Ghi chép chuyến đi chấp tác chuyển đá động thổ xây dựng Mandala Kim Cương Trụ - Tây Thiên Phù Nghì | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Ghi chép chuyến đi chấp tác chuyển đá động thổ xây dựng Mandala Kim Cương Trụ - Tây Thiên Phù Nghì

7
15/05/2010 - 00:00

Mọi người ngày thường bộn bề với những công việc khác nhau, lo lắng khác nhau nhưng khi các quý Thầy thông báo cuối tuần lên Tây Thiên ai cũng háo hức như những đứa trẻ đi xa được về nhà. Tây Thiên là quê hương thứ hai của mỗi đạo hữu Drukpa Việt Nam! Nhớ những chuyến đi nửa đêm mưa gió cả đoàn người soi đèn nối nhau đi canh chừng lũ đổ, Phật tử ở Hà Nội nhiều người chưa bao giờ biết khuân vác là gì mà gồng gánh từ chân núi những gói hàng, vật dụng cho khóa lễ trên Tịnh Thất, dù mệt mỏi rã rời nhưng không ai thiếu nụ cười trên môi. Nhớ những lần đầu lên đây tập tu, dậy từ 3h sáng gật gù tụng kinh, ngồi một khóa tu mà ngọ nguậy như kiến cắn, vậy mà đến khi quay lại Hà Nội sôi động ai cũng thấy nhớ sự bình lặng, nhớ quá cái tiết trời se se lạnh trên đỉnh núi mờ sương.

Đã đến chân núi Tây Thiên, cây đa chín cội sừng sững như nhân chứng cho sự cổ kính của vùng đất mà người xưa đã đặt tên một cõi niết bàn. Cạnh đó ngôi chùa cổ Thiên Ân đã hoang tàn khá nhiều. Tiếng chuông chiều da diết ngân vang. Giọng sư già tụng kinh đều đều: …Từ vô thủy kiếp cho đến nay, đã tạo mười ác năm vô gián, từ tâm sinh khởi tham sân si, hết thảy tội chướng xin sám hối… Chúng tôi khẽ khàng đỉnh lễ Chư Phật như không muốn làm lay động một hơi gió ở chốn linh thiêng này, như có mười phương ba đời Chư Phật và các vị hộ Pháp đang ở nơi đây chứng minh cho lời cầu nguyện da diết của bầy con vô minh đang tìm lối về nhà.

Vượt qua từng con suối, từng đoạn dốc quen thuộc đã đến lối rẽ vào Tịnh Thất, lối vào Tịnh Thất có một đoạn ngắn nhưng đường đất trơn trượt và vượt qua một con thác nhỏ là đến cổng trời, bước qua cổng trời là đến địa phận của Tịnh Thất. Tạo hóa thật kỳ diệu khi tạo ra một cánh cổng từ cõi Sa bà lên đến Tây Thiên, cổng trời với chiều rộng chỉ vừa một người đi.

Trời tối, đã đến, đã về, ôi tiếng suối, tiếng chim rừng rả rích thành một bản nhạc rừng, một bản nhạc giữa đêm khuya thanh vắng. Tiếng trì tụng của khóa lễ tối ngân vang khắp rừng khuya, những âm thanh pháp khí lúc trầm hùng, lúc vang vọng đôi khi làm chúng tôi như quên mất hiện tại, quên mất cả bản thân cùng hòa vào sự rung động của âm thanh giác ngộ.

Sư già thông báo cho chúng tôi biết hôm sau sẽ có khóa lễ sáng lúc 3h nhưng chưa ai muốn đi nghỉ, có người đi nhiễu tháp, có người ngồi yên lặng tận hưởng cảm giác núi rừng. Dù mệt nhưng sự an lạc toát ra từ nụ cười, từ ánh mắt, thật hạnh phúc biết bao khi nhân duyên hội đủ được cùng nhau ở chốn này.

Dậy từ 2h30 sáng, chúng tôi lục đục chuẩn bị lên khóa lễ. Một khóa lễ buổi sáng quen thuộc với những sư ni tuy còn trẻ nhưng đã thực hành thuần thục nhiều nghi quỹ phức tạp của Mật thừa. Những âm thanh pháp khí kết hợp nhuần nhuyễn nhằm thức tỉnh trí tuệ bị ngủ quên trong mỗi con người. Cuối buổi lễ là những lời phát nguyện, thọ trì giới luật bồ tát. Nhiều Phật tử chúng tôi muốn rơi nước mắt khi nghe những lời phát nguyện thọ trì dũng mãnh của những sư ni trẻ tuổi, những dakini nơi thâm sơn cùng cốc này.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gần 8h sáng chúng tôi leo lên đỉnh Phù Nghì thực hành khóa lễ cúng dường Hộ pháp để khởi công xây dựng Mandala trên nền chùa cổ tương truyền được kiến lập từ hơn 2000 năm trước. Nhóm Phật tử chúng tôi có người còn đang độ tuổi đi học, có người đã sang tuổi thất thập vậy mà cùng đang ở đây tham dự khóa lễ động thổ xây dựng một Mandala tượng trưng cho cảnh giới chư Phật. Cái cũ cái mới, người quen kẻ lạ, tuổi già tuổi trẻ cùng hiện diện nơi đây như một minh chứng cho những pháp vô thường sinh diệt và nhân duyên. Tôi bâng khuâng tự hỏi liệu đã có kiếp nào những người chúng tôi từng cùng hội tụ với nhau tại nơi linh địa này? Chắc Chư Phật đang mỉm cười cho câu hỏi của những kẻ vô minh này.

Tiếng kèn và tù và đã cất lên vang vọng từ đỉnh núi, tiếng trống trầm hùng đánh thức không gian, đống lửa đã được đốt… Chư Truyền Thừa Thượng Sư, Tam Bảo, Không Hành, Hộ Pháp, Thiện Thần mười phương xin hãy cùng minh chứng cho chúng con, xin từ bi gia hộ cho Phật pháp trường tồn, tăng huy mãi mãi…

Đã trưa rồi, xong khóa lễ mọi người lại lục tục kéo nhau xuống Thất để thọ trai không quá ngọ, đầu giờ chiều lại kéo nhau lên cùng nhau khuân đá từ dưới suối lên để chuẩn bị làm móng xây chùa. Ai cũng lấm lem, có người xước tay, chân, đá rơi vậy mà chỉ có những nụ cười, sự hoan hỉ và âm thanh trì chú linh nghiệm. Chẳng phải các Quý Thầy đã từng dạy Giáo Pháp không phải tìm đâu xa mà chính là từ những nụ cười, niềm vui, những hoạt động và sự thực hành vì mọi người bằng động cơ vô ngã hay sao?!

Chiều tối đến nhanh quá, chúng tôi lại xuống dưới thất chuẩn bị cho khóa lễ tối cúng dường Dakini. Ngày 25 theo lịch Kim Cương Thừa là ngày vía của Dakini. Một khóa lễ mới đối với chúng tôi sau một ngày hoạt động tích cực nhưng ai nấy đều còn nguyên sự thích thú và hứng khởi. Khi đã dần quen với những khóa lễ dài, những âm thanh trì tụng bay bổng, tiếng chuông linh, tiếng kèn, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng chũm chọe,… thì mới hiểu sự vi diệu của mantra, sự cảm nhận tuy khó có thể viết ra bằng lời nhưng nhìn gương mặt ai cũng không có cảm giác buồn chán hay mỏi mệt dù phải ngồi hàng tiếng để tụng đọc kinh tạng.

Sáng Chủ Nhật, một khóa lễ buổi sáng, buổi trưa đều cầu nguyện đức Lục Độ Mẫu gia trì vượt qua chướng ngại. Buổi chiều lại bê đá, lại cùng nhau trì tụng những câu Mantra âm vang khắp núi rừng Tây Thiên. Những giọt mồ hôi, những nụ cười hòa vào không gian linh thiêng trong sự bao bọc gia trì của Chư Phật, của vị Thầy mà mỗi người đều cảm nhận được theo những cách riêng của mình. Rồi cũng đến lúc phải chia tay đất Phật để về lại cảnh giới cuộc sống sa bà với những bận rộn âu lo thế tục. Đoàn Phật tử tuy chân bước nhưng sao chẳng muốn rời, ai nấy nhủ thầm hẹn sớm một ngày trở lại!

Hà Nội 13/5/2001 - 1.41am

Jigme Chopel Gyatso

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,025,789
Số người trực tuyến: