Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa muốn kiếp sau là người Việt | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa muốn kiếp sau là người Việt

806
14/05/2014 - 00:00
Cuốn sách Tâm An Lạc thể hiện cách nghĩ, lối sống tích cực. Bằng văn phong trực tiếp và sinh động, cuốn sách mang theo hơi thở thời đại đồng thời thể hiện một trí tuệ uyên thâm, sâu sắc. Triết lý xuyên suốt cuốn sách là: "Chính tâm ta tạo nên thế giới chúng ta đang sống", từ đó tác giả gửi tới thông điệp rằng thái độ, quan điểm của tâm chính là chìa khóa quyết định hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người. Sách cũng đưa ra chỉ dẫn phương pháp để rộng mở tâm, bao dung đón nhận và tận hưởng toàn bộ thế giới này.
 
(Đức Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa tại lễ ra mắt sách Tâm an lạc)

Lễ ra mắt sách Tâm An Lạc diễn ra tại Hà Nội đúng ngày Phật đản 2014 - ngày 15/4 âm lịch. Trong chương trình, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đưa ra câu hỏi, Ngài có nghĩ lần chuyển kiếp tới đây mình sẽ là người Việt Nam không, Đức Nhiếp Chính Vương tươi cười nói, giữa người Việt Nam và Truyền thừa Drukpa có mối thâm duyên. "Chúng tôi được tái sinh với sứ mệnh chăm sóc chúng sinh toàn thế giới, nhưng chúng tôi có tình cảm đặc biệt với con người Việt Nam. Với tôi, người Việt có trái tim nồng hậu, cởi mở, ấm áp. Tôi mong trong lần tái sinh tới sẽ là người Việt" - Nhiếp Chính Vương trả lời.

Về cuốn Tâm An Lạc, Đức Nhiếp Chính Vương nói: "Người phàm thường cho rằng hạnh phúc của ta phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, ví dụ như thời tiết, giá cả lên xuống... Nhưng không, tất cả phụ thuộc vào chính chúng ta". Ngài cũng khuyên mọi người hãy trân trọng từng phút giây của hiện tại: "Mục đích chính của cuốn sách không gì ngoài muốn chúng ta nhận ra vẻ đẹp cuộc sống, thấu hiểu và trân trọng bản thân, từng phút giây".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết ông mới đọc qua sách một lần, nhưng nhận ra ý nghĩa lớn lao: "Mỗi dòng, mỗi trang trong cuốn sách sẽ làm ta run lên xúc động và hạnh phúc bởi nó được viết bằng sự chân thực đến tận cùng, bằng những chi tiết cụ thể như ta đang cầm trên tay cốc nước và bằng sự minh triết thẳm sâu nhưng lại thân thuộc như tên của cha mẹ, vợ chồng và con cái chúng ta... Những gì trong cuốn sách này đều là những điều của cá nhân một người và cũng là của mọi người. Và tôi cảm thấy Đức Nhiếp Chính Vương như một người thân yêu sống cùng trong ngôi nhà của mỗi chúng ta, Ngài thấu hiểu những gì ta phải đương đầu để rồi giúp và cùng ta đi qua những thách thức ấy".

(Đức Nhiếp Chính Vương và Giáo sư Dương Trung Quốc, nhà văn Nguyễn Quang Thiều trong buổi ra mắt sách)

Giáo sư sử học Dương Trung Quốc chia sẻ ông nhận thấy cuốn sách mang dấu ấn của cái nhìn trẻ trung, hiện đại, cởi mở và dành nhiều sự quan tâm tới giới trẻ. Ông giới thiệu: "Tác giả chia sẻ cách vận hành của tâm chính là chìa khoá vạn năng giúp ta mở cánh cửa giải thoát, vượt mọi thử thách đạt đến bến bờ hạnh phúc viên mãn. Ngài dạy như thế và hướng cho ta cách làm như thế bằng những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc".

Trả lời câu hỏi tuổi còn trẻ, vì sao có thể viết sách với những dẫn chứng quá chi tiết và tường tận về cuộc sống, Nhiếp Chính Vương nói kiến thức cuộc sống và về con người của Ngài có được do đạo Phật cũng là môn khoa học tâm lý. Ngoài ra, Ngài cũng rất thích đọc sách, thích tìm hiểu về cuộc đời, niềm vui nỗi buồn của mọi người qua trang sách. Đặc biệt, do điều kiện đi giảng pháp tại các nơi trên thế giới, Ngài gặp rất nhiều người với nhiều hoàn cảnh, hạnh phúc có, khổ đau cũng có và họ đều muốn chia sẻ với Ngài mong tìm một giải pháp dù là tâm lý hay tâm linh. Và Ngài thường phải đặt mình vào vị trí của họ để tìm cách hiểu và xử lý vấn đề.

Sách có tên Tâm An Lạc nhưng không khuyên người ta sống phẳng lặng, tẻ nhạt. Sách hướng dẫn chúng ta giữ được tâm trạng, trạng thái an nhiên, tự tại trước mọi biến cố, hạnh phúc, khổ đau ở đời.


(Ấn phẩm 
Tâm An Lạc được giới thiệu tại Hà Nội)

Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa đản sinh năm 1981, còn được biết đến với hồng danh Khamtrul Rinpoche. Ngài được tìm thấy và ấn chứng là hóa thân chuyển thể đời thứ IX của Thượng sư Khamtrul Rinpoche. Thời niên thiếu, Đức Nhiếp Chính Vương tu học tại Tự viện Druk Thupten Sangag Choeling ở Ấn Độ. Sau đó, Ngài hoàn thành chín năm tu học tại Đại học Tự viện Tango, Vương quốc Bhutan và lấy bằng Tiến sĩ ngành Triết học Phật giáo. 

Ngài hai lần được bầu là Chủ tịch Hội nghị thường niên Truyền thừa Drukpa và được Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tin tưởng giao trách nhiệm Giáo thọ chính và bậc hướng đạo tâm linh tại các quốc gia châu Á. Đức Nhiếp chính vương đã đem tới cho Phật giáo truyền thống những quan điểm trẻ trung, năng động trong quá trình Ngài chia sẻ, hoằng dương giáo pháp trên toàn thế giới.

Lam Thu

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,028,434
Số người trực tuyến: