Phật, chư Bồ tát với đầy đủ những năng lực mang lại sự giác ngộ giải thoát.

Điều quan trọng nhất xá lợi Phật mang lại cho chúng ta niềm tin, sự tự tin tưởng vào chính tiềm năng Phật và khả năng thành Phật của mình.

Tiếp đến Pháp vương tiếp tục cử hành các nghi lễ cầu nguyện và các Tăng ni Phật tử xếp thành hàng dài cùng nhau ngân vang bài cầu nguyện Pháp vương trường thọ và lần lượt chiêm bái đỉnh lễ xá lợi thánh tượng của đức Tsanpa Gyare. Xá lợi mà ngày nào mới chỉ đọc và tìm hiểu trong sách, tạp chí, và mong nguyện được chiêm bái thì nay đã trở thành hiện thực.

Chiêm bái, đỉnh lễ, cúng dường trước xá lợi của đức Tsangpa Gyare, các thành viên Drukpa Vietnam, ai ai cũng cầu nguyện sẽ nối tiếp được gót chân sen giải thoát của bậc khai sáng truyền thừa, nỗ lực tinh tiến tu tập chính Pháp vì lợi ích cho con người, cho vạn loài hữu tình!

12/04/2010, Kathmandu, Nepal

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,025,798
Số người trực tuyến: