Đức Pháp vương khai thị về Hội đồng Drukpa Thường niên | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Pháp vương khai thị về Hội đồng Drukpa Thường niên

352
14/09/2016 - 08:08

Cho tới nay các bậc Thượng sư tôn quý như Đức Pháp Vương Kunkhyen Pema Karpo hay những bậc Thượng sư giác ngộ khác vẫn có những kết nối với chúng ta và sự hiện diện của các Ngài rất phù hợp với những buổi vân tập như thế này. Đó là ý nghĩa đầu tiên của Hội nghị thường niên Drukpa mà tôi nghĩ đến. Và ý nghĩa thứ hai là thông qua Hội nghị Thường niên, chúng ta tạo nên những phúc duyên hạnh ngộ giữa Thượng sư và đệ tử và ngược lại. Điều này rất quan trọng, không phải do Truyền thừa của chúng ta thiếu các bậc Thượng sư giác ngộ, mà vì các Ngài thường rất khiêm cung, vì thế mà chúng ta có thể cảm thấy dường như hiện tại Truyền thừa không có nhiều Thượng sư, hay không biết làm cách nào có được sự kết nối với chư Thượng sư đang trụ thế. Vì thế, việc tổ chức một Hội nghị như thế này rất phù hợp, vì qua đó chúng ta có thể cung thỉnh chư Thượng sư cùng vân tập, và thỉnh các Ngài có thể trao truyền giáo Pháp, để tất cả chúng ta có thể kết nối với các Ngài. Đây là một sự kết nối thực sự sách tấn chúng ta mạnh mẽ tinh tấn thêm trên con đường tu tập tâm linh.
 
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và chư Thượng sư Truyền thừa Drukpa)

Ngoài ra, điều này còn có một ý nghĩa khác, trên cương vị bậc lãnh đạo tâm linh của Truyền thừa, tôi mong rằng sau này khi tôi quyết định Hoá thân chuyển thế, các bạn sẽ không thực sự cảm thấy bơ vơ trống trải, mà phải hiểu được hiện có rất nhiều vị Thượng sư chân chính của Truyền thừa có thể kế nhiệm những Phật sự dang dở của tôi và hướng đạo cho các bạn sau này. Vì thế, việc biết được có rất nhiều bậc Thượng sư tôn quý đang hiện diện cũng như chứng minh được sự kết nối với các Ngài là điều tối quan trọng.
 

Chương trình của Hội nghị Thường niên Drukpa sẽ bao gồm cả phần giảng Pháp của chư Thượng sư. Do hạn chế về thời gian, đó có thể chỉ là những bài giảng yếu lược, nhưng ít nhất chúng ta sẽ kiến lập được sự kết nối với các bậc Thầy. Cùng với đó, chúng ta sẽ có khóa lễ Drudchen, tương tự như khóa lễ chúng ta thường thực hành tại đây. Theo Truyền thừa Nyingmapa, người ta gọi đó là khóa lễ Drudchen, nhưng vì chúng ta là sarma nên ta gọi đó là khóa lễ Drubpa. Khóa lễ Drubpa cũng như Đại lễ Đại Thành Tựu Pháp Thắng Lạc Kim Cương Chakrasamvara Drubpa sẽ được cử hành bởi các Đại đức cũng như các vị cao Tăng đến từ Vương quốc Bhutan theo lời thỉnh cầu của tôi. Sở dĩ tôi lựa chọn như vậy là vì Bhutan là một Vương quốc lấy quốc danh từ Truyền thừa Drukpa. Đây cũng là nơi Truyền thừa Drukpa đã rất hưng thịnh và trở thành quốc giáo của Vương quốc này. Cũng vì thế mà Vương quốc Bhutan trở thành một trong những địa danh, quốc gia quan trọng nhất của Truyền thừa và của tất cả chúng ta. Vì thế tôi nghĩ việc thực hành khóa lễ Đại Thành Tựu Pháp Thắng Lạc Kim Cương Chakrasamvara Drubpa như vậy trong thời gian tổ chức Hội nghị sẽ rất xác đáng. Có rất nhiều hoạt động khác được đề xuất, nhưng đây là một hoạt động đã được lựa chọn và dự kiến thực hiện trong chương trình Hội nghị lần này. Như vậy tôi đã giải thích về ý nghĩa thứ hai. Còn ý nghĩa thứ ba của Hội nghị thường niên lần này có liên quan đến tri thức: tri thức dẫn nhập và tri thức tổng quan. Tất cả chúng ta cần được động viên và được truyền cảm hứng trong việc thực hành tu tập các Pháp môn của Truyền thừa, và hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ tinh tấn thực hành Phật pháp một cách chân chính, thật tâm, vui vẻ và thoải mái với nỗ lực gấp trăm lần so với những nỗ lực hiện tại. Đó là ý nghĩa thứ ba của việc tổ chức Hội nghị thường niên Drukpa. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ về ba ý nghĩa này.
 
(Đại đức Yangpi Lopen cử hành khóa lễ Drubpa)

Với tư cách người đứng đầu, nghiệp lực đã trao cho tôi trách nhiệm dẫn dắt Truyền thừa Drukpa không chỉ trong hiện đời mà cả trong các đời trước, và trách nhiệm này được thực hiện liên tục không gián đoạn từ thời của Đức sáng lập Tsangpa Gyare cho tới nay là đời thứ XII. Tuy nhiên, liên quan đến Hội nghị thường niên Drukpa, tôi xin nói rõ là chúng ta sẽ cùng luân phiên tổ chức sự kiện này. Dưới góc độ tài bảo cũng như nguồn nhân lực, các bạn đều biết việc tổ chức Hội nghị Thường niên Drukpa là một nhiệm vụ khó khăn, một Phật sự vĩ đại, đặc biệt với những người chỉ có khả năng khiêm tốn như chúng tôi.
 
Các bạn có thể cho rằng công việc này chỉ tốn chút ít công sức, nhưng dù gì đi nữa, với tôi, việc mỗi năm phải đứng ra tổ chức Hội nghị Thường niên không phải là công việc dễ dàng. Và dù cho có tính khả thi thì việc hàng năm, tôi đứng ra tổ chức Hội nghị Thường niên Drukpa tại tự viện của mình cũng thực sự không hợp lý. Vì thế, tới đây tôi sẽ lần lượt tạo điều kiện cho nhiều bậc Thượng sư khác nhau được đứng ra tổ chức và tiếp đón sự kiện Hội nghị Thường niên Drukpa tại chính các tự viện và địa điểm của họ ở mọi nơi trên thế giới. Cũng bởi vì đây là Hội nghị Thường niên đầu tiên nên đã có rất nhiều người thỉnh cầu tôi cho phép sự kiện này được diễn ra tại Kathmandu, một trong những trụ xứ của tôi. Tuy đây không phải là trụ xứ duy nhất nhưng với nhiều người dường như địa điểm này mang lại sự thuận lợi cho công tác tổ chức, ví dụ như tại Kathmandu có đường bay quốc tế, và từ sân bay chỉ cần đi xe trong chốc lát là chúng ta có thể lên tới Tự viện Druk Amitabha Mountain.
 
(Tự viện Druk Amitabha Mountain, Kathmandu, Nepal)

Vì những thuận lợi kể trên mà họ đã thỉnh cầu tôi lựa chọn Kathmandu (mà không phải một nơi nào đó tại Ấn Độ, nơi các tự viện thường cách xa các sân bay quốc tế) làm nơi tổ chức Hội nghị Thường niên lần này. Đối với lần này, tôi đã hoan hỉ nhận lời, nhưng tôi nghĩ lần tới Hội nghị sẽ được tổ chức tại một địa danh khác, và kể từ lần thứ ba trở đi, Hội nghị sẽ được đăng cai tổ chức bởi chư Thượng sư tại các tự viện khác nhau.
Tôi đã dành quá nhiều thời gian để nói về chuyện này. Dù sao đi nữa chúng ta cũng đang định cùng nhau tụng bài Kinh tán thán Truyền thừa, và rồi chúng ta lại nhân câu chuyện đó chuyển sang những trao đổi về Hội nghị Thường niên. Tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tán thán Truyền thừa là vì mỗi người trong số chúng ta cần có những tri thức và tri ân thấu đáo về Truyền thừa. Thật không hay nếu ai đó thay vì quan tâm đến Truyền thừa lại chỉ chú mục vào tôi hay một vài Thượng sư nào khác và nói rằng: “Đây là Thượng sư của tôi, đây là Căn bản Thượng của tôi, Thượng sư của tôi thật tuyệt vời,…” nhưng lại thiếu tri kiến và không có một chút trân trọng, tri ân, hiểu biết hoặc tôn kính nào đối với Truyền thừa. Điều đó thật không tốt và không công bằng. Các bạn cần hiểu rõ những lợi ích mà mình có được đến từ đâu! Ví dụ, nếu bạn tìm thấy một chút lợi ích từ những lời giảng Pháp của tôi, bạn cần phải biết những lời giảng này bắt nguồn từ đâu. Điều đó cũng như uống nước thì phải nhớ nguồn vậy. Nếu bạn lấy nước từ vòi nước thì bạn cần phải biết nước chảy từ đâu đến. Nước đến từ bể chứa nước. Ở đâu đó có một cái bể chứa nước lớn được người ta xây lên, và rồi qua các đường ống dẫn và một vài hệ thống kết nối khác mà nước chảy tới bể nhà bạn. Vì thế bạn cần phải biết trân trọng tất cả hệ thống này, không thể chỉ nói rằng: “Ôi cái vòi nước này thật tuyệt, nhờ nó mà ta có nước uống bất kỳ lúc nào ta cần!”. Điều đó là đúng nhưng bạn cần biết những gì bạn đang thụ hưởng xuất phát từ đâu, được hình thành như thế nào và những câu chuyện đằng sau nó, nếu không điều đó sẽ thật không hợp lý.
 
(Chư Thượng sư Truyền thừa Drukpa tại Hội nghị thường niên lần thứ I)

Tương tự, nếu các bạn có được chút lợi lạc từ việc tiếp thu lời giảng Pháp của tôi thì đương nhiên tất cả các bạn cần phải có sự trân trọng đối với toàn bộ các bậc Thầy giác ngộ của Truyền thừa, từ xuất phát ban đầu là Đức Phật Nguyên Thủy Kim Cương Trì Vajradhara. Đây là điều mà chúng ta cần để tâm. Ý tôi muốn diễn đạt như vậy!
 

Điều tôi đang giải thích cho các bạn cũng tương tự như việc chúng ta dùng thức ăn vậy. Khi đĩa thức ăn được dọn ra đẹp đẽ trên bàn tiệc, bạn cảm thấy thích thú và quyết định thưởng thức món ăn. Tuy nhiên, bạn thường không để ý tới việc nấu ăn hay quan tâm đến ai là người chuẩn bị các món ăn. Trên thực tế trước khi chế biến thức ăn, có ai đó đã phải cất công đi bộ ra một cái chợ cách đó hàng cây số để chọn lựa và mua sắm thực phẩm. Họ phải tiêu tiền, sức lực, thời gian, năng lượng vào công việc này trước khi trở về một góc bếp để tiếp tục chế biến và nấu nướng. Thật là một công việc khó nhọc! Và rồi sau khi trang trí bày biện bàn ăn cho thật thanh nhã và món ăn được dọn tới cho bạn thì việc nấu nướng kia dường như không còn hiện hữu nữa mà chỉ còn lại món ăn trước mặt cho bạn thưởng thức. Và bạn thì lại không nghĩ đến quá trình chuẩn bị công phu này mà chỉ quan tâm đến món ăn ngon. Như thế cũng không công bằng! Bạn cần phải tri ân người đã dành thời gian, công sức chuẩn bị những món ăn này.
Tôi đưa ra ví dụ như vậy chỉ để nói rằng việc có tri thức và sự trân trọng đối với Truyền thừa là tối quan trọng, và điều này được hiểu không chỉ cho lợi ích của Truyền thừa mà còn cho chính mỗi chúng ta. Sự gia trì bạn có được từ Truyền thừa sẽ đầy đủ và hoàn hảo nếu kèm theo hiểu biết và sự trân trọng này. Vì thế mà các Truyền thừa khác nhau luôn có những bài kinh tán thán Truyền thừa của mình. Các bài Kinh này nhắc nhở bạn phải biết trân trọng nguồn gốc tâm linh của mình, có tri kiến và trân trọng thành tựu của các bậc Thượng sư giác ngộ hay các vị hành giả trong quá khứ. Điều này không chỉ đúng với Truyền thừa Drukpa mà còn đúng với tất cả các Truyền thừa mà bạn có cơ duyên thực hành Pháp môn. Chẳng hạn, nếu bạn tu tập theo Truyền thừa của Thượng sư Liên Hoa Sinh, bạn cũng cần biết tới lịch sử của Truyền thừa này, và phải thể hiện sự trân trọng bằng việc thành tâm tụng kinh ca ngợi Truyền thừa của mình. Tương tự, nếu bạn thực hành Pháp môn của Truyền thừa Gadampa, bạn cũng cần trân trọng toàn bộ hành giả và Thượng sư thành tựu trong lịch sử của Truyền thừa này cho đến bậc Thầy hiện tại của bạn. Nếu bạn thực hành Đại Thành Tựu Pháp Thắng Lạc Kim Cương Chakrasambava hoặc tu tập theo giáo Pháp của Truyền thừa Drukpa, bạn cũng cần trân trọng các bậc Thượng sư giác ngộ trong quá khứ và hiện tại của Truyền thừa mà mình là đệ tử. Vậy thì Truyền thừa giữ vai trò rất quan trọng, và không chỉ một Truyền thừa mà tất cả các Truyền thừa đều phải được trân trọng!
 

Trong Truyền thừa Drukpa, chúng ta thường có xu hướng ít đào tâm để có được hiểu biết đúng đắn về Truyền thừa của mình. Đây là một điểm yếu của Truyền thừa và cũng là điểm yếu của chính bạn. Có bao nhiêu người trong số các học trò lâu năm của tôi biết tới các vị Thượng sư giác ngộ từng nắm giữ truyền thống Truyền thừa Drukpa trước tôi? Các vị Thượng sư này là ai? Tôi đoán rằng không ai trong số các bạn biết được thông tin này, hoặc giả nếu có thì cũng chỉ vài người biết được tiểu sử của một vài Thượng sư thành tựu. Thế đấy! Không ai biết và cũng chẳng ai để tâm đến! Điều đó là không được! Đương nhiên là bạn có quyền không để tâm tới việc này nhưng như thế bạn sẽ không nhận được sự gia trì từ Truyền thừa. Kết quả là năng lực gia trì sẽ giảm sút. Tôi không thể thay thế các bậc Thượng sư giác ngộ của Truyền thừa để ban truyền đầy đủ gia trì của Truyền thừa tới các bạn. Tôi chỉ có thể thực hiện một phần nào đó công việc trên, còn để nhận được đầy đủ năng lực gia trì không gián đoạn từ Truyền thừa vinh quang, bạn cần có hiểu biết và tri kiến về Truyền thừa của mình để trân trọng và tri ân chư Thượng sư của Truyền thừa Drukpa từ Đức Phật Nguyên Thủy Kim Cương Trì Varjadhara, tiếp nối qua các bậc Thầy giác ngộ về sau. Điều này là tối cần thiết cho sự tinh tấn của các hành giả chân chính. Nhưng nếu các bạn không tự coi mình là người hành giả chân chính thì cũng không sao, các bạn vẫn có thể dạo chơi tự tại, phung phí hoặc khỏa lấp các khoảng trống trong quỹ thời gian của mình, … Điều đó không hề hấn gì và thực sự không phải là vấn đề lớn. Song nếu bạn mong muốn trở thành một hành giả chân chính, chắc chắn bạn phải tri ân Truyền thừa. Điều đó tương tự như trong mối liên hệ của bạn với một người bồi bàn ăn vận thật đúng kiểu, đội trên đầu một chiếc mũ giấy dài màu trắng của nhà bếp. Nhưng anh ta không phải là bếp trưởng mà chỉ là người mang thức ăn tới và đứng sẵn đó để phục vụ bạn bên bàn ăn. Nếu bạn đã quen thuộc với người này thì anh ta có thể mang những món ăn có sẵn từ trong bếp ra cho bạn, những món mà bạn ưa thích và chỉ dẫn cho bạn món nào là đồ chay, món nào là đồ mặn, đâu là khoai tây, … Anh ta có thể đưa ra những chỉ dẫn như thế, tuy nhiên anh ta không phải là người chế biến và nấu nướng những món đó! Người nấu nướng là người ở phía trong bếp và là người phải làm việc thực sự vất vả. Vì thế mà bạn phải biết trân trọng người nấu nướng ẩn mặt hơn là người bồi bàn đứng ngay bên cạnh mình, dù anh ta có đội một chiếc mũ thật điệu và nói những câu êm ái, dễ chịu.
 

Như thế, trong mối tương quan đối với bạn, tôi đang đóng vai trò chỉ dẫn như người bồi bàn khi giải thích rằng: “đây là món chay, đây là món mặn, món này nhiều muối, món kia nhiều đường, …”. Công việc hiện tại của tôi là như vậy. Vì thế, cùng với việc trân trọng tôi và công việc của tôi, các bạn cần biết trân trọng những người ẩn mặt đóng góp to lớn vào những lợi ích bạn đang được hưởng. Ý nghĩa của cuộc Pháp thoại này là như vậy đó!

Viết bình luận

Cùng chuyên mục

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,126,691
Số người trực tuyến: