Lời khuyên tâm linh cho thiên niên kỷ mới (phần cuối) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Lời khuyên tâm linh cho thiên niên kỷ mới (phần cuối)

249
24/01/2017 - 16:29
Không ai có thể bay chỉ bằng một chiếc cánh

Cũng vậy, khi bạn phát khởi được tâm nguyện đạt giác ngộ hay chính tâm giác ngộ, thì một cách tự nhiên bạn sẽ cảm thấy Đại từ bi với tất thảy chúng sinh vẫn còn đang phải chịu khổ đau ở ngoài kia chỉ vì thiếu tín tâm, hiểu biết hay giác ngộ. Điều này được gọi là “Đại từ bi.” Hai trải nghiệm, hay hai sự thấu hiểu này gần như song hành xuất hiện. Đây cũng được gọi là sự hợp nhất, hợp nhất trong thực hành Bồ tát. Hiểu biết và sau đó là lòng từ bi sẽ xuất hiện cùng lúc để tạo thành sự hợp nhất. Hai yếu tố này rất quan trọng. Không ai có thể bay chỉ bằng một chiếc cánh. Các bạn có thể đã nghe nói điều này hàng trăm lần. Nhiều bậc thầy cũng đề cập đến điều này, song có thể các bạn vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa. Chúng ta, phải tự quán chiếu liệu rằng, bản thân có đủ đôi cánh, hay chỉ một hay thậm chí là chẳng có gì. Thật nực cười, nhưng có thể chúng ta thậm chí chẳng có đôi cánh nào mà chỉ có hai tay, khua lên khua xuống thì có thể, nhưng để cất cao trên bầu trời bao la thì hãy thôi mơ tưởng tới. Nếu bạn muốn tự do bay lượn, bạn cần phải có cả đôi cánh, không phải chỉ một, mà là cả hai. Chúng ta cần phải có đủ cả đôi cánh để có thể bay từ cõi luân hồi khổ đau này tới thẳng Niết bàn, cõi cực lạc hoàn toàn không có khổ đau và lầm lạc.

Với sự nâng đỡ của đôi cánh này, chúng ta có thể thực hành con đường của Bồ tát. Với sự nâng đỡ của con đường Bồ tát, chúng ta có thể thực hành Kim Cương thừa. Với sự nâng đỡ của Kim Cương thừa, chúng ta có thể đạt được giác ngộ trong hiện đời hay thậm chí chỉ trong một vài giây phút tới. Đó chính là tâm nguyện đạt giác ngộ mạnh mẽ! Đó là điều, chúng ta nên phát khởi nguồn cảm hứng nhiệt huyết để hướng tới. Tâm nguyện tràn đầy cảm hứng này sẽ ngay tức khắc khiến chúng ta phải cam kết hành động. Đây chính là, cách dựng xây một tương lai tốt đẹp hơn. Đây chính là điều chúng ta nên thực sự thực hành.

Ngày hôm nay là nguyên nhân của một ngày mai tốt đẹp hơn

Như chúng ta thường nói: trong thực hành Đại thừa, ngày hôm nay là nguyên nhân của một ngày mai tốt đẹp hơn. Những trải nghiệm đã qua chỉ là những trải nghiệm, nhưng hiện tại thì rất quan trọng, bởi vì hiện tại là nguồn cội của tương lai. Điều quan trọng nhất là sự phát triển trong tương lai. Để gặt hái thành quả trong tương lai, chúng ta cần phải trưởng dưỡng từ hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta cần quan tâm nhiều đến tình hình hiện tại. Những gì đã xảy ra trong quá khứ không còn quá quan trọng. Kinh nghiệm trong quá khứ đã là quá khứ, đó chỉ là những trải nghiệm đã qua. Bạn không thể quay trở lại, mặc dù có một vài người cố gắng làm điều đó bằng kỹ thuật thôi miên. Nhưng điều đó cũng thật vô ích vì chỉ tạo thêm ảo tưởng. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy ảo tưởng. Nhờ thuật thôi miên, chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang quay lại quá khứ và chúng ta thậm chí có thể cảm thấy như thế, nhưng rốt cục cũng chỉ là một ảo tưởng. Đây không phải là việc làm hữu ích. Điều duy nhất, chúng ta phải quan tâm là hiện tại và tương lai. Tương lai mới là quan trọng nhất. Chính vì thế, trong buổi thuyết giảng sáng hôm nay tôi luôn khích lệ các bạn trưởng dưỡng cho một tương lai tốt đẹp hơn. Tương lai có thể được lượng hóa về mặt thời gian như trong thế kỷ tới chẳng hạn.

Thời gian chuyển mình giữa các thế kỷ có thể không mấy quan trọng, song như tôi đã đề cập ban đầu, hẳn sẽ có một tác động nhất định vì có đến hàng triệu, hàng tỷ người đã, đang nói và nghĩ đến điều này. Như vậy, sẽ tạo ra một hiệu ứng ảnh hưởng. Chúng ta cần định hướng nguồn năng lượng này theo hướng đúng đắn, để có thể làm lợi ích, chia sẻ tình yêu thương và từ bi với tất cả và để mọi phút giây đều trở nên an lành, hạnh phúc.

Tứ tâm vô lượng là nền tảng quan trọng nhất 

Trở lại với Tứ vô lượng tâm, tâm vô lượng đầu tiên là tình yêu thương, thứ hai là từ bi, thứ ba là sự an vui hỷ lạc và cuối cùng là cảm giác trân trọng, hay bình đẳng - xả (từ, bi, hỷ, xả). Tứ tâm vô lượng này là những nền tảng quan trọng nhất mà chúng ta cần phải có được trên con đường tâm linh.

Như tôi vừa nhắc đến, Tứ vô lượng tâm cần xuất hiện cùng lúc với sự giác ngộ hiểu và biết thông qua tâm nguyện đạt giác ngộ. Khi đó, tình yêu thương đích thực sẽ được ban trải đến tất cả chúng sinh. Tình yêu thương này xuất hiện qua việc hiểu biết về giác ngộ và là một tình yêu thương mạnh mẽ với quyết tâm giúp đỡ khắp hết thảy chúng sinh được an vui, hạnh phúc. Mọi thứ, kể cả hạnh phúc và khổ đau đều phải có nguồn gốc. Nếu không có nguồn cội, sẽ không có thứ gì tồn tại được trên thế gian này. Do đó, để có được hạnh phúc, chúng ta cần phải gieo trồng cội nguồn, nguyên nhân của hạnh phúc. Chúng ta cần trưởng dưỡng tâm nguyện mạnh mẽ với tin chắc rằng tất cả chúng sinh sẽ được an vui, hạnh phúc. Song hành là một quyết tâm kiên cố giúp đỡ tha nhân có được điều kiện sống tốt đẹp hơn.

Loại bỏ nguyên nhân của khổ đau

Các bạn cần tự phát nguyện phụng sự tất cả chúng sinh để họ đạt được an vui, hạnh phúc. Đây là những thệ nguyện cam kết mà chúng ta đang đề cập. Cam kết thứ hai trong việc phát nguyện phụng sự tất cả chúng sinh là giúp họ giải thoát khỏi khổ đau bằng cách loại bỏ nguyên nhân của khổ đau. Không chỉ cần loại bỏ khổ đau, mà quan trọng hơn cần loại bỏ nguyên nhân của những khổ đau. Bản thân khổ đau đã là một điều khủng khiếp thì nguyên nhân gây ra khổ đau còn khủng khiếp hơn rất nhiều lần. Ví dụ như nếu bạn bị đau đầu, thuốc giảm đau sẽ rất hiệu quả giúp bạn làm giảm cơn đau nhưng nó sẽ không có tác dụng mãi mãi. Liều thuốc có thể giúp bạn thấy dễ chịu trong một vài giờ hay một vài ngày, song cơn đau đầu rồi sẽ quay trở lại vì căn nguyên gây ra cơn đau vẫn còn đó. Để điều trị được chứng bệnh này vĩnh viễn, bạn phải tìm ra nguyên nhân và loại bỏ ngay những nguyên nhân đó, bất kể là do đâu. Có thể, một số bộ phận trong cơ thể hoặc hệ tuần hoàn bị trục trặc, và cần được chữa trị để chữa khỏi hoàn toàn chứng đau đầu. Cũng tương tự như thế, nguồn gốc của khổ đau cần phải được loại bỏ. Đây chính là hạnh nguyện thứ hai để phụng sự chúng sinh.

Thật khó để giải thích bằng thứ tiếng không phải tiếng mẹ đẻ của tôi, song cam kết thứ ba là giúp hết thảy chúng sinh không bao giờ xa lìa hỷ lạc, an vui và hạnh phúc đích thực. Tôi không biết làm thế nào để diễn đạt rõ điều này cho các bạn, song các bạn cần phát nguyện cam kết là mọi chúng sinh trên thế gian này chắc chắn sẽ luôn an trụ trong đại hỷ lạc hay hạnh phúc đích thực. Một mặt, đây là một hình thức mong nguyện. Mặt khác, các bạn cam kết hành động để điều đó trở thành hiện thực. Đây là hạnh nguyện tiếp theo để phụng sự hết thảy chúng sinh.



Cam kết thứ tư là cam kết quan trọng nhất. Cam kết này liên quan đến việc không có tham luyến và sân giận, thay vào đó là việc thực hành tu tập với tâm bình đẳng xả. Hầu hết chúng ta - những người đang thực hành từ tâm và bi tâm, đặc biệt là những người luôn nói đang theo một tôn giáo hay phải có lòng từ bi - đều có sự tham luyến hoặc không cũng là những kiểu sân giận thù ghét khác nhau. Hiển nhiên phần lớn thời gian, chúng ta sống chung với cảm giác tham luyến, khiến cho việc tu tập của chúng ta không còn được thanh tịnh và viên mãn. Vô lượng tâm thứ tư nhắc nhở bạn một cách toàn diện về tầm quan trọng của việc đối diện với tham luyến và sân giận. Dù tham luyến hay sân giận cũng đều không tốt. Người dân Tây Tạng thường hay nói về việc ban trải lòng từ bi tới hết thảy mọi chúng sinh một cách trừu tượng và mông lung. Ai cũng nói về “tất cả chúng sinh” nhưng mỗi người lại có những cách áp dụng khác nhau. Một số rất giàu lòng từ bi đối với người nghèo, song lại ít có từ bi đối với người giàu. Một số có lòng từ bi dành cho nam giới, nhưng không dành cho nữ giới. Một số người lại chỉ có lòng từ bi cho nhân loại, song không dành cho các chủng loài khác, như động vật chẳng hạn.

Không nên tham luyến và cũng không được thờ ơ

Trên thực tế, có nhiều người trong các quốc gia phát triển mạnh về vật chất đang không có sự quan tâm đúng mức tới những người thân của mình, nhưng lại hết mực yêu thương chiều chuộng những con vật họ nuôi nấng trong nhà. Nếu cần thiết, thậm chí họ có thể dễ dàng nạt nộ cha mẹ hoặc gia đình của họ, nhưng lại thậm chí không bao giờ la mắng những con vật nuôi trong nhà, vì những vật nuôi đó rất quan trọng đối với họ. Đây là vô số những kiểu thái độ khác nhau của chúng ta. Nếu có ai hỏi liệu rằng, đây thực sự có phải là lòng từ bi hay tình yêu không, thì chúng ta có thể trả lời rằng đó cũng là lòng từ bi hay tình yêu thương, nhưng nó lại song hành với tham luyến, thờ ơ hoặc sân giận. Do đó, vô lượng tâm thứ tư là một phần rất quan trọng trong thực hành của chúng ta. Tâm vô lượng đó khuyên mọi người không nên tham luyến và cũng không thờ ơ.




Sân giận và tham luyến đều là những hình thức bám chấp

Trong thực tế, cả sân giận và tham luyến đều là những hình thức bám chấp. Mặc dù, sân giận hay thờ ơ nghe có vẻ đối lập với tham luyến, song đó lại là một hình thức bám chấp lớn. Thuật ngữ “vô chấp” dùng để chỉ đến việc hoàn toàn không có bám luyến, song “thờ ơ” là sự từ bỏ hay từ chối một khía cạnh nào đó trong cuộc sống. Bản thân sự tham luyến chỉ là tham luyến, nhưng sự thờ ơ còn tồi tệ gấp đôi, đó là sự tham luyến nhân đôi, tham luyến đi đôi với rời bỏ. Vì vậy, cả tham luyến hay thờ ơ đều không thể chấp nhận được trong việc thực hành tu tập của chúng ta.

Chúng ta hiến dâng bản thân mình để phụng sự cho hết thảy chúng sinh, để giúp họ có được trạng thái bình đẳng xả. Tôi cho rằng, điều này chỉ có thể thực hành nhờ lắng nghe giáo pháp. Nếu không, sẽ chẳng ai rõ bình đẳng xả là gì. Bình đẳng xả có nghĩa là chẳng có những xúc tình như tham luyến hay thờ ơ. Điều này nghe có vẻ rất kỳ lạ và như thể bạn sẽ trở thành một mẩu gỗ vô tri. Nhưng thực tế không phải vậy. Bạn cần hiểu rõ khi tham luyến hay thờ ơ vắng bóng, một cảm thức lớn lao tươi mới về tình yêu thương, lòng từ bi vô bờ bến sẽ nhậm vận xuất hiện. Trong trạng thái này, bạn cũng sẽ thấu hiểu Đại thủ ấn là gì. Trong hiểu biết của chúng ta, Đại toàn thiện hay Đại thủ ấn bị che ám bởi hai trạng thái tham luyến và thờ ơ. Tịnh hóa được những điều này, vạn pháp sẽ trở nên tuyệt vời, toàn thiện. Ngay cả hiểu biết nho nhỏ cũng sẽ trở thành hiểu biết lớn lao.

Không chỉ có vậy, thấu hiểu về bình đẳng xả đem lại cho bạn tình yêu thương vĩ đại (Đại từ), cảm giác về lòng bi mẫn lớn lao (Đại bi); cảm giác về sự hỷ lạc vô biên (Đại hỷ) và cảm giác về sự tri ân vô hạn. Nếu không, chúng ta sẽ chẳng tri ân bất cứ thứ gì trong cuộc sống. Đơn cử như, chúng ta không tri ân những lời đề nghị giúp đỡ từ phía người khác. Chúng ta không tri ân bất cứ thứ gì vì chúng ta không có trải nghiệm về bình đẳng xả. Bình đẳng xả giúp bạn tri ân mọi việc, hạnh phúc, an vui và hỷ lạc. Mọi điều thiện lành sẽ khởi sinh từ tâm bình đẳng xả. Nếu không, bạn có thể cảm thấy thăng trầm. Đôi lúc, chúng có thể rất thăng hoa hướng thượng nhưng đôi lúc lại trầm chìm u ám, tựa như một trái bóng nảy lên nảy xuống tuỳ theo tính khí, hay những năng lực vận hành bên trong bạn. Trái bóng nảy lên và xuống theo những xúc tình vốn cũng rất bấp bênh. Chúng không thể đem lại cảm giác an vui, hạnh phúc lâu bền, hay tình yêu thương và sự hỷ lạc lâu dài nào. Nhưng chúng ta không ai không mong muốn an lạc, hạnh phúc lâu dài, những thứ lâu bền thường trụ. Hỷ lạc vô biên chỉ sinh khởi từ tâm bình đẳng xả. Nếu không xuất phát từ bình đẳng xả, không điều gì là chắc chắn, là hạnh phúc hay thăng hoa tích cực.

Tôi cho rằng, chiêm nghiệm về sự tri ân rất quan trọng. Nếu chúng ta không tri ân cuộc sống, không tri ân chính mình và tập thể, thì sẽ chẳng còn gì đáng giá. Cuộc sống sẽ trở nên vô cùng khổ đau và khó nhọc. Bất cứ điều gì xảy đến hay cái gì chúng ta có được đều không thể truyền cảm hứng cho bạn, chẳng điều gì giúp bạn cảm thấy được hạnh phúc. Tình bạn đẹp hay thực phẩm ngon, chẳng thứ nào hấp dẫn hay tích cực có thể khiến bạn hạnh phúc, vì bạn không có ý thức tri ân cuộc sống. Bạn không tri ân bất cứ thứ gì bạn có. Đây là vấn đề cơ bản chúng ta thường gặp phải. Mọi người, không chỉ riêng phương Tây mà cả phương Đông đều đang đối mặt với những rắc rối kiểu này.



Thực sự, nếu bạn quán chiếu sâu sắc về cuộc sống, chúng ta có hàng trăm ngàn cảm xúc tích cực, vô số những điều tích cực, thiện lành, đẹp đẽ để ăn, mặc, đi bộ, đàm thoại và tận hưởng. Vô vàn những điều thiện lành tích cực đang diễn ra trên thế giới một cách tự nhiên, song chúng ta không hề biết tri ân. Chúng ta không cảm nhận được những điều tốt đẹp ấy và không có được cảm giác tích cực nào ngay cả khi những điều tốt đẹp này đang đến với chúng ta.

Chúng ta không thực sự cảm thấy cần phải tri ân cuộc sống vì chúng ta không chịu tiếp nhận. Tại sao lại như vậy? Đó là vì chúng ta chưa có cảm thức về bình đẳng xả. Trên thực tế, chúng ta quá bận rộn với tham luyến hay thờ ơ, chúng áp đảo đến nỗi chúng ta không còn khoảng trống để đón lấy những món quà tuyệt diệu của tạo hoá. Những điều tốt đẹp đang ở ngay đây. Những điều bất thiện cũng ở đó. Dù luôn luôn có những điều tốt đẹp để đón nhận, song đa phần chúng đều ẩn khuất khiến chúng ta không dễ dàng cảm nhận hay nhận ra để trải nghiệm. Sau khi, trải qua khá nhiều khổ đau, có lẽ thi thoảng chúng ta cũng cảm nhận được hương vị nào đó về tri ân cuộc sống. Khi những khổ đau về tâm lý, tình cảm trôi qua, chúng ta có thể cảm thấy thư thái và chợt nhận ra cuộc sống thú vị đến nhường nào. Đôi khi, chúng ta cảm nhận được một điều thực sự tích cực nhưng chúng hy hữu chẳng khác nào một ánh sao đêm giữa bầu trời mù mịt. Mà thường thì, các bạn không cảm nhận được, chúng xuất hiện chỉ đơn giản là một phần của cuộc sống.

Bạn đang định hướng cho cuộc sống của mình như thế nào?

Đôi khi, chúng ta cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán và mong muốn thay đổi, có một cuộc sống tích cực hơn. Bạn có thể cảm thấy: “Ngày nào cũng là những món này, chán quá.” hay “Ngày nào tôi cũng phải mặc những bộ quần áo này, tôi muốn diện thứ gì đó khác cơ.” Kiểu thái độ này có nghĩa là bạn đang không biết trân trọng những gì bạn đang có. Bạn đang tìm kiếm những điều mới lạ, bạn đang kiếm tìm rắc rối! Một mặt, thì thay đổi có thể đem lại niềm vui. Ví dụ như, tôi thích đi mua sắm, nếu vậy thì việc đi mua sắm đem lại cho tôi niềm vui. Quanh chúng ta có nhiều niềm vui. Tuy nhiên, chúng ta đang tiếp cận trên phương diện căn bản của sự thực hành. Tôi không nói rằng, bạn không nên đi mua sắm, không nên tìm kiếm những bộ quần áo mới, hay thưởng thức những món ăn khác lạ..., song cơ bản là chúng ta đang có cảm giác tham đắm, vì không thực sự biết trân trọng, tri ân cuộc sống. Nếu bạn tiếp tục trong tình trạng này, cuộc sống của bạn sẽ luôn nhàm chán, u ám và tiêu cực. Chúng ta sẽ luôn cảm thấy rằng mình chẳng có thứ gì. Chúng ta có thể nghĩ: “Mình chẳng có thứ gì, thứ mình cần thì lại không có tiền, mình không có bạn bè, mình không có nhà cửa, mình không có gia đình, mình không có con trai, mình không có con gái…” Lúc nào chúng ta cũng sẽ nghĩ một cách tiêu cực như vậy! Ngay cả khi có được những thứ này, bạn cũng sẽ không biết tri ân chúng, đây là điều mà tôi thường thấy. Các bạn có thể tự suy ngẫm về điều này. Đây là cách tôi cảm nhận, song các bạn không cần phải nhất nhất tuân theo những gì tôi nói. Các bạn cần tìm hiểu xem những điều tôi nói có thực sự đúng đắn hay không, đến mức nào.

Do vậy, các bạn nên thực sự quán chiếu suy ngẫm về những điều này trong cuộc sống của chính mình. Bạn đang định hướng cho cuộc sống của mình như thế nào? Bạn có thực sự trân trọng, tri ân cuộc sống hay không? Hoặc bạn trân trọng điều gì, có thực sự trân trọng không? Bạn có đang trải qua những khổ đau lớn lao không? Nếu bạn cảm thấy đang khổ đau, thì tại sao bạn lại đang cảm thấy vậy? Thậm chí, nếu bạn có một danh sách hàng trăm điều tiêu cực trong cuộc sống của bản thân, bạn vẫn có thể thấy một danh sách nhiều điều tích cực. Do đó, tại sao chúng ta không thể làm cho bản thân hạnh phúc và trân trọng mọi thứ trong cuộc sống để hân hưởng cuộc sống của chính mình? Phương pháp quán chiếu này là một cách tiếp cận thực hành tâm linh thực tế, là tinh túy của con đường tâm linh. Nói cách khác, đó chính là việc làm thế nào để bản thân chúng ta được hạnh phúc, để hân hưởng cuộc sống trong thế kỷ tới, thiên niên kỷ tới, hay ngay từ ngày mai cho tới mãi về sau.

Các bạn cần thực sự quán chiếu về những thệ nguyện cam kết trong buổi thuyết giảng này. Chúng ta nói rằng, chúng ta nên có cam kết phụng sự hết thảy chúng sinh, song tại sao lại cam kết hiến dâng bản thân mình để phục vụ tất cả? Chúng ta cần thấu hiểu nguyên nhân. Nếu không thấu hiểu thì chúng ta đang thực hiện những điều đó để làm gì? Nếu chỉ vì chúng ta đang phụng sự một tôn giáo thì thật vô nghĩa. Các bạn không nên làm bất cứ điều gì chỉ vì lý do tôn giáo. Các bạn không nên làm bất cứ điều gì chỉ vì một người khác nói bạn cần phải làm điều đó. Các bạn nên làm mọi việc xuất phát từ chính sự hiểu biết của bản thân - hiểu biết đã được xây dựng trên con đường tâm linh qua những hướng đạo của các bậc thầy. Con đường tâm linh có nghĩa là hành động với hiểu biết của chính bản thân mình. Hiểu biết những gì là chân lý cần phải khởi sinh từ bên trong bạn. Hiểu biết của chính mình là suối nguồn khích lệ quan trọng.

Tìm kiếm hạnh phúc và nguyện cầu hạnh phúc cho hết thảy chúng sinh là những điều vĩ đại, đây được gọi là “tình yêu thương.” Song suối nguồn hạnh phúc này có thể dễ dàng bị lòng tham luyến ảnh hưởng và tác động. Tuy nhiên, tâm bình đẳng xả đem lại cho bạn cảm giác hạnh phúc lớn lao. Có sự khác biệt lớn giữa hạnh phúc chúng ta đang nói đến trong vô lượng tâm thứ nhất và vô lượng tâm bình đẳng xả này. Tôi cho rằng, chúng hoàn toàn khác biệt cũng như cảm nhận và trải nghiệm về chúng cũng rất khác biệt. Bản thân tôi có thể cảm nhận được sự khác biệt lớn giữa hai loại hạnh phúc này.



Dĩ nhiên, hạnh phúc là hạnh phúc. Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy rất hạnh phúc. Chúng ta có thể hạnh phúc khi gặp gỡ một ai đó, được ở bên cạnh một ai đó, khi ăn những món ăn ngon lành và những điều tương tự như thế. Có nhiều kiểu hạnh phúc mà chúng ta có thể mô tả được. Song hạnh phúc mà các bạn có thể trải nghiệm qua tâm bình đẳng xả là một hạnh phúc vĩ đại, khó diễn đạt được, là một hạnh phúc rất mạnh mẽ và an bình. Đó là một hạnh phúc rất sâu sắc. Khi tôi nói đến từ sâu sắc, tôi không có ý định nói đến Đại thủ ấn, hay Đại toàn thiện. Đó vẫn chỉ là một hạnh phúc tương đối, song hạnh phúc đó rất mãnh liệt, sâu sắc và ổn định. Do đó, tôi muốn nhấn mạnh rằng, tinh thần thư thái an lạc là điều rất quan trọng, song tôi hoàn toàn không thể diễn đạt đầy đủ điều này bằng tiếng Anh vì vốn từ của tôi có hạn.

Dù sao đi nữa, mặc dù tinh thần thư thái nghe có vẻ nhàm chán nhưng đây là một điều quan trọng mà chúng ta cần suy ngẫm. Một số người bạn của tôi đã nói: “Tôi không thích ý tưởng về tinh thần thư thái. Tinh thần thư thái có nghĩa là không sướng vui cũng chẳng đau buồn. Trạng thái đó mới nhàm chán làm sao!” Song theo kinh nghiệm của tôi, trạng thái tinh thần đó chẳng có gì nhàm chán cả. Tinh thần thư thái thực sự là một điều lớn lao. Trạng thái tinh thần đó đem lại cho các bạn nhiều hỷ lạc. Các bạn chưa tưởng tượng được điều đó, các bạn chưa thực sự tin trạng thái đó đem lại hỷ lạc đến dường nào.

Do đó, việc thực hành Tứ vô lượng tâm là điều quan trọng nhất. Bốn cam kết này cần được thực hành tu tập làm cốt lõi tinh tuý của Đại thừa và Kim Cương thừa. Lý do tại sao, tôi bàn đến Tứ vô lượng tâm là nếu các bạn không biết đến những điều này, nếu các bạn không thực hành những điều này trong việc tu tập hàng ngày, các bạn sẽ không thể hiểu được bản chất. Các bạn không hiểu được bản chất mặc dù các bạn có thể tụng niệm nhiều câu chân ngôn và nhiều bài kinh kệ, thiền định về nhiều bậc chư thiên... Những việc thực hành tu tập này không thực sự đi vào bản chất cốt lõi, nếu các bạn không có kiến thức cơ bản này.

Do vậy, từ ngày hôm nay trở đi, chúng ta phải thay đổi trong việc thực hành tu tập hàng ngày. Các bạn cần tập trung nhiều hơn vào việc thực hành Tứ vô lượng tâm. Điều này rất, rất quan trọng. Đây là điều tôi luôn nghĩ, vì dường như mọi người không xây dựng được lòng từ bi mặc dù họ thực hành tu tập rất nhiều. Có thể, họ đã tu tập trong nhiều năm, có thể là mười, mười hai hay hai mươi năm, song khi tôi kiểm tra, khi tôi gặp họ, trò chuyện cùng họ và tìm hiểu họ, tôi thường thấy họ vẫn ở cấp độ trước đó. Không có sự phát triển hay tiến bộ nào; chẳng có điều gì mới mẻ cả. Do đó, tôi tự hỏi điều gì đang diễn ra, và họ đang thực hành tu tập những gì?

Cũng có thể, những người đó đang thực hành tu tập rất tốt, tôi thực sự không thể phàn nàn về mức độ tu tập của họ. Tuy nhiên, họ chỉ đang tu tập mà không thực sự quan tâm tới Tứ vô lượng tâm. Họ không bao giờ nghĩ đến từ bi và tình yêu thương và trạng thái thư thái. Họ đang tu tập việc tụng niệm…, song Tứ vô lượng tâm là điều họ đã chối bỏ hoặc họ không thực sự nghĩ đến. Họ không thực sự hiểu được tầm quan trọng của điều đó. Do vậy, nếu các bạn muốn, các bạn có thể nói việc này là sự thay đổi lớn chúng ta cần tiến hành trong việc thực hành tu tập của chúng ta.
(Bài giảng của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Drukpa Plouray, nước Pháp trước thềm Thiên niên kỷ mới)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,884
Số người trực tuyến: