Từ ngã đến vô ngã | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Từ ngã đến vô ngã

370
30/07/2016 - 14:47

Bạn cần trưởng dưỡng khả năng quán chiếu bản thân để thấy được tâm chân thật của mình và hiểu rằng chúng ta đơn giản là chính mình, đang hàng ngày nỗ lực hết sức với khả năng của mình, từng bước hoàn thiện bản thân. Đừng lãng phí thời gian và năng lượng quý báu để tiếc nuối hay dằn vặt về quá khứ, phán xét con người chúng ta tốt đẹp ra sao, thành công như thế nào trong công việc hay trong chuyện tình cảm. Bạn hoàn toàn ổn và cứ là chính mình. Chỉ khi chấp nhận sự thật này, bạn mới có thể nhìn thấy điều tương tự ở những người khác. Tất cả chúng ta đều là con người và chẳng ai hoàn hảo. Vậy thì tại sao cứ phải bới móc những nhược điểm trong khi có bao điều tốt đẹp đang hiện hữu ngay nơi mỗi chúng ta?



 

“Hãy tìm kiếm một tri kiến giúp bạn cảm nhận sâu sắc và trọn vẹn nhất sự sống, khi ấy, tiếng nói nội tâm sẽ nhắc bảo bạn: “Đây mới là bản chất thật của chính mình”. Hãy để tri kiến đó dẫn đường cho bạn!”

~ William James

 

Hãy tự hỏi bản thân: “Tôi là kiểu người như thế nào?”

Trong cuộc sống, chúng ta đôi khi gặp những người có xu hướng manh động. Họ nhạy cảm hơn người khác, dễ hưng phấn và cũng dễ tổn thương. Khi nổi cơn tam bành, họ thường chẳng cân nhắc gì mà cứ thế đáp trả. Ở góc độ khác lại có những người có khả năng kiểm soát cơn giận và thực hành nhẫn nhịn. Đây là những người có tâm vững vàng và thích hợp với việc thực hành quán chiếu thiền định. Họ có khả năng kiểm soát cảm xúc trong khi người khác buộc phải “rời khỏi hiện trường” ngay lập tức trước khi cảm xúc của họ bị nổ tung ra. Do vậy chúng ta phải luôn quán chiếu bản thân để tự hỏi mình là kiểu người nào? Ngay lúc này chúng ta thử đủ loại cẩm nang hoàn thiện bản thân đang được rao bán trên thị trường. Chúng ta nhặt nhạnh mọi thứ mà không chọn lựa và thường là nó chẳng phù hợp với con người mình. Bạn cũng gần giống như một bệnh nhân – có thể một loại thuốc rất hiệu quả với ai đó nhưng lại không có tác dụng với bạn. Các loại thuốc khác nhau phù hợp với các bệnh nhân khác nhau, đó là lý do vì sao chúng ta phải quán xét bản thân để hiểu cái gì phù hợp với mình trong từng khía cạnh cuộc sống.

 

Tôi cảm thấy nhiều người trong chúng ta không đủ can đảm để nhìn kỹ mình trong gương, trong khi chúng ta lại săm soi người khác bằng kính lúp. Cũng vì thế mà chúng ta luôn khổ sở. Hãy can đảm nhìn lại mình một cách tường tận. Biết rõ nhược điểm của mình là cách sống vô úy. Chỉ khi hiểu điều này, bạn mới có thể nói một cách xác quyết: “Vâng tôi phải thay đổi, tôi cần cải thiện.”

 

Hãy biết khám phá và trưởng dưỡng hiểu biết về bản thân bởi tất cả thành tựu đều xuất phát từ chính mình. Nếu hiểu rằng tâm ta tạo ra hết thảy mọi thứ, bạn sẽ bắt đầu cảm nhận được rằng tất cả đều nằm trong tay ta. Tôi hi vọng sự chứng ngộ này sẽ mang lại cho bạn tự do và cơ hội giải thoát khỏi thực tại đau khổ. Đây cũng là những gì tôi đang trải nghiệm.



 

“Bạn không phải rời căn phòng mình… Hãy cứ ngồi tại chỗ mà lắng nghe. Thậm chí chẳng cần lắng nghe, hãy chờ đợi hoặc an nhiên trong tĩnh lặng. Bạn sẽ thấy cả thế giới tự hiển bày trong niềm hỷ lạc sâu lắng”

~ Franz Kafka

 

Việc tự giải phóng khỏi những định kiến và xúc tình phiền não sẽ giúp ta phát triển sức mạnh nội tâm. Biết “cho” đi một chút là cách tuyệt vời để trút bỏ những gánh nặng mà những người khác hay chính bạn tự đặt lên vai mình. Nó giúp bạn vững vàng đón nhận những thăng trầm, đồng thời mở ra vô số cơ hội tốt đẹp trong cuộc sống. Bạn sẽ yêu thương gia đình, sống tốt hơn với cộng đồng và cả chính bản thân mình. Bạn không trốn chạy mà gần gũi và cởi mở hơn với thế giới bên ngoài. Lý do đằng sau tất cả những chuyển biến tích cực này là vì từ bên trong, bạn đã biết thực hành buông xả.

 

Từ ngã đến vô ngã

 

Trong quan kiến Đạo Phật, thái độ ích kỷ, chấp ngã chỉ gặt hái phiền não, trong khi hoa trái của sự giúp đỡ sẻ chia là giác ngộ. Hãy thử nhìn lại thái độ sống hàng ngày của mình để nhận biết sự thật này. Thường những gì chúng ta làm từng phút, từng ngày đều xuất phát từ lòng vị kỷ. Bạn có thể làm điều gì đó cho con cái, cha mẹ hay bạn bè nhưng cũng là cho chính bạn. Ngay cả khi cho đi, chúng ta cũng thường trực tiếp hoặc gián tiếp mong chờ sự đáp trả - “Tôi cho cái này và có thể nhận lại cái kia.” Có thể mọi việc vẫn ổn hay cũng chẳng đến nỗi tệ hại, nhưng chúng ta còn có một con đường khác. Chúng ta cần nhận ra tính vị kỷ cùng những yếu điểm của mình để thay đổi thái độ và rộng mở tâm trí. Tâm ta đôi khi chật hẹp đến nỗi không có đủ chỗ cho chính bản thân mình. Vì thế, chúng ta cần rộng lòng và dẹp bỏ bản ngã bằng cách hiểu rằng tất cả mọi chúng sinh đều mưu cầu hạnh phúc. Khi hiểu hạnh phúc là điều quan trọng và cốt yếu nhất trong cuộc sống, bạn càng cần ý thức rằng mọi người đều hướng về điều này, chẳng ai muốn đau khổ. Do vậy, nhận thức đầu tiên chúng ta cần có là thấu hiểu hạnh phúc có ý nghĩa nhường nào đối với tất cả mọi người chứ không chỉ với riêng mình.


(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tham dự Lễ tổng kết chương trình “Sống giản đơn” của CLB YDA Việt Nam)


Tu tập tâm linh là công phu rèn luyện tâm trí, phẩm hạnh bên trong chứ không phải sự lãng phí năng lượng đi chỉnh sửa áp đặt cho thế giới bên ngoài. Đó chính là việc bạn có thể mở rộng không gian tâm thức đến mức nào để “cái tôi” tự khắc phải nhỏ bé lại. Nếu giữ ý niệm phân biệt “Ta” - “Người”, luôn thấy nhược điểm của người khác thì điều đó có nghĩa bạn còn cần cố gắng. Bạn vẫn chưa thực sự du hành khám phá những bí mật của thế giới nội tâm mình!.
 

Viết bình luận

Cùng chuyên mục

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,316
Số người trực tuyến: