Bạn đang ở đây
Bardo - người chết trải nghiệm những gì trong Bardo cận tử?
Khác với quan niệm thông thường cho rằng cái chết sẽ chấm dứt khi người chết trút hơi thở cuối cùng. Triết lý Bardo mô tả rất cặn kẽ về một giai đoạn trung gian gọi là Bardo cận tử, bao gồm cái chết bên ngoài và cái chết bên trong, và một người chỉ được coi là chết hoàn toàn khi cái chết bên trong hoàn tất.
Chết thực chất có nghĩa là sự tan rã của các giác quan (căn) và năng lượng của các đại – đại chính là các yếu tố đại diện cho vật chất trong cơ thể. Các yếu tố vật chất này được khái quát hóa làm 4 loại – gọi là tứ đại – gồm địa, thủy, hỏa và phong đại. Chẳng hạn như các chất cứng như xương cốt thuộc địa đại, chất lỏng như máu và dịch thuộc thủy đại, hơi thở thuộc phong đại, nhiệt lượng trong cơ thể thuộc hỏa đại. Khi trải qua giai đoạn Bardo cận tử, người chết không thể kiểm soát được các đại và sự phát triển hay khả năng vận động của các đại trên cơ thể. Thông thường, khi bị mất kiểm soát tạm thời, tình trạng vận hành của các đại trở nên trục trặc tạo ra những ốm đau, bệnh tật nhất thời. Tuy nhiên, khi chết thì sẽ xảy ra sự phân ly hoàn toàn của tứ đại.
Bardo cận tử còn gọi là Bardo của sự tan rã, vì trong Bardo này diễn ra toàn bộ các quá trình tan rã, chia tách giữa Thân Tâm rất vi tế với những khía cạnh thô lậu hơn của Thân Tâm. Bardo cận tử bao gồm tiến trình tan rã bên ngoài và tiến trình tan rã bên trong. Tiến trình tan rã được gọi là bên ngoài vì thường có những dấu hiệu rõ ràng, cụ thể, còn tiến trình bên trong thì những trải nghiệm về sự tan rã là vi tế hơn rất nhiều. Hầu hết trong mọi trường hợp, tiến trình tan rã bên ngoài và bên trong được trải nghiệm một cách đồng thời. Nhưng để dễ hình dung, dưới đây chúng tôi sẽ trình bày từng bước tuần tự về tiến trình này.
Tiến trình tan rã bên ngoài
Một cách khái quát có thể phân chia thành bốn giai đoạn. Tuy nhiên, mục đích của sự phân chia này chỉ để cho chúng ta dễ hình dung. Trên thực tế, sự trải nghiệm ở mỗi cá nhân không tuyệt đối như vậy, các giai đoạn có thể đan xem và với một số người là khó phân định, hoặc có sự trải nghiệm dài ngắn khác nhau với mỗi giai đoạn.
Bốn giai đoạn này bao gồm:
Tiến trình Địa đại hòa tan vào Thủy đại.
Tiến trình Thủy đại hòa tan vào Hỏa đại.
Tiến trình Hỏa đại hòa tan vào Phong đại.
Tiến trình Phong đại hòa tan vào Thức đại.
Tiến trình Thức đại hòa tan vào Không đại.
Tiến trình tan rã bên ngoài, hay tan rã thông thường, diễn ra trong lúc những người xung quanh còn có thể quan sát và phần nào phỏng đoán được những gì đang xảy ra. Mặc dù vậy, tiến trình Tứ đại tan rã này vẫn rất vi tế, và điều quan trọng là khi trải nghiệm chúng, bạn phải tỉnh giác và thực chứng được những gì đang diễn ra. Để làm được như vậy, đòi hỏi một công phu thực hành nghiêm mật trong đời sống hiện tại.
Cơ thể chúng ta được thiết lập trên cơ sở tứ đại. Sự phân ly đầu tiên diễn ra với phổi, nghĩa là với khí (1). Vào giai đoạn đầu của Bardo cận tử, khí nghiệp (1) vốn có chức năng duy trì sự sống của chúng ta bị tan rã và không còn hoạt dụng theo đúng cách nữa. Do khí hư hoại, năm luân xa của thân thể sẽ bị rối loạn theo.
Khi các luân xa mất khả năng hoạt động thì vòng tuần hoàn của khí cũng bị rối loạn nên không thể thực hiện đúng chức năng. Khí là nhân tố kích hoạt cho các đại hoạt động, bởi vậy khi khí tan rã thì các đại cũng tan rã và lần lượt hòa tan vào nhau. Khi chúng ta còn sống, khí cho ta năm chức năng: tiêu hóa, hô hấp, bài tiết, phát âm và vận động. Khi khí tan rã, chúng ta cũng lần lượt mất hết những khả năng này. Tiến trình này được gọi là “cái chết bắt đầu”.
1. Tiến trình Địa đại hòa tan vào Thủy đại
Khi chúng ta trải qua tiến trình năm loại chức năng của khí bị tan rã, luân xa đầu tiên tan rã là luân xa rốn.
Dấu hiệu nhận biết bên ngoài là người hấp hối lúc này mất đi năng lực của cơ thể, thân thể trở nên nặng nề không thể cử động các bộ phận. Một mảng màu đen xuất hiện trên răng không phải do không đánh răng mà là dấu hiệu Địa đại đang hòa tan vào Thủy đại.
Người hấp hối sẽ thấy mọi thứ trước mặt giống như một dạng ảo giác không rõ ràng. Cảm giác này phụ thuộc vào những ác nghiệp mà họ đã tích lũy.
Dấu hiệu đặc trưng của giai đoạn này là người sắp chết cảm thấy như đang chìm xuống hố sâu và vực thẳm, dù muốn thoát ra nhưng không thể. Cảm giác này vô cùng khủng khiếp, khổ sở. Họ thấy rất nặng nề, thậm chí ngay cả y phục và chăn đắp lúc này cũng như đang đè nặng lên họ. Với những ai không quen và không có một chút ý niệm gì về điều này, sự trải nghiệm là vô cùng đáng sợ. Nhưng nếu là một hành giả đã có công phu tu tập thiền định khi còn sống, tiến trình này xảy đến sẽ chỉ là một trải nghiệm đối với họ. Họ không cảm thấy sợ hãi vì đã được luyện tập để vượt qua chướng ngại đó.
Vì Sắc uẩn tan rã, rời khỏi xác thân nên xuất hiện dấu hiệu thân thể trở nên yếu ớt, rã rời và bắt đầu ngừng mọi công năng hoạt động của nó. Về bản chất thực tại tuyệt đối, đức Bất Động Phật chính là Sắc uẩn. Đại viên cảnh trí - trí tuệ được ví như một tấm gương phản chiếu - là trí tuệ của Đức Bất Động Phật. Trong tiến trình Địa đại hòa tan vào Thủy đại, bản chất của Sắc uẩn tức trí tuệ Đại viên cảnh trí hòa tan vào bản thể tự nhiên, hay là tính không. Đồng thời, giai đoạn này người chết bắt đầu mất khả năng nhìn thấy mọi vật
2. Tiến trình Thủy đại hòa tan vào Hỏa đại
Tiếp theo, luân xa tim sẽ bị tan rã. Cùng thời điểm này, Thủy đại sẽ hòa tan vào Hỏa đại.
Người sắp chết cảm thấy rất nóng bên trong. Họ không thể cử động tất cả các phần của cơ thể vốn cần có chất lỏng để vận động. Vì không còn nguyên tố nước trong cơ thể, họ cảm thấy rất khô trong miệng, lưỡi và mắt. Họ không thể dùng lưỡi hay cử động lưỡi vòng quanh miệng bởi vì nước trong cơ thể bị cạn kiệt. Họ cũng không thể nhìn thấy lưỡi và chóp lưỡi của mình. Lúc này người sắp chết không còn có thể ăn uống gì được đồng thời, cũng không thể dễ dàng chuyển động nhãn cầu.
Nếu trong đời sống bạn thường không duy trì được tỉnh giác và chính niệm mà luôn để tâm xao nhãng vọng động, khi bước vào giai đoạn này, tình trạng thậm chí còn tệ hơn, bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng với mọi thứ. Người chết có ảo giác như nhìn thấy một làn khói rất mờ ảo bao quanh mình.
Tiến trình tan rã thứ hai tương đương với trí tuệ Bình đẳng tĩnh trí, hay bản chất thực tại của Thụ uẩn, rời bỏ xác thân vật lý để hòa tan vào bản thể tự nhiên. Quá trình này có liên quan mật thiết đến Đức Phật Bảo Sinh. Do Thụ uẩn tan rã, người sắp chết không thể cảm nhận hay tri giác một cách rõ ràng, đồng thời cũng không còn khả năng nghe được các loại âm thanh tiếng động.
3. Tiến trình Hỏa đại hòa tan vào Phong đại
Lúc này luân xa cổ họng tan rã. Hỏa đại hòa tan vào Phong đại nên người sắp chết có thể cảm thấy hơi ấm thoát ra khỏi các phần của cơ thể và hơi thở trở nên hoàn toàn lạnh ngắt. Không chỉ có vậy, khả năng nhận biết về người, vật và nơi chốn của người chết cũng sẽ không còn, bởi vì khả năng nhận biết này chính là hoạt động của Hỏa đại. Khả năng ngửi các mùi hương (khứu giác) cũng không còn.
Đến giờ, tùy vào nghiệp lực mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau. Nếu thấy hơi ấm đi xuống, phần trên của cơ thể bắt đầu lạnh dần trong khi phần dưới của cơ thể vẫn còn giữ được chút hơi ấm trong chốc lát và cuối cùng hơi ấm thoát ra ngoài ở các ngón chân, dấu hiệu đó cho thấy người chết đã tích lũy nhiều nghiệp tiêu cực và do đó sẽ tái sinh vào những cõi thấp. Nếu hơi ấm hòa tan từ chân, sau đó đi lên trên đỉnh đầu hoặc các phần trên của cơ thể, cho thấy người này tích lũy nhiều thiện nghiệp và thông thường sẽ được tái sinh trong một cảnh giới an lành. Nhưng một hành giả đã đạt đến trình độ thực hành tương đối cao cấp sẽ có khuynh hướng hòa tan hơi ấm vào luân xa tim, trung tâm của cơ thể, duy trì hơi ấm ở đó trong một khoảng thời gian dài (thường là ba ngày hoặc tương tự), sau đấy hơi ấm mới tan biến khỏi luân xa tim. Ngay cả khi thân thể chỉ còn là xác chết nhưng hơi ấm vẫn còn duy trì ở tim, đây là dấu hiệu cho thấy vị hành giả này vẫn đang an trụ trong thiền định.
Ảo giác bên trong ở giai đoạn này là người sắp chết sẽ nhìn thấy xung quanh có hàng ngàn đốm sáng như đom đóm trong màn đêm tối mịt mùng.
Tiến trình tan rã thứ ba có liên quan tới Đức Phật A Di Đà. Trí tuệ của Đức Phật A Di Đà được gọi là Diệu quan sát trí. Trí tuệ này là bản chất thực tại của Tưởng uẩn. Khi trí tuệ đó hòa tan vào bản thể tự nhiên, chúng ta sẽ mất khả năng phân biệt, sẽ không nhận ra được người thân, bạn bè,…
4. Tiến trình Phong đại hòa tan vào Thức đại
Lúc này, luân xa bí mật tan rã, Phong đại hòa tan vào Thức đại. Dấu hiệu đặc trưng là người sắp chết không thể kiểm soát được hơi thở. Hơi thở dốc, gấp và mạnh, khó nhọc và đau đớn.
Giai đoạn này có liên quan đến Đức Phật Bất Không Thành Tựu - thể tính của Hành uẩn. Sau khi ý thức phân biệt tan rã, Hành uẩn cũng dần dần tan rã. Bởi vậy, người sắp chết không còn khả năng cử động cơ thể, đồng thời cũng mất khả năng vị giác, tức là không còn cảm nhận được các vị chua, cay, ngọt, mặn... Tương ứng với giai đoạn này là Thành sở tác trí, trí tuệ của Đức Phật Bất Không Thành Tựu, hòa tan vào tự tính chân như.
Trên đây là quá trình hòa tan tất cả bốn loại khí khác nhau, theo đó, người sắp chết cũng hòa tan các loại năng lượng khác nhau của các đại và các thức. Do các thức tan rã, người hấp hối không còn nhìn thấy các hình dạng, không nghe thấy các âm thanh, tức là sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Khi chủ thể (thức) tan hoại thì đương nhiên khách thể (sáu căn và sáu trần) cũng không còn tồn tại. Đây chính là thời điểm chúng ta gọi là “cái chết”. Tuy nhiên, đây mới chỉ là cái chết bên ngoài.
5. Tiến trình Thức đại hòa tan vào Không đại
Thời điểm này, hơi thở bên ngoài đã ngừng, cái chết bên ngoài đã hoàn tất, tuy nhiên vẫn còn cái chết bên trong. Thức đại hòa tan vào Không đại. Không đại ở đây mang ý nghĩa là sự rộng mở, sự không giới hạn. Giai đoạn này người chết có thể thấy một chút thay đổi trong cơ thể hiện tại, có thể cảm thấy cơ thể mình như khá hơn, sáng suốt hơn, khỏe hơn một chút so với vài phút trước đó.
Tùy nghiệp quả của từng người mà có những trải nghiệm khác nhau. Hành giả tu tập thành thục và tích lũy nhiều thiện hạnh sẽ được chư Phật, Bồ tát, Daka, Dakini tiếp dẫn về miền Tịnh độ của các Ngài. Ngược lại, người từng phạm nhiều ác nghiệp trọng tội sẽ có những trải nghiệm vô cùng kinh hãi. Chẳng hạn như, nếu họ từng giết hại một loài vật nào đó trong đời sống vừa qua, thì lúc này họ sẽ thấy loài vật đó đến để giết họ, đem họ đi, hoặc ăn tươi nuốt sống, cắn xé họ thành hàng trăm, hàng vạn mảnh. Những hình ảnh này đối với người sắp chết hoàn toàn không giống ảo ảnh mà cảm giác như là có thật. Đến đây kết thúc tiến trình tan rã thông thường.
Lúc này, trông bề ngoài, một người nom như đã chết rồi vì tim đã ngừng đập, hơi thở bên ngoài đã ngưng, nhưng thực chất họ mới chỉ chấm dứt hơi thở bên ngoài, hơi thở bên trong vẫn còn và trong một số trường hợp “người chết” vẫn có thể sống lại. Chỉ khi nào hơi thở bên trong dừng tắt thì lúc ấy một người mới được xem là thực sự đã chết. Hơi thở bên trong sẽ dừng tắt sau khi thức hòa tan hoàn toàn trong tiến trình tan rã bí mật xảy ra tiếp theo.
***
Chú thích:
(1) Khí có hai loại là Khí nghiệp và Khí trí tuệ. Khí nghiệp là khí ở hai kinh mạch trái phải và năm loại khí giữ chức năng sống của cơ thể. Khí trí tuệ là khí trôi chảy trong kinh mạch trung ương.
Nguồn: daibaothapmandalataythien.org
Viết bình luận
- 1917 reads