Đừng trở thành nô lệ của những xúc tình | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Đừng trở thành nô lệ của những xúc tình

1037
03/07/2022 - 20:06
 Nếu có chút tự tin và khả năng kiểm soát, chúng ta thường tìm được mục đích ý nghĩa cũng như cảm hứng ngay trong những lo âu nay.

Tâm chúng ta có những cơ chế đặc biệt điều khiển thân thể chuẩn bị đương đầu hay lảng tránh trong những trường hợp căng thẳng. Từ hàng ngàn năm trước, cơ chế này đã vô cùng hữu hiệu khi con người phải ra quyết định về việc chống lại hay tháo chạy trước các mối đe dọa. Trong một tình huống căng thẳng như thế, một lượng adrenaline sẽ chảy khắp cơ thể khiến các suy nghĩ cẩn trọng được thay thế bằng năng lực phản ứng tức thời, đưa ra quyết định tấn công hay phòng vệ.

Trong thế giới ngày nay, bạn sẽ vẫn trải nghiệm phản ứng chống lại hay tháo chạy, nhưng các tình huống xảy ra thường đem đến những căng thẳng về tinh thần hơn là về thể chất. Vì vậy, nếu bị căng thẳng - chẳng hạn như trong một cuộc họp với áp lực cao, hoặc phải nghe tiếng la hét của con nhỏ trong siêu thị, kẹt xe trên đường tới nơi làm việc - bạn sẽ nhận một liều adrenaline mà tổ tiên loài người đã nhận khi đối mặt với một con hổ, và giống họ, bạn cảm thấy có nhu cầu mạnh mẽ phải chống lại hoặc trốn chạy khỏi tình huống đó.
Đó là những loại tình huống khiến tâm bạn chịu căng thẳng rất lớn, kể cả với những người điềm tĩnh nhất. Với phần lớn mọi người, cơn giận dữ hay thất vọng sẽ thường tăng lên rất nhanh. Bạn bỗng nhiên cảm thấy thật căng thẳng hay bực bội. Bạn tức giận thực sự, vì lúc này các suy nghĩ dựa trên lý trí đã hoàn toàn bay biến.
 
 
Các nhà khoa học nói rằng sợ hãi và lo âu không giống nhau. Sợ hãi là phản ứng tức thời đối với một mối đe dọa thực sự, trong khi lo âu là cảm giác ám ảnh rất lâu sau khi mối đe dọa đã qua đi. Lo âu cũng là cảm giác xuất hiện khi chúng ta lo lắng về những điều sẽ hoặc không bao giờ xảy ra. Vì thế, trong khi sợ hãi có thể là phản ứng hữu ích giúp chúng ta được an toàn trong hiện tại, thì lo âu dường như là vết tích của quá khứ hoặc một dự đoán hay kỳ vọng về tương lai. Lo lắng khiến tâm ta luôn cảnh giác sẵn sàng, nhưng cũng vì thế mà không thoải mái. Lo lắng thường là trở ngại trong đời sống.
Đáng tiếc là khi sợ hãi và lo âu, chúng ta có cảm giác tương tự như nhau - đó là lý do vì sao lo âu lại khó chịu đến thế. Nó làm căng nhức tất cả các giác quan trong khi chúng ta chỉ đang ngồi tại bàn làm việc hoặc nằm trên giường. Lo âu khiến chúng ta đau tức ngực và tâm bắt đầu nhiễu loạn, khả năng phóng đại trong tâm dường như là vô hạn.
 
 
Nhưng bản chất của cặp bài trùng căng thẳng và lo âu vốn không phải là xấu. Xét về mặt sinh học, chúng đến từ khu vực tình cảm và vô thức trong não bộ của chúng ta, và thông thường trạng thái hơi căng thẳng còn giúp chúng ta có động cơ tiến bước, giúp ta kết nối với tình cảm thay vì luôn hành xử duy lý trí. Chúng ta thấy mình có khả năng bắt kịp những thời hạn công việc dường như bất khả thi và có nguồn năng lượng gia tăng những khi ta thực sự cần đến. Nếu có chút tự tin và khả năng kiểm soát, chúng ta thường tìm được mục đích ý nghĩa cũng như cảm hứng ngay trong những lo âu nay.
 
 
Tuy nhiên, nếu mất kiểm soát và để những xúc tình này thắng thế áp đảo, tâm chúng ta sẽ trở nên bất an, khó chịu. Chúng ta mất cảm giác về sự cân bằng tự nhiên, thay vào đó là trạng thái tê liệt và cảm giác mệt mỏi rã rời. Dòng tư tưởng của chúng ta bị lạc nhịp, ta cảm thấy khó chịu, tâm tư loạn động và không thể hoàn thành việc gì. Sau đó chúng ta bắt đầu mất lòng tin vào bản thân, đòi hỏi, phản ứng dữ dội hơn đối với người khác.
 
Nguồn: Trích ấn phẩm ĐỐI TRỊ CĂNG THẲNG VÀ TRẦM CẢM - Drukpa Việt Nam biên tập và phát hành
 
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,118,659
Số người trực tuyến: