Một chuyến tham quan Phật giáo vòng quanh Hàn Quốc | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Một chuyến tham quan Phật giáo vòng quanh Hàn Quốc

43
05/03/2010 - 00:00

Mặc dù trong thời mạt pháp của đời sống tâm linh nói chúng, đặc biệt và đáng buồn là đối với Phật giáo nói riêng, người dân Hàn Quốc vẫn được ân hưởng phúc đức gia trì rất to lớn khi được sống cùng một số bậc đạo sư tu chứng thành tựu. Trên phương diện này, tôi cũng rất may mắn được hạnh ngộ cùng một trong những đại lão phương trượng đó - Ngài được coi là một trong những đạo sư có vị trí tôn quý nhất và đạt thành tựu tâm linh cao nhất ở Hàn Quốc. Tôi lấy làm tiếc là tôi không giỏi nhớ tên mọi người, song tôi đã được chụp chung một bức ảnh với Phương trượng - người đứng giữa trong bức ảnh.

Đại lão phương trượng khiến tôi nhớ đến các đại sư Tây Tạng của chúng tôi, những người đã thực sự chứng ngộ và là những vị Bồ Tát sống. Phương trượng trò chuyện nhiều và có thái độ cởi mở. Thậm chí Ngài còn kiểm tra xem mọi thứ trong phòng ngủ của tôi có được sắp xếp ổn thoả không. Mặc dù tôi và mọi người không có cơ hội phát biểu khi diện kiến Phương trượng vì Ngài rất quan tâm chia sẻ mọi kiến thức cho chúng tôi, tôi có thể nói rằng Phương trượng luôn sống trong thực tại và sự nội chứng thâm sâu rộng lớn của mình. Phẩm hạnh của Phương trượng thực sự khiến tôi nhớ đến căn bản thượng sư của tôi, do đó tôi rất vui khi được diện kiến Phương trượng, mặc dù tôi không có dịp được phát biểu gì hết. Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi thực sự trân trọng những cuộc hạnh ngộ với những bậc đạo sư đích thực như vậy, những cuộc hạnh ngộ đó rất hiếm, không chỉ ở Hàn Quốc mà tất cả mọi nơi. Điều đáng buồn là Phương trượng hiện tuổi đã cao. Tôi liên tục cầu nguyện cho Ngài được trường thọ và sẽ luôn khắc ghi hình ảnh của Ngài ở trong tim.

Tôi được Phương trượng của Chùa Kilsangsa Temple, Đạo sư Deokjo, khoản đãi. Phương trượng đã vui lòng chia sẻ với tôi những bức ảnh đăng tại trang này. Kilsangsa là nơi tôi thuyết giảng đầu tiên trong lần viếng thăm Hàn Quốc này. Đạo sư Deokjo thực sự rất quan tâm săn sóc đến tất cả mọi người trong đoàn. Mặc dù vô cùng bận rộn, Ngài đã bố trí thời gian đi cùng tôi trong suốt hành trình đến miền Nam Hàn Quốc là nơi hiện tôi đang dừng chân. Ngài đã chỉ cho tôi ngôi chùa nguy nga, tráng lệ đang được Ngài cho xây cất tại Kilsangsa. Tôi đặc biệt tự hào vì Phương trượng Deokjo có thể thực hiện được một công việc lớn lao đến vậy tạo dựng một ngôi chùa nguy nga tại chính giữa thủ đô Seoul, ngay bên cạnh Văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc.

Tôi đã thuyết giảng về Văn Thù Bồ Tát Manjushri tại Kilsangsa theo lời thỉnh pháp của Đạo sư Deokjo. Thoạt đầu, tôi được cho biết dự kiến sẽ có khoảng 400 Phật tử tham dự buổi thuyết giảng và tôi lấy làm vui mừng là điều đó sẽ khiến cho việc gia trì trở ân đức nên dễ dàng. Không như ở Ladakh và nhiều nơi trên dãy Himalayas, đôi khi tôi phải dành từ hơn 16 đến 18 tiếng đồng hồ giữa đám đông Phật tử để gia trì ân đức cho họ, hoặc để khích lệ và hỗ trợ tinh thần cho họ. Do vậy, lần thuyết giảng này tôi nghĩ sẽ không kéo dài do dòng truyền thừa Drukpa, đặc biệt là tôi, không có sự hiện diện nào tại thủ đô Seoul. Điều đáng ngạc nhiên là dòng người xếp hàng đợi tôi gia trì ân đức dài đến mức tôi phải dành 6 đến 7 tiếng đồng hồ để hoàn thành công việc này. Vì chúng tôi dự kiến không có nhiều người đến vậy, tôi đã được bố trí ngồi trên toà, nếu không tôi đã có thể đi xuống và gia trì ân đức và sẽ không mất nhiều thời gian đến thế, như tôi thường làm ở Ladakh và các khu vực khác trên dãy Himalayas, nơi phần lớn thời gian tôi cần phải gia trì ân đức cho hơn 80.000 người một lần. Trực tiếp đi xuống đám đông khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn chút ít. Toạ trên toà gia trì ân đức cho mọi người thường tốn nhiều thời gian hơn.

Sau này, tôi được cho biết là có hơn 3.000 người đến tham dự buổi thuyết giảng. Trong lúc thuyết giảng tôi không thể nhìn thấy hết mọi người vì họ ngồi ở những chỗ khác trong đại sảnh rộng lớn và nhìn thấy tôi qua một màn hình lớn khiến tôi trên màn hình còn lớn hơn ở ngoài. Nhiều người đến dự buổi thuyết giảng là thanh niên, đó là điều tôi thấy rất hoan hỉ. Tôi thấy tinh thần được khích lệ vì có nhiều người đến vậy quan tâm đến vấn đề tâm linh, mặc dù vào cuối buổi thuyết giảng, tôi cảm thấy khá mệt mỏi. Tôi nghĩ đó là do tôi không được chuẩn bị trước. Một lần nữa, việc này cũng liên quan đến sự kỳ vọng. Nhẽ ra tôi không nên nghĩ đến số lượng người ít hay nhiều. Vì nghĩ đến điều đó tôi mới cảm thấy mệt mỏi khi kết thúc buổi thuyết giảng.

Tôi vô cùng hoan hỉ trước việc tôi có thể làm lợi lạc chút đỉnh cho những người đến tham dự buổi thuyết giảng bằng vốn kiến thức hạn chế của bản thân, cũng như thông qua việc gia trì ân đức của Văn Thù Bồ Tát cho những người thực sự mong muốn được thụ nhận. Tôi có thể thấy nhiều người mang theo ảnh của con cái họ trên tay để tôi có thể gia trì cho con cái họ qua những bức ảnh này mặc dù con cái họ không thể đến được để tự thụ nhận ân đức gia trì. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng hoàn toàn có lợi và phù hợp nếu người được bạn muốn chia sẻ ân đức gia trì không thể đến dự được. Tại sao lại không được? Thông thường thì trong xã hội của chúng ta, chúng ta không làm như vậy nhiều lắm. Tôi cho rằng chúng ta có thể làm điều này nếu con cái hoặc những em bé không thể đến tham dự buổi thuyết giảng hoặc trực tiếp thụ nhận gia trì ân đức. Tôi tin rằng việc làm như vậy có thể có tác dụng.

Tôi cần phải kể một chút về ngôi chùa tôi đã đến thăm vào ngày hôm qua ở miền nam Seoul. Trong lịch sử tại Hàn Quốc, có ba ngôi chùa có vai trò rất quan trọng; ba ngôi chùa đó tượng trưng cho Tam Bảo là Phật, Pháp và Tăng. Trong tiếng Hàn Quốc, "sa" có nghĩa là chùa. Chùa Tongdosa có nghĩa là “Phật Bảo Tự" được thành lập vào năm 646 sau Công nguyên để thờ xá lợi của Đức Phật. Chùa Haeinsa có nghĩa là “Pháp Bảo Tự” được xây dựng năm 802 sau Công nguyên và đây là một Di sản thế giới với một thư viện bản khắc gỗ kinh Phật bằng tiếng Hàn Quốc. Ngôi chùa ngày hôm qua tôi đến thăm là Songgwangsa, có nghĩa là "Tăng Bảo Tự".

Chùa Songgwangsa được xây dựng vào năm 867 sau Công nguyên. Hầu hết những bậc cao tăng chứng ngộ đều xuất phát từ Tự viện này, và hầu hết những vị thánh sống, Phương trượng, các bậc Pháp sư hiền trí đều từng tu tập tại đây. Tôi cho rằng Chùa Songgwangsa giống như Đại học Nalanda tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ nhất. Khi đến thăm ngôi chùa tôi thấy rất xúc động. Nơi đây thực sự cho chúng ta thấy sự vĩ đại trong những lời thuyết giảng của Đức Phật và sự vĩ đại của lòng từ bi, tình yêu thương và trí tuệ của Ngài. Chúng ta có các bậc đạo sư đạt thành giác ngộ tại Ấn Độ, Tây Tạng, Himalayas, Hàn Quốc, Nhật Bản, ở phương Tây và phương Đông, ở khắp mọi phương trời. Đương nhiên các đạo sư đã đạt thành giác ngộ là do gắn bó với việc thực hành tâm linh, với hạnh nguyện giúp đỡ chúng sinh và với các hoạt động Bồ tát vô ngã vị tha của họ - những hoạt động không bao giờ bị bản ngã làm ô nhiễm. Điều này có tính khích lệ rất lớn vì điều đó cho thấy mọi người đều có thể trở thành Phật. Phật không phải là một bức tượng hay một nhân vật lịch sử, Phật có nghĩa là Đại giác ngộ mà ai cũng có thể đạt thành.

Hôm nay, chúng tôi ở Daewonsa, một ngôi chùa đẹp khác. Tôi đã gặp một số người bạn cũ là những người tôi đã từng gặp trong lần đến thăm Hàn Quốc cách đây hơn 10 năm. Họ là những vị tăng và một số cư sĩ đã đến diện kiến và đưa tôi đi thăm thú khi tôi ở Hàn Quốc vào lần trước. Điều đáng ngạc nhiên là họ vẫn nhớ thời gian tôi đến thăm Hàn Quốc lần trước – ngày 7 tháng 3 năm 1996. Tôi rất cảm động là họ có thể nhớ được ngày chúng tôi gặp nhau. Tôi đã ban quán đỉnh A Di Đà và chú giải về Phật A Di Đà, những phẩm chất, hoạt động và tầm quan trọng của Ngài.

Nhìn trên gương mặt những người tham dự, tôi có thể nói rằng họ rất quan tâm đến các chi tiết Phật giáo Kim cương thừa có thể cung cấp từ một góc nhìn khác. Tôi đã hứa với họ rằng tôi sẽ quay lại thăm Hàn Quốc hàng năm để giải thích thêm. Tôi không biết liệu có đúng không khi hứa như vậy, vì như mọi người đều biết tôi luôn bận bịu với lịch thuyết giảng đến mức giờ đây, khi đã suy nghĩ rõ ràng, tôi thấy mình có thể đã gặp khó khăn khi hứa với mọi người là sẽ quay lại thăm Hàn Quốc trong năm sau và các năm sau nữa... và tôi không thể rút lại lời hứa này!

Ngoài ra, nhiều người cũng bày tỏ mối quan tâm to lớn tới việc tham dự Hội nghị Drukpa thường niên lần thứ nhất. Song tôi không biết việc họ tới Kathmandu sẽ dễ dàng hoặc khó khăn đến mức nào. Tôi đã đề nghị một người bạn rất lâu năm của mình là Shim tiến hành thu xếp và tôi sẽ đề nghị nhóm thực hiện trang web ADC cung cấp một phần trên trang web cho nội dung bằng tiếng Hàn Quốc cho Shim và nhóm làm việc trang web của bà sắp được thành lập – nhóm này sẽ tiến hành dịch tất cả các chi tiết và cung cấp sự hỗ trợ đăng ký đối với bất cứ Phật tử Hàn Quốc nào muốn tham dự Hội nghị Drukpa thường niên lần thứ nhất. Tôi nghĩ rằng Jigme Kunzang Senge hoặc Jigme Tobden trong nhóm thực hiện trang web ADC cần lập một địa chỉ thư điện tử có tên là korean@drukpacouncil.org cho Shim để làm điều đó. Shim sẽ điều phối tất cả các Phật tử Hàn Quốc.

Tôi hy vọng và tin tưởng là nhiều Phật tử Hàn Quốc, những người có mối liên hệ rất lâu đời với dòng truyền thừa Drukpa và tôi, sẽ tham dự cùng Đại gia đình Thiên Long Drukpa trong Hội nghị Drukpa thường niên lần thứ nhất. Không những thế, tôi biết rằng từ bây giờ trở đi, những Phật tử tuyệt vời ở Hàn Quốc sẽ tham gia hoạt động cùng tôi ở mọi nơi, ở những khu vực khác nhau trên thế giới, trong những sự kiện khác nhau, ví dụ như các dịp lễ kỷ niệm 800 năm di sản dòng truyền thừa Drukpa, lễ kỷ niệm một nghìn năm dành cho Đại thành tựu giả Naropa… khi nhân duyên của chúng ta đã chin muồi.

Tôi muốn kể về một trong những đạo sư đáng kính người Hàn Quốc tôi đã hạnh ngộ trong lần này - Đạo sư Hyun Pong, một phương trượng cao cấp trong Phật giáo Hàn Quốc, người đã mời tôi đến thăm nơi an cư nhập thất của Ngài. Chúng tôi đã thảo luận về tất cả các chủ đề. Phương trượng là một đạo sư năng động và có tâm cởi mở. Không như nhiều Phật tử Hàn Quốc tôi đã từng gặp, những người chỉ biết đến một hoặc hai truyền thống Phật giáo Tây Tạng và nghĩ rằng trên thế giới này, chỉ có hai dòng truyền thừa khác nhau trong Phật giáo Tây Tạng. Họ không biết đến toàn bộ Phật giáo Tây Tạng, họ không biết rằng có nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau và nhiều dòng truyền thừa khác nhau cùng các đại sư thành tựu giác ngộ trong các truyền thống Phật giáo đó. Lấy ví dụ như họ thậm chí không biết rằng rất nhiều người dân ở các vùng như Ladakh, Bhutan, Nangchen và Lahaul theo dòng truyền thừa Drukpa. Thay vào đó họ nghĩ rằng dòng truyền thừa Drukpa là một nhánh của một dòng truyền thừa khác và đứng dưới một dòng truyền thừa khác. Họ thậm chí còn không biết rằng chỉ tính riêng dòng truyền thừa Drukpa đã có hơn 1.000 tự viện lớn và nhỏ tồn tại độc lập với các trường phái Phật giáo khác. Dưới góc độ này, Đại sư Hyun Pong là người rất khác so với các Phật tử Hàn Quốc. Ngài không chỉ biết về tất cả các dòng truyền thừa Phật giáo ở Tây Tạng mà còn biết các dòng truyền thừa ở Ấn Độ và các khu vực khác ở Himalayas. Không lấy gì làm ngạc nhiên là Ngài được tôn kính là Phương trượng cao cấp. Tôi thực sự lấy làm ngạc nhiên về kiến thức rộng lớn và tâm hồn cởi mở của Ngài. Do đó tôi đã rất vinh dự được hạnh ngộ cùng Ngài, mặc dù chỉ trong một thời gian ngắn. Tôi thực sự muốn gặp lại Ngài trong chuyến thăm Hàn Quốc lần tới và ít nhất ở trọn một ngày cùng Ngài tại nơi nhập thất, một địa điểm thuận lợi cho việc thiền định.

Nhìn chung, tôi rất hoan hỉ được thấy nhiều Phật tử Hàn Quốc quan tâm và mong muốn biết thêm về những khía cạnh khác nhau và các dòng truyền thừa khác nhau trong Phật giáo Tây Tạng. Tôi được biết rằng nhiều vị tăng đang học tại các tự viện lớn thuộc dòng Gelugpa là Sera và Drepung. Tôi cũng hoan hỉ trước việc họ có thiện nghiệp được đào tạo và học hỏi nhiều thứ về triết học và các truyền thống Phật giáo Tây Tạng tại các Tự viện đó. Tôi cũng đã gặp một số ni cô được thọ giới tại Tashi Jong với hành giả vĩ đại của dòng truyền thừa Drukpa, Đại sư Togden Amtrin quá cố sống ở Khampagar. Các ni cô cũng đã học hỏi được nhiều dưới sự khai thị của Nhiếp Chính Vương Khamtrul Rinpoche Shedrub Nyima. Họ có thể nói thành thạo tiếng Tây Tạng và rất quan tâm đến việc thực hành sáu yoga của Đức Naropa. Tôi có thể thấy tiềm năng lớn cho tương lai phát triển Phật giáo tại Hàn Quốc. Tôi hy vọng là nhìn chung các Phật tử Hàn Quốc sẽ có cơ hội học hỏi và trải nghiệm với tất cả các trường phái khác nhau trong Phật giáo Tây Tạng, với hiểu biết kỹ càng dựa trên những thông tin không có thành kiến. Do đó các đạo sư Tây Tạng như chúng tôi có nhiệm vụ thông tin cho các Phật tử Hàn Quốc một cách rõ ràng và kỹ lưỡng để họ biết nhiều khía cạnh khác nhau trong Phật giáo Tây Tạng và các dòng truyền thừa khác nhau với phẩm chất như nhau, tính chất như nhau, bình đẳng về tri thức và trí tuệ. Cá nhân tôi thấy giữa các dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng không có bất kỳ sự khác biệt nào về những điều đó. Dù sao đi nữa, chúng ta, những người thuộc dòng truyền thừa Drukpa ít nhất có thể phổ biến về những truyền thống của chúng ta và di sản của các đạo sư hành giả yogi vĩ đại trong quá khứ và hiện tại.

Tất cả chúng tôi đều chào đón những người bạn mới từ Hàn Quốc đến với Đại gia đình Drukpa!

Trước khi tôi đến điểm dừng chân tiếp theo, tôi phải nói rằng tôi đã quyết định thực hiện nhiều lời thỉnh cầu của người dân ở Garsha hoặc Lahaul và Ladakh đến thăm họ vào tháng 10 tới. Tôi dự định sẽ ở Garsha từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng 10 và sau đó sẽ đến Ladakh để gặp các đệ tử của tôi ở đó trước khi bắt đầu hành trình thuyết giảng tại Châu Á.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,888
Số người trực tuyến: