Cách thực hành Đức Phật A Di Đà thường nhật | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Cách thực hành Đức Phật A Di Đà thường nhật

1208
27/04/2021 - 16:30

SỰ THÙ THẮNG CỦA CÕI TỊNH ĐỘ DI ĐÀ VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH PHÁP TỊNH ĐỘ MẬT THỪA

Kinh điển dạy rằng trong thời mạt pháp, hàng trăm triệu người sẽ thực hành Phật pháp nhưng hiếm có ai chứng đạt giác ngộ. Họ sẽ chỉ được cứu độ nếu dựa vào việc trì tụng hồng danh và chân ngôn Đức Phật A Di Đà. Trong Kinh Đại Tập, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy: “Trong thời Mạt pháp này, việc chính niệm trì tụng Đức Phật A Di Đà và phát nguyện được vãng sinh vào Tịnh Độ của Ngài là cách duy nhất giúp mọi người thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, đạt được giải thoát và giác ngộ ngay trong một đời.”

ĐỨC PHẬT A DI ĐÀ

Chủng tử tự:  SHRI

Tâm chân ngôn:     OM AH MI DEWA SHRI

Đức Phật Amitabha có nghĩa là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Tiếng Việt gọi là Phật A Di Đà, trong Mandala ngài an trụ ở phương Tây và an tọa trên bảo tòa Khổng Tước vương nêu biểu sự giác tỉnh cùng khả năng chuyển hoá phiền não, đầy đủ các màu sắc, minh tuệ. Sắc thân màu đỏ nêu biểu lòng Đại bi, tướng thanh tịnh của hỏa đại, tay Ngài kết ấn đại định (định ấn là  ngón út, ngón đeo nhẫn, hai ngón giữa giao nhau) nêu biểu 6 đại vô ngại, phương Tây là phương trí tuệ nội chứng. A Di Đà là nghĩa chuyển Pháp luân thuyết pháp của Trí tuệ Diệu Quan Sát lợi ích các loại căn cơ chúng sinh.

Tu trì chân ngôn Di Đà có khả năng chuyển tưởng uẩn, ý thức thành Diệu Quan Sát Trí; chuyển hóa những tham nhiễm, chấp trước thành đại nguyện vị tha và chứng đắc thành tựu Báo thân Phật A Di Đà.

Cách thực hành Đức Phật A Di Đà thường nhật

Những ai có tâm nguyện vãng sinh vào cõi Cực Lạc của Đức A Di Đà cần đáp ứng những yêu cầu nhất định. Trước tiên cần giữ chính niệm, luôn quán tưởng tự thân là Đức Quan Âm ở cõi Cực Lạc, Đức A Di Đà ở ngay trước mặt, mọi âm thanh đều là âm thanh chân ngôn, tất cả đều là tính không, vạn pháp đều là như huyễn, tất cả đều là sự hiện bày của trí tuệ. Mọi suy nghĩ và ký ức đều vốn là tự tính không. Chúng ta cũng nên đọc kinh A Di Đà cũng như lời cầu nguyện vãng sinh Tịnh độ A Di Đà, trong kinh và lời cầu nguyện này mô tả các phẩm chất thanh tịnh của cõi Cực Lạc và cách vãng sinh vào đó, giúp chúng ta có tín tâm và tâm chí thành nơi cõi Cực Lạc.

Nghi quỹ thực hành giản lược về Đức A Di Đà cũng hữu ích cho thực hành thường nhật. Vì đây là nghi quỹ giản lược, chúng ta có thể luôn nhớ được nội dung của nghi quỹ, giúp chúng ta có thể thực hành ít nhất một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Nếu không thì ít nhất cũng thực hành một lần trong ngày. Ngoài ra, chúng ta nên giữ chính niệm và nhớ đến nội dung thực hành trong lúc làm các công việc đời sống hàng ngày.  

Đức Phật A Di Đà được mọi người biết đến về năng lực trường thọ, hành uẩn, sắc đỏ, nhận thức thanh tịnh và trí tuệ chứng ngộ tính không của vạn pháp. Trì tụng chân ngôn A Di Đà giúp trưởng dưỡng lòng bi mẫn, tịnh hóa các ác nghiệp, và khai mở tình yêu thương rộng lớn vô điều kiện hướng đến mọi hữu tình, nhờ đó tiêu trừ được chấp ngã. Chân ngôn sáu âm “OM AH MI DEWA SHRI”, tiếng Việt phiên âm là “Nam Mô A Di Đà Phật” của Đức A Di Đà nêu biểu Lục độ Ba la mật, pháp đối trị với sáu xúc tình phiền não.

Thành tâm trì tụng 120,000 biến chân ngôn A Di Đà đúng pháp sẽ giúp bạn kết nối với Đức Phật A Di Đà, tăng trưởng sức khỏe, trường thọ, tài bảo. Những ai thành tựu trì tụng 300,000 lần Chân ngôn này sẽ được Đức Phật A Di Đà an tọa trên đỉnh đầu, hộ trì cho mình cả ngày lẫn đêm. Tu trì Chân ngôn A Di Đà cũng giúp hành giả chuẩn bị một thực hành mạnh mẽ hơn là Chuyển di tâm thức– khi chúng ta đưa tâm thức mình vào tim Đức A Di Đà và trực tiếp chủ động vãng sinh vào cõi Cực Lạc của Ngài vào thời điểm chết.

Drukpa Việt Nam

QUAY LẠI

 

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,715
Số người trực tuyến: