Vị Tăng sĩ dẫn đầu cuộc hành hương triều bái thánh địa | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Vị Tăng sĩ dẫn đầu cuộc hành hương triều bái thánh địa

49
03/11/2009 - 00:00

ASRP MUKESH đã theo dấu chân Ngài tìm tới tận thảo am của Ngài tại Lahaul.

Cảnh tượng thật vô cùng hy hữu. Từng đoàn tăng trong y phục màu nâu đỏ nối đuôi nhau leo lên những triền dốc giữa cánh đồng cỏ xanh rờn trên vùng núi bạt ngàn, trải dài như một lá cờ cầu nguyện khổng lồ đang bay lên, truyền đi theo gió những điều ước nguyện cát tường. Chuyến hành hương mang đầy ý nghĩa tâm linh này được hướng đạo bởi Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa, người đứng đầu Tăng đoàn Phật giáo của dòng truyền thừa Drukpa 800 năm tuổi. “Điều quan trọng nhất của chuyến hành hương không phải là đích đến mà chính là chặng đường theo đó bạn sẽ tuyệt đối cảm nhận được giá trị của mình. Không những bạn chỉ đối diện với thế giới bên ngoài bạn hay những thử thách trong thế giới đó, bạn còn học được cách tồn tại trong thế giới bên ngoài ấy cùng với những người bạn đồng hành và thiết lập mối quan hệ với họ trên đường đi. Bằng cách hòa mình vào với ý chí của một tập thể, bạn thu lượm được nhiều kiến thức và trở thành một con người hoàn thiện hơn”, Ngài cho biết.

Pháp Vương Gyalwang Drukpa với Nhiếp chính vương Kyabje Khamtrul Rinpoche và Kyabje Sey Rinpoche ở Khardang Gompa Chúng tôi được hạnh ngộ bậc Đạo sư trong khi ngài đang thực hiện chuyến hành hương “Bộ hành trên Nóc nhà của Thế giới”, một chuyến đi dài 400km khởi hành từ Khardang tới Lahaul và sau khi đi qua năm dãy núi cao nhất của Himalaya, trong đó cao nhất là đỉnh núi Shingola và Senggela, sẽ kết thúc tại Ladakh trong tháng này. Ngài nói Ngài đang hướng đạo cho những đệ tử của mình để họ trở nên tự tin hơn và sự tương tác với nhiều người khác nhau sẽ khiến cho họ trở nên độc lập.

Bậc Đạo sư đã dừng chân chặng đầu tiên tại Tự viện Khardang và đã chia sẻ trí tuệ của Ngài rất chi tiết. “Chuyến đi của chúng tôi có hai mục đích, vừa về thể chất và vừa cả tâm linh. Về thể chất, chúng tôi sẽ đi bộ trên dãy Himalaya, bày tỏ lòng tôn kính lên các bậc đạo sư vĩ đại trong lịch sử của chúng ta, triều bái những sơn động và am thất linh thiêng của các ngài ở độ cao 6,000 mét so với mặt nước biển. Ở độ cao đó, mọi thứ sẽ trở nên vô cùng truyền cảm, cho phép cảm nhận được sự vĩ đại của những công hạnh, và cũng đòi hỏi phải có sức chịu đựng dẻo dai về thể chất. Làm thế nào thành tựu được đạo tâm? Chúng ta bị bế tắc chính bởi những điều kiện sống sơ thiển. Đối với chúng ta bị tách rời khỏi những điều kiện sống đó là điều vô cùng khó khăn. Để có thể làm được điều này cần phải trưởng dưỡng ý chí kiên cường, tâm giác ngộ vị tha. Bạn không làm điều này vì bản thân mà vì những người khác, những người không có may mắn như bạn được tham dự chuyến hành hương này”, Ngài khai thị.

Ladakh có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với Ngài bởi mối liên hệ với Truyền Thừa Drukpa mà Ngài là Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII. Truyền Thừa Drukpa là một trường phái của Phật Giáo Đại Thừa, phổ biến khắp Tây Tạng, Bhutan, Trung Quốc, Nepal và Ấn Độ, do Đức Tsangpa Gyare Yeshe Dorje sáng lập vào năm 1206. Chuyện kể rằng Ngài đã nhìn thấy chín rồng thiêng từ dưới đất cuộn mình thăng thiên. Vì vậy nên dòng truyền thừa có tên gọi là “Drukpa” có nghĩa là “Dòng Truyền Thừa Rồng Thiêng.”

Hạnh ngộ Đức Gyalwang Drukpa hiện đời cũng là một cơ duyên để tôi hiểu thêm về những tôn chỉ “giác ngộ vì lợi ích của chúng sinh” là nền tảng và sự hội tụ mọi công hạnh của triết lý Phật Giáo Đại Thừa. Trong số những bài học lớn thu được từ chuyến hành hương qua những vùng đất hoang vu đó là sự khiêm nhường, giản dị và sự suy ngẫm. “Người dân miền sơn cước luôn biết tri túc, không tham lam và lao động suốt cuộc đời dựa trên nền tảng tâm linh. Tôi không muốn họ đánh mất những phẩm tính ấy. Tôi muốn cho cả thế giới biết họ không hề nghèo nàn mà còn rất giàu có. Liệu bạn còn có thể tìm thấy được nơi nào khác mà mọi gia đình đều sẵn lòng mở rộng cửa đón tiếp bạn và hoàn toàn tin tưởng vào sự tốt đẹp của con người?”, đức Đạo sư hỏi chúng tôi.

Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể hấp thu được những phẩm chất tốt đẹp ấy của họ trong một thế giới vật chất? “Họ biết cân bằng cuộc sống để giải quyết mọi mâu thuẫn và hiểu nhầm. Nguyên nhân sâu xa là thiếu nền giáo dục dựa trên giá trị và mang tính truyền thống. Nền giáo dục hiện đại có thể trang bị cho bạn những kiến thức phù hợp với thế giới thông thường nhưng nếu xa rời nguồn cội của những tư tưởng và triết lý truyền thống, cho dù bạn có văn minh đến mấy thì khi nói về sự siêu việt vật chất để tiến tới niết bàn, bạn vẫn chẳng là gì cả. Hãy nhìn ngắm những nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt kia mà xem”, Ngài nói, và đưa mắt nhìn bao quát những người hành hương đang trò chuyện sẻ chia với nhau và nhận ra rằng những gian truân khó nhọc ấy là một đặc ân. Và vượt lên thử thách cũng là điều khá dễ dàng khi những người xung quanh cũng đồng lòng như vậy. “Vừa mới đây thôi, chúng tôi đã hoàn thành xong một vòng kora vô cùng khó khăn nhiễu quanh đỉnh Drilbu Ri, thánh địa của đức Chakrasamvara (Thắng Lạc Kim Cương). Một số ít người đã không tới được đó vì bị chóng mặt bởi độ cao song hầu như tất cả mọi người đều vô cùng quyết tâm vượt qua. Cách đấy mấy hôm xảy ra rất nhiều trận tuyết lở, vì thế lội bộ trong tuyết và leo lên đỉnh núi quả thật cực kỳ khó khăn, ngay cả đối với tôi. Chúng tôi phải dùng cả đến dây thừng để có thể leo lên. Thế nhưng ai nấy đều cười vui hoan hỷ khi chúng tôi lên đến đỉnh. Trải nghiệm này đã cho chúng tôi hiểu rằng tâm chúng ta cần phải mạnh mẽ hơn thân vật lý nếu như chúng ta muốn đạt được bất cứ điều gì trong cuộc đời này. Nếu tâm bạn nói rằng bạn sẽ không thể nào làm được điều gì thì bạn sẽ không thể nào làm được điều đó. Tâm của bạn sẽ quyết định mọi thứ.”


Chuẩn bị lên đường tại chùa Khardang Gompa

Vậy làm thế nào để có thể vượt qua được sự sợ hãi, nhược điểm thông thường nhất của con người? Bậc hiền nhân trả lời: “Tôi có một người bạn rất thân ở Darjeeling, một doanh nhân rất thành đạt song lúc nào cũng lo lắng vì chưa chuẩn bị được gì để đón nhận cái chết. Cho nên ông ta đã thỉnh cầu Thượng sư chỉ dạy và chuẩn bị cho ông cho thời khắc này. Khi ông đang ở đỉnh cao của sự nghiệp kinh doanh, một hôm Thượng sư gọi ông tới và dạy ông nên bán toàn bộ cơ nghiệp đi, ông liền thực hiện điều đó tức thì mà không hề thắc mắc một câu. Sau đó ông đã chuyển đến ở tại gompa (chùa) của Thượng sư. Rồi Thượng sư yêu cầu ông phải thực hành rất nhiều giáo pháp. Sau đấy, ngài lại dạy ông phải nhập thất ba năm và ông cũng làm theo mà không hề nghi ngại. Ông viên tịch vào năm thứ hai của kỳ nhập thất, đó quả là điều rất tốt lành. Còn chúng ta, chúng ta chẳng bao giờ chuẩn bị, chúng ta lúc nào cũng bận rộn làm việc này hay việc khác, lên kế hoạch này kế hoạch kia, cứ như chúng ta là những người bất tử, như chúng ta sẽ chẳng bao giờ chết. Khi cái chết tới gõ cửa nhà chúng ta, chúng ta khóc than và chẳng có ai ở đó để giúp đỡ chúng ta cả, bởi vì chúng ta chưa hề chuẩn bị về mặt tâm linh. Vì thế, tôi rất hoan hỷ khi thấy có rất nhiều người trong chúng ta đã dũng cảm và quyết tâm dành ra hẳn 42 ngày để thực hiện chuyến hành hương padyatra này. Kể cả những người chỉ có thể đến tham gia một phần của cuộc hành trình thôi cũng có để được coi là vô cùng phúc duyên.”

Làm sao con người có thể có được một cuộc sống an lạc trong khi theo đuổi những nhu cầu vật chất sẽ gây ra sự cạnh tranh? “Đây cũng chính là chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối. Thấu hiểu chân lý tuyệt đối cần phải luôn được trì giữ trong mỗi lời cầu nguyện trong khi việc thực hành chân lý tương đối phải luôn thường trực trong tâm của bạn. Nếu thế giới này là phải cạnh tranh thì hãy cứ ra ngoài cạnh tranh. Nếu bạn phải mưu sinh vì gia đình của bạn thì tại sao lại không thể? Song hãy làm điều đó mà không gây tổn hại gì tới ai. Cho dù bạn có làm gì đi nữa, bạn vẫn cần sống một cách hòa hợp thân ái,” bậc toàn tri nói.

“Ngày nay, xã hội đang có nguy cơ đánh mất những nụ cười hoan hỷ,” Ngài chỉ ra rằng đó chính là do sự hung hăng và sân giận luôn len lỏi trong suy nghĩ của mọi người. “Tình cảnh ấy thật đáng lo ngại, nó phát sinh bởi lòng tham vượt ngoài tầm kiểm soát”, Ngài cảnh báo.

Một điểm đáng lưu ý là bậc Thánh Tăng tôn kính này, người phân biệt rất rõ ràng giữa tôn giáo và tâm linh, gọi tôn giáo “là vỏ bọc đẹp đẽ của tâm linh”, song nó sẽ là một rào cản nếu chỉ đứng một mình, cho biết Ngài không thực hiện chuyến hành hương này vì lòng từ bi như một số người nghĩ, “Tôi hành hương là để giới thiệu tâm bi. Bi tâm đến trước tâm từ. Tôi gọi thiện hạnh này là “Sống để Yêu thương”, vì đó chính là pháp tu của dòng truyền thừa chúng tôi.” Để phân biệt giữa tâm bi và lòng thương hại, Ngài nói: “Trước hết – tâm bi mẫn là sự thấu hiểu.”

Và một khi con người có thể thấu hiểu nhau thì họ sẽ có thể giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng hạn như những người hành hương padyatris cùng nhau lên tiếng phản đối những cái chết do những vụ cháy dầu hỏa gây ra tại Ladakh. Vì không có điện nên người dân vùng này phải sử dụng dầu hỏa để đốt đèn và nấu nướng. Những vụ hỏa hoạn xảy ra thường xuyên và gây ra rất nhiều tai nạn. “Chúng tôi đang cố gắng để phổ biến tới người dân những nguồn năng lượng thay thế khác. Thậm chí chúng tôi đã hướng dẫn đào tạo nghề cho người dân địa phương để họ có thể phát triển kinh tế du lịch đồng thời dạy cho họ giá trị của việc bảo vệ Mẹ Thiên Nhiên. Tôi cảm thấy rất tiếc vì các đệ tử, bạn bè và Phật tử của tôi đang sống tại các vùng Himalaya không có được nhiều hiểu biết lắm trong những vấn đề này, chẳng hạn như đối với việc sử dụng túi nilon. Họ rất thích sử dụng đồ nhựa, đến mức gần như trở nên lệ thuộc vào chúng. Chúng tôi không thể giải thích với họ rằng Trái đất đang ngắc ngoải, họ sẽ không hiểu được. Vì thế mà sông suối và ao hồ đang trở nên ô nhiễm. Tôi rất xấu hổ khi phải nói đến ngay cả chư tăng và chư ni cũng có xu hướng vứt bừa bãi rất nhiều cốc, đĩa dùng một lần, những vỏ mì gói hoặc bao bánh qui tại những nơi họ tới cắm trại hay những thánh địa. Họ chẳng hề có hiểu biết gì về vấn đề này. Khi giặt giũ đồ, họ phải sử dụng loại xà phòng giặt mạnh nhất tạo ra nhiều bọt nhất, song những loại xà phòng như vậy lại khiến nước ô nhiễm nhiều nhất. Con người chúng ta rất thiển cận và cạn nghĩ, luôn không nhìn được bức tranh toàn cảnh.”

Cuộc hành hương kêu gọi mọi người tham gia, càng nhiều người càng tốt. “Trải nghiệm này mang lại bi tâm đích thực - tôi muốn gọi đó là tâm từ bi thực nghiệm.” Trong nhiều năm, Truyền Thừa Drukpa đã trải qua một sự chuyển biến lớn lao và thay đổi về mặt triết lý. Bậc đạo sư hiện tại, không giống như những bậc thày hướng đạo khác, không chỉ truyền dạy về thiền định bởi Ngài cho rằng đó thực sự là một công việc uổng phí nếu như không có sự thực hành và áp dụng theo đúng pháp. Chính vì Ngài vừa nói vừa làm theo cách đó mà các Phật tử xung quanh Ngài chủ yếu là những người trẻ tuổi. Và điều thú vị là có nhiều người nữ hơn người nam.

“Chúng tôi tập trung nhiều tới những người trẻ vì đây chính là thế hệ có thiên hướng muốn nhìn thấy hơn là chỉ cảm nhận,” Đức Pháp Vương nói. “Đó là lý do vì sao tôi nói các chư tăng ni của tôi phải đi ra bên ngoài các tự viện nhiều hơn, tiếp xúc với mọi người và chỉ cho họ biết làm thế nào họ có thể hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thiền định chỉ giúp cho bản thân giác ngộ nhưng làm thế nào có thể lợi lạc cho những người khác nếu như ta không nói về nó?”

Và vì những lý do thiết thực, Ngài cảm nhận được phụ nữ ngày nay có một vai trò quan trọng hơn mang lai thay đổi. “Số lượng các vị ni ngày càng gia tăng; giờ đã có tới 400 vị. Chư ni của chúng tôi đang học tiếng Anh và máy tính để có thể tiếp xúc với nhiều người hơn và chia sẻ tri kiến bằng một ngôn ngữ mà họ có thể hiểu được,” Ngài nói. Phụ nữ không cần phải cố gắng đặc biệt để phụng sự nhân loại. “Chính vì họ đã được gia trì bản tính linh hoạt và góp sức vào những hoạt động nhân đạo vì nhân loại là thiên chức của họ. Vì vậy, họ sẽ là chất xúc tác ngay cả đối với việc mang lại sự thay đổi cho xã hội. Còn đối với bổn phận của nam giới, họ sẽ theo phụ nữ và mục đích của chúng ta sẽ thành tựu,” bậc đạo sư khẳng định.

Từ việc lái xe ca hay xe tải cho tới luyện tập võ nghệ hay trình diễn các vũ điệu mặt nạ cổ truyền – các vị sư ni đều làm được. Thật ra, hiện nay có rất nhiều phụ nữ chuyển thành có tín tâm. Chẳng hạn như sư cô Jigme Thupsten, một cựu nữ cảnh sát ở Jammy và Kashmir giờ trở thành một vị sư ni tại Tự viện Kathmandu. Hoặc như sư cô Jigme Cheneing Khandro – công chúa tỉnh Nanching, Trung Quốc. Vị công chúa hiện mới hơn hai mươi tuổi đã lựa chọn từ bỏ thế giới vật chất và trở thành ni sư khi mới mười hai tuổi. Đây quả thật là một trường hợp rất thú vị. Lần đầu tiên tới tự viện dùng bữa, tất cả chư ni đã cùng đứng lên tại bàn để tới cung nghênh công chúa. Vậy mà hôm nay cô là một người trong số chư ni. Cô không hề luyến tiếc sự giàu sang của cung điện. Một ngày của cô bắt đầu lúc ba giờ sáng với những lời cầu nguyện và trì chú.

Tôi không ngạc nhiên khi thấy tư tưởng hiện đại của Đức Pháp Vương Drukpa đã chiếm được sự ủng hộ của Brad Pitt, của Hoàng gia Anh và của nhiều người dân trên khắp thế giới. “Phật giáo không phải là một tôn giáo cuồng tín; đây là một triết lý sống không tuân theo bất cứ quy ước nào ngoài “Sống để Yêu thương”. Tôi tin rằng điều này thật dễ để y theo. Bất cứ điều gì được thực hiện không bởi động cơ vị kỷ cá nhân đều luôn khiến cho bạn cảm thấy hạnh phúc và cũng là sự tích lũy thiện nghiệp,” Ngài nói.
Vượt lên trên thông lệ bằng mọi cách, Ngài là một vị Tăng của thời hiện đại cũng có trang web cá nhân, cũng viết nhật ký mạng và phổ biến trên mạng các bài khai thị của mình bằng nhiều thứ tiếng.

TRÌ CHÚ VÌ LỢI ÍCH CHÚNG SINH

Đôi khi tôi nhìn vào sự ô nhiễm trên thế giới này, trong không khí, nước biển, nơi có vô số chúng sinh đang đau khổ không cần thiết do sự ích kỷ của con người. Chúng ta có thể làm được rất nhiều thứ, nhưng nếu cộng đồng chúng ta không cùng thực hiện thì chúng ta sẽ không thể trông cậy vào những người khác. Tất nhiên, chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, mỗi người đều cảm thấy thật khó khi phải quan tâm tới lợi ích của người khác. Nhưng trong lúc thịnh vượng, mọi người quá mải mê hưởng thụ cho bản thân mà quên mất nghĩ tới người khác. Chúng ta cần phải nghĩ rằng chúng ta hít thở chung một bầu không khí, uống chung một nguồn nước và lẽ ra chúng ta phải thông minh hơn những sinh vật kém cỏi khác. Là một công dân của Trái đất và của Vũ trụ, ít nhất chúng ta cũng phải có trách nhiệm với ngôi nhà chung của chúng ta, không có lựa chọn nào khác. Gần đây tôi có đọc được những tin tức kể về các nhà khoa học đã tìm thấy sự sống trên các hành tinh khác và đang nghiên cứu về các sinh vật sống trên những hành tinh này. Dường như họ đang tạo cho chúng ta hy vọng rằng cho dù chúng ta có làm ô nhiễm trái đất, hành tinh của chúng ta, thì cũng không sao, vì chúng ta luôn có thể dời tới một hành tinh khác và tiếp tục làm nó ô nhiễm. Tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng những dịch bệnh thời hiện đại đang hoành hành – như dịch cúm gà hay dịch cúm lợn - sẽ không cho bạn cơ hội được ra khỏi chính ngôi nhà của mình. Cho dù bạn có tới sống ở một hành tinh khác, nghiệp của bạn cũng sẽ theo sát bạn như hình với bóng.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,917
Số người trực tuyến: