Hiểu biết về cuộc sống của chính mình | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Hiểu biết về cuộc sống của chính mình

833
16/08/2016 - 08:00
Đạo Phật không phải là một tôn giáo, mà chính là trí tuệ hiểu biết của chúng ta về cuộc sống. Sự thực hành theo Đạo Phật thực chất là sự trưởng dưỡng trí tuệ và hiểu biết về cuộc sống của chính mình.
Đạo Phật tiếp cận cuộc sống bằng nhiều cách khác nhau. Như Truyền thống Nguyên thủy Phật giáo chú trọng nhiều đến sự bám chấp và giúp con người thực hành xả ly. Có câu truyện kể về một tu sĩ cả gia tài chỉ có vỏn vẹn hai bình bát. Một hôm, trong khi ông đang giảng pháp cho một vị vua thì tịnh xá của ông ở ngay bên cạnh bốc cháy. Vị tu sĩ liền dừng ngay bài pháp và muốn trở về cứu lấy bình bát. Vị vua nói không sao cả, nhưng tu sĩ vẫn khăng khăng nói rằng tôi chỉ có hai bình bát mà thôi. Qua câu truyện, chúng ta thấy vấn đề không phải do thứ chúng ta sở hữu, bởi đồ vật không đáng giá nhiều, song tâm chúng ta vẫn có thể bám chấp rất nặng nề. Nếu chúng ta có nhiều tài sản, nhưng tâm không hề bám chấp vào đó, thì hoàn toàn không có gì đáng ngại.

 

Trong cuộc sống, chúng ta cần nguồn cảm hứng. Trong Đạo Phật cũng vậy, nguồn cảm hứng hay động cơ của sự thực hành Đại thừa chính là Bồ đề tâm. Cốt tủy của Đại thừa Phật giáo là lòng từ bi muốn giúp đỡ những người khác. Tùy duyên tuần nghiệp, cho dù doanh nhân, bác sỹ hay tu sĩ chúng ta đều cần có một trái tim nhân ái. Chúng ta làm lợi lạc cho đời bằng cách làm tốt công việc của mình, bác sỹ chữa bệnh, nông dân trồng lúa, nhà giáo dạy học… Công việc gì cũng được, điều quan trọng là hãy tiến hành với động cơ tốt đẹp và thành tịnh, chỉ cần mọi việc làm của chúng ta đều hướng tới lợi ích không chỉ cho riêng mình mà tới nhiều người khác, không làm tổn hại bất kỳ ai.
Trong Kim Cương thừa, chúng ta thấy có rất nhiều vị Phật Bản tôn. Về sắc tướng bên ngoài, các Ngài trang hoàng vô số trang sức vô cùng lộng lẫy, có thể sánh với những hàng hiệu hoặc kim cương đắt tiền nhất trên thế gian. Tại sao như vậy?. Phải chăng các Ngài muốn chứng tỏ sự giàu có hơn người?
Thực chất, đây là phương tiện thiện xảo của Kim Cương thừa, bạn có thể ví với marketing trong kinh doanh thời nay. Ví dụ, khi tôi bước vào một cửa hàng đồng hồ, những mẫu đắt tiền hiện nay thường được làm thủ công và chúng là đồ xa xỉ. Trong khi vài trăm năm trước, khi chưa có máy móc, mọi thứ đều được làm thủ công, thì chúng thật bình thường. Như vậy, việc những chiếc đồng hồ đó trở nên sang trọng, đắt giá, thực chất chỉ nhờ sự tiếp thị bên ngoài. Trong khi đó, giá trị thật lại xuất phát từ bên trong, từ chính sự hiểu biết của chúng ta.
 

Thông thường, tư duy con người luôn phân biệt, chẳng hạn như sự phân chia giàu nghèo. Đối với những người giàu có, đôi khi chúng ta thần tượng hóa họ, có lúc lại chỉ trích, đố kỵ khi thấy họ may mắn, giàu có, tài giỏi, được ngưỡng mộ hơn chúng ta. Từ đó tâm chúng ta nảy sinh vô số xúc tình tiêu cực.
Trở lại với những sức trang hoàng lộng lẫy trên sắc thân Bản tôn. Các Ngài vốn không còn tư duy nhị nguyên,không phân biệt giàu nghèo, không còn thấy sai khác giữa sự xa xỉ và những thứ bình thường nhất. Còn chúng ta,do vẫn còn phân biệt nhị nguyên, nên đôi khi cùng một đồ vật, chỉ cần thêm vài chi tiết đã khiến chúng ta cảm thấy nó trở nên cuốn hút. Điều này đều do sự phóng chiếu của tâm ta mà nên.

Do chưa hiểu về cơ chế vận hành của tâm, chúng ta mải miết theo đuổi các mục tiêu bên ngoài, như sở hữu nhà lầu, xe hơi, tiền tài, danh vọng. Song dù có được cuộc sống bên ngoài tưởng như hoàn hảo, chúng ta vẫn thấy thiếu vắng điều gì đó. Bởi lẽ chúng ta đã để tâm chi phối và chọn nhầm mục tiêu.
Không những chỉ cầu nguyện cho sự giàu có về vật chất bên ngoài, chúng ta cũng cần hướng tâm mình tới sự giàu có về tâm linh bên trong. Đức Hoàng Tài Bảo Thiên nêu biểu cho sáu sự giàu có bên trong. Có sáu phương tiện giúp chúng ta có thể đạt được sự giàu có bên trong như vậy.

 
 
1. Tiết chế sân giận
Trước tiên, chúng ta cần học cách tiết chế sân giận.
Tâm sân giận kéo theo nhiều hệ quả xấu, khiến chúng ta không thể có sự an lạc trong cuộc sống.
 
2. Đừng keo kiệt, dè sẻn
Thứ hai, chúng ta cần đoạn trừ tâm bỏn xẻn, keo kiệt, đồng thờigiúp tâm trở nên rộng lượng bằng sự thực hành bố thí. Nên nhớ rằng mọi của cải, tài sản tích lũy được, đến khi lâm chung chúng ta đều không thể mang theo, buộc phải để lại cho người khác. Hiểu được điều này để vượt qua tâm bỏn xẻn, chính là trí tuệ.
 
3. Chuyển hóa tham vọng thành lòng tri ân
Thứ ba, chúng ta cần chuyển hóa tham vọng thành lòng tri ân, để cảm thấy biết ơn và trân trọng những gì đã đạt được và đang có. Nếu chỉ đem thành công của mình đi so sánh với người khác, chúng ta luôn cảm thấy kém cỏi.
Chúng tôi thường tổ chức các chuyến bộ hành dọc dãy núi Himalaya.Có những lúc, chúng tôi phải vượt qua những đoạn đường đồi núi rất cao.Nếu cứ nhìn lên những đỉnh núi sắp phải vượt qua, chắc hẳn mọi người sẽ dễ nản lòng, mất động lực và muốn bỏ cuộc. Vì thế, người dân bản địa thường khuyên chúng tôi, khi leo núi nên nhìn xuống phía sau, nhìn lại chặng đường mình đã vượt qua, để có thêm nghị lực tiếp tục bước về phía trước.
Trong cuộc sống cũng vậy.Nếu chỉ biết nhìn lên, chúng ta sẽ dễ chán nản, không biết bao giờ mình mới được như ai đó. Tất nhiên, đôi khi chúng ta cần nhìn lên, nhưng chúng ta cần biết trân trọng, tri ân những gì mình đang có, mình đã đạt được, bởi đó là nguồn động viên, khích lệ để chúng ta tiến xa hơn.
 
4. Vượt qua tâm đố kỵ
Tiếp theo, chúng ta cần vượt qua tâm đố kỵ. Khi so sánh mình với người khác, chúng ta dễ mất tự tin. Tâm đố kỵ vô cùng vi tế, khó nhận ra, nhưng nó lại luôn hiện diện trong cuộc sống. Chẳng hạn khi nhìn thấy một cô gái, chúng ta có thể khen rằng cô đẹp quá nhưng lại nghĩ chắc cô không thông minh lắm. Tương tự, khi thấy người khác thành công, mặc dù không hẳn muốn cản trở gì họ, nhưng thực sự trong tâm chúng ta thấy khó mà hoan hỷ với sự thành công của họ.Hoặc chúng ta có thể thấy tội nghiệp cho bản thân. Tất cả điều này đều xuất phát từ tâm ganh ghét, đố kỵ lúc ở dạng thô, khi ở dạng vi tế của con người.
 
 

5. Vượt qua tâm kiêu mạn
Chúng ta cũng cần vượt qua là tâm kiêu mạn. Do  luôn muốn nhận công về mình, khi làm được việc gì đó,chúng ta thường cho rằng mình giỏi, còn khi gặp khó khăn, thất bại thì đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Tâm ngã mạn thường khiến chúng ta mù quáng, chẳng hề suy xét thành công đến từ đâu và do đâu. Tất nhiên, chúng ta có thể thành công nhờ nỗ lực của bản thân, nhưng bên cạnh đó luôn có sự trợ duyên của rất nhiều người khác. Đôi khi chúng ta không nhận ra điều này, lòng tự cao khiến chúng ta quên đi tất cả. Điều này khiến chúng ta lạm dụng quyền lực hoặc cảm thấy mong manh, bất an. Có khi, nhãn mác thành công quá lớn, vượt quá năng lực, nhất là khi các mối quan hệ chủ yếu dựa trên sức mạnh, tiền bạc, không có bản chất thật bền vững. Khi mất đi danh vọng và tiền bạc, chúng ta trở nên trắng tay.
 
6. Thành công hay thất bại không làm nên chúng ta
Chúng ta không nên đồng hóa bản thân mình với thành công hay thất bại. Điều này khiến nhiều người, khi đang ở trên đỉnh cao thành công, đột nhiên nếm trải thất bại, họ trở nên tuyệt vọng, thậm chí tự tử. Nguyên do là bản ngã của họ quá lớn, quá bám chấp vào nhãn mác của sự thành công.
Mỗi chúng ta cần học hạnh khiêm nhường, cần nhìn cuộc sống như một giấc mơ.Hôm nay chúng ta có cơ duyên hạnh ngộ bên nhau, nhưng ngày mai có thể cách biệt, mọi thứ chỉ còn như một giấc mơ huyễn ảo. Ví dụ hôm nay tôi đến đây, được ngồi vị trí danh dự, nhưng tôi không tự hào quá về việc này, bởi chỉ sáng mai thôi, tất cả những gì đã trải qua hôm nay đã như một giấc mơ. Vạn pháp đều vô thường, huyễn ảo. Đó là chút chia sẻ, nhắn nhủ của tôi gửi tới các bạn.
 
 Thay cho lời cuối, xin mến chúc các bạn nhiều may mắn, hạnh phúc, giàu có cả trên phương diện vật chất và tâm linh, thành tựu mọi tâm nguyện tốt lành vì sự phát triển của bản thân, tổ chức và rộng ra đến khắp cộng đồng xã hội. 

(Trích từ Toạ đàm "Doanh nhân và hạnh phúc" của Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa với Doanh nhân Việt Nam, năm 2015)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,281
Số người trực tuyến: