Vô Úy Trong Thời Mạt Pháp (Phần I) | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Vô Úy Trong Thời Mạt Pháp (Phần I)

1029
28/12/2015 - 08:21

Chủ đề VÔ ÚY thường được đàm luận và chú trọng rất nhiều trong đạo Phật. Tôi nghĩ rằng, các tôn giáo khác cũng có những luận giải về vô úy nhưng có lẽ họ có cách nhìn nhận khác. Tuy nhiên, về phương diện triết học và minh triết đời sống, tức là thông qua sự hiểu biết chung về vô úy và việc phát triển tri kiến để nhìn nhận cuộc sống một cách chân thật thì tất thảy những gì chúng ta phải thấu đáo là: Trạng thái bình thường hay “tự nhiên” của cuộc sống thực sự chính là vô úy. Vô úy đã, đang và vẫn sẽ mãi tồn tại.

Nếu bạn thực sự biết cách nhìn nhận trạng thái tự nhiên của cuộc sống thì vô úy sẽ giúp bạn tự tin hơn rất nhiều. Trái lại, ngay lúc này, chúng ta đang sống trong sợ hãi, đang bị bao trùm bởi những nỗi sợ hãi. Thậm chí, chúng ta có thể không tin hoặc không nhận ra rằng chúng ta đang rất sợ một điều gì đó, rằng nỗi sợ hãi luôn ngự trị tồn tại trong chúng ta.

Tại sao lại như vậy? Bởi lúc nào chúng ta cũng thao túng và ngụy tạo cuộc sống, ngụy tạo “bản chất” nên cuộc sống không còn giữ được bản tính tự nhiên nữa. Nó bị xuyên tạc, chính vì vậy, nó không được tôn trọng. Khi đó, mọi thứ trở nên hỗn loạn, bởi vì chúng ta không tự tin vào những gì chúng ta đang làm.

VÔ MINH TẠO RA THAM MUỐN VÀ TỪ ĐÓ THAM MUỐN LẠI TẠO RA SỢ HÃI

Từ quan điểm của đạo Phật, chúng ta khẳng định rằng, sự vô minh của chính chúng ta đã tạo ra tất cả những ảo tưởng trên. Vô minh tạo ra tham muốn và tham muốn tạo ra sợ hãi. Đây là những ý tưởng tôi muốn gửi gắm tới các bạn và mong muốn bạn hãy suy ngẫm tường tận về chúng.

Theo quan điểm đạo Phật, chúng ta luôn cho rằng: Vô minh là nguyên nhân, kẻ tạo ra tham muốn. Tham muốn là mong đợi một điều gì đó, và khi xuất hiện, nó luôn mang theo sự sợ hãi. Ðiều này thật dễ hiểu bởi vì những cảm xúc như dưới đây sẽ cứ xuất hiện: “Tôi đang kiếm tìm một thứ gì đó nhưng lại không biết liệu có thể tìm được hay không, và nếu tôi đã có được thì tôi lại chẳng biết sẽ phải làm gì với nó đây?”. Những cảm xúc sợ hãi đó không khi nào chấm dứt và chúng luôn là người bạn đồng hành với sự tham muốn.

Nhưng như vậy không có nghĩa tham muốn là xấu và sợ hãi là xấu, bởi vì chúng là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Và cuộc sống cần phải được “trải nghiệm” một cách tự nhiên; không được thao túng hay ngụy tạo cuộc sống. Nếu vui thích hay sợ hãi xuất hiện trong bất cứ hình thức nào mà không là chướng ngại cho ta thì ta hãy cứ sống với chúng, nhưng tất nhiên cách sống với chúng phải khác, tức là phải luôn chánh niệm, tỉnh giác và sáng suốt. Ðây là điều cốt tủy mà tôi muốn đề cập tới.

Tôi thậm chí không cho rằng, những cảm xúc trên - cảm xúc tham muốn, sân giận hay ghen tị là những độc mà bạn cần tránh hay thù ghét. Tôi nghĩ rằng, chúng là một phần của cuộc sống. Cuộc sống vẫn cứ diễn ra; bạn là người phải thích nghi với cuộc sống chứ cuộc sống sẽ không bao giờ thích nghi với bạn. Chúng ta luôn hống hách, muốn thao túng, ngụy tạo và kiểm soát cuộc sống, nhưng điều này là không thể. Chính vì thế, cuộc sống phải được tôn trọng. Vậy bạn phải trân trọng cuộc sống như thế nào? Bằng cách nào bạn có thể tỉnh giác để đối mặt với cuộc sống? Ðây là một câu hỏi đầy ý vị và nếu là người sáng suốt thì bạn hãy suy ngẫm tường tận về câu hỏi này.

MỘT CÁCH KHÁI QUÁT, VÔ MINH BẮT ĐẦU TỪ BẢN NGÃ - “CÁI TÔI”

Một cách khái quát thì vô minh bắt nguồn từ bản ngã, mà bản ngã chính là “Cái tôi”. Quan niệm về “Cái tôi” rất kiên cố, phô trương lại luôn tồn tại, nhưng thực chất thì chúng ta không biết “Cái tôi” đó núp dưới hình thức nào. Chúng ta không biết nhìn nhận nó một cách khoa học. Và theo quan điểm của tôn giáo, tôi cho rằng không có một “Cái tôi” nào mà ai đó từng tìm thấy cả, ấy vậy mà chúng ta lại có một “Cái tôi” quá ư mạnh mẽ. Phải chăng đây là vấn đề - kẻ gây phiền nhiễu chính mà chúng ta đang bàn luận?

Vâng, đây là vấn đề chính mà chúng ta đang bàn luận. Bởi vì quan niệm về “Cái tôi” mang tới tất cả các loại cảm xúc, không chỉ cảm xúc thông thường mà còn cả những phiền não. Tôi không biết sự khác nhau giữa chúng nhiều hay ít, nhưng tôi phải nói rằng bản thân cảm xúc thì không có gì là xấu, nó là một phần của cuộc sống. Tuy nhiên nó sẽ trở thành chướng ngại nếu là cảm xúc phiền não bởi vì nó mang đến những khổ đau mà chúng ta hoàn toàn không mong đợi. Và khi đó sự sợ hãi tất yếu sẽ hiển diện. Bản thân cảm xúc thì không sao bởi vì nó không bị chi phối bởi “Cái tôi” (hay bản ngã nếu bạn thích dùng từ này để thay thế).

“Cái tôi” mạnh mẽ, hào nhoáng vô cùng và nó đang ngự trị cuộc sống của chúng ta. Tôi lấy ví dụ như, chúng ta cứ suy nghĩ: “Tôi muốn điều này, tôi cần người này để mang lại cho mình hạnh phúc, tôi muốn điều này, tôi muốn điều kia v.v…”. Ý niệm về “Cái tôi” thật là kiên cố.

Nếu bạn không có hình ảnh kiên cố về “Cái tôi” thì trong cuộc sống của mình, bạn vẫn có thể có cách khác để nói: “Tôi muốn cái này, tôi cần cái kia v.v…” nhưng bạn lại không cảm thấy đau khổ; sự tham muốn cũng ở đó nhưng không có cảm xúc đau đớn hay sợ hãi. Xin lấy một ví dụ: Tôi muốn đi một nơi, nhưng nếu không thể bởi một lý do nào đó thì tôi sẽ không sợ hãi, nuối tiếc hay đau đớn. Ðiều này xảy ra bởi vì hình ảnh về “Cái tôi” là không bền chắc, mặc dù tôi đã sử dụng thuật ngữ “Cái tôi” và có hình ảnh về “Cái tôi” của chính mình đang hiện hữu, đang đi đâu đó, đang cần thứ này, thứ kia …hay đang có một tham muốn nào đó.

Tôi có một tham muốn - nếu không có tham muốn thì không có cuộc sống, và nếu vậy thì có nghĩa chúng ta không tồn tại. Vì vậy, khi ta hoan hỉ sống ở đây, trong thế giới này thì ta phải có cảm xúc để tiếp tục sống và cảm xúc thực chất là ái dục.

Giáo lý đã dạy rằng, cõi mà chúng ta đang sống là dục giới. Vì vậy, chúng ta không thể tránh được nó, không thể tránh được sự tham muốn. Sự tham muốn luôn hiện hữu ở mọi nơi và thúc đẩy chúng ta hành động: “Bởi vì tham muốn nên tôi muốn tới đó; bởi vì tham muốn nên tôi muốn uống nước; bởi vì tham muốn nên chúng ta đang ở đây. Tối nay tất cả chúng ta ở đây bởi vì tham muốn v.v…” Những điều trên có gì sai trái chăng? Việc chúng ta có tham muốn là sai sao? Không, không có gì sai trái cả.

CẢM XÚC SỢ HÃI XUẤT PHÁT TỪ SÂN GIẬN

Khi bản ngã hoặc hình ảnh về “Cái tôi” mạnh mẽ và ảnh hưởng tới sự tham muốn (có nghĩa là tham muốn bị thao túng rất nhiều bởi “Cái tôi”, bản ngã) thì tham muốn sẽ trở thành đau khổ và dẫn chúng ta tới sợ hãi. Bất hạnh thay, trong những hoàn cảnh thường nhật, tham muốn luôn bị thao túng và ngụy tạo rất mạnh mẽ bởi “Cái tôi” và sau đó cảm xúc sợ hãi tất yếu sẽ trở thành sân giận, phẫn nộ; có thể chúng ta không nhận ra được điều này nhưng nói chung đó là lý do tại sao trên thế giới này ai ai cũng sân giận.

Tôi có thể cảm nhận rằng, ai cũng có một chút sân giận, có thể không nhiều nhưng đều có một chút. Mặc dù chúng ta đôi lúc hết sức cố gắng để kìm chế nhưng trong chúng ta sân giận vẫn luôn hiện hữu ở mức nào đó, thậm chí có khi chẳng có lý do gì để sân giận. Chúng ta rất dễ cáu kỉnh, khó chịu bởi sự sân giận của mình. Sân giận thật sự là nỗi sợ hãi, nó chẳng là gì cả mà chỉ là cảm xúc sợ hãi.

Vì vậy, nếu như một ai đó nói những lời bất như ý thì chúng ta sẽ cảm thấy sân giận và bất an. Thực chất đó cũng chính là sự sợ hãi. Đây chính là nguyên nhân làm chúng ta sân giận. Về căn bản, sân giận xuất phát từ vô minh và tham muốn mà tham muốn lại chính là vô minh.

Theo thuật ngữ đạo Phật, ba loại cảm xúc này chính là ba độc. Nhưng chúng ta phải cho rằng, đó thực sự không phải là độc mà là “một loại trí tuệ”; nếu muốn bạn có thể gọi bằng tên gọi khác nhưng thực sự đó là trí tuệ. Nó là một phần của cuộc sống và bởi vì nó không bao giờ gây ra những phiền chướng gì nên nó là tốt chứ không hề xấu xa. Tôi cho rằng, thay vì mang lại chướng ngại, chính những cảm xúc này đã ban tặng cho bạn hơi thở và cuộc sống. Từ luân hồi sinh tử đến giác ngộ tất cả mọi thứ đều dựa vào 3 cảm xúc trên, chúng thực sự là nền tảng cuộc sống của chúng ta.

Bất kể nó mang nghĩa gì đi nữa nhưng nếu bạn thực sự quan tâm đến giác ngộ, nếu bạn muốn đạt giác ngộ thì bạn phải có cảm xúc, đó là tham, sân, si. Tất cả những cảm xúc trên phải cùng hiện hữu, cùng nhau hoạt động. Điều này rất có ích và thực sự nó là chất xúc tác trên con đường đạo của bạn. Dĩ nhiên, có thể bạn không quan tâm đến giác ngộ, nhưng bạn vẫn phải quan tâm tới việc sống một cách thoải mái và vô úy trong thế giới này, sống một cách thành đạt, thanh thản và hòa hợp. Tất cả những điều trên cũng đều phụ thuộc vào 3 loại cảm xúc này.

Nếu bạn không biết cách chuyển hóa những cảm xúc này một cách sáng suốt thì bạn chắc chắn gặp rắc rối bởi vì sự sợ hãi sẽ tới; thực sự thì lúc này sự sợ hãi không nên có mặt ở đây. Vậy thì bạn sẽ làm gì nếu bạn không muốn sợ hãi? Bạn vẫn phải sống với 3 loại cảm xúc trên nhưng với sự nhìn nhận và cách ứng xử như thế nào? Thực ra, điều cốt yếu mà chúng ta vừa bàn luận là hãy đừng sống trong si mê và đừng để bị si mê chi phối.

Ðiều này có nghĩa gì hay không, cuối buổi tôi sẽ giành thời gian để trả lời những câu hỏi của bạn. Tôi đã thảo luận về vấn đề này với một vài người ở đây nhưng khi ai đó hỏi thì tôi lại thấy rất khó hiểu. Bởi vì khi mọi người hỏi thì trước tiên họ cứ hỏi về những gì họ nghĩ cho nên tôi không biết phải trả lời ra sao, và tôi phải hỏi lại: “Đây có phải là câu hỏi hay không đấy bạn?!” Đây là một rắc rối khó khăn mà tôi đã từng gặp, đặc biệt là ở Anh. Ở một số nước khác thì mọi người thường hỏi những câu hỏi rất rõ ràng do đó tôi thấy rất dễ trả lời. Dù sao đó cũng là rắc rối mà tôi đã gặp ở Anh, dĩ nhiên chính là vì lúc đó tiếng Anh của tôi còn kém nên tôi không hiểu hết được những điều mà họ hỏi. Khi hỏi, họ đã sử dụng nhiều từ rắc rối, không rõ ràng nên tôi cảm thấy hơi bối rối.

Đây là một tình huống từng làm tôi sợ. Vậy vì sao tôi cảm thấy sợ và miễn cưỡng về nó? Chính bởi vì tôi đã tạo ra “Cái tôi” của mình rất kiên cố và sau đó, “Cái tôi” lại tạo ra bạn rất kiên cố; cho nên, bạn đã nói một thứ tiếng Anh rất phức tạp và chính nó đã làm “Cái tôi” cảm thấy sợ.

Tôi đang nói về trường hợp này như là một ví dụ điển hình. Ðây không phải nỗi sợ hãi lớn hoặc gây đau đớn nhưng đôi khi nó có thể chuyển thành nỗi đau lớn thống khổ thậm chí làm một số người tự vẫn. Ðây chính là tột độ của nỗi sợ hãi. Những con người này sân giận, bởi vậy họ không thể tận dụng sự sợ hãi, ham muốn, sân giận hoặc bất cứ một loại cảm xúc nào để chuyển hóa thành trí tuệ. Họ không thể chuyển hóa chúng thành trí tuệ và sử dụng chúng sao cho ích lợi bởi quan niệm về “Cái tôi” lúc này rất mạnh mẽ và kiên cố. Đó thực sự là nỗi đau đớn tột cùng. Nó làm cho tất cả mọi thứ trầm chìm và trở nên rất hạn chế.

TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN LÀ PHÁP KHÍ HIỆU QUẢ ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐỂ ĐIỀU PHỤC SỰ SỢ HÃI

Ðể điều phục cảm xúc sợ hãi thì pháp khí hiệu quả mà chúng ta phải sử dụng là tình yêu thương và lòng bi mẫn; tình yêu thương thực sự tỏa ra từ bên trong, còn lòng bi mẫn thì sẵn có trong bạn, nó giúp bạn chia sẻ tình yêu thương. Tôi không cho rằng có một sự khác biệt lớn nào giữa tình yêu thương và lòng bi mẫn. Bởi vậy, tình yêu thương là ngay lập tức cần phải thực hành luyện tập. Thông thường, chúng ta cho bi mẫn là một “dạng thức” của tâm hoặc của ý thức, bi mẫn là giúp đỡ người khác. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng.

Vâng, lòng bi mẫn có thể là một dạng đó nhưng thực sự thì lòng bi mẫn phải là để phát triển sự hiểu biết rằng sự tồn tại của “Cái tôi” là không có thực. Ðây mới là bản chất của bi mẫn. Nếu phát triển được sự hiểu biết này thì “Cái tôi” của bạn mất hết năng lực, không còn mạnh mẽ nữa, tâm bạn tự nhiên sẽ tuôn tràn tình yêu thương vô điều kiện hướng về tất cả mọi người.

Ngay bây giờ, quan niệm về “Cái tôi” rất mạnh mẽ và bao trùm đến mức nó tước đi toàn bộ khả năng của bạn và thực sự không còn có khoảng trống để tình yêu thương vô điều kiện của bạn giành cho người khác. Do vậy, bản ngã mạnh đến mức chẳng có ai là quan trọng cả - chỉ có “Tôi”, nhiều lúc mạnh mẽ tới độ “Tôi” cũng không còn thực sự tồn tại nữa… thậm chí “Tôi” còn không chấp nhận chính mình. Ðó là thời điểm tôi muốn tự tử bởi bản thân tôi cũng chẳng còn lại gì. Ðến chính mình mà tôi còn không quan tâm thì làm sao giành tình yêu thương cho người khác được? Bản ngã đã chiếm hết khoảng trống cho tình yêu thương hiện diện trong tôi. Vì thế rất cần đến lòng bi mẫn để trải rộng tình yêu thương đến mọi người.

Lòng bi mẫn thật sự là một tiến trình chuyển hóa “Cái tôi” của bạn, bản ngã của bạn. Khi đó, bi mẫn chuyển hóa thành tình yêu thương và tỏa chiếu nồng ấm muôn phương. Bạn sẵn sàng gửi nó đến mọi người và chia sẻ tình yêu thương với họ, trước tiên là với chính gia đình bạn và dần tới tất cả nhiều người khác. Nhưng tình yêu thương không nhất thiết nghĩa là phải tỏa chiếu muôn phương mà đó còn là một cách giúp bạn vô úy.

Tình yêu thương có quyền năng vô biên, giúp bạn không còn cảm xúc sợ hãi. Trên thế giới này, trong vũ trụ này, tình yêu thương có quyền năng mạnh mẽ nhất, không gì có thể sánh bằng. Một khi bạn phát triển được tình yêu thương và lòng bi mẫn thì sẽ không còn chỗ cho sự sợ hãi. Sợ hãi sẽ không thể có mặt bởi tình yêu thuơng đối lập với nó.

Khi bạn sợ hãi thì tình yêu thương có thể vẫn hiển diện nhưng chỉ là chưa được phát triển đầy đủ. Tất cả chúng ta đều có tình yêu thương, cảm giác yêu thương luôn ở đó. Ðây là một món quà lớn. Ðó chính là lý do tại sao bạn vẫn có thể sống được trong thế giới này trong một cách nào đó ngay cả khi vẫn còn sân giận. Ðó là nhờ vào tình yêu thương mà chúng ta có. Nhưng chúng ta không thể thành tựu việc trưởng dưỡng tâm đại từ bởi sự chi phối của “Cái tôi” - nó chi phối quá mạnh nên tâm đại từ bị lấn át, nên mặc dù vẫn hiển diện ở đó, nhưng lòng từ bi của chúng ta chỉ hạn chế giành cho một nhóm người và một nhóm chúng sinh nhất định.

ĐIỀU CỐT YẾU LÀ PHẢI BIẾT RÕ BẢN NGÃ ĐANG Ở ĐÂU VÀ THỰC SỰ NÓ LÀ GÌ

Một số người cũng có lòng bác ái nhưng lại chỉ giành cho loài người mà không cho loài vật; bởi vì sự sợ hãi đã làm cho người đó không giành tình thương yêu cho loài vật. Họ cho rằng, nếu tình thương đó mà giành cho động vật thì có lẽ sẽ nảy sinh vô vàn rắc rối, chướng ngại; sự sợ hãi đó đã cản trở tình yêu thương của họ đến với hết thảy chúng sinh. Vì vậy tình yêu thương của họ chỉ giành cho con người.

Đây là một trở ngại cho sự trưởng dưỡng tình yêu thương. Và một lần nữa lý do căn bản lại bắt nguồn từ chính bản ngã, từ chính sự sợ hãi. Ví dụ như, nếu tôi không yêu thương bất kỳ ai thì cũng không có nghĩa là không có sự hiển diện của tình yêu thương ở đó hoặc cũng không có nghĩa là con người tôi không có tình yêu thương. Thực sự thì tôi vẫn có cảm giác yêu thương nhưng cảm xúc sợ hãi quá mạnh mẽ nên đã ngăn cản tình yêu của tôi giành cho tất thảy mọi người. Thế nên chỉ có “Tôi” là quan trọng, tôi chỉ phải chăm sóc tới chính bản thân mình mà thôi. Bởi tình yêu thương đã bị ngăn trở còn cảm xúc sợ hãi lại quá mạnh nên có rất nhiều những sợ hãi khác tương tự luôn song hành trong bạn. Do đó, điểm mấu chốt là đừng nên để tuột mất cơ hội trưởng dưỡng tình yêu thương.

Tình yêu thương không phải là một phẩm hạnh mà chúng ta phải tạo ra, ngược lại, nó luôn hiện diện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống. Cuộc sống của chúng ta luôn tràn ngập tình yêu thương và cả thế giới này chính là tình yêu thương và lòng bi mẫn vô hạn. Ðó là món quà mà chúng ta được ban tặng. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta, bản ngã của chúng ta lại thao túng chúng và chúng ta đã biến tình yêu thương và lòng bi mẫn thành chướng ngại phiền não. Tình yêu thương mà chúng ta sử dụng ngay lúc này lại giống như một thứ vũ khí hủy diệt, không còn là tình yêu thựơng nữa mà thực sự là sân giận. Tình yêu thương biến thành sân giận và sau đó nó trở nên nhiệt não. Rất nhiều hỗn loạn đã được tạo ra trong cuộc sống và xã hội của chúng ta nhân danh tình yêu thương. Cảm xúc sợ hãi được tạo ra bởi bản ngã là căn nguyên của những hỗn loạn này. Do vậy, điều cốt yếu là chúng ta phải biết rõ bản ngã, bản ngã đang ở đâu và thực chất nó là gì.

Khi đã nói về bản ngã thì bạn phải hiểu rõ rằng, đó là một phần của cuộc sống. Tôi xin lấy ví dụ, trong tất cả các đoạn hội thoại của mình khi bạn nói: “Tôi đang đến nơi này, tôi đang đi đến nơi kia”, “Tôi đã làm điều này, tôi muốn làm điều kia” v.v…Bất cứ lúc nào bạn dùng những từ, những câu này, thì có nghĩa bạn đang bị bản ngã chi phối. Vì thế khi bạn nói hoặc làm một điều gì đó thì hãy nên suy xét tường tận xem: “Ồ! Hãy đợi một chút, “Tôi” đang nói về điều gì đây? Ai là “Tôi” đang nói về điều này, điều kia? Tôi là ai và đang ở đâu?...”

Những câu hỏi như vậy thoạt nghe có vẻ rất ngốc nghếch và đơn giản, nhưng sau đó có thể khi đêm về chẳng hạn, khi bạn suy xét, quán chiếu thì sẽ thấy tràn đầy diệu nghĩa; nó không chỉ tràn đầy diệu nghĩa mà còn đem lại bạn rất nhiều năng lực. Tôi đảm bảo với bạn là nếu bạn thiện xảo trong việc tu tập này thì chắc chắn bạn sẽ tích lũy được nhiều năng lực và có thể giảm bớt bản ngã cũng như sự sợ hãi trong mình. Lúc bấy giờ bạn sẽ nhận ra rằng từ trước tới nay, bạn đã sợ hãi mọi thứ và sự sợ hãi đang hoàn toàn chi phối chính bạn… Khi đó, bạn sẽ đạt được giải thoát bởi đã thấu hiểu rằng chẳng có “Cái tôi” nào thực sự tồn tại cả.

Dĩ nhiên ở đây, chúng ta chưa đàm luận về chứng ngộ tối thượng mà chỉ ở mức độ nhận thức đơn thuần - một sự hiểu biết giản đơn nhưng nó cũng giúp bạn nhẹ nhõm đi rất nhiều cùng với một cảm giác tự do tự tại. Nó là cảm giác về sự tự do đích thực và chân thật; một nụ cười đích thực và một hạnh phúc đích thực. Ðó mới là thứ hạnh phúc vững bền bởi khi này nỗi sợ hãi đã bị giảm thiểu tối đa.

Việc chuyển hóa “Cái tôi” là rất quan trọng, đồng nghĩa với việc trưởng dưỡng tâm đại từ- nếu bạn muốn dùng thuật ngữ tôn giáo. Cũng không nhất thiết phải sử dụng những loại từ mang tính tôn giáo như tâm đại từ chẳng hạn v.v…mà khi bạn sử dụng từ “Cái tôi” thì hãy quán chiếu tuờng tận ý nghĩa: “Tôi đang đề cập tới điều gì nhỉ? Nó bao hàm điều gì?”... Chỉ cần đặt ra câu hỏi đơn giản như thế, bạn sẽ thấu tỏ được diệu nghĩa. Ý tôi là, mục đích tối thượng của việc suy xét, quán chiếu này không phải chỉ là để thấu hiểu diệu nghĩa mà để mang lại cho bạn cảm giác tự tin và trí tuệ, thậm chí trước khi có bất cứ một sự tự tin nào, bạn cũng không phải tìm kiếm sự tự tin hay trí tuệ bởi điều này đã vốn đã nằm trong chính bạn.

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU MƯU CẦU HẠNH PHÚC

Ðây cũng là một phần kinh nghiệm của tôi, tôi đang chia sẻ kinh nghiệm của riêng mình tới các bạn, không chỉ tri kiến mà cả sự trải nghiệm nữa. Đó quả là một cảm giác an lạc, hạnh phúc và quả thật là thực sự viên mãn.

Thực sự rất khó để tôi có thể diễn tả hết được nhưng để thành tựu tu tập thì bạn sẽ bắt buộc phải trải nghiệm chúng. Và tôi nghĩ là trải nghiệm những điều đó sẽ không có gì khó khăn cả. Nhiều người cứ nghĩ rằng để làm được như vậy bạn cần phải học tập rất nhiều, phải chăm chỉ và phải là một hành giả Phật pháp hay một người mộ đạo v.v…Tôi thì lại cho rằng không nhất thiết phải như vậy mà điều cốt yếu là bạn phải quán chiếu, suy xét tường tận.

Ngay vào lúc này đây, các bạn đang không quán chiếu rõ ràng về bất cứ điều gì, tất cả mọi điều bạn làm chỉ là phục tùng “Cái tôi”; bất cứ điều gì bạn làm đều phục tùng theo nó. Bản ngã mạnh mẽ đến mức bạn là nô lệ cho nó trong mọi lúc; bất cứ khi nào bản ngã lên tiếng là bạn phải trôi lăn theo nó… Thế đấy! Bạn không bao giờ biết mình đang đi đâu, nhưng vẫn cứ trôi lăn theo và nó làm bạn mệt mỏi, ấy vậy mà bạn vẫn cứ trôi lăn theo và trôi lăn theo mãi. Bởi khi đó bản ngã vẫn không ngừng luôn lên tiếng và cuối cùng bạn quá mệt mỏi, rồi kiệt sức hoàn toàn. Không chỉ có vậy, bạn còn sống cùng với những cảm xúc sợ hãi vì thế trong bạn không có sự tự do vô úy, không có một trạng thái tự do thực sự và chân thật.

Nếu bạn không có được loại tự do này thì sẽ không thể đạt đến vô úy, bạn không thể đạt đến hạnh phúc đích thực mà vô úy lẽ ra đã ban cho bạn. Nhưng thiếu cảm giác vô úy thì bạn có thể tìm cầu được hạnh phúc đích thực ở đâu? Thực sự thì tất cả chúng ta đều đang mưu cầu hạnh phúc, tất cả từ những hành giả tâm linh, những thương gia, phụ nữ, đến những kẻ lang thang, tất cả chúng ta. Mọi người thảy đều mong muốn có được hạnh phúc; đều tìm cầu hạnh phúc nhưng chúng ta đang không có hạnh phúc đích thực.

Các bạn hãy tự suy xét xem thực sự mình đang có hạnh phúc đích thực hay không. Còn tôi không thể nói thay các bạn được bởi mỗi người chúng ta là một cá thể, và về khía cạnh này, chúng ta có những khái niệm khác nhau, những cảm giác khác nhau, và những trải nghiệm khác nhau của riêng mình. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta hiếm khi có hạnh phúc đích thực. Chúng ta luôn sân giận bởi vì chúng ta không có hạnh phúc đích thực.

Bởi luôn sợ hãi nên chúng ta không có chân hạnh phúc, nỗi sợ hãi cứ luôn hiện hữu mà căn nguyên của nó là do “Cái tôi” của chính chúng ta, hết nỗi sợ hãi này đến nỗi sợ hãi khác, nỗi sợ hãi này gây ra nỗi sợ hãi kia giống như một chuỗi dài bất tận. Chúng ta đang tìm cầu hạnh phúc nhưng chúng ta tìm cầu mà không biết sự sợ hãi và “Cái tôi” thực sự đang chi phối chúng ta như thế nào.

Ngay sau khi chúng ta đàm luận về điều này, nhiều người có thể nghĩ đó là một vấn đề mang tính tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng thực sự không phải vậy, quan niệm đó là một sai lầm lớn. Chính bản thân tôi cũng không thực sự là người theo tôn giáo (bởi đạo Phật vốn không phải là tôn giáo) hay thành thực mà nói rằng tôi không muốn tự ràng buộc mình vào tôn giáo. Có thể tôi có một tôn giáo, nhưng theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi lại thích mình không cố chấp vào tôn giáo, tôi đảm bảo chắc chắn với bạn điều tôi vừa nói. Tôi không bao giờ đề cao tôn giáo, tại sao tôi phải đề cao tôn giáo? Người ta cứ nghĩ rằng, khi bạn nói về vô minh, và nó đang là nguyên nhân của thứ này hay thứ khác, thì đó là một tôn giáo; nhưng thực chất không phải vậy.

Chúng ta thường nghĩ tôn giáo mà chúng ta theo như một đối tượng rất kiên cố. Tôi xin đưa ví dụ, nếu có một cái gì đó thì nhất thiết phải có một cái khác tạo ra nó, giống như việc tin vào sự tồn tại của Chúa trời và Chúa trời là Đấng tạo ra hạnh phúc, muốn có hạnh phúc bạn phải làm hài lòng Chúa trời. Hoặc bạn nghĩ tới người được gọi là đức Phật và bạn cho là sẽ phải làm Ngài hoan hỷ, làm Ngài hạnh phúc, khi đó Ngài sẽ ban gia trì hạnh phúc cho bạn. Đó là một tôn giáo nếu bạn nghĩ như vậy; đó thực sự là tôn giáo nhưng nếu như vậy thì điều này sẽ chỉ nhân đôi những rắc rối, chướng ngại của bạn lên mà thôi.

NGHIỆP LÀ LUẬT NHÂN QUẢ

Tôi đang đàm luận về những trải nghiệm của chính mình, về những suy nghĩ, quán chiếu của chính mình chứ không phải của người khác. Những rắc rối, phiền nhiễu sẽ tăng gấp đôi nếu tôi cứ tin rằng đức Phật đang chú ý đến mình, Ngài phải chịu trách nhiệm khi tôi không hạnh phúc, khi đó tôi phải đổ lỗi cho Ngài. Tôi bất hạnh tới mức đã đổ hết lỗi cho Ngài, điều này có nghĩa là tôi đang gặp rắc rối lớn và đức Phật cũng trong tình cảnh tương tự, nhưng nếu vậy thì lấy ai là người quan tâm, chở che cho tôi đây? Tôi đang gặp rắc rối phiền nhiễu, đương nhiên là như vậy rồi bởi chính lúc này tôi thấy mình đang bất hạnh, vì thế bây giờ tôi đang đổ lỗi cho Ngài. Tôi đang ở đây, mong chờ Ngài gia trì một điều gì đó, và thậm chí đôi lúc si mê tới độ tôi nghĩ có lẽ nhờ có đức Phật mà tôi đang có khoảng thời gian đẹp đẽ này, có được một mẩu bánh, một tách trà thơm hay một thứ gì đó đại loại như vậy.

Nhưng khoảng thời gian hạnh phúc mà bạn đang có không phải do đức Phật từ bi gia trì mà chính là phụ thuộc vào bạn, người đang pha tách trà ngon đó hay cái này hoặc cái kia. Đó chính là nhờ vào nghiệp của bạn; ở đây chúng ta sử dụng từ “Nghiệp”. Nghiệp chính là luật nhân quả. Khi bạn làm một điều gì đó và những hành động đó dẫn tới những quả nghiệp thì đó là nghiệp.

Chính đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy rằng, bạn phải tự trưởng dưỡng tất cả mọi điều; bất kể thứ gì bạn muốn, bạn phải tự tạo ra nó. Ngài dạy: “Ta ở đây với tư cách là một người hướng đạo, chỉ cho các con thấy những gì đang xảy ra và chỉ như vậy thôi.” Ðó là những huấn từ quý giá và chân chính của Ngài tới hết thảy chúng ta. Bởi vậy, điều cốt yếu tôi vừa bàn tới là chúng ta nhất thiết phải hiểu thấu bản ngã. Bất luận bạn có phải là một người mộ đạo hay không, có phải là một triết gia không, một hành giả hay không, người Phật tử hay không, hay chỉ là một người vô thần, bất luận là gì đi nữa thì bạn phải tin rằng “Cái tôi” chính là căn nguyên của những rắc rối, chướng ngại. Tôi nghĩ rằng hiểu rõ vấn đề này là vô cùng quan trọng với tất cả mọi người, trừ khi bạn là người đã thấu hiểu rằng “Cái tôi” về bản chất cũng chẳng phải là một chướng ngại gì.

Nếu như bạn đã được thuyết phục và có một sự tự tin mạnh mẽ rằng bạn đã thấu hiểu “Cái tôi” và rằng nó không phải là chướng ngại thì khi đó hai sự hiểu biết chân thực này đã đến độ chín muồi. Và khi đó thảy mọi điều sẽ đều được viên mãn. Còn nếu không thì trước hết bạn phải thấu hiểu “Cái tôi”, bởi vì nó là nguyên nhân tạo ra tất thảy mọi hiện tượng - nó dường như là như vậy. Bạn không được có cảm xúc thù hận khi nhìn nhận về “Cái tôi” bởi hận thù thực chất không bao giờ tốt đẹp cả. Không bao giờ là tốt bởi nó tạo ra gấp đôi những chướng ngại phiền nhiễu. Trên đây là những điều tôi vừa đàm luận.

CẢM XÚC SỢ HÃI CÓ THỂ BỊ NHÂN ĐÔI DO CỐ CHẤP VỀ TÔN GIÁO

Cố chấp tôn giáo thường cho ta những ý niệm hận thù; nó thường làm cho bạn có ý niệm tội lỗi, có cảm giác là mình phạm tội. Tội lỗi thực chất là hận thù. Bạn ghét một điều gì đó và ý niệm tội lỗi xuất hiện, đây chính là hận thù. Tất cả những điều này làm cho bạn sợ hãi và những cảm xúc sợ hãi bị nhân đôi. Cảm xúc sợ hãi nhân đôi có thể bị gây ra bởi cố chấp tôn giáo.

Dĩ nhiên, rất nhiều Phật tử cuồng nhiệt thường coi đạo Phật là một tôn giáo, đây là một sai lầm rất lớn. Đạo Phật không phải là một tôn giáo. Tôi có thể đại diện cho đạo Phật mà nói như vậy, điều đó là chắc chắn; tôi có quyền, và được phép khẳng định chắc chắn 100% rằng đạo Phật không phải là tôn giáo. Tôi không thể thay mặt cho bất cứ một tôn giáo nào khác để khẳng định như vậy nhưng đạo Phật thì thực sự chưa bao giờ là một tôn giáo cả.

Vì thế, chúng ta với tư cách là những người mộ đạo hay chính xác hơn là những hành giả tâm linh, chúng ta không nên “tôn giáo hóa” đạo Phật. Ðiều này rất quan trọng, bởi hành động “tôn giáo hóa” luôn gây cho chúng ta cảm giác sợ hãi tăng gấp đôi. Ðầu tiên, bạn đã luôn sẵn có một nỗi sợ hãi, và tôn giáo sẽ lại gây nên cho bạn nhiều nỗi sợ hãi khác. Rốt cục bạn có rất nhiều sự sợ hãi. Nó là nguyên nhân của vô vàn những sợ hãi, phiền não nối tiếp sợ hãi, phiền não mà bạn sẵn có. Tôi không phản đối tôn giáo nhưng trong thực tế, nó lại cứ gây ra những chướng ngại phiền não như vậy.

Bởi vậy, chúng ta phải sống tỉnh giác trong thực tại. Bạn phải luôn tỉnh giác trong thực tại hơn là cứ lang thang trôi dạt ở “một nơi nào đó” và cho rằng có những điều thực sự diễn ra ở đó. Thực tướng của sự vật không phải là như vậy. Có hai thực tại đang tồn tại, thực tại thứ nhất bạn có thể nhìn thấy, có thể nghĩ tới, và có thể chạm tới v.v… cũng còn có một thực tại nữa là ở đó “Cái tôi” cần phải được tìm ra. Nếu có một Cái tôi hiện hữu ở đó thì bạn phải tìm ra nó, “Cái tôi” đang ẩn nấp ở đâu? Có phải nó đang ẩn nấp trong cơ thể tôi không? Nó ở trong đầu tôi, ở tay hay ở chân tôi đây? “Cái tôi” đang ở đâu? Nó ở trong hình tướng gì? Như vậy, bạn phải hiểu rõ thực tướng của Cái tôi là gì, và dù nó là gì, núp dưới hình tướng nào thì nó vẫn là một khía cạnh khác của thực tại.

 
VÔ UÝ HIỆN DIỆN TRONG THỰC TẠI SUỐT CUỘC ĐỜI

Bạn sống trong thực tại 24 giờ mỗi ngày, trong suốt cả năm. Suốt cuộc đời chúng ta, vô úy luôn hiện diện trong thực tại, khi bạn tiếp xúc với nền tảng của thực tại thì vô úy lập tức hiện diện bởi vì khi đó sẽ chẳng có lý do gì bạn phải sợ hãi nữa. Mà nếu bạn có sợ hãi thì bạn cũng thấu hiểu rằng, lúc này bạn đang chạm tới nền tảng của thực tại. Bạn sẽ biết và chắc chắn sẽ cảm nhận được điều này.

Còn ngay lúc này đây thì không, bạn không có cảm giác chân thực về thực tại bởi tất thảy đã bị thao túng… hay ít nhất phần lớn sự vật đã bị thao túng. Tôi đang nói về cái thực tại mà chúng ta có thể nhìn thấy, những con người xung quanh chúng ta, cái cách mà chúng ta nhìn thấy nhau. Nó dường như giống thực tại, nhưng thực chất thì không bởi chúng ta không ngừng ngụy tạo sự vật rất nhiều.

Ví dụ như khi tôi nói: “Người này dễ thương thật, người này không dễ thương; người này thật là xấu xa; người này thật là tốt bụng”… thì có nghĩa tôi đang “dán mác nhãn” cho họ, ngụy tạo bản chất của họ, vì vậy đó không phải là thực tại. Tôi đang ngụy tạo rất nhiều thứ, nhưng lại

Viết bình luận

Cùng chuyên mục

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,025,736
Số người trực tuyến: