Bạn đang ở đây
Hai cấp độ gia trì của Đức Hoàng Tài Bảo Thiên
Tất cả chúng ta đều mong đạt tới giác ngộ, một người Phật tử chân chính thì mục đích cao cả nhất, chân chính nhất chính là sự giác ngộ. Bởi vậy sự gia trì của Đức Hoàng Tài Bảo Thiên cũng có 2 cấp độ, gia trì về khía cạnh thế gian và gia trì khía cạnh xuất thế gian. Về khía cạnh thế gian, mỗi chúng ta từ nay cho tới khi đạt giác ngộ, sống và tồn tại trong cuộc đời này chúng ta không thể nói mình không cần tiền, chúng ta cần thức ăn, quần áo, nhà cửa, hạnh phúc hay tiền bạc, sự bằng lòng…chúng ta cần rất nhiều thứ. Nếu không có vật chất thì trong cuộc sống chúng ta không thể tồn tại được. Bởi vậy nếu thực hành bố thí sẽ giúp chúng ta viên mãn các nhu cầu vật chất. Khi tu tập cũng vậy, chúng ta đón nhận sự gia trì từ Đức Hoàng Tài Bảo Thiên, ở cấp độ tương đối chúng ta cần bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ. Ngay cả những phương pháp tụng Kinh, lễ Phật, nhiễu tháp đều là các phương pháp tu tập về Bồ Đề Tâm tương đối. Nhờ tu tập Bồ Đề Tâm tương đối sẽ giúp viên mãn các tâm nguyện thế gian, là sự giàu có về tài bảo, vật chất, tinh thần.
Khi tu tập Bồ Đề Tâm tuyệt đối, tập nhận ra bản chất tâm tuyệt đối nơi mình, tập nhận ra Phật tính nơi mình sẽ giúp chúng ta đạt được tâm nguyện xuất thế gian, đây chính là thành tựu Phật quả, bất khả phân với Đức Phật Bảo Sinh. Sự gia trì cao cả và tuyệt đối nhất của Hoàng Tài Bảo Thiên là giúp chúng ta viên mãn tâm nguyện xuất thế gian, đây là mục đích tối thượng, còn mục đích thế gian chỉ là tương đối trong một thời gian, là phương tiện mà thôi.
Giới nguyện của người tu pháp Hoàng Tài Bảo Thiên
Các Phật tử để thọ quán đỉnh, chúng ta nên phát nguyện thọ trì giới nguyện. Giới nguyện của người tu theo Hoàng Tài Bảo Thiên đó chính là lời hứa nguyện sẽ tu tập pháp tu bố thí Ba la mật. Tôi nhắc lại một lần nữa, bố thí là sự chia sẻ, ban tặng những gì mình có như ban tặng cuộc sống cho người, ví dụ như ai sắp phải chết hay những loài động vật sắp bị giết thịt… chúng ta cứu giúp khiến họ được sống lâu hơn, khiến họ không phải chết. Bên cạnh đó chúng ta có thể bố thí tài bảo, tiền bạc, vật chất hay những gì mà người khác mong đợi, hay chúng ta bố thí giáo pháp, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân mình cho người khác hay là lắng nghe những tâm sự khổ đau của người là bố thí thời gian hay dùng toàn bộ năng lượng của mình để trợ giúp cho chúng sinh cũng là hạnh bố thí. Đó cũng là tu tập hạnh bố thí. Như vậy chúng ta cần phát nguyện trì giữ giới nguyện theo khả năng của mình, bố thí, chia sẻ tất cả những gì mình có từ vật chất đến tinh thần, sức khoẻ hay thời gian đều gọi là tu tập hạnh bố thí.
Viết bình luận
- 1453 reads