Học Đức Bairo Rinpoche cách nuôi dưỡng con trẻ bằng tình yêu thương và trí tuệ | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Học Đức Bairo Rinpoche cách nuôi dưỡng con trẻ bằng tình yêu thương và trí tuệ

281
23/03/2020 - 06:30

Từ khi tôi ra đời, Đức Bairo Rinpoche đã đích thân dạy dỗ tôi cả về tâm linh và thế tục. Đôi lúc tôi thấy tự hào là trong tất cả trẻ em ra đời trên thế giới này, chỉ có vài người may mắn như tôi có được các bậc sinh thành như vậy. Tất nhiên mọi người chắc chắn đều cảm nhận như vậy. Kính trọng và tri ân cha mẹ là hành vi tốt theo cả nghĩa tâm linh và thế tục. Điều đó cũng đem lại cho bạn cảm giác hoan hỷ và tự hào đặc biệt.

Thông thường, chúng ta đặt nặng các vấn đề tâm linh hơn các vấn đề thế tục. Nhưng tôi thấy các vấn đề thế tục cũng không kém phần quan trọng và cốt yếu bởi nếu thiếu các điều kiện thế tục thì chúng ta sẽ bận rộn để tìm cách đạt được các điều kiện đó. Ví dụ, trường hợp của tôi, sau khi tôi ra đời khoảng một giờ đồng hồ, Đức Bairo Rinpoche đã bế tôi lên và tắm cho tôi với tình thương yêu của Ngài. Cho đến giờ Ngài vẫn kể lại một cách hoan hỷ: “Thậm chí ngay lúc đó con đã biết cách ôm lấy cổ ta”. Tôi không nhớ nhưng mọi người có nói lại cho tôi là trong nhiều ngày sau đó, Đức Bairo Rinpoche cho tôi ngủ cùng trên giường của Ngài. Đôi khi tôi ước có một bức ảnh về thời gian đó. 

Khi tôi lớn lên, Ngài cho tôi mọi thứ cần thiết, đồng thời khéo léo tránh những gì không cần thiết. Ngài chăm sóc cho tôi từng li từng tí, từ việc ăn, uống, mua sắm quần áo cho tới chơi đùa cùng. Ngài luôn ở bên tôi cho dù trời nắng hay mưa, gió lớn hay bùn lầy. Đó là tình yêu thương vĩ đại Ngài dành cho tôi bởi đi theo và chơi với tôi là cách lợi ích nhất cho tôi vào thời gian đó. Việc này đã có tác động lớn tới cả cuộc đời tôi. 

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa và cha - Đức Bairo Rinpoche)

Khi tôi lớn hơn nữa, Ngài dạy tôi phải kính trọng người lớn tuổi, quan tâm đến người dưới và thân thiện với người ngang hàng. Điều này có một ảnh hưởng tích cực và đem lại sự khác biệt lớn đối với thái độ của tôi trong cuộc sống. 

Sự giáo dưỡng thủa ấu thơ có vai trò quan trọng nhất đối với sự hình thành tích cách phẩm chất của con người

Một số người trở thành hung ác là do thiếu sự chỉ bảo và nuôi dạy đúng đắn của cha mẹ. Chính Đức Bairo Rinpoche là người đầu tiên chăm sóc tôi với cả tình yêu thương, vì vậy tôi được trải nghiệm sự chăm sóc từ bi cả về vật chất và tinh thần cho đến tận ngày nay. Những ai không quan tâm đến việc nuôi dạy con cái sẽ không hiểu điều này. Khi không hiểu vai trò của cha mẹ, họ sẽ băn khoăn không hiểu cha mẹ từ bi nghĩa là gì. Họ cũng không thể hiểu được tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác. Với họ, việc đặt người khác lên trên lợi ích của mình sẽ mãi chỉ là lời nói đầu môi.

Nếu bị bỏ lại một mình thì chúng ta sẽ rất khó tồn tại và duy trì được thể chất và tinh thần. Khi chào đời, chúng ta không tự nhiên sở hữu một cơ thể cao lớn, các kỹ năng khác nhau, nói năng lưu loát và các ý tưởng. Chúng ta phải hiểu sở dĩ mình được như ngày hôm nay là nhờ có cha mẹ, đồ ăn thức uống, tứ đại, môi trường tự nhiên, hơi thở… và đừng quên lòng tốt của mọi người. Nếu suy ngẫm về việc liệu bản thân có quan trọng lắm hay không, bạn sẽ hiểu rằng ta không được mù quáng nuông chiều sự ích kỷ.

Ngày nay, rất nhiều người lớn hạn chế con trẻ làm điều này hay điều kia, nói chúng không được ăn cái này, uống cái kia, tưởng rằng như thế là vì yêu thương chúng và không để cho chúng làm việc gì. Chúng ta, những người lớn không hiểu rằng sự cấm đoán này chính là việc đem lại nhiều nỗi niềm nhất cho con trẻ. Thậm chí có người còn sử dụng biện pháp đánh đập để kỷ luật đối với trẻ 6 - 7 tuổi. Không có gì tốt đẹp với những hành vi đó và đó cũng không phải cách đúng đắn để rèn rũa một đứa trẻ. Có rất nhiều người trẻ vi phạm đạo đức thế tục và tâm linh và những bậc cha mẹ từng đánh con phải run sợ trước những thanh niên này, thậm chí không dám nhìn thẳng vào mắt họ. Cha mẹ và giáo viên phải suy nghĩ đúng đắn hơn. Đánh đập con cái cho thấy bạn thiếu tình yêu thương và tình cảm dành cho người khác, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Tôi nói ra điều này với hy vọng rằng các bậc cha mẹ, các cha mẹ tương lai và giáo viên trong các tự viện và trường học có những quan niệm đúng đắn về cách đối xử giáo dưỡng trẻ.

Nuôi dưỡng con bằng tình yêu thương và trí tuệ

Người không biết nuôi dưỡng con cái với tình yêu thương thì người đó chưa trưởng thành. Đối với một người tại gia, chỉ sinh con thì chưa đủ mà họ còn phải có khả năng nuôi dưỡng con với tình thương yêu bằng cách cho đứa trẻ những gì nó cần. Khi trẻ bước vào tuổi niên thiếu, cha mẹ cần phải chỉ bảo và rèn rũa con bằng sự kiên nhẫn bởi nếu con trẻ vô kỷ luật ở tuổi này, chúng sẽ không thể uốn nắn khi lớn lên. Đó sẽ là sai lầm lớn nhất của cha mẹ. 

(Cha và con gái)

Khi bước vào tuổi thanh niên, con cái cần phải được thường xuyên khuyên bảo bằng cách nêu ví dụ. Làm gương là cách rất hiệu quả. Cha mẹ không được có các hành vi đánh đập, nói sai, lừa dối, quát nạt hay say xỉn trước mặt con cái bởi những ảnh hưởng tâm lý đối với trẻ ở lứa tuổi này có thể vô cùng tiêu cực. Tôi có thể nói rằng tôi tồn tại được hoàn toàn nhờ vào các đức hạnh của cha mẹ tôi chứ không chỉ bằng việc nuôi dưỡng tôi đầy tình thương yêu, cho tôi ăn mặc và chơi đùa với tôi. Tôi nói chuyện này với cách nhìn từ đời sống hàng ngày chứ không phải từ quan điểm của đời sống tâm linh. Trước đây có người nói với tôi: “Ngài không thể bỏ cha mẹ mình cho dù là ở tuổi trưởng thành. Có chuyện gì xảy ra vậy?” Lời nhận xét này đã làm cho tôi hiểu thêm một điều: Nó giúp tôi biết trân trọng tình thương yêu của cha mẹ và làm cho mối dây tình cảm yêu thương giữa chúng tôi càng bền chặt hơn. 

(Trích ấn phẩm “Tự truyện Pháp ký”, tác giả: Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa do Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,719
Số người trực tuyến: