Dù rất thông tuệ nhờ sách vở, bạn vẫn cần sự gia trì của Thượng sự | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Dù rất thông tuệ nhờ sách vở, bạn vẫn cần sự gia trì của Thượng sự

1073
02/02/2024 - 22:06

Ngày nay, với phương tiện truyền thông xã hội, với thư viện, bạn chỉ cần đi mua sách để tự học, và sau đó nếu bạn đủ thông minh, có thể bạn sẽ hiểu mọi thứ, tự biết mình phải làm gì, phải thực hành như thế nào. Nhưng đó không phải là trí tuệ, điều mà chúng ta chỉ có được nhờ sự gia trì của Thượng sư. Nếu không được gia trì, bạn sẽ không am hiểu trọn vẹn.

Cho dù bạn có thể thấy mình đã hiểu, điều đó thật tốt, thật kỳ diệu, nhưng bạn sẽ không có được trí tuệ toàn tri, bạn sẽ không thể thành tựu giác ngộ, thành tựu Phật quả, điều đó là chắc chắn.

Như vậy, hiểu biết cần phải đi đôi với ân phúc gia trì. Và do đó, chúng ta cần đón nhận quán đỉnh. Đôi khi chúng ta có thể gọi nó là sự gia trì, đôi khi chúng ta có thể gọi nó là truyền quán đỉnh, và dù muốn gọi thế nào, thì chúng vẫn cần được quán đỉnh. Sự hướng đạo này rất cần thiết, không chỉ vì chúng ta làm theo truyền thống.

Truyền thống Kim Cương thừa có mối liên hệ sâu sắc với sự gia trì, với ân phúc gia trì của Thượng sư, sự tương ứng với Thượng sư, điều này rất cần thiết, rất quan trọng, tới mức chúng ta không thể bỏ qua hoặc coi như không có.

Khi tôi khởi xướng thiện hạnh Sống để Yêu thương, tôi đã nghĩ Sống nêu biểu lòng Từ bi, còn Yêu thương nêu biểu cho hành động. Đó là những gì tôi nghĩ. Vì thế tôi gọi là thiện hạnh Sống để Yêu thương. Bạn sống trong thế giới này, bạn cần đưa trí tuệ vào trong đời sống thường ngày. Tất cả đều là trí tuệ, bạn biết đấy, ngay từ việc pha một tách trà cũng cần phải có trí tuệ nếu xét về bản chất.

Nếu bạn không có trí tuệ khi pha một tách trà, bạn sẽ không thể có một tách trà ngon. Vì thế bạn cần trưởng dưỡng trí tuệ mỗi ngày. Khoan nói đến trí tuệ Đại Thủ Ấn hay Đại Toàn Thiện, hãy chỉ tập trung vào trí tuệ trong việc pha trà. Chính nó cũng là một Đại trí tuệ.

Làm thế nào để chuyển hóa việc pha một tách trà thành trí tuệ?

Trí tuệ cần phải được trưởng dưỡng từng chút một qua những việc nhỏ hàng ngày. Phải có sự tích lũy như vậy thì bạn mới có được Trí tuệ Toàn tri, hay Trí tuệ Đại Thủ Ấn. Chúng ta cần suy nghĩ về điều này.

Chúng ta cần hiểu cuộc sống hàng ngày không phải chỉ cứ thế sống, chỉ tiêu tốn thời gian vô ích. Cuộc sống là một quá trình trưởng dưỡng trí tuệ, từ sáng sớm khi bạn mới thức dậy đến tận tối khi bạn lên giường đi ngủ.

Đây một quá trình diễn ra thường xuyên, liên tục trau dồi để bản thân để trí tuệ dần trở nên sắc bén. Mỗi phút, mỗi giây trong cuộc sống của bạn cần phải tận dụng cho sự thực hành trí tuệ. Đó mới đích thực là sống.

Theo tôi, chúng ta nên hiểu rằng sống không có nghĩa là trơ lỳ như một tảng đá, cứ nằm ỳ một chỗ. Bạn thấy đấy, nếu cứ trơ lỳ như tảng đá thì chẳng có nghĩa lý gì. Đá chẳng hề có trí tuệ để trưởng dưỡng, nhưng chúng ta sống trong thế giới này, sống thực sự có nghĩa là tiến hoá. Vì vậy, cuộc sống thực sự phải kèm theo phát triển trí tuệ theo cách này hay cách khác. Như vậy, cuộc sống mới thực sự có nhiều ý nghĩa. Nói cách khác, nếu bạn không biết và nếu bạn không hiểu ý nghĩa thực sự của cuộc sống thì cuộc sống đó không có ý nghĩa gì nhiều. Nhưng nếu bạn thực sự suy nghĩ một cách triết lý và chính xác, bất cứ điều gì, bất cứ phương tiện nào bạn có thể sử dụng để hiểu cuộc sống là gì, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều điều để nói.

Vì vậy, sống không đơn giản, nó thực sự hợp nhất với toàn bộ giáo lý của Ngài Long Thọ, hoặc toàn bộ giáo lý của Đức Phật Thích Ca, hay giáo lý Đại Toàn Thiện, v.v. Sống là một từ rất quan trọng mà chúng ta phải thực sự đề cập đến.

(Trích khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa tại Hongkong, 2018)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,028,997
Số người trực tuyến: