Đức Thuksey Rinpoche | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đức Thuksey Rinpoche

2026
21/03/2016 - 19:46

Bài giới thiệu của Đức Pháp Vương về bậc Thượng sư của Ngài: Đức Thuksey Rinpoche đời thứ I.

Tôi không dám nhắc đến Pháp danh của Ngài nhưng vì lợi ích vô lượng hữu tình, xin được giới thiệu Ngài là “Ngawang Gyurme” nghĩa là "Viên Âm Thần lực Bất Biến". Ngài còn có pháp danh là "Mipham Shedrub Chokyi Nyinje" có nghĩa: "Mặt Trời Phật Pháp Vô Song Uyên Bác Thành Tựu".

Bậc Đại Thánh nhân trên về bản chất chính là Bản lai diện mục của Đức Phật Kim Cương Tổng Trì Vajradhara. Ngài an trụ tự tại vĩnh hằng siêu việt mọi đối đãi hư ngụy về sinh tử. Tuy nhiên, trên bình diện tương đối vì đại sự nhân duyên, Ngài quyết định đản sinh vào cõi uế trược này nhằm giáo hóa chúng sinh vô minh phàm tục như chúng ta - những kẻ còn bị ái kết nặng nề chấp thủ mọi quan kiến thế gian tầm thường.

Ngài đến với thế giới Ta bà  giống như sự thị hiện  của Đức Phật Thích Ca. Sau khi trao vương miện thừa kế ngôi Pháp báu cho Bồ Tát Thắng Diệu (lúc bấy giờ Đức Phật Thích Ca là Bồ Tát Diệu Bạch), Đức Phật từ cõi trời quán sát năm điềm lành cho sự hiện thân vào cõi Ta Bà một cách hòa hợp giống như mặt trời rực rỡ tỏa rạng xuống trần gian, sau đó Đức Phật chọn Đức Vua Suddhodana xứ Ấn Độ làm phụ thân. Tương tự như vậy, Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche chọn phụ thân thuộc dòng tộc Mukpo cao quý, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X - Đấng Thiên long Toàn Tri. Ngài chọn mẫu thân là Phurpa Lhamo, bà là con gái của Đại Thành tựu giả Shakya Shri, một thiếu nữ xinh đẹp thánh thiện với đầy đủ dấu hiệu của một Dakini.

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ X)

Năm Đinh Tỵ (1917),"Người con tôn quý" Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche đản sinh với vô số điềm lành thù thắng tại vùng nhập thất Kyiphuk (Hang Hỷ lạc) thuộc thánh địa Tsari, nơi luôn được đón nhận sự ban phước từ  Đấng Hộ trì Tsangpa Gyare.

(Thánh địa Tsari)

Khi còn nhỏ, Ngài được cha là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa gửi đến tự viện Zigar ở huyện Dergey tỉnh Kham để học tập. Ngài bắt đầu từ các môn cơ bản và tinh tiến nghiên cứu tam tạng kinh điển của Tam Thừa đặc biệt là Ngũ Minh học.

(Tự viện Zigar)

Đấng Hộ trì Quy y Gyalwang Tenzin Palzangpo là Đại sư tôn quý của tự viện Zigar đã giáo dưỡng Ngài với lòng từ bi vô lượng. Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche thường kể lại cho tôi nghe việc Zigar Rinpoche thể hiện tình thương vô bờ với Ngài, luôn quan tâm tới việc sinh hoạt, giảng Pháp… và luôn tận tình chu đáo hơn bất kể người nào.

Sau khi hoàn thành chương trình các môn học cơ bản, Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche thụ nhận giáo pháp từ rất nhiều Đại sư của cả hai truyền thống Kim Cương Thừa tân phái và cổ phái, qua đó Ngài thụ nhận truyền thừa trực tiếp hằng sa giáo huấn có thể cắt đứt mọi nghi ngờ không cần sử dụng từ ngữ mà dựa vào nghĩa lý tối thượng. Tôi không thể kể hết tất cả những Đại sư đã truyền trao giáo pháp cho Ngài, tôi chỉ xin kể ngắn gọn một số vị.

Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche thọ học từ Ngài Zigar Rinpoche đời thứ VII rất nhiều Pháp quán đỉnh, truyền thừa kinh điển cũng như các giáo pháp thực hành tinh yếu trong dòng Mật thừa Đại Thủ Ấn, bắt đầu từ các Pháp Tu Mở Đầu - là Bốn Pháp Thiền Quán chuyển hóa tâm thức.

Ngài còn học từ người bác ruột - Đại sư Thagchog Dorje - con trai của Đại Thành Tựu Giả Shakya Shri. Đại sư đã chứng đắc trạng thái chuyển hóa ảo giác vào thực tại, được nhiều học giả và các bậc thầy thành tựu của mọi dòng phái ca ngợi tán thán. Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche thụ nhận hầu hết giáo pháp Truyền thừa Nyingma từ bậc Thầy vĩ đại này, đặc biệt là các pháp thiền định Đại Toàn Thiện như: Trekcheu “Khai ngộ” tự tính bản lai và Teugal "Trực ngộ" Ba la mật tự nhậm vận. Hai pháp này giúp thành tựu Giác ngộ không qua thiền định và là pháp hoàn hảo tinh túy hợp nhất của tất cả các thừa.

Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche thụ nhận từ Đức Đại thần lực Choegon Rinpoche Thutop Chokyi Gyatso đời thứ VII nhiều pháp quán đỉnh dòng Drukpa vinh quang như: "Năm Bộ Nghi Quỹ", "Tứ Pháp", “Kim Cương Tràng" và vô số các nghi quỹ khác. Ngài còn nhận vô lượng kinh điển khẩu truyền của riêng dòng mình.

Ngài thụ nhận một số Kinh điển và các giáo Pháp tinh yếu của truyền thống Drukpa Bhutan từ Đấng Giương Cao Tràng Phan Chiến Thắng Lopon Sonam, một đệ tử thân cận của Thành tựu giả Shakya Shri.

Ngoài ra, Ngài thụ nhận từ "Đấng Nắm Giữ Ngai Vàng" Tripon Pema Choegyal - Đức Bản sư Thiền định của Ngài và là chủ của Ngũ Bộ Phật (hồng danh là Trulshig Dorje Chang) - tinh túy  giáo pháp trong đó có "Giáo lý Ba Thân" của dòng Drukpa Kargyu giống như nước trong bình này được rót sang bình kia tới giọt cuối cùng. Dưới sự hướng đạo tận tình của Bản sư, mọi nghi ngờ lần lượt minh tỏ rốt ráo cho tới khi Ngài thành tựu thực chứng toàn giác.

Với tâm nguyện mãnh liệt dành trọn cuộc đời cho việc ẩn cư thiền định, Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche đã hoàn thành ba kỳ nhập thất miên mật, mỗi kỳ ba năm. Kết thúc mỗi kỳ nhập thất, Ngài vẫn tha thiết được chuyên tu nữa, không muốn dành thời gian cho bất kỳ hoạt động nào khác. Nhưng vì lợi ích Phật Pháp, Ngài phải nhập thế phổ độ chúng sinh. Có lần, Ngài tâm sự với tôi rằng: Tuy thời gian nhập thất không thể quá mười năm nhưng trong thời gian này, Ngài đã chuyên tâm, tinh tấn nỗ lực tu hành không ngừng thực tập tất cả những giáo pháp đã được truyền dạy.

Nhờ chuyên tâm tinh tiến tu tập, Ngài thành tựu việc kiểm soát hoàn toàn năng lượng vi tế - các luân xa và khí mạch trong cơ thể. Thậm chí trong suốt mùa đông giá rét nhất, Ngài chỉ cần khoác tấm y vải thô và một dải thắt ngang lưng bất kể ngày hay đêm, không cần sưởi ấm bằng ánh nắng mặt trời hay lửa đốt. Bất luận chỗ nào Ngài an tọa, chỗ đó băng tuyết đều tan chảy. Đây là một dấu hiệu thù thắng chứng tỏ sự thành tựu viên mãn của Ngài mà chúng ta có thể dễ dàng nhận biết.

Thông thường, những phẩm hạnh của các bậc thánh giả thành tựu cao cấp được giữ bí mật tuyệt đối, không hiển lộ, giống như những pháp tu Yogi và công hạnh của các Ngài nên chúng ta không có cơ duyên thấy biết trực tiếp. Tuy nhiên, đôi khi những người có phúc duyên có thể hiểu ra được tầm quan trọng đó từ một vài giọt pháp nhũ nơi kim khẩu của các Ngài.

Một hôm trong suốt buổi lễ, Đức Quy y hơi mệt tỏ ra như đang buồn ngủ, thoạt đầu Ngài ngừng trì tụng, rồi nhắm mắt trong tư thế vẫn trang nghiêm. Để đánh thức Ngài, tôi hỏi rằng: "Hình như Thầy đang buồn ngủ? Thỉnh Thầy tiếp tục trì tụng ạ!". Ngài đáp lại: "Ồ đúng vậy, nhưng con phải biết giấc ngủ của ta không giống của con đâu" và Ngài còn nói nhiều từ lạ lùng mà tôi không hiểu được thâm nghĩa.

Có nhiều trường hợp tương tự như vậy nhưng làm sao tôi có thể lĩnh hội được ý nghĩa sâu xa khi mình còn quá vô minh và trí tuệ còn nhiều nông cạn? Nhờ tư duy và quán chiếu tường tận, tuy muộn màng nhưng giờ đây tôi mới thấu hiểu được những lời dạy này đều hàm chứa ý nghĩa vô cùng huyền diệu.

Xin nêu một điển hình nữa, suốt ngày đêm Ngài thường nhìn chăm chú không chớp mắt những tia nắng mặt trời, ánh đèn bơ hay bất kỳ ánh sáng nào trước mặt. Một hôm, tôi tự hỏi không biết Ngài đang nhìn gì, bèn tiến lại gần hỏi rằng: "Bạch Thầy! Thầy đang nhìn gì vậy? Thầy đang cố tìm kiếm gì vậy? Thầy đang buồn ngủ ạ?". Tôi đã hỏi bất kỳ câu hỏi nào xuất hiện trong đầu.

Ngài trả lời "Ồ! Thật nhiều điều kỳ diệu để quan sát. Này con! Con sẽ thấy ý vị đấy… Sự hiển bày của các pháp rất diệu kỳ nhưng hiếm có người liễu ngộ được. Nếu nhìn theo cách này, con sẽ thấy, sẽ biết được nhiều thứ khác nữa….". Rồi sau đó, Ngài hướng dẫn tôi một chút phương pháp quán sát này.

Với hy vọng nhìn thấy màn trình diễn kỳ diệu của các pháp, tôi cố gắng nhìn đi nhìn lại mà vẫn chẳng thấy gì. Khi đó Ngài cười nói với tôi rằng: "A ha! Khó mà thực hành được đấy. Hãy tạm quên nó đi, nó sẽ có hại cho mắt con đấy."

Giờ đây, khi suy ngẫm lại những kỷ niệm này, tôi mới thấu hiểu rằng Ngài đang ngắm nhìn sự hiển bày của vũ trụ bất khả phân với thực tướng thanh tịnh vô tác. Dường như vào lúc đó, Ngài đang chiêm ngưỡng những Bản tôn hiền hòa và phẫn nộ cùng ánh hào quang rực rỡ, những khối cầu ngũ sắc của các Báo Thân Phật tức là Thân Đại Lạc hiện thân trong giai đoạn trung ấm. Ngài đạt năng lực liễu ngộ như vậy bởi vì đã dốc hết thân tâm tu tập pháp thiền định Dzogchen tinh yếu của Teugal - pháp tinh yếu "Trực ngộ Ba la mật tự nhậm vận". Giờ đây tôi hoàn toàn tin chắc điều này và mỗi khi nhớ lại, lòng sùng kính lại trào dâng trong tôi khiến tôi bàng hoàng kính sợ.

Một bậc thánh nhân vĩ đại dường ấy có lòng từ bi tự nhiên vô tác, Ngài là Tam Bảo chủ, Ngài là Đức Phật Kim Cương Tổng Trì Vajradhara - bậc trì giữ Kim Cương vô thượng, công hạnh giác ngộ của Ngài tỏa sáng vô lượng ánh hào quang tràn ngập khắp ba cõi. Một người vô minh và trí tuệ thấp kém như tôi làm sao có thể kể hết những thiện hạnh của Ngài.

Tuy nhiên, nhằm dẫn dắt chúng sinh theo đúng căn cơ của họ, những đệ tử của Ngài chỉ nhìn theo lăng kính thông thường nên không thể kể hết được tất cả công hạnh của Hóa thân (tức hiện thân của Ngài trong cảnh giới của chúng ta).

Ngài luôn bố thí tài vật cá nhân, từ bỏ mọi sở hữu dù lớn hay nhỏ. Có lần Ngài dùng hết tài sản của mình để mua rất nhiều pháp khí bằng vàng, bằng bạc, thanh tịnh trang nghiêm để cúng dường đại lễ quán đỉnh siêu việt, pháp tu Mahakala Bốn Tay được diễn ra một vài ngày do Ngài tổ chức tại tự viện Zigar miền đông Tây Tạng.

Ngài còn cung thỉnh Đức Khenpo Dondhen từ tự viện Surmang đến tự viện Zigar và mở trường đại học triết học cho mười lăm Tăng sinh. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có bốn Tăng sinh đạt học vị tiến sĩ Phật học. Cho đến nay, các vị Khenpo này vẫn tiếp tục hoằng dương Phật Pháp vì lợi ích vô lượng chúng sinh. Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche còn lập trường Đại học Triết học tại tự viện Sangag Choeling - trụ xứ chính của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, nhằm hỗ trợ phụng sự cho tự viện và Truyền thừa

(Tự viện Sangag Choeling)

Sau cuộc chính biến năm 1959 tại Tây Tạng, chính quyền tôn giáo bị lật đổ, Phật pháp nói chung và Truyền thừa Drukpa nói riêng đứng trên bờ vực của sự diệt vong. Với lòng từ bi vô lượng và lòng can đảm bất khả tư nghì, Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đã kiên tâm thắp lên ngọn lửa Phật pháp từ những đống tro tàn.

Vì lợi ích các cõi khác, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XI đã viên tịch quá sớm. Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche cử hành tang lễ cho Ngài. Sau đó Ngài tìm thấy tôi là Hóa thân kế tiếp, giáo dưỡng và ấn chứng cho tôi đăng ngôi Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, hướng đạo cho tôi vào Phật pháp và ân cần hướng đạo dìu dắt kẻ phàm tục như tôi trên con đường thế gian và xuất thế gian, lòng từ bi của Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche tôi thật không sao kể xiết.

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hiện đời và Đức Thuksey Rinpoche đời trước)

Mặc dù trí tuệ của Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche siêu phàm không gì ngăn ngại nhưng trong khi đi tìm Hóa thân của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, Ngài vẫn tôn trọng theo đúng truyền thống xin lời huấn thị từ Đức Dalai Lama - vị lãnh tụ tâm linh và thế gian vĩ đại của Tây Tạng cùng lời huấn thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Karmapa đời thứ XVI.

Với lòng khẩn cầu tiêu trừ vô số chướng ngại, Ngài cử hành các nghi lễ cúng dường đèn và nhiều nghi lễ khác để thỉnh cầu các vị Hộ pháp đã phát nguyện bảo hộ Truyền thừa và chư Bản Tôn hộ pháp của Truyền thừa.

Dưới sự thống nhất các linh kiến giác ngộ, tôi được ấn chứng và ban Pháp danh “Gyalwang Drukpa” vào năm 1966. Ngoài phúc duyên ấy, như mọi người đều biết, tôi rất vô minh với tri kiến và các phẩm chất bên ngoài cũng như bên trong đều ít ỏi và mỏng manh như cánh hoa sen. Tất cả phẩm hạnh dù nhỏ bé nhất mà tôi có được chính là nhờ sự gia trì của Thầy tôi - Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche.

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và Đức Thuksey Rinpoche)

Vào những năm của thập niên 70, Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche tôn tạo lại trụ xứ mới của Truyền thừa Drukpa vinh quang với nhiều biểu tượng Thân, Khẩu, Ý giác ngộ. Ngài cũng duy trì chuyển bánh xe Pháp tại hai tự viện nhỏ hơn với ba thứ lớp là học giáo lý, thiền định và thực hành công hạnh lợi tha.

Sau đó, theo lời thỉnh cầu của các Phật tử, Ngài đã tới khắp các vùng cao nguyên Ladakh, truyền quán đỉnh, thuyết pháp, khuyến khích thực hành ba giới luật căn bản. Hàng trăm tu sĩ tín tâm được Ngài truyền giới Sa di và Tỳ kheo, sau này đều trở thành những vị Thượng sư hướng đạo tâm linh lý tưởng cho tất cả chúng sinh.

Lúc bấy giờ ở Ladakh xảy ra một đợt hạn hán khắc nghiệt. Do thiếu mưa, người dân phải đối mặt với nguy cơ nạn đói đe dọa, Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đã ban phước mưa kịp thời. Nhận thấy có các nguồn nước sạch tại một số khu vực, biết được nhân duyên của dân chúng đã đến lúc chín muồi, Ngài liền đi ngược dòng vào trong núi. Trong khi đi lên, mặt đất khô cằn nứt nẻ, càng lên cao càng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống. Nhưng khi Đức Nhiếp Chính Vương vừa hoàn thành lễ cầu nguyện và quay trở xuống chân núi, cơn mưa liền đổ xuống như trút, nước tràn khắp mọi nơi. Tới nay, dân chúng vẫn thường kể lại ngày hôm đó nước mưa tinh khiết thanh tịnh tuyệt vời trút xuống giống như sữa, từ sông suối đầy tràn các kênh nước để tưới tiêu. Kể từ khi ấy không bao giờ còn xảy ra nạn đói khát nữa.

Tại tất cả các vùng Ladakh, người dân đều theo Truyền thừa Drukpa, Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche cho xây dựng những ngôi chùa mới, trang hoàng với những biểu tượng linh thiêng và tiến hành trùng tu các ngôi chùa cổ. Ngài còn khuyến khích dân chúng thực hành thiện nghiệp. Hàng năm, Ngài vẫn cử hành đại lễ cho cộng đồng dân chúng trì một trăm triệu biến Chân ngôn Lục Tự Đại Minh. Ngày nay, nơi mỗi ngọn đồi và thung lũng ở Ladakh, các bậc Thầy thuộc mọi Truyền thừa Phật giáo vẫn duy trì pháp tu này.

Tại Darjeeling và nhiều nơi khác của Ấn Độ, Ngài truyền bá giáo pháp trì tụng một trăm triệu biến Chân ngôn Lục Tự Đại Minh và trang hoàng nhiều biểu tượng linh thiêng Thân, Khẩu, Ý giác ngộ.

Ngài đã viếng thăm các Vương Quốc Kulu, Lahaul và Bhutan, ban truyền giáo pháp khiến vô số chúng sinh thuần thục và giải thoát không thể kể xiết.

Các đệ tử thành tín phương Tây thỉnh mời Ngài đến đất nước của họ nhưng Ngài không quan tâm đến việc truyền bá giáo pháp ở phương Tây và Ngài thể hiện là sẽ không bao giờ tới đó. Tuy vậy, một hôm Ngài nói: "Trong giáo Pháp có dạy, trước khi chết con kiến mọc cánh và bay vào hư không, bởi vậy ta sẽ đến đó một lần". Ngài ám chỉ nhiều dấu hiệu hàm chứa cho biết là Ngài sẽ không còn trụ thế dài lâu, song lúc đó vì quá vô minh nên tôi đã không nhận ra.

 

(Drukpa Plouray, Pháp ngày nay)

Ngài đã viếng thăm nước Pháp và nhiều nước Châu Âu khác, tuôn mưa Pháp cam lồ lên những Phật tử đầy tín tâm. Ngài cũng kiến lập nhiều cơ sở Phật pháp để chuẩn bị cho sự nghiệp hoằng dương truyền bá giáo pháp sau này.

Không bao lâu sau đó, Ngài lâm bệnh và khi tôi hỏi: "Bạch Thầy! Con nên cử hành những nghi lễ gì, dùng thuốc nào để chữa bệnh cho Thầy?"

Ngài dạy: "Hãy gieo một quẻ và thực hành theo những gì trong quẻ, thế là đủ rồi. Nhưng dù thế nào thì căn bệnh này cũng khiến ta không trụ thế dài lâu".

Kể từ đó, mặc dù bệnh rất nặng, Ngài không ngừng truyền dạy những giáo pháp cuối cùng. Tôi và tất cả các huynh đệ thực hiện rất nhiều nghi lễ thỉnh cầu trường thọ, nhờ vậy mà Ngài thọ thêm ba năm nữa.

Ngài từ giã sắc thân, thị hiện hòa nhập vào Pháp giới tuyệt đối nhằm ngày 24 tháng Giêng năm Quý Hợi theo lịch Kim cương thừa , tức ngày 8 tháng 3 năm 1983, trụ thế 67 năm.
 

LỜI BẠT

Tối Thượng Thừa bừng sáng quang minh
Của vô số phi thường thiện hạnh.
Ôi! Đạo sư tôn quý quang vinh
Chủ của từ bi tâm vô ngại,
Sáng soi chúng con lòng thành kính
Như mặt trời trên đỉnh tuyết sơn.
Con cúi đầu đỉnh lễ Tôn Sư!
Xua tan hết vô minh hắc ám.
Muôn vàn ánh hào quang tỏa rạng
Lòng từ bi siêu việt thường hằng,
Ngài hiện thân như ngọn Kailash
Hộ trì chân tính của chúng con,
Nụ cười trắng xóa tuôn tràn khắp
Những dòng sông giải thoát chúng sinh.
Nguyện lợi ích hữu tình Giác mãn,
Tràn ngập pháp giới không cùng tận!

 

Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche đời thứ II
 

(Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche)

Năm 1986, nhằm ngày mùng mười tháng giêng lịch Tây Tạng, Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche đời thứ II đản sinh tại Chushul, Ladakh. Trước khi Ngài chào đời, rất nhiều bậc trưởng lão và Lama cao cấp đã nói với mẫu thân của ngài rằng đứa trẻ mà bà sắp hạ sinh sẽ là một người vĩ đại và nên mang đứa trẻ đặc biệt này đến với Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa ngay khi vừa ra đời. Trong suốt tuần lễ trước khi Ngài giáng sinh đã xuất hiện những loài chim lạ cạnh nhà Ngài và trời mưa bay lất phất xuống ngôi làng nơi gia đình Ngài sinh sống. Không may, thân mẫu của Rinpoche đã qua đời trong lúc lâm bồn.

(Bản đồ Chushul)

 

Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chiêm bao rất nhiều lần và trong các linh kiến, Ngài thấy Hóa thân chuyển thế của Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche sinh hạ ở Ladakh. Tháng 7 năm 1987, Đức Dalai Lama đời thứ XIV và Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa cùng nhau viếng thăm động Gyalwa Gotsangpa gần tự viện Hemis và thiền định nơi đây trong hai tiếng. Thông qua sự thiền định và những linh kiến thanh tịnh, cả hai Ngài đều có chung một kết luận rằng đứa trẻ đặc biệt ở Chushul chính là Hóa thân chuyển thế của Đức Nhiếp Chính Vương Thuksey Rinpoche đời thứ I. Một thời gian ngắn sau đó, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã đích thân tới thăm làng Chushul và bày tỏ lòng tôn kính và cúng dường Mandala trường thọ lên Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche, Bậc Thượng sư đầu tiên của Ngài đã Hóa thân chuyển thế. Rồi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa yêu cầu gia đình chăm sóc chu đáo cho Đức Nhiếp Chính Vương. Cậu bé khiến tất cả mọi người kinh ngạc khi biết trước điều gì đang đợi Ngài trong buổi lễ cúng dường Mandala.
 

 

(Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche được đón về tự viên Druk Thubten Sangag Choeling)

 

Ngày 30 tháng 6 năm 1988, khi Đức Nhiếp Chính Vương được hai tuổi rưỡi, ngài rời Ladakh cùng với Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đến Tự viện Druk Thubten Sangag Choeling ở Darjeeling. Bốn tháng sau, vị Rinpoche trẻ tuổi chính thức đăng quang tại ngôi tự viện do chính Hóa thân đời trước của Ngài kiến tạo. Kể từ đó, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa chăm lo việc nuôi dưỡng và giáo dục vị Hóa thân chuyển thế của Thượng sư giống như Thượng sư đã từng chăm sóc cho Ngài.

 

 

Nguồn: Kyabje Thuksey - Guru, www.drukpa.org

The Deeds of Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche - Trích trong cuốn: "The Wand That Opens The Eyes And DispelsThe Darkness of Mind"

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,028,471
Số người trực tuyến: