Bạn đang ở đây
Phân biệt nghiệp thiện và nghiệp ác
Bất cứ việc gì bạn làm cũng có thể trở thành Thiện nghiệp. Hầu hết những đau khổ mà chúng ta phải trải qua đều do chúng ta tự tạo tác nên, bởi lẽ chúng ta nghĩ về mình quá nhiều. Cũng giống như một người điên không hề có tư duy mạch lạc, khi sân giận chúng ta có thể nói và làm những điều sẽ khiến chúng ta hối hận về sau. Trong tiếng Tạng, thuật ngữ này là “Nyonpa”, để chỉ một người nói mà không hề suy nghĩ, không hề phân tích.
Thế nào là Thiện nghiệp?
Bất cứ điều gì bạn làm có thể mang lại lợi ích cho người khác ngay bây giờ hoặc mai sau thì đều là Thiện nghiệp. Trong Kinh ghi rõ rằng: "Bạn cần phải rộng lượng, nhưng bạn không được mang tới cho người khác những gì có thể gây tổn hại cho họ". Chẳng hạn bạn sẽ không được phép cho người ta sử dụng súng ống, không được mang cho thuốc độc, không được cho tiền để họ trở nên nghiện ngập hoặc nghiện rượu nhiều hơn. Cho dù có thể bạn mang lại lợi ích cho họ trong lúc này nhưng về sau bạn sẽ làm hại họ.
Bất cứ việc gì bạn làm cũng có thể trở thành Thiện nghiệp. Điều này rất đúng với chúng ta. Thông thường chúng ta nghĩ rằng buổi sáng chúng ta cầu nguyện một chút, trì chú một chút, và đôi khi chúng ta thực hành một vài nghi quỹ, như thế là đủ. Song bạn cần biết đó không phải là cốt yếu của sự thực hành. Chẳng hạn khi gặp một người già không thể đi một mình qua đường, bạn không nên chỉ đứng đó trì tụng “Om mani padme hung”, mà bạn cần dừng lại để giúp người đó qua đường.
Không nên tạo Ác nghiệp
Thiện nghiệp cũng như Ác nghiệp, đều là do tâm quyết định chứ không phải do hành động. Như vậy, Thiện nghiệp bắt nguồn từ tâm tốt đẹp của lòng nhân ái, từ bi, quảng đại và nhường nhịn trong khi Ác nghiệp xuất phát từ tâm ích kỷ, tham, sân. Khẩu nghiệp cũng như thân nghiệp đều do tâm kiểm soát. Khi tâm sân giận, miệng sẽ nói ra những lời nặng nề và thân sẽ gây sự ẩu đả. Khi tâm muốn có thứ gì, miệng sẽ nói rằng tôi muốn thứ đó và thân sẽ làm mọi cách để có thể có được. Như vậy cũng giống như mọi thứ đều phục tùng tâm, những điều tiêu cực cũng do tâm tạo, tâm kiểm soát hai nghiệp còn lại. Vì vậy nên nguyên nhân của những gì tích cực hay tiêu cực đều là do tâm. Khi không nhận thức được tự tính tâm, thậm chí có lúc còn chẳng buồn kiểm lại xem tâm có tồn tại hay không, khi không hề kiểm chứng và thả mình thư giãn trong tự tính tâm, chúng ta sẽ thả cho tâm mặc kệ muốn tới đâu thì tới. Đối với những xúc tình, bất cứ ham muốn nào phát khởi, cho dù là thế nào thì nó cũng sẽ trở thành ông chủ, còn chúng ta chẳng hề có quyền lựa chọn. Chúng ta chẳng hề cố gắng chuyển hoá nó, khi sân giận nổi lên chúng ta cũng chẳng hề cố gắng kiểm soát, từ đó dẫn tới những hành động tiêu cực của thân và tạo ra ác nghiệp.
Hãy hiểu thấu ý nghĩa lời cầu nguyện
Nhiều khi bạn thực hành trì tụng, cầu nguyện nhưng lại chẳng hề suy nghĩ gì tới ý nghĩa lời cầu nguyện mà mình đang trì tụng. Bạn bắt đầu pháp thực hành bằng lời nguyện: “Tôi sẽ thực hành vì lợi ích của hết thảy chúng hữu tình rộng mênh mông như bầu trời". Khoan hãy nghĩ tới chúng sinh vô biên như bầu trời, hãy nghĩ tới những chúng sinh bé nhỏ đang sống xung quanh chúng ta, có thể dưới hình tướng người thân trong gia đình hay bạn bè, mà bạn đang không hề quan tâm chăm sóc. Vậy mà bạn lại nghĩ tới vô lượng chúng sinh hữu tình, như vậy dường như chẳng hợp lý chút nào.
(Tôn tượng Đức Phật Quán Thế Âm)
Vì vậy, bạn cần phải đối xử chu đáo với những người xung quanh. Có những người giúp việc cho bạn, hoặc những con vật rất yêu quý bạn và coi bạn là chủ của chúng, chúng hoàn toàn phụ thuộc vào bạn, thế nhưng bạn lại chẳng để tâm đến chúng, bạn đối xử với chúng tàn tệ, bạn làm chúng bị tổn thương, còn bạn thì bận bịu thực hành đến quên đi tất cả.
Trích ấn phẩm “Tam thừa Phật giáo và Truyền thừa tinh tuý”, tác giả: Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa
- 3513 reads