Vũ điệu Kim Cương Thừa - sự phản chiếu của tâm giác ngộ | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Vũ điệu Kim Cương Thừa - sự phản chiếu của tâm giác ngộ

1594
09/03/2017 - 09:57

Thượng sư Liên Hoa Sinh

Vũ điệu Kim cương thừa là vũ điệu có một không hai trên thế giới, được Đức Liên Hoa Sinh - Đại thành tựu giả người Ấn độ trình diễn lần đầu tiên ở khu vực Himalaya vào thế kỷ thứ VIII. Ngài đã trình diễn vũ điệu này tại Tự viện Samye để hàng phục quỷ thần nơi đây. Sau khi vẽ vòng kết giới trên mặt đất, Ngài bắt đầu nhảy múa, kết ấn và hàng phục được quỷ thần bản địa. Từ đó vũ điệu này được trình diễn ở nhiều nơi trong khu vực với mục đích tiêu trừ bệnh tật, chướng ngại và bất hạnh. Trong lịch sử, những vũ điệu này không được ghi chép lại mà chỉ được truyền cho các bậc Thượng sư qua các linh kiến hoặc những giấc mơ.

 

Vì đây là vũ điệu có tính chất tâm linh thiêng liêng nên chỉ chư Tăng mới được tập luyện và chỉ trình diễn trong những pháp hội lớn. Khi trình diễn vũ điệu, chư Tăng khoác những trang phục và trang hoàng sặc sỡ, tinh xảo, đeo mặt nạ, đôi khi có sử dụng pháp khí. Các vị thường nhảy múa một cách tự nhiên, phóng khoáng không bó buộc, không ngần ngại hay ức chế. Hỗ trợ cho màn trình diễn này là một nhóm các vị Tăng sử dụng nhạc khí như chũm choẹ, kèn, trống …


Các vũ điệu Kim Cương Thừa mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Ví dụ, khi một vũ công đeo mặt nạ đầu hươu dùng thanh gươm cắt đứt một hình nộm thì đó là tượng trưng cho sự diệt trừ bản ngã bằng lưỡi gươm đại trí tuệ. Những vũ công mang mặt nạ chạy rượt đuổi nhau trong cảnh náo loạn ồn ào không phải để diễn tả cảnh truy đuổi ma quỷ mà tượng trưng cho nguồn năng lượng bên trong cơ thể không ngừng khuấy động tâm thức của chúng ta. Màn múa lặng lẽ yên bình thì tượng trưng cho sự an tĩnh nội tại có được khi vắng bặt mọi vọng niệm. Tuy nhiên, chỉ một vài yếu tố mang tính tượng trưng như thế không đủ để nêu biểu được hết ý nghĩa thâm sâu mà các vũ điệu Mật thừa chứa đựng. Đó là cảnh giới thiền định rộng lớn vô biên về ‘linh ảnh’, bản tâm nguyên thuỷ thanh tịnh của vạn pháp vô vi và hữu vi. Vũ điệu Mật thừa là sự phản chiếu của tâm giác ngộ (Lochen Dharmashri).

 

Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên, khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng đạt giác ngộ. Từ đó cho tới khi nhập niết bàn ở tuổi 80, Đức Thế Tôn đã không ngừng hoằng pháp lợi sinh hoá độ vô số đệ tử. Giáo pháp của Ngài vô cùng phong phú và ở nhiều mức độ khác nhau để khế hợp với căn tính của chúng sinh vô lượng.
 

Đối với một số đệ tử xuất chúng, Đức Phật hoá thân thành những bản tôn như Kalachakra (Thời Luân Kim Cương) và Guhyasamaj để giúp họ tấn tốc thành tựu trên con đường tu tập Phật đạo sử dụng những kỹ thuật thiền định thiện xảo. Ngài còn hóa hiện thành những Bản tôn mang hình tướng uy mãnh tượng trưng cho năng lực vô ngại của tâm đại từ đại bi. Những Bản tôn đó nhảy múa theo hàng nghìn giai điệu oai nghiêm khác nhau, diễn tả vô số những hoạt động lợi tha của các Ngài. Đây là nguồn gốc ra đời các vũ điệu Mật thừa thiêng liêng ở Ấn Độ.
Tại Lễ hội Quan Âm Đại Bảo Tháp Tây Thiên tới đây (từ ngày 16/3 đến 19/3/2017), chư Tăng Truyền thừa Drukpa đến từ Ấn Độ sẽ trình diễn các Vũ điệu Kim Cương thừa linh thiêng (Vũ điệu Đại Huyền Kim Cương Hộ Pháp, Vũ điệu Mạn Đà La Ngũ Trí Như Lai) tại Đại Bảo Tháp Tây Thiên, Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,495
Số người trực tuyến: