Bản ngã và cảm xúc | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bản ngã và cảm xúc

2346
28/09/2021 - 19:06

Bản ngã cấu kết mật thiết với những xúc tình tiêu cực để tàn phá cuộc sống của chúng ta và những người xung quanh. Khi chúng ta có trí tuệ tỉnh thức, biết tự hài lòng với bản thân và sống an vui hòa hợp với mọi người, thì năng lực của bản ngã lại bị vô hiệu hóa. Vào hiện tại, có thể năng lực đó đang rất mãnh liệt, không những ảnh hưởng lớn đến hiện tại mà còn reo rắc những hạt giống bất an cho tương lai. Bản ngã là sân chơi của những chê bai trách cứ, của ký ức tổn thương cùng những lo âu và phiền não trong ta.



Lo âu

 

Trong thế giới hiện đại, lo âu trở thành căn bệnh bất trị, thân tâm bạn bị xâm chiếm bởi cảm giác bồn chồn không yên... Lo âu tô đậm thêm hình ảnh bạn nghĩ về bản thân: bạn hoài nghi mình không đủ năng lực hay e ngại có thể quyết định sai lầm. Mặt khác, chúng ta cũng hay bị đè nặng bởi những mục tiêu, chuẩn mực mình tự đặt ra và trở thành nạn nhân của sự cầu toàn. Mặc dù trong thâm tâm bạn biết rằng chẳng ai hoàn hảo, nhưng thay vì giải phóng bản thân, bạn lại vẫn liên tục tranh giành và tự tạo thêm áp lực cho chính mình. Bản ngã thích âu lo bởi vì đó là cách nó kiểm soát bạn. Nó bám lấy những hình ảnh khuôn mẫu ta tự định cho mình, khiến ta khép tâm trong hoài niệm quá khứ hay vọng tưởng tương lai mà quên mất mình cần sống tỉnh thức trong thực tại.

 

Trầm cảm

 

Trầm cảm cũng là một hiện tượng đáng báo động của xã hội hiện đại. Tôi thấy một mối liên hệ mạnh mẽ giữa những mục tiêu kỳ vọng kéo dài qua năm tháng và sự gia tăng liên tục của hiện tượng trầm cảm ngày nay. Tại những vùng quê xa xôi, khi cuộc sống còn khó khăn và không có nhiều tiện nghi, con người dường như có nhiều hạnh phúc, họ khéo léo, tự tại, kiên cường và dẻo dai hơn. Điều này có lẽ vì họ đã học cách từ bỏ mọi kỳ vọng và tìm thấy niềm vui từ những điều nhỏ nhặt từ thiên nhiên và môi trường xung quanh. Đấy là bài học mà chúng ta, những người tài giỏi văn minh cần suy ngẫm kỹ. Trầm cảm cũng giống như chứng chán ghét bản thân. Người bệnh thường cảm thấy ích kỷ ngay trong nỗi tuyệt vọng của mình và lại càng thêm chán nản. Việc căn bệnh này ngày một lan rộng là điều đáng buồn, thúc giục chúng ta tìm biện pháp quan tâm chữa trị đúng mức. Các bác sĩ cần hiểu rằng nguyên nhân sâu xa của trầm cảm là vì người bệnh bị kích động mạnh bởi bản ngã. Chính những vô minh, tà kiến, hiểu lầm về bản thân đã đẩy con người vào tình trạng tuyệt vọng này.



Khi bản ngã ngự trị, một số người gần như bị ám ảnh bởi bản thân mình, hệ quả là họ dễ cảm thấy tự ti hay trở nên quá nhạy cảm. Cảm giác bị xúc phạm thiêu đốt bạn. Bạn cảm thấy mình quá nhỏ bé vô dụng và muốn biến mất khỏi thế gian này. Cảm xúc này gắn liền với những ký ức tuổi thơ, khoảnh khắc lần đầu chúng ta bị người khác nhồi vào đầu ý nghĩ rằng mình ngốc nghếch, kém hấp dẫn và tẻ nhạt. Bản ngã thường bám chặt lấy những ký ức cùng những cảm xúc đi kèm với nó, khiến chúng ta dễ dàng sống lại và bị mắc kẹt trong những trạng thái tiêu cực này.

 

Hậu quả là khi bị kẻ khác hiếp đáp hay chĩa mũi dùi chỉ trích, ta thấy toàn thân nóng bừng và muốn bật khóc vì tủi nhục. Một lần nữa, những cảm xúc này bắt nguồn từ việc ta không chịu hiểu và chấp nhận bản thân, không nhận ra sức mạnh nội tâm mà vẫn tự ti vào điểm yếu mình tưởng tượng ra hay mong chờ kẻ khác đưa đến.

 

Cảm giác tội lỗi

 

Cảm giác tội lỗi cũng là một trong những cảm xúc mà bản ngã cố gắng nắm lấy. Tôi cho rằng đó là trạng thái tâm lý bị mắc kẹt với quá khứ. Trong khi thái độ dám nhận trách nhiệm và tìm kiếm giải pháp mở ra cho ta một hướng đi tích cực thì việc tự dày vò bởi mặc cảm tội lỗi chỉ làm hao mòn niềm tin và ngăn cản chúng ta học hỏi từ những sai lầm và trải nghiệm. Với tâm trạng này, chúng ta sẽ không thể hành động gì mà chỉ cảm thấy hối tiếc trầm chìm. Ví dụ như chúng ta thường thấy có lỗi khi không dành đủ thời gian dạy dỗ con cái song, lại không làm gì để cải thiện tình hình. Trong công việc, bạn trách mình đã không điện thoại xin lỗi khách hàng nhưng thay vì nhấc máy để làm điều này, cảm giác tội lỗi khiến bạn tê liệt và bần thần suốt cả ngày. Bạn lẩn tránh trong khi tận đáy lòng bạn biết rằng cách tốt nhất là trực diện và xử lý vấn đề. Hãy hồi tưởng lại tình huống bạn từng can đảm đối mặt với vấn đề và thử nghĩ xem có phải thật ra mọi chuyện chẳng hề tồi tệ hay khó khăn như ta tưởng?

 

Vì bản ngã hay tìm kiếm ngoại cảnh để khẳng định “cái tôi”, nó thường kết thúc với trò chơi đổ lỗi. Đỗ lỗi chẳng giải quyết được gì ngoài việc gây thêm phiền não. Tự dày vò bản thân chỉ khiến ta cảm thấy mình kém cỏi và vô dụng. Chúng ta để những lỗi lầm kiểm soát mình thay vì rút ra bài học bổ ích rồi buông xả. Việc đổ lỗi cho bản thân hay người khác thật vô nghĩa. Điều đó chẳng giúp ích gì! Chỉ những gì bạn sẽ thực hiện để giải quyết vấn đề mới thực sự quan trọng.

 

Chúng ta thường nhầm lẫn giữa việc xem xét lỗi lầm và xem xét trách nhiệm. Đúng là chúng ta phải chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình, nhưng ta còn có thể làm gì hơn ngoài việc cố gắng hết sức? Xét lỗi làm thui chột con người. Họ sẽ sợ mắc phải sai lầm cũ hoặc tạo thêm những sai lầm mới, vì thế mà trở nên rụt rè, không dám đón nhận cơ hội. Mặc dù đôi lúc việc đổ lỗi cho người khác khiến ta được thoát trách nhiệm, ta cảm thấy dễ chịu hơn khi có thể nói: “Đó là lỗi của anh ấy, không liên quan gì đến tôi”. Nhưng liệu điều đó có thực sự khiến ta an ổn?

 

Cảm giác hổ thẹn

 

Cảm giác hổ thẹn cũng giống như khi ta tự xúc phạm mình. Nó liên hệ chặt chẽ với cảm giác tội lỗi và tự dằn vặt bản thân. Chúng ta xấu hổ vì những hành động của mình, ngập chìm trong tiếc nuối đến nỗi không còn đủ tỉnh táo để suy xét:  “Mình sẽ làm gì bây giờ?”. Cũng giống như mọi cảm xúc bị bản ngã xui khiến, “hổ thẹn” níu chân bạn trong quá khứ, bạn trở nên thụ động thay vì tiếp tục tiến bước. Mọi người đều phạm sai lầm, chúng ta không thể quay ngược chiều kim đồng hồ, điều quan trọng là hãy biết rút ra bài học hữu ích cho cả hiện tại và tương lai của bạn.

 

Đôi khi bản ngã khiến chúng ta quy hàng với cảm giác hổ thẹn bẽ bàng. Chúng ta muốn chạy trốn tất cả, nếu có thể thì độn thổ hay biến mất luôn khỏi thế giới này.



Sự kiêu ngạo

 

Cũng có lúc cái tôi trong ta lại dương dương tự đắc, phách lối huênh hoang chẳng giống ai cả. Nhìn bên ngoài, tâm ngạo mạn tưởng như tràn đầy tự tin. Nhưng trên thực tế, nó chỉ là chiếc mặt nạ che đậy nỗi bất an sâu xa ẩn giấu phía dưới. Bên trong sự kiêu ngạo không có lòng từ ái và nếu một người chẳng thể đối xử tử tế với người khác thì làm sao họ có thể tử tế với chính mình. Trong khi những người hay lo thường phóng đại những sai lầm của họ, kẻ ngạo mạn lại tự lừa dối bản thân rằng mọi việc đều rất tuyệt và chẳng có gì đáng quan ngại. Thông thường người ta hiếm khi tự nhận ra mình là kẻ kiêu ngạo, đó là lý do tại sao kiêu ngạo lại được bản ngã rất yêu thích. Trên thực tế, đó chính là tính cách mà chúng ta dễ dàng liên tưởng khi nói đến cái tôi vị kỷ: một chữ “TÔI” kếch xù!

 

“Chúng ta thường săm soi con ruồi trên mũi kẻ khác trong khi không thấy chú lừa to tướng đứng trước mình.”

~ Ngạn ngữ Tây Tạng

 

Bao biện

 

Khi bị chỉ trích, ngạo mạn thường bắt tay với bao biện. Và khi sự ngạo mạn thống lĩnh, người ta thường có cảm giác mình đang bị công kích. Trong khi người hay “lo lắng” sợ hãi chui tọt vào cái vỏ của bản ngã, thì kẻ “ngạo mạn” sẵn sàng phản công, bảo vệ cái tôi của họ bằng những lời lẽ cay độc, không để bất cứ ai hay cái gì đụng tới phần dễ tổn thương đằng sau vẻ hợm hĩnh bề ngoài.

 

Trớ trêu thay, những gì chúng ta ra sức bào chữa lại thường là những thứ không thể biện hộ được. Vỏ bọc hoàn hảo của chúng ta bắt đầu bị rạn nứt. Sâu trong tâm trí, chúng ta biết rằng mình không hoàn hảo nhưng vẫn không muốn chấp nhận sự thật ấy để sống an nhiên thoải mái. Thay vào đó, chúng ta dành thời gian và ra sức bào chữa cho những tô vẽ, vọng tưởng về bản thân. Những lời biện hộ này thực ra rỗng tuếch và vị thế của ta giống như đang chênh vênh trên vách đá cao.

 

Khi xác định giá trị bản thân bằng cách so sánh mình với những người xung quanh, bản ngã đặt bạn ở vị trí thấp hơn người này và đồng thời cao hơn nhiều kẻ khác. Nó khiến bạn tự cao tự đại. Trong thế giới đầy rẫy những ganh đua, bạn khó có thể tránh được điều này. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nên hạnh phúc vì đã hơn ai về một mặt nào đó? Thường khi nâng tầm quan trọng của mình lên, ta cũng đồng thời hạ vai trò của người khác xuống. Trong thâm tâm, chúng ta có thể biết đó là điều không hay nhưng vẫn mắc phải xu hướng này do bản năng sai khiến.

 

Ganh đua và phê phán

 

Nỗ lực làm tốt mọi việc theo khả năng của mình là điều tốt đẹp và lành mạnh. Tuy nhiên, khi bản ngã bắt đầu lao vào cuộc ganh đua thì sự “cố gắng” này có thể trở thành sợi xích quấn quanh cổ bạn. Bạn chỉ biết nhìn về phía trước, không biết tận hưởng phút giây hiện tại. Bạn không thể vui vẻ với thành công. Tâm ganh đua có thể mang lại cho bạn thành công về tiền bạc, bằng cấp hay địa vị xã hội, nhưng nếu không thể vui theo thành công của người khác, bạn đã đi sai đường.

 

Xã hội hiện đại dạy chúng ta thói quen phê phán mọi người bởi điều đó giúp ta bảo vệ những gì mình thích. Ngay cả khi tự chê trách mình thì điều này cũng không ngăn cản ta phán xét người khác: “Nỗ lực của cô ấy như vậy là chưa đủ, cô ta không đáng yêu và cũng chẳng hoàn hảo”… Bản ngã thích như vậy và điều đó khiến bạn luôn tự dằn vặt mình và chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng chẳng có gì hoàn hảo và chính bạn cũng không thoát khỏi quy luật đấy. Sự dằn vặt có thể giúp bạn không ngừng cố gắng, tuy nhiên, cũng giống như ganh đua, nó ngăn cản bạn sống với giây phút hiện tại. Chẳng hạn như hồi còn đi học, bạn rất xuất sắc và luôn đạt điểm mười. Rồi một ngày bạn chỉ được chín điểm và thế giới bỗng như sụp đổ. Bây giờ nhắc lại nghe có vẻ khôi hài nhưng những cảm xúc đó vẫn đeo bám, ẩn nấp đâu đó bên trong bạn. Hàng ngày, bạn vẫn không thể đáp ứng nổi những tiêu chuẩn khắt khe của bản thân, vẫn tự trách đáng lẽ mình có thể làm điều gì đó tốt hơn nữa. Bởi vậy, ngay cả khi bạn đọc cuốn sách này với mong muốn tìm thấy chìa khóa hạnh phúc và thành công, tôi cho rằng món quà lớn nhất mà tôi có thể dành tặng bạn chính là sự “biết đủ” hay “chấp nhận”. Bạn không cần phải cay nghiệt để trở nên tử tế hơn. Hãy cứ rộng mở trái tim, học chấp nhận nhiều hơn và bớt đi những chỉ trích. Tại sao thay vì biết trân trọng đúng mức, chúng ta lại tranh giành, trách mắng hay phán xét lẫn nhau? Hạnh phúc và niềm vui đều quan trọng với tất cả mọi người, không chỉ với riêng ta. Vậy hãy để họ tận hưởng điều đó.

 

(Chư Ni Truyền thừa Drukpa tại tịnh thất Tây Thiên năm 2011)

Bản ngã xúi giục ta chỉ chăm lo cho bản thân, sợ rằng sẽ chẳng có ai quan tâm đến mình. Theo cách này, bản ngã bám chặt vào ta, tô vẽ, thêu dệt nên những câu chuyện huyễn hoặc về hạnh phúc, thành công… cho ta tỉ tê với chính mình và đồng thời ngăn không cho ta được sống với bản thân một cách an nhiên tự tại. Cho dù sự hiện diện của bản ngã có nhiều đến mức nào, bạn cũng không được quên rằng đấy không phải là tâm chân thật, nó ngăn cản ta mở rộng tấm lòng và ban trải tình thương yêu đến mọi người, mọi loài một cách vô điều kiện.
 
~ Trích ấn phẩm "Giác ngộ mỗi ngày" - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,126,690
Số người trực tuyến: