Nhẹ bước | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nhẹ bước

233
15/07/2016 - 22:43

 

Đừng mặc cảm lỗi lầm,

để khiến tâm vướng bận

                 ~ Đức Phật

 

Tôi muốn kể với bạn câu chuyện cổ về một vị thiền sư và người học trò trẻ tuổi.

 

Thiền sư và vị tăng trẻ tuổi chuẩn bị lội qua một con sông. Trước khi xuống sông họ gặp một cô gái trẻ. Cô này cũng muốn qua sông nhưng không thể lội qua vì quá nhỏ bé và yếu đuối. Vị thiền sư già tốt bụng liền cõng cô gái qua sông. Điều này khiến vị tăng trẻ rất không bằng lòng, anh cảm thấy Thầy mình đã phạm “giới luật” của các tăng sĩ. Vị tăng trẻ không nói gì trong vài ngày nhưng càng ngày càng cảm thấy khó chịu và giận dữ với người Thầy của mình. Cuối cùng, không thể nhịn được nữa, thầy tu trẻ đã giận dữ trách thầy mình về điều đó. Người Thầy phá lên cười và cứ cười mãi. Rồi ông bảo với thầy tu trẻ: “Sau khi qua sông, Thầy đã bỏ lại cô ấy, nhưng sao  con vẫn mang theo cô ấy đến tận bây giờ?”.

(Vũ điệu Tám Hóa thân Liên Hoa Sinh được phô diễn tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)


Câu chuyện trên dạy chúng ta về nghệ thuật biết buông xả cố chấp. Bạn sẽ đi dễ dàng hơn nếu không bị những gánh nặng đè trĩu trên vai. Bạn có thể mang theo rất nhiều hành trang, nhưng đâu là cái bạn cần thực sự vào cuối ngày? Cuộc đời chúng ta có bao nhiêu gánh nặng vô hình và vô cùng ràng buộc. Quá khứ có thể bám lấy chúng ta, tương tự như thế, ta đang bám lấy những kỳ vọng của tương lai. Chúng ta mòn mỏi mong cho mọi thứ theo ý mình, nhưng thực tế không bao giờ biết trước điều gì sẽ xảy ra. Vậy tại sao cứ cố dự đoán tương lai? Chúng ta bị chính sự phân biệt của mình đè nghiến, lo lắng đến phát sốt về những lỗi lầm có thể mắc phải. Hoặc quá cố chấp vào mục tiêu kỳ vọng để chuốc lấy thất vọng tràn trề khi mọi chuyện không như mình đặt ra.

 

Chúng ta thường quan tâm đến một số điều nhất định trong cuộc sống, đặc biệt là những mối quan hệ, nơi ăn chốn ở và công danh sự nghiệp. Chúng ta nên phân biệt rõ ràng giữa tâm bám chấp mù quáng với tình cảm quan tâm trìu mến như tình thương yêu ta dành cho con cái hay gia đình mình. Quan tâm đến cha mẹ, công việc hoặc xóm giềng là một điều nên làm.

 

Điều quan trọng là ta nhận ra được khi nào những mối liên hệ đó hỗ trợ và trưởng dưỡng ta, cho ta động lực và cảm hứng, khi nào chúng khiến ta bế tắc, hoảng sợ, khó chịu hoặc thậm chí là chán nản với cuộc sống này. “Bám chấp” có nghĩa là chúng ta dán nhãn cho ai hoặc cho điều gì, rồi lại chấp thủ vào những nhãn mác này. Ngay khi làm điều đó, chính ta đang tạo ra nguy cơ làm mình tổn thương và thất vọng nếu mọi thứ không đúng với những gì mình đã “lập trình”. Khi áp đặt ai đó là “của mình”, chúng ta sẽ dễ dàng ghen tuông hoặc giận dữ nếu người đó không làm theo những gì ta mong đợi ở họ. Hoặc chúng ta tự dán nhãn và bó buộc mình trong khuôn khổ cứng nhắc và kiếm tìm hạnh phúc không đúng nơi đúng chỗ. Nếu xả bỏ được bám chấp, bước chân ta đi sẽ trở nên nhẹ nhàng thoải mái. Chúng ta có thể đến bất cứ nơi nào trái tim mách bảo. Hãy chiêm nghiệm kỹ về điều này!


Hãy xả bỏ bám chấp

(Tự viện Hemis của Truyền thừa Drukpa tại Ladakh, Ấn Độ)


Tôi trở lại Hemis, tự viện linh thiêng nơi tôi đã sống nhiều năm từ hồi bảy tuổi để nhập thất và tu học. Ladakh là nơi tôi cảm thấy gần gũi như thể về nhà. Mỗi lần về đây tôi đều thấy mình rất hoan hỷ và luyến tiếc khi lại phải rời xa. Cho dù biết rõ đây chính là bám chấp và chúng ta không nên bám chấp vào bất cứ điều gì trên thế gian này, song tôi vẫn thấy gắn bó với nơi này. Vô số bậc Thầy vĩ đại và các Dakini tôn quý đã ban phúc gia trì cho vùng đất tuyệt đẹp này. Các Ngài đã để lại vô số dấu chân, dấu tay thành tựu, những bảo tháp, cung điện, tôn tượng và còn rất nhiều dấu ấn của sự chứng đắc, tất cả đều để lại cho chúng ta những phúc duyên được kết nối trở lại với tự tính tâm nguyên sơ thanh tịnh của chính mình.

 

Tất cả chúng ta đều cần sự khích lệ và trao truyền cảm hứng từ những thánh địa, tiểu sử, tôn tượng, nơi chốn chư Phật và Thượng sư từng hiện diện để tiếp sức trên bước đường thực hành thiện hạnh tự lợi, lợi tha. Tôi rất vui mừng vì Ladakh cũng như mọi người dân và  di sản nơi đây vẫn còn hiện diện để nhắc nhở và tiếp truyền cảm hứng cho chúng ta. Tôi tin bất kỳ ai có phúc duyên viếng thăm Ladakh cũng sẽ đều yêu mến nơi này.  Dù sao ta cũng nên yêu mến một điều tốt đẹp hơn là điều tệ hại, phải vậy không các bạn?

 

Bạn có thể thấy tình yêu của tôi dành cho mảnh đất và con người Ladakh. Còn tôi nhận ra mỗi người chúng ta thường có những mối liên hệ đặc biệt với một sự vật, miền đất hoặc con người nào đó. Quá trình quán sát, khám phá mức độ bám chấp của bản thân vào những đối tượng được yêu quý này là bước đi bổ ích trên hành trình tâm linh. Nếu biết lấy trí tuệ chiếu soi, ta sẽ nhận ra bản chất của cảm xúc, của thực tại đằng sau những nỗi nhớ, kỳ vọng, sự kết nối,… để tất cả trở thành bài pháp đầy ý nghĩa. Chúng ta bắt đầu có thêm hiểu biết khi nhận ra bám chấp của mình có tính chất tích cực khiến ta thoải mái vui vẻ, hay ngược lại chúng khuấy động trong ta những xúc tình bám chấp, phiền muộn nặng nề hơn? Nói cho cùng, cuộc sống thế gian có quá nhiều điều dễ dàng thu hút sự quan tâm của chúng ta. Càng bám chấp vào những mồi nhử đó, bạn càng bị chúng cuốn đi theo như một cơn lốc. Chính vì thế, bạn phải trưởng dưỡng định lực và sự kiên nhẫn. Bạn sẽ không bao giờ cảm thấy tâm bình an nếu vẫn còn những bám chấp sâu dày. Thay vào đó, bạn sẽ có xu hướng thấy mình luôn đố kỵ và bực bội. Chẳng hạn như bạn sẽ thấy khó chịu nếu ai đó có danh tiếng hoặc lợi ích nhiều hơn mình. Bạn bị đắm chìm trong những tính toán so đo, cảm thấy bối rối, lo âu và không còn sáng suốt. Bạn dành quá nhiều thời gian vào việc đánh giá người khác và so đo hơn thua thay vì bằng lòng với những gì mình đang có trong cuộc sống.

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa an vị Xá Lợi Phật và tôn tượng Phật hơn 1000 năm tuổi tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên)


Nhưng nếu rèn luyện được sự xả bỏ, bạn sẽ có thể tự tại trong việc nắm giữ hoặc buông xả những sở hữu, sẽ ít bị vướng mắc vào những định kiến chấp thủ của mình. Bạn hiểu ra rằng tất cả những hình thức bên ngoài như danh vọng, địa vị, các mối quan hệ cuộc sống, … không thực sự quan trọng và đáng để bạn chấp thủ đến thế. Tất cả sự bám chấp của bạn chỉ do tâm phóng chiếu mà ra. Khi nhận ra vạn pháp đều là sự phóng chiếu của tâm, bạn sẽ bớt bám chấp vào mọi thứ, thực hành hạnh xả ly từ bên trong và đó chính là bí quyết của nghệ thuật sống an lạc. Bạn không cần phải từ bỏ tất cả những gì mình có, chẳng phải lên đỉnh Himalaya để tọa thiền trong một hang động nào đó để trải nghiệm hạnh phúc hay sự giác ngộ. Bạn có thể thực hành xả bỏ ngay ở đây, trong sự phong nhiêu, đa dạng của cuộc đời này.

 

Bạn chỉ mất những gì mình bám chấp ~ Đức Phật

 

Bám chấp chính là rào cản ngăn bạn với những gì mà bạn đang cố với tới; là sợi xích kìm hãm cả suy nghĩ lẫn hành động khiến bạn không thể vươn ra để đạt tới hết tiềm năng của mình. Bạn có để ý dáng đi của những người trưởng giả tự mãn đôi khi cũng hơi khác người không? Vì sự kiêu mạn, họ có cách đi riêng với tư thế không linh hoạt và có gì đó cứng nhắc. Khi có chút tài sản, địa vị hay danh vọng, bạn khó thực hành hạnh khoan dung hơn, bởi ở vị trí “cao quý” bạn không thể hạ mình. Nhưng đây chính là lúc bạn cần phải thực hành hạnh khoan dung bởi lẽ càng lên cao trong nấc thang xã hội, đôi chân bạn càng cần gần với mặt đất nếu bạn không muốn đánh mất chính mình. Với sự thực hành, bạn sẽ có chính kiến và sự hiểu biết. Bạn không còn bám chấp và trở nên khoan dung, linh hoạt, hoàn toàn không kệch cỡm trưởng giả, cho dù bạn giàu đến cỡ nào.

 

Trên thực tế, việc bạn giàu có hay nổi tiếng không có gì sai trái. Quan trọng là bạn không bị sự giàu có hay danh tiếng của mình cuốn trôi, không để tự mãn tăng trưởng một cách hoang dại. Lòng kiêu ngạo sẽ khiến bạn xa rời thực tế và điều đó càng tạo thêm nhiều nhân đau khổ. Cái tôi được danh vọng thổi bùng lên có thể khiến bạn bất cần tất cả: “Giờ tôi đã có mọi thứ; cả thế giới biết đến tôi”. Song giống mọi người, bạn vẫn sẽ cần người thân, gia đình và sự ủng hộ của bạn bè như trước. Không ai có thể sống thiếu sự hỗ trợ và quan tâm của người khác.


(Eye Camp - chương trình phẫu thuật mắt từ thiện do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khởi xướng và diễn ra hàng năm tại Nepal và Ladakh)
 
 

Đặc biệt, khi tới phút giây từ giã cõi đời này, chắc chắn bạn chẳng thể mang được gì theo. Tài sản, danh tiếng, các mối quan hệ và xác thân tứ đại của bạn đều sẽ bị bỏ lại. Bạn chỉ có một cái dạ dày để ăn. Bạn bè tốt và họ hàng có sống với nhau bao lâu đi nữa rồi cũng có ngày phải chia ly. Cho dù bạn có kiến tạo nên nhà cửa hay một núi tài sản cơ đồ, một ngày nào đó trong tương lai chúng cũng sẽ sụp đổ. Điều đó không có nghĩa là bạn nên sống bàng quang mà hãy đừng để những thứ vô thường đó trói buộc bạn.

 

Tôi hy vọng bạn sẽ không nghĩ rằng tôi đang bi quan. Đây là thực tế xung quanh chúng ta. Khi hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy không cần phải sân hận, ngay cả khi ai đó cố tình khiêu khích chọc giận. Bạn biết rằng mình không cần thiết nổi cáu hay khó chịu với quá nhiều thứ như vậy. Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ đơn giản rời thế gian này với hai bàn tay trắng, chỉ có nghiệp đi theo, không còn lại gì. Vậy nên dại dột gì mà chuốc thêm phiền não!

 


(Ngày Chủ Nhật Xanh - một trong những hoạt động Bảo vệ Môi trường của Câu lạc bộ Tuổi trẻ Thăng Long YDA Việt Nam)

 

Khi biết xả bỏ bám chấp và không bị lầm tưởng bởi các nhãn mác định kiến, bạn sẽ thấy mình hòa đồng và bình đẳng hơn với mọi người. Lúc này, dù đang ở địa vị quyền cao chức trọng, bạn vẫn thấy mình có thể lau chùi sàn nhà, nô đùa với trẻ em, phục vụ người khác một cách rất hoan hỉ. Vẫn biết thật khó để từ bỏ những thứ mà ta cho rằng sẽ mang lại niềm vui và lạc thú. Chúng ta còn bám chấp, chưa sẵn sàng xả bỏ nhiều thứ và cứ phân vân tự hỏi: “Vì sao tôi phải làm thế?”. Nhưng thực ra bạn cần biết một điều: người thành công nhất trên cả phương diện thế gian và tâm linh là người có thể thực sự xả bỏ tài sản, bản thân và chính cái tôi.

~ Trích ấn phẩm "Giác ngộ mỗi ngày" - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,591
Số người trực tuyến: