Bạn đang ở đây
Bồ đề tâm - Cốt tủy của giáo lý Đại thừa
Chư Bồ tát tin rằng không chỉ bản ngã mà toàn thể pháp giới đều không thực sự tồn tại độc lập và cố hữu như đang hiển hiện. Trong sự thực hành Bồ tát đạo, điều quan trọng nhất là tâm từ bi, tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu muốn trở thành Bồ tát, bạn phát triển tâm từ bi và tình yêu thương vô điều kiện tới hết thảy chúng sinh. Bạn cầu mong họ cùng vượt thoát khỏi luân hồi và ước nguyện đó trở thành động cơ thực hành của bạn.
(Đức Phật Quan Thế Âm)
Thực hành Bồ tát đạo ở cấp độ Đại thừa
Sự thực hành theo Phật giáo Nguyên thủy nhấn mạnh đến sự kiểm soát tâm thông qua thân và khẩu. Truyền thống Phật giáo Đại thừa lại hướng hành giả bước đi trên con đường thực hành Bồ tát đạo bằng mọi giá: phát triển tình yêu thương, lòng bi mẫn bình đẳng với hết thảy chúng sinh muôn loài.
Là Phật tử theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, chúng ta tin vào sự tái sinh, tin rằng mọi chúng sinh đều đã từng là cha mẹ mình trong vô số đời trước. Vì vậy, bằng cách tưởng niệm về sự chăm sóc, tình yêu thương vô bờ bến của bậc sinh thành, chúng ta khởi phát tình yêu thương và lòng từ bi vô hạn đối với cha mẹ mình trong kiếp này, rồi theo đó phát triển tình yêu thương, niềm tri ân như vậy đến tất cả chúng sinh trên thế gian, mong nguyện giải thoát cho tất cả chúng sinh, với ước nguyện rằng mình có thể giải thoát để mang đến cho họ những hạnh phúc tạm thời và giúp hết thảy chúng sinh đạt đến chân hạnh phúc. Để làm được điều này, chúng ta muốn nhận ra được tự tính tâm của mình cũng như thấu hiểu bản chất của vạn pháp. Con đường duy nhất để thực hiện điều này là chúng ta phải thực hành Pháp bằng mọi giá. Hiểu và nhận thức như thế sẽ cho chúng ta động cơ to lớn trên bước đường thực hành Phật Pháp!
Khi thực hành Bồ tát đạo, tức ở cấp độ Đại thừa, việc kiểm soát thân và khẩu vẫn rất quan trọng nhưng cần chú tâm hơn tới tình yêu thương và lòng bi mẫn. Chắc chắn với tình yêu thương và lòng bi mẫn mãnh liệt, bạn sẽ không cần phải tránh xa những người làm bạn phiền nhiễu hay tức giận. Hơn thế, bạn có thể hòa đồng với họ, chuyển hóa họ bằng tình yêu thương và lòng bi mẫn của mình. Người Phật tử chuyển hóa người khác không bao giờ bằng cách chỉ trích họ. Bạn không chê trách chúng sinh cho dù họ ở trong hình tướng nào, mà bạn chuyển hóa họ bằng tình yêu thương và lòng bi mẫn, vị tha của bạn. Bởi lẽ dù thế nào, bạn cũng chẳng thể ép buộc ai điều gì bằng cách chỉ trích hay nói những lời nặng nề với họ, cách đó chẳng bao giờ khiến chúng ta chuyển hóa được ai. Nhưng nếu bạn nhẫn nại và vị tha với người khác, gần như chắc chắn bạn có thể tác động đến cuộc sống của người khác, bởi vì người khác cũng có cảm nhận và biết suy nghĩ.
Điều quan trọng nhất khi thực hành Bồ tát đạo
Cao hơn nữa, khi bạn muốn trở thành Bồ tát hay đạt tới cấp độ Changchub Sempa, bạn cũng sẽ nhận ra sự vận hành của luân hồi gần như vậy. Changchub Sempa – chư Bồ Tát, những hành giả ở cấp độ Đại thừa, cũng tin rằng nếu quán chiếu cặn kẽ thì không những cái được gọi là “bản ngã” không tồn tại, mà ngay cả người cảm nhận, tức là người đang thấy, cùng những cảm xúc, đối tượng bạn nhìn thấy, vị bạn nếm được, âm thanh bạn nghe thấy đều không thực sự tồn tại như chúng đang hiển hiện. Có thể lấy thí dụ về tấm gương. Khi soi gương, bạn có thể nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình, song hình tướng thật sự của bạn vốn không tồn tại trong bóng ảnh bạn nhìn thấy qua gương. Nhưng bạn cũng không thể nói nó không tồn tại vì nó hiện lên trong tấm gương, bạn đang ở đây, bởi do nhiều nhân duyên và điều kiện mà bạn có thể nhìn thấy bóng ảnh của chính mình trong gương.
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)
Trong sự thực hành Bồ tát đạo, điều quan trọng nhất là tâm từ bi, tình yêu thương và lòng bi mẫn. Do đó, “Changchub sem” trong tiếng Phạn nghĩa là “Bồ đề tâm”, tức là tâm toàn giác, hay tâm giác ngộ. Giác ngộ thực chất nghĩa là tâm tràn đầy giác ngộ hay tâm tràn đầy từ bi, bởi từ bi bắt nguồn từ sự thấu hiểu. Thông thường, chúng ta không có tâm từ bi vì chúng ta thiếu hiểu biết. Chúng ta không hiểu rằng chúng ta khát khao hạnh phúc bao nhiêu thì chúng sinh khác cũng thiết tha mong muốn hạnh phúc như vậy. Cái chúng ta muốn, cái tôi muốn, điều gì tốt đẹp đối với tôi, tôi muốn cả thế giới phải chiều theo quan niệm của tôi về mọi thứ. Chúng ta không muốn thích nghi với thế giới quan của người khác, nhưng lại muốn tất cả mọi người phải chiều theo mình, theo quan niệm của mình, bạn tôi phải như thế này, gia đình tôi phải như thế kia, cuộc đời tôi phải thế này, đây là điều tôi muốn.
Do rất nhiều những nhận thức mà bạn có khái niệm về cái “Tôi” đang tồn tại, khái niệm về đẹp, xấu, hạnh phúc, giàu, nghèo… Khi tất cả những nhân duyên cùng hợp lại thì sẽ xuất hiện cái “Tôi” giống như xuất hiện hình ảnh phản chiếu khuôn mặt bạn trong gương. Sai lầm lớn nhất của chúng ta là khi điều này xuất hiện, chúng ta không hiểu rằng nó được tạo ra bởi rất nhiều duyên hợp lại, chúng ta lại nghĩ rằng cái đang hiện ra đây là có thực 100%, một cách độc lập và cố hữu.
Chúng ta có ham muốn khi có sự tồn tại. Nếu tôi thấy thứ gì đó rất đẹp mà tôi cho rằng có thật thì dĩ nhiên tôi nhất định sẽ muốn cái đó, từ đó có “ham muốn” nảy sinh. Rồi khi bạn muốn thứ gì đẹp đẽ, bạn sẽ không muốn thứ xấu xí. Như vậy quan kiến của Đại thừa còn tiến xa hơn. Trong Hiển giáo hay Phật giáo Nguyên thủy, chủ yếu chỉ dừng lại ở khi nhận ra bản ngã là vô ngã. Đại thừa tiến xa hơn khi chỉ ra rằng không chỉ bản ngã mà toàn thể pháp giới giống như ảo thuật. Khi tất cả nhân và duyên hội đủ thì các pháp hiển hiện, nhưng nếu quán xét sâu xa thì mọi thứ đều không tồn tại và không có bản chất chân thật như nó đang hiện hữu.
~ Trích “Tam thừa Phật giáo và Truyền thừa tinh tuý”, tác giả: Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa
- 272 reads