Bạn đang ở đây
Tâm trong sáng thuần khiết
Một trong những bài học lớn nhất mà bậc phụ huynh nên dạy con cái là lòng tôn trọng. Bởi đây chính là nền tảng của tình yêu thương và lòng từ bi.
Tôi thấy buồn vì trẻ em ngày nay đang phải sống trong môi trường không có nhiều cơ hội để trưởng dưỡng sự trân trọng, hòa mình với thế giới xung quanh. Chúng khó có thể hình dung bát cơm trên tay đến từ cây lúa ngoài đồng, được hình thành từ vất vả lam lũ của người nông dân và nắng mưa đất trời. Thay vì được gần gũi với bầu không khí khoáng đạt tự do của thiên nhiên, lũ trẻ bị bao bọc bởi tường bê-tông và nhịp sống gấp gáp ồn ào. Vì vậy, chúng không hiểu tại sao mọi người cần quan tâm chăm sóc lẫn nhau, ở ngay từ cấp độ thôn làng xóm phố. Nếu thiếu lòng tôn trọng đối với hàng xóm láng giềng, làm thế nào bọn trẻ có thể nuôi dưỡng lòng tự trọng và đánh thức được những phẩm hạnh tiềm tàng trong nội tâm chúng?
Có thể bạn nghĩ hạnh phúc phụ thuộc vào mức độ giàu nghèo, vào việc được ở nơi đô thị trung tâm hay phố xá ồn ào. Nhưng có những gia đình hay làng quê nghèo tuy thiếu thốn đủ bề nhưng vẫn rạng ngời hạnh phúc. Con người cần được ăn uống, cần một mái nhà để che mưa nắng. Điều đáng buồn là còn quá nhiều sự nghèo đói và khổ đau trên trái đất này. Tuy nhiên, ngoài nhu cầu tối thiểu ấy, tất cả của cải tích trữ và những tiện nghi vật chất đều đóng vai trò thứ yếu trong việc tạo dựng hạnh phúc.
Trong khi một số trẻ không được dạy dỗ để tự tin hay tin vào thế giới, ở một thái cực khác, các em lại bị đủ loại áp lực đè nặng. Chúng thường xuyên phải đối mặt với nỗi sợ hãi và lo lắng rằng dù có cố gắng đến mức nào, chúng vẫn không thể trở thành người giỏi nhất. Trẻ em phải lớn lên trong một thế giới đầy rẫy ganh đua, ngay từ khi mới chỉ bắt đầu biết đi biết nói. Đến lúc đi học, trẻ em bắt đầu có ý thức rõ rệt về bản thân dựa trên sự so sánh với những đứa trẻ khác thay vì trưởng dưỡng hiểu biết chân chính và sự chấp nhận chính mình. Cách giáo dục của thời đại ngày nay khiến chúng ta không thường thấy bầy trẻ nô đùa hồn nhiên, không chút bận tâm về những ganh đua hay thắng thua được mất.
Hình ảnh này dường như trái ngược với những gì chúng ta được dạy dỗ: phải có tham vọng cháy bỏng, phải là số một, phải kiếm thật nhiều tiền để tiếp tục vòng xoay hưởng thụ, bởi của cải vật chất là cần thiết cho sự tăng trưởng kinh tế và phồn vinh. Chúng ta bị vướng vào cái vòng luẩn quẩn mà chính chúng ta đã và đang truyền lại cho con cái mình. Chúng phân biệt được sự khác nhau giữa thương hiệu Nike và Adidas trước khi biết được củ cà rốt được sinh ra từ đâu.
Tài năng của trẻ em rất cần được nuôi dưỡng và phát triển. Tuy nhiên chúng ta không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào chúng để rồi biến niềm vui thành nỗi sợ hãi. Việc khen ngợi con cái là điều bình thường nếu chúng ta không “dán nhãn” hay đặt ra các chuẩn mực phấn đấu, như thế mới giữ tâm hồn và trái tim trẻ thơ được tự do thuần khiết. Nếu chúng ta có thể chấp nhận bọn trẻ như chúng vốn có, chắc chắn con cái chúng ta sẽ trở thành những con người tuyệt vời.
~ Trích ấn phẩm “Giác ngộ mỗi ngày” - Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa
- 1613 reads