Nguyên nhân sâu xa của stress ? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Nguyên nhân sâu xa của stress ?

1184
22/06/2017 - 08:00

 Stress và trầm cảm là hậu quả của sự cứng nhắc không biết chấp nhận thực tế. Nói cách khác, chính những bám chấp mạnh mẽ vào một điều gì, vào cách làm hay suy nghĩ nào đó, sự bám chấp vào kết quả kỳ vọng là nguyên nhân gây ra stress. Khi mong chờ quá nhiều, chúng ta cũng lo sợ kỳ vọng của mình sẽ không trở thành hiện thực.Mọi thứ sẽ không diễn ra như ta mong muốn, theo đúng kế hoạch. Và chúng ta bị stress.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng nguyên nhân sâu xa của stress nằm ở chỗ chúng ta quá bám chấp vào cái tôi hay bản ngã. Chính những hiểu lầm về bản thân đã đẩy con người vào tình trạng tuyệt vọng này.
 
 
Bản ngã cấu kết mật thiết với những xúc tình tiêu cực để tàn phá cuộc sống của chúng ta và những người xung quanh. Bản ngã là sân chơi của những chê bai trách cứ, của ký ức tổn thương cùng những lo âu và phiền não. Khi chúng ta có trí tuệ tỉnh thức, biết tự hài lòng với bản thân và sống an vui hòa hợp với mọi người, thì năng lực của bản ngã sẽ bị vô hiệu hóa. Tuy nhiên với phần lớn mọi người, năng lực tiêu cực của các xúc tình rất mãnh liệt, không những ảnh hưởng lớn đến hiện tại mà còn cho tương lai.
 
 
Khi bản ngã ngự trị, một số người gần như bị ám ảnh bởi bản thân mình, kết quả là họ dễ cảm thấy tự ti hay trở nên quá nhạy cảm. Cảm giác bị xúc phạm thiêu đốt bạn. Bạn thấy mình quá nhỏ bé, vô dụng. Cảm xúc này gắn liền với những ký ức tiêu cực từ tuổi thơ, khoảnh khắc lần đầu chúng ta bị người khác chê trách mình ngốc nghếch, tẻ nhạt và kém hấp dẫn. Bản ngã thường bám chặt lấy những ký ức và cảm xúc đi kèm, khiến chúng ta dễ dàng sống lại và bị mắc kẹt trong những trạng thái tiêu cực này.
Hậu quả là khi bị kẻ khác hiếp đáp hay chĩa mũi dùi chỉ trích, ta thấy toàn thân nóng bừng và muốn bật khóc vì tủi nhục. Một lần nữa, những cảm xúc này bắt nguồn từ việc ta không chịu hiểu và chấp nhận bản thân, không nhận ra sức mạnh nội tâm mà vẫn tự ti vào điểm yếu do mình  tự nhận lấy.
 
 
Cảm giác tội lỗi cũng là một trong những cảm xúc mà bản ngã cố gắng nắm lấy. Tôi cho rằng đó là trạng thái tâm lý bị mắc kẹt với quá khứ. Trong khi thái độ dám nhận trách nhiệm và tìm kiếm giải pháp mở ra cho ta một hướng đi tích cực, thì việc tự dày vò bởi mặc cảm tội lỗi ngăn cản chúng ta học hỏi từ những sai lầm. Với tâm trạng này, chúng ta sẽ không thể làm gì mà chỉ sống trong sự hối tiếc. Ví dụ như chúng ta thường thấy có lỗi khi không dành đủ thời gian dạy dỗ con cái, song lại không làm gì để cải thiện tình hình. Trong công việc, bạn trách mình đã không điện thoại xin lỗi khách hàng nhưng thay vì nhấc máy để làm điều này, cảm giác tội lỗi khiến bạn tê liệt và bần thần suốt cả ngày. Bạn lẩn tránh cho dù tận đáy lòng bạn biết rằng cách tốt nhất là trực diện và xử lý vấn đề. Hãy hồi tưởng lại tình huống bạn từng can đảm đối mặt với vấn đề để thấy mọi chuyện thực ra chẳng hề tồi tệ hoặc  khó khăn như ta tưởng?
 
 
Cảm giác hổ thẹn cũng giống như khi ta tự xúc phạm mình. Nó liên hệ chặt chẽ với cảm giác tội lỗi và tự dằn vặt bản thân. Chúng ta xấu hổ vì những hành động của mình, chìm trong tiếc nuối đến nỗi không còn đủ tỉnh táo để suy xét: “Mình sẽ làm gì bây giờ?”. Cũng giống như mọi cảm xúc bị bản ngã xui khiến, “hổ thẹn” níu chân bạn trong quá khứ, bạn trở nên thụ động. Mọi người đều có thể phạm sai lầm. Nếu chúng ta không thể quay ngược chiều kim đồng hồ thì điều quan trọng là hãy biết rút ra bài học hữu ích cho cả hiện tại và tương lai của bạn.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,119,386
Số người trực tuyến: