Thực hành tinh túy của Truyền thừa | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Thực hành tinh túy của Truyền thừa

472
26/09/2022 - 19:13

Chúng ta cần tu tập chuyên nhất theo một Truyền thừa, nhưng có thể đón nhận giáo pháp từ các bậc Đại Thượng sư và cung kính, tôn trọng những Truyền thừa khác. Thực hành tinh túy của Truyền thừa là biết chắt lọc cốt tủy, tinh túy của cả Tam thừa và ứng dụng trong sự thực hành thường nhật của mình.

Lợi ích của việc hiểu biết về Tam thừa Phật giáo

Nếu đã biết một chút về Đạo Phật, biết một chút đủ để kiểm soát sân giận hay vượt qua khổ đau thất vọng, bạn cũng đừng nên giới hạn tri kiến của mình ở đó. Tri kiến đó chưa đủ để cho bạn sự tự tin. Bạn có thể hiểu thêm một chút về Tam Thừa, về nguồn gốc của Phật pháp, về lịch sử, về những quan kiến và thứ lớp thực hành, thì chúng ta sẽ hiểu rõ hơn bước đường mình đang đi. Ví dụ, ở Bhutan chúng ta tự gọi mình là người theo Đại thừa và Kim Cương thừa. Tuy nhiên Tiểu thừa có nghĩa là gì? Đại thừa có nghĩa là gì? Kim Cương thừa nghĩa là gì? Ví dụ, về mặt địa lý thì truyền thống Tiểu thừa rất thịnh hành ở Thái Lan và Sri Lanka. Hay là người theo Đại thừa thì tri kiến, ứng xử, giới luật của chúng ta phải như thế nào? Ta nên cố gắng có được sự hiểu biết này để biết mình đang ở thứ lớp nào. Nền tảng giáo lý của Đức Phật giống như những bậc thang, từng cấp độ khác nhau. Bởi vậy sự hiểu biết về Tam Thừa sẽ giúp các bạn hiểu rõ mình đang ở nấc nào trên chiếc thang này.

(Một nghi lễ Phật giáo được tổ chức tại Bhutan)

Thực hành tinh túy của Truyền thừa

Thực hành tinh túy của Truyền thừa có nghĩa là ta phải biết chắt lọc cốt tuỷ, tinh túy của cả Tam thừa và ứng dụng vào sự thực hành thường nhật của mình. Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Đức Dudjom Rinpoche, hóa thân của Đại sư Liên Hoa Sinh và là một trong những hành giả vĩ đại nhất của thế kỷ 20, từng khai thị rằng các Truyền thừa theo truyền thống Kim Cương thừa đều là tinh túy Phật pháp, và các thứ lớp tu tập theo các Truyền thừa về bản chất đều có sự đồng nhất. Chẳng hạn nếu bạn đang thực hành Pháp tu mở đầu Ngondro của Truyền thừa Drukpa, bạn cần biết rằng pháp tu mở đầu của tất cả các Truyền thừa đều dạy về vô thường, về quy y, phát tâm Bồ đề, các pháp quán tưởng… Dĩ nhiên, một người không thể thực hành hết tất cả các Truyền thừa, tuy nhiên bạn có thể sử dụng sự hiểu biết của mình về giáo pháp của các truyền thừa khác, của các bậc thầy khác để áp dụng vào sự thực hành và giúp trưởng dưỡng chính kiến của mình.

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Ví dụ, hàng ngày bạn thực hành pháp tu Liên Hoa Sinh. Rồi ngày mai, ai đó trao cho bạn nghi quỹ Văn Thù Sư Lợi. Điều đó không có nghĩa là bạn quên pháp Liên Hoa Sinh đi và chỉ thực hành theo pháp Văn Thù Sư Lợi. Bạn có thể thực hành hoặc pháp Liên Hoa Sinh hoặc pháp Văn Thù Sư Lợi, các kỹ thuật quán tưởng, ý nghĩa và triết lý đằng sau đó hầu như là giống nhau tới 98%. Nói chính xác hơn, cách thức quán tưởng có thể khác nhau đôi chút, nhưng ý nghĩa và triết lý đằng sau đó thì như nhau. Cho nên, bạn có thể sử dụng sự hiểu biết về những giáo pháp khác để hiểu sâu hơn pháp thực hành thường nhật của mình. Vì thế chúng ta cần tu tập chuyên nhất theo một truyền thừa, nhưng có thể đón nhận giáo pháp từ các bậc Đại Thượng sư và cung kính tôn trọng những truyền thừa khác.

~ Trích “Tam thừa Phật giáo và Truyền thừa tinh tuý”, tác giả: Đức Nhiếp Chính Vương Gyalwa Dokhampa

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,126,692
Số người trực tuyến: