Bạn đang ở đây
Pháp Cúng dàng Ganachakra - Đại Thủ Ấn hợp nhất
Trong Kim Cương thừa, phương pháp tu tập Ganachakra là căn bản. Nghĩa của từ ‘Gana’ là sự hợp nhất hay là hoà hợp, nhiều yếu tố có thể hoà hợp với nhau gọi là ‘Gana’. ‘Chakra’ nghĩa là hoạt động. Như vậy ‘Ganachakra’ là những hành động, hoạt động để có sự hoà hợp hay có sự hợp nhất, cách gọi khác là Đại Thủ Ấn. Tu thiền Đại Thủ Ấn là tu tập để hợp nhất, không còn sự phân biệt nhị nguyên, hợp nhất giữa năng sở, ta người.
Để có thể tu tập hợp nhất này chúng ta phải tự kiểm soát xem đã thực hành căn bản phát triển khả năng giảm bớt chấp ngã, cái tôi và tăng trưởng từ bi, tình yêu thương hay chưa. Bởi nếu chúng ta không giảm thiểu sự bám chấp vào cái tôi, không phát triển tình yêu thương thì thật khó để sống hoà hợp với mọi người. Bởi vậy pháp tu Ganachakra không phải chỉ ở hình tướng rằng chúng ta cúng dường bánh kẹo hoa trái lên Đức Phật rồi chia ra cho mọi người. Sự tu hành ở đây là giảm thiểu bám chấp vào bản ngã và phát triển tình yêu thương, lòng từ bi để từ đó có thể sống hoà hợp với tất cả mọi người.
Chúng ta trở lại với vấn đề phát triển lòng từ bi, tình yêu thương. Chúng ta không thể tu tập Mahamudra – Đại Thủ Ấn, Đại Toàn Thiện hay Ganachakra nếu chúng ta không có sự tu tập phát triển tình yêu thương, lòng từ bi. Chúng ta cũng cần tu tập để hiểu rõ bản chất hư vọng của vạn pháp, không còn sự kẹt chấp giữa ta người và các pháp.
Do hiểu biết về tính không thì lòng chúng ta mới mở rộng, hiểu được sự bình đẳng giữa chúng sinh và phát khởi lòng từ bi. Như vậy nếu chúng ta không tu tập về bản chất hư vọng của vạn pháp, không tu tập về tính không, không tu tập về Đại thừa thì sẽ không thể nào tu tập về Kim Cương thừa, cho dù chúng ta có tham muốn, mong nguyện thực hành Kim Cương thừa nhưng thực sự không có lợi ích.
- 1471 reads