Bardo - Những việc cần làm trong 49 ngày sau khi một người qua đời | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bardo - Những việc cần làm trong 49 ngày sau khi một người qua đời

6413
26/07/2017 - 23:55

 

 

Giai đoạn Bardo trung ấm thường diễn ra trong vòng 49 ngày sau khi một người vừa qua đời. Trong giai đoạn này, họ sẽ phải trải qua vô số trải nghiệm hãi hùng khác nhau và tiếp xúc với rất nhiều Bản tôn. Nhưng do thiếu công phu tu tập thực hành quán tưởng chư Phật để nhận ra chư Phật hay tự tính tâm thanh tịnh của mình, nên mặc dù có rất nhiều chư Phật An bình và Uy mãnh thị hiện để dẫn dắt giải thoát, vì quá sợ hãi, họ lại thường chạy trốn. Hầu hết mọi người cho tới ngày thứ 49 đều tái sinh vào Sáu đạo luân hồi. Vì lý do đó, tiếp tục hộ niệm, thực hành nghi thức tâm linh đúng pháp và miên mật cho người chết trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng.

CÁC NGHI THỨC BÊN NGOÀI

Như chúng tôi đã giới thiệu ở các bài đã đăng trước, cần phải hộ niệm cho người chết một cách hết sức cẩn thận bằng cách không làm phiền và đụng chạm đến thân thể họ tốt nhất là trong vòng 3 ngày, để đảm bảo tiến trình tan rã được hoàn tất trong sự an bình nhất.

Sau một ngày rưỡi đến ba ngày, có thể tắm rửa cho người chết bằng nước thơm. Sau khi tắm xong, dùng mật ong bôi vào luân xa tim và dán khăn Mandala gia trì Bách tôn lên luân xa tim. Mật ong là chất liệu đem lại năng lượng tích cực và an bình, nên được dùng để dán Mandala cho người chết có thể đem lại lợi lạc cho họ. Sau đó, đặt các Mandala Ngữ giác ngộ của chư Phật Bản tôn lên tim người chết, rồi đắp lên người quá cố “Y phục Giải thoát”, phủ lên mặt họ khăn chúc phúc, cho ngậm thuốc và đeo dây gia trì.


(Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa)

Sau khoảng thời gian hộ niệm nhất định, cần thỉnh mời chư Tăng, Ni làm lễ quy y, cúng cơm vong và làm lễ Nhập liệm cho người chết. Trước hết cần làm lễ sái tịnh, gia trì áo quan bằng cách trì chân ngôn Trăm âm, chân ngôn tịnh hóa chướng ngại, chân ngôn tính không hoặc Đại bi Thập chú, rồi tụng bài “Tán Dương Chi”, trong lúc đó sái tịnh áo quan bằng cách rải cát Mandala, đất thánh địa, nước gia trì, các đồ hương liệu như mô tả ở phần trên, hoặc nếu không có các hương liệu này thì ướp hoa nhài, chè buồm,... để chống chảy nước và khử mùi hôi.

Tiếp theo là lễ Thành phục, gia chủ nhận khăn tang từ chư Tăng Ni và xin bố thí các khóa lễ Thí thân pháp Ba La Mật, Thí thực, Phóng sinh,... việc chôn cất hay thiêu tùy theo tâm nguyện của người chết. Thông thường có bốn hình thức mai táng là Địa táng (chôn vào đất), Thủy táng (thả trôi sông biển), Hỏa táng (thiêu xác), Thiên táng (hay Điểu táng, hình thức để an táng để lộ thiên cho thân xác tự tiêu hủy). Theo truyền thống Việt Nam chỉ có Địa táng và Hỏa táng. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ Hỏa táng khi đã hoàn thành chuyển di tâm thức ra khỏi thân xác. Nếu không, thần thức chịu sự thống khổ dẫn đến đọa lạc.


(Phóng sinh)

Nếu chôn cất cần làm thêm một số thủ tục như tụng Chú Đại Bi và chân ngôn Một Trăm âm, rải cát và nước gia trì xuống đáy áo quan, nên viết ba chữ chủng tử: OM AH HUNG trên nắp phía trong quan tài, tụng các chân ngôn và gia trì vào huyệt theo cách tác pháp như gia trì áo quan ở trên, thỉnh ảnh của Đức Phật A Di Đà ra mộ, đến nghĩa trang nếu đủ duyên tụng thêm Mông Sơn Thí Thực (đốt các thực phẩm) hoặc pháp cúng dàng Hỏa tịnh sẽ rất lợi lạc cho vong linh mới mất và các vong linh chưa siêu thoát đang vất vưởng ở khắp nghĩa trang.


(Đức Phật A Di Đà)

Sau khi chôn cất xong, gia quyến cũng nên thỉnh cầu các bậc Thầy cử hành khóa cầu siêu quán đỉnh Jangwa, thực hành các nghi quỹ hộ niệm Thí thân Pháp Ba la mật, Di Đà, Cho và Nhận Tonglen, Phổ Ba Kim Cương (với những trường hợp chết bất đắc kỳ tử và tự sát) cùng các pháp tu, thực hành thiện hạnh và cầu nguyện hồi hướng cho người chết cho tới khi kết thúc giai đoạn thân Trung ấm. Hoặc nhờ chư Tăng Ni chùa gần nơi mình ở làm lễ quy y vong hay còn gọi là đưa vong lên chùa, càng sớm càng tốt trong vòng 49 ngày.

(còn tiếp)

 

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,131,159
Số người trực tuyến: