Chống nạng 8 tiếng dự lễ cầu an | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Chống nạng 8 tiếng dự lễ cầu an

4
13/04/2014 - 00:00

Vượt hàng trăm cây số đến Tây Thiên với đôi chân teo cơ, ông Hà Văn Quán (Lạng Sơn) không mong phép màu cho mình, mà hy vọng cả nước sẽ được ban sự bình an, hạnh phúc.

8h sáng ngày 12/4, trên bãi đất rộng quanh Đại bảo tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc), hàng nghìn người đủ các sắc áo xếp thành hai hàng hoặc tập trung trước một đàn lễ lớn bên hông Bảo tháp. Họ là những du khách, người mộ đạo và các tình nguyện viên chờ đón Đức Pháp Vương (đến từ Himalaya) xuống núi. Ít giờ nữa, Ngài sẽ đăng đàn hành lễ quán đỉnh (nghi lễ cho phép tu tập) và cầu quốc thái dân an.

f5-4372-1397399757.jpg

Hàng nghìn Phật tử ngồi dưới đàn nghe Pháp Vương trò chuyện. Ảnh: Quý Đoàn.

Gần 12h trưa, màn múa rồng xuất hiện trong tiếng kèn trống vang dội, mọi người quỳ gối khi Đức Pháp Vương Kim cương thừa Gyalwang Drukpa - người được Phật tử coi là bậc hóa thân chuyển thế của Quan Âm Bồ Tát tiến lên đàn lễ được trang trí lộng lẫy. Xung quanh Ngài là Nhiếp Chính Vương và các tăng, ni tham gia hành lễ.

Anh Lê Đức Nguyên (33 tuổi, đến từ Vũng Tàu) cũng như nhiều người khác ngồi phía dưới không hiểu hết ý nghĩa của những ngôn ngữ, thanh âm được dùng khi thực hiện nghi lễ, nhưng tất cả đều bị thu hút bởi phong thái, nụ cười Bồ Tát đẹp như tòa sen của Pháp Vương.

Sau phần nghi lễ, Pháp Vương dành gần một tiếng đồng hồ trò chuyện với chúng sinh về tình yêu thương; quan niệm nhân quả, luân hồi của nhà Phật; sự bình đẳng giữa muôn loài và vạn vật trong vũ trụ, qua đó chỉ ra cội gốc của thiên tai, thảm họa mà con người phải gánh chịu.

Phật dạy, mọi bệnh tật, ô nhiễm, thiên tai… bắt nguồn từ những hành vi chặt phá cây xanh, sát hại động vật, hủy hoại đất, nước, không khí gây mất cân bằng tự nhiên. Nếu biết bảo vệ môi trường, con người ắt sẽ hưởng bình an, hạnh phúc.

1404drukpa31-8430-1397363566.jpg

Từ bi và trí tuệ là những phẩm chất Pháp Vương muốn các Phật tử hướng đến. Ảnh: Thảo Nguyên.

Theo Pháp Vương, bởi không biết đến luật nhân quả của nhà Phật, con người đã sát hại những loài khác mà không hiểu rằng chúng cũng có nỗi đau khi bị mổ bụng, chặt đầu, xẻ thịt… Nhà Phật quan niệm chết không phải là hết, sự kết thúc cuộc sống ở thế giới này là sự bắt đầu cuộc sống ở thế giới khác, trong một hình hài khác. Việc làm ở kiếp này sẽ ảnh hưởng đến kiếp sau, gieo nghiệp gì phải trả nghiệp ấy.  

Pháp Vương cho rằng, có những tôn giáo chăm sóc quan hệ giữa người với người mà bỏ quên thiên nhiên, có những tôn giáo khuyến khích bảo vệ thiên nhiên mà quên nhắc nhở tình yêu thương giữa những con người với nhau…, còn Phật kêu gọi chúng sinh tôn trọng mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với động vật và giữa con người với các yếu tố tự nhiên. Từ bi và trí tuệ là điều Pháp Vương muốn Phật tử hướng đến.

Anh Lê Đức Nguyên nhớ lại những ngày mà “mình gây ra ác nghiệp bởi đã sát sinh, tham lam, giận dữ nóng nảy” ảnh hưởng đến người khác. Năm 17 tuổi, anh đọc sách Phật học và tìm thấy lẽ sống trong đó nên nguyện đi theo giáo lý này.

Biết Pháp Vương đến Việt Nam, anh Nguyên ngừng việc kinh doanh thuốc, cùng 7 người bạn khác bay từ Vũng Tàu ra Hà Nội đi theo hành trình của Pháp Vương.

Phật tử Diệu Oanh chùa Phong Hanh (Hải Dương) chia sẻ, có nhiều điều khiến cô từng đau khổ. Thời trẻ cô hay cãi cha mẹ, sau này lại buồn phiền vì con cái không nghe lời. “Đó là vì tôi không hiểu, chưa làm tốt chữ hiếu, chữ nhẫn, vẫn tham và sân giận nên cố chấp. Tôi hy vọng mọi người cũng sớm nhận ra được điều ấy để cuộc sống an lạc hơn”, Phật tử Diệu Oanh nói.

DSC-7816-1397315194-660x0-5356-139736356

Ông Hà Văn Quán di chuyển nhiều nơi để được nhìn thấy Pháp Vương rõ hơn. Ảnh:Quý Đoàn.

Ông Hà Văn Quán (55 tuổi, Lạng Sơn) cũng vượt hàng trăm cây số để đến Vĩnh Phúc. Với đôi chân chống nạng, ông đã đứng ngoài trời suốt 8 tiếng đồng hồ hướng về nơi Pháp Vương ngồi. Bị teo cơ từ năm 19 tuổi, nay ông Quán vẫn là trụ cột kinh tế của gia đình. Cứ 2h sáng hàng ngày, ông lại có mặt ở chợ Lạng Sơn để “ai nhờ gì sẽ làm nấy”. Lần gặp Pháp Vương này, ông không cầu phép màu đến với bản thân mà chỉ mong đủ sức khoẻ tiếp tục giúp đỡ gia đình, họ hàng, làng xóm. Ông cũng cầu cho nhân dân cả nước được Pháp Vương ban phát sự bình an, hạnh phúc, thịnh vượng.

Có gia đình mang theo con vài tháng tuổi tới Đại lễ với niềm tin, em bé sẽ được truyền năng lượng tốt lành từ Đức Phật sống.

Sự thành tâm của người mộ đạo khiến Pháp Vương cảm động, Ngài liên tục gia trì (chúc phúc), chia lộc cho những người tham dự.

Trong phần quán đỉnh bình, hàng nghìn người chìa tay, cố rướn lên phía trước để được Nhiếp Chính Vương và tăng đoàn dùng pháp khí (những đồ vật linh thiêng) chạm vào với ý nghĩa ban trí tuệ.

Hoạt động kéo dài liên tục từ trưa đến gần 19h tối nên lực lượng tình nguyện viên đã chuẩn bị cơm và bánh mỳ miễn phí phục vụ ăn tại chỗ.

photo-1-JPG-7616-1397363566.jpg

Tình nguyện viên chuẩn bị cơm trưa miễn phí cho người tham dự. Ảnh: Linh Anh.

Không đủ chiếu ngồi, cả trăm người phải đứng, nhưng ai ai cũng vui mừng, xúc động vì theo họ, chỉ cần ở gần bậc Bồ Tát là đã được hưởng nguồn năng lượng giúp họ gặp may mắn, phúc đức.

Anh Tuệ An - phật tử là thành viên Drukpa Việt Nam cho biết, Đại lễ cầu an đã diễn ra rất tốt lành. 15.000 suất ăn miễn phí được phát hết từ 12h trưa dường như vẫn chưa đủ đáp ứng số lượng Phật tử tham dự. “Nhưng nhờ có chung niềm tin, ý chí và sự thành tâm, họ đã vượt qua mệt mỏi, giữ trật tự cho nghi lễ”, anh An nói.

Sự kiện diễn ra thành công còn có phần đóng góp không nhỏ của hàng trăm tình nguyện viên là học sinh, sinh viên chung sức với Ban tổ chức chuẩn bị sân khấu, nấu cơm, phục vụ đồ ăn, nước uống đến tận tay người tham dự. Việc giữ gìn an ninh, dọn rác, rửa bát, vận tải… cũng do những tình nguyện viên này ngày đêm trợ giúp pháp hội.

Quỳnh Trang - Linh Anh

(Nguồn Vnexpress.net)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,480
Số người trực tuyến: