Bạn đối trị căng thẳng và trầm cảm bằng cách nào? | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Bạn đối trị căng thẳng và trầm cảm bằng cách nào?

853
17/05/2017 - 08:00
Hạnh phúc luôn bắt nguồn từ sức mạnh tâm linh chứ không phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh.  
( Chia sẻ dưới đây được trích từ Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa)

Tôi sẽ làm gì với cuộc đời mình? Có khi nào bạn đặt câu hỏi này cho bản thân? Trả lời câu hỏi này là cơ hội tốt đẹp và cũng là dấu hiệu nhận biết đã đến lúc bạn phải thay đổi. Hãy thử đi chuyến tàu chậm, hãy sống chậm lại và thong thả chiếu soi. Khi đó, mọi thứ sẽ được soi sáng, cuộc sống sẽ hiện ra như một bức tranh với những chi tiết sống động mà trước đây bạn chưa từng để ý. Tâm bạn sẽ ngập tràn niềm hoan hỷ tri ân. Ngay cả nếu đối diện nghịch cảnh, bạn cũng không nản lòng vì đã học được cách biết ơn chính những khó khăn. Bạn có đồng ý rằng mỗi khi đi chậm lại, ta sẽ nhìn mọi thứ rõ ràng và sống động hơn không?

 
Khi tôi gạn hỏi lý do vì sao không tinh tấn thực hành trưởng dưỡng tâm, một số đệ tử thưa rằng họ không có đủ thời gian. Có người thậm chí cho rằng vì không phải lo kinh doanh hay vật lộn mưu sinh nên tôi không bị stress cũng như không thể hiểu rắc rối của họ. Nếu họ biết tôi đang phải chăm lo cho bao nhiêu con người, bao nhiêu em bé, người ốm đau và bao nhiêu cơ sở tự viện, có lẽ họ sẽ nhận ra tôi hiểu rõ về stress hơn ai hết.
 

(Tự viện Druk Amitabha, Nepal một trong hai tự viện dành cho chư Ni truyền thừa Drukpa)
 
Tôi còn nhớ khi lên kế hoạch xây dựng trường học cho Ni chúng ở LadakhNepal, tôi đã băn khoăn rất nhiều. Tôi ngồi cả ngày tính toán và lo nghĩ. Đến cuối ngày tôi nhận ra mình đã uổng phí một ngày lo lắng mà chẳng đạt được kết quả gì. Quả thực stress là tác nhân gây lãng phí thời gian, đồng thời bóp chết sức sáng tạo và tiềm năng trong ta. Tôi khuyên đệ tử của mình thay vì mất thì giờ lo lắng, hãy quay trở lại việc thực hành. Khi tâm bị bế tac vì căng thẳng, do dự và cảm thấy không lối thoát, hãy biết dành một chút thời gian để thiền định và thư giãn. Bạn nên nhắc mình về ý nghĩa của vô thường và trân quý cuộc sống. Như vậy, thậm chí khi mọi việc trở nên tồi tệ, bạn vẫn giữ được thái độ tích cực và không sợ hãi. Hạnh phúc luôn bắt nguồn từ sức mạnh tâm linh chứ không phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh.
Khi nhìn lại mình, thay đổi cách nghĩ, cách sống và rèn luyện tâm theo hướng tích cực, bạn sẽ thấy đây chính là điểm mấu chốt để có thể hóa giải stress, và tìm lại hạnh phúc an vui.
 

(Nụ cười hạnh phúc của một bệnh nhân được phẫu thuật mắt miễn phí
trong chương trình Eye camp thường niên do Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa sáng lập)
 
Lấy lại cân bằng tâm lý khi đang bị căng thẳng chi phối là điều không hề dễ. Nhưng nếu có thể tìm hiểu, trưởng dưỡng tâm trong hoàn cảnh thuận lợi hơn thì điều này sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh, sự linh hoạt để có thể đương đầu với những thời khắc khó khăn.
Thông thường, ai cũng nhận ra lợi ích khi tư tưởng được thoải mái, rộng mở. Tuy nhiên, khi thấy hài lòng và mọi thứ diễn ra suôn sẻ, chúng ta rất dễ lãng quên tâm. Chỉ khi mọi việc trở nên khó khăn, chúng ta mới nhận ra tâm mình đang không hoan hy, an lạc. Nhưng vì không có sự chuẩn bị nên khi đó ta rất dễ căng thẳng.
 
 
Các pháp thực hành thiền quán trong Đạo Phật như Thiền quán về Tri ân và về Vô thường là những phương pháp luyện tâm hữu ích để vượt qua những tình huống này. Chỉ cần vài phút thực hành mỗi ngày sẽ giúp bạn nhận thức rõ ràng hơn về cuộc sống. Đặc biệt, Thiền quán về Tri ân giúp bạn nhìn vào khía cạnh tích cực nhiều hơn là tiêu cực. Sau đó, khi nhận ra dù vô thường là một phần cuộc sống nhưng phản ứng với thay đổi ra sao lại tùy thuộc ở bạn, bạn sẽ phát triển được khả năng giải quyết những tình huống tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng.
Một trong những cách tốt nhất là dùng thân để làm dịu căng thẳng của tâm. Ngay khi căng thẳng xuất hiện, bạn hãy tập điều thân để hạn chế căng thẳng xuống mức có thể chấp nhận. Dưới góc độ này, bài thực hành Thiền quán niệm Hơi thở đặc biệt hữu ích. Càng thực hành, bạn thấy mình càng có thể ngăn chặn căng thẳng lo âu ngay khi cảm xúc này mới phát sinh.
 
 
Hiển nhiên, bạn nên rèn luyện tâm trước khi để bản thân rơi vào khủng hoảng. Việc rèn luyện tâm bất cứ thời điểm nào cũng đều đem lại lợi ích. Vì tâm bị chi phối mạnh mẽ bởi cảm nhận của các giác quan (như nghe, chạm, nếm, ngửi,…), nên khi căng thẳng lên tới mức khủng hoảng, tốt hơn hết bạn hãy tránh những ảnh hưởng tiêu cực của hoàn cảnh và tìm đến môi trường bình yên hơn. Lúc đó, với công cụ thiền quán, chúng ta sẽ có thể nhìn nhận tình huống một cách rõ ràng, sáng suốt mà không bị xúc tình và sự bất an về thể chất che mờ mắt. Trong một môi trường thư giãn hơn, với tâm rộng mở, bi mẫn và hiểu biết, chúng ta dễ dàng tìm ra giải pháp cho mọi việc.
 
 
Tạm ngừng bận rộn để trở về với Thiên nhiên
Giống như các bạn, tôi luôn tất bật ngược xuôi với rất nhiều chương trình, hết hoạt động này đến hoạt động khác, thật khó có thời gian để ngồi tĩnh lặng và tiếp cận tâm mình. Khi ấy, tôi luôn cố gắng tự nhắc nhở: “Hãy sáng suốt và tỉnh thức. Hãy thư giãn và để mọi việc diễn ra thật tự nhiên”.
Đôi khi, tôi tự kéo mình ra khỏi những bận rộn triền miên ấy và thưởng cho mình một buổi dạo bộ hay chuyến du ngoạn bằng tàu hỏa (tôi đặc biệt thích đi tàu hỏa ở Ấn Độ). Thi thoảng, nghỉ xả hơi và thư giãn một chút sẽ có lợi cho bạn. Tâm quyết định việc chúng ta cảm thấy thế nào, an vui hay bất ổn. Đối với tôi, một trong những bí kíp để giải tỏa căng thẳng, sống an vui tự tại trong thế giới hỗn loạn này là tìm cách kết nối mật thiết với thiên nhiên. Dù có bận rộn với công việc đến mức nào, ta vẫn cần nhắc mình giữ tâm sáng suốt và tỉnh thức.
 
 
Bất kể ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, sự sáng suốt tỉnh thức, niềm trân trọng tri ân những gì thiên nhiên đem lại sẽ luôn có ích, giúp chúng ta tạo nên mối liên hệ sâu sắc, bền vững hơn với môi trường và những chúng sinh quanh mình.
Dạo bộ hay thay đổi không khí một chút sẽ vô cùng hữu ích vì điều đó giúp chúng ta lấy lại thăng bằng và trở về với sự tĩnh tại nội tâm. Nếu biết dành một chút thời gian thư giãn, chúng ta sẽ thấy mọi việc rõ ràng và đỡ nghiêm trọng hơn. Chúng ta có thể cân bằng trở lại và nhận ra các thứ tự ưu tiên, những điều có ý nghĩa nhất trong cuộc sống, hiểu rằng mình không nhất thiết lúc nào cũng phải theo đuổi một nhịp sống bận rộn và những mục tiêu viển vông. Thay vào đó, chúng ta biết đủ, tri ân va tận hưởng sự thanh bình trong từng khoảnh khắc.
 
 
Thiên nhiên có cách riêng giúp chúng ta trở nên thành thật. Đơn giản như khi ta bước đi trên mặt đất, một không gian bao la mở ra và chúng ta tìm lại được mối liên hệ đã mất. Khi để chân trần chạm đất, chúng ta kết nối trực tiếp với đất mẹ và bắt đầu biết trân trọng, sống tỉnh thức và quan tâm hơn. Điều đó cũng giúp ta thoát khỏi ngụy tạo cùng những điều vô nghĩa, tạp loạn. Thiên nhiên là cội nguồn nương tựa, là mái nhà chung của cả nhân loại. Khi biết quan tâm chăm sóc thiên nhiên nhiều hơn, chúng ta bắt đầu quan tâm đúng đắn hơn đến chính mình.
 
 
Giúp tâm chậm lại
Hầu hết chúng ta đều tất bật ngược xuôi trong thế giới hiện đại, luôn vội vàng gấp gáp, cả về thân khi phải chạy từ cuộc hẹn này tới cuộc hẹn khác, lẫn về tâm khi lướt từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác. Một lời khuyên hữu ích: Bạn hãy thử sống chậm lại!
Có thể bạn sẽ e ngại về điều này. Nếu “sống chậm lại”, bạn sẽ không có điều kiện thỏa mãn nhu cầu vật chất và làm tròn trách nhiệm với gia đình. Lo lắng này cũng dễ thông cảm. Tuy nhiên, hãy nghĩ xem cuộc sống cua bạn sẽ ra sao nếu luôn kéo theo quá nhiều lo lắng căng thẳng. Bạn sẽ là người hiền hòa, độ lượng, hay trở nên nóng nảy, cáu bẳn, đãng trí, mệt mỏi, cả về thân và tâm? Phải chăng bạn đang để những bận rộn, toan tính, tham vọng che lấp tâm tỉnh thức, bỏ quên nhu cầu được chăm sóc, yêu thương của chính mình và những người thân? Đúng là ai cũng cần kiếm sống nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta phải trở thành nô lệ cho sự mưu sinh và cuốn mình đi trong guồng quay vô tận của sự bận rộn lặp đi lặp lại. Đơn giản hóa mọi thứ và bớt một chút kỳ vọng sẽ mang lại cho bạn cảm giác tự do. Cuộc sống sẽ dường như trôi chậm lại và êm ái hơn. Bạn sẽ vứt bỏ những bon chen, căng thẳng không cần thiết, tự tái tạo, cân bằng và nhẹ bước trên hành trình cuộc sống với niềm hỷ lạc an bình sâu xa.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,658
Số người trực tuyến: