Bạn đang ở đây
Sự khác biệt giữa lòng thương cảm thế gian với lòng bi mẫn của Bồ tát
Nhiều bậc Thầy nói rằng mọi cảm nhận của một người thường, cách mà họ suy nghĩ được gọi là chân lý tương đối. Còn những gì Đức Phật thấy từ trí tuệ toàn tri của Ngài được gọi là chân lý tuyệt đối. Là một hành giả thực hành Bồ tát đạo, điều quan trọng nhất là tình yêu thương và lòng bi mẫn...
Giáo lý Đại thừa thường đề cập tới chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Lấy ví dụ về chân lý tương đối, khi ta so 2 cm với 3 cm thì rõ ràng 3 cm dài hơn, nhưng 3 cm này lại thành ngắn hơn nếu đem so với 5 cm. Vì thế chừng nào có đủ nhân duyên, chừng nào bạn vẫn còn khái niệm tốt và xấu, khái niệm về thiên đường và địa ngục, khái niệm về đẹp và xấu, thì chừng đó bạn vẫn còn tin chắc những thứ đó tồn tại 100%. Vì vậy, đó được gọi là chân lý tương đối, bởi chân lý này gắn với khái niệm, sự hiểu biết, cách nhận thức về sự vật hiện tượng của bạn. Nhưng đó không phải là chân lý tuyệt đối, bởi thứ bạn cho là đẹp thì có thể người khác cho là xấu xí, thứ nhiều người thấy đẹp thì ta lại chẳng hề thấy như vậy. Như vậy nó không có thật.
Yêu thương có điều kiện
Các bậc Thầy dạy rằng tình yêu thương và lòng bi mẫn của chúng ta đầy điều kiện. Ví dụ, bạn sẽ nói “tôi yêu bạn bè tôi, yêu gia đình tôi”, nhưng bạn sẽ chỉ yêu bạn bè và gia đình bạn chừng nào họ tuân theo đúng chuẩn mực bạn định ra về một người bạn, bạn yêu bạn bè mình bởi những gì bạn cần ở họ, bởi thứ họ mang lại cho bạn. Khi bạn bè, vợ chồng hay bất cứ điều gì lệch ra khỏi định thức chuẩn mực của bạn thì tình yêu thương của bạn sẽ biến mất. Vậy nên tình yêu thương của chúng ta, một tình yêu rất đỗi bình thường cũng bị giới hạn, bởi nó chỉ dành cho những gì mà chúng ta thích, bạn bè, gia đình và như vậy, tình yêu thương của chúng ta rất có điều kiện. Trong bản hợp đồng với cuộc đời, chúng ta đặt ra rất nhiều điều kiện và điều khoản cho tình yêu thương và lòng bi mẫn của mình!
Lòng bi mẫn của bồ tát
Vậy tình yêu thương theo nghĩa “Changchub Sem” là gì? Bạn biết đấy, ít nhất chúng ta cũng bình đẳng với nhau. Do đó, chúng ta không thể nói rằng vì tôi muốn ăn thịt nên tôi sẵn sàng sát hại và cướp đi mạng sống của chúng sinh khác, bởi chúng ta tin rằng cũng giống như tôi, những chúng sinh khác cũng muốn được sống. Làm sao chúng ta có thể tảng lờ quyền bình đẳng của mọi chúng sinh, làm sao chúng ta có quyền được sống mà lại tước bỏ đi quyền ấy của những chúng sinh khác? Như vậy, chúng ta hiểu được về quyền bình đẳng của chúng sinh, mọi chúng sinh cùng mưu cầu hạnh phúc và cùng mong muốn chấm dứt khổ đau. Hơn hết nữa, lòng bi mẫn có thể được hình thành bằng cách bạn đặt mình vào vị trí người khác, và tình yêu thương có thể được xây dựng lên từ ước muốn mang lại hạnh phúc cho người khác. Vì thế lòng bi mẫn là việc chấm dứt khổ đau của chúng sinh khác, và cao hơn thế, tình yêu thương là việc mong cầu hạnh phúc, lợi lạc đến cho người khác.
~ Trích “Tam thừa Phật giáo và Truyền thừa tinh tuý”, tác giả: Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa
- 457 reads