ĐỨC LOBPON GANGRI KUNSANG DORJE | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

ĐỨC LOBPON GANGRI KUNSANG DORJE

100
03/03/2016 - 18:10

(Đức Lobpon Gangri Kunsang Dorje)

Ngài Lobpon Gangri Kunsang Dorje (1919-1990), sinh năm 1919 tại Dri Ji, phía dưới tự viện Drira Phug và tự viện Jiwu , phía Bắc của đỉnh Kailash. Ngài là con trai thứ năm trong trong gia đình có bảy người con, phụ thân là Ngài Kardar còn mẫu thân là Bà Sichoe Dolma. Năm lên chín tuổi cha Ngài qua đời và Ngài phải chăm sóc cả gia đình đến năm hai mươi lăm tuổi. Sau đó, Ngài xả bỏ thế tục và theo học giáo pháp yogi linh thiêng của Truyền thừa Drukpa. Ngài học các nghi lễ và thực hành Ngondro hơn 5 năm ở tự viện Drira Phug của Truyền thừa Drukpa, nơi Đức Gotsangpa từng thiền định

Trong một lần trên đường về tự viện, Ngài gặp một Lama đến từ tỉnh Kham miền Đông Tây Tạng. Lama nói với Ngài rằng: Hành hương là một thiện hạnh ở mức độ sơ cơ, còn để chứng ngộ bản tâm cần phải có bậc Thầy giác ngộ hướng đạo. Nghe vậy,  Ngài hỏi vị Lama liệu có thể tìm gặp một bậc Thầy như thế trong vùng này hay không?. Vị Lama đáp lại: "Chẳng lẽ anh không biết rằng Ngài Thripon Pema Chogyal, đệ tử của Đức Shakya Shri và là người nắm giữ toàn bộ giáo pháp Truyền thừa Drukpa đang giảng pháp ở Tsibri Niu Teng hay sao?"

(Tự viện Drira Phug ngày nay)

Vừa nghe nhắc đến danh hiệu của Thripon Rinpoche, trong chốc lát Ngài đã quên hết mọi chuyện thế gian. Quyết tâm đi theo con đường tu học chân chính, vào năm hai mươi bảy tuổi, Ngài lên đường đi Tsibri mà không cho người thân biết. Ngài thụ nhận bốn pháp tu mở đầu của Truyền thừa Drukpa từ Đức Nhiếp Chính Vương Jampa Rinpoche và hoàn thành hai lần thực hành pháp tu này. Năm 1947, Năm hai mươi chín tuổi, Ngài hạnh ngộ và xin được làm đệ tử của Ngài Thripon Pema Chogyal Rinpoche.

(Ngài Thripon Pema Chogyal Rinpoche)

Sau khi thụ nhận toàn bộ pháp quán đỉnh và giáo pháp của Truyền thừa Drukpa từ Thripon Rinpoche, Đức Lobpon Gangri dành mười bốn năm nhập thất tại trung tâm nhập thất Nirang. Mặc dù tâm nguyện muốn dành trọn cuộc đời ẩn tu nhưng do các cuộc bạo loạn năm 1959 ở Tây Tạng khiến Ngài phải xả thất và tị nạn đến Ấn Độ, hành trang theo Ngài là toàn bộ Kinh điển.

Ngài nhập thất trong hang động tại vùng Walung hai tháng, sau đó đến Kalimpong để thụ nhận quán đỉnh của Truyền thừa Nyingma từ Đức Pháp Vương Dudjom Rinpoche. Tại đây, Ngài gặp Đức Dromo Kargyud Tulku và được thu xếp để nhập thất trong một phòng kín bằng gỗ tại khu rừng hẻo lánh ở Rinag, Sikkim. Trong sáu năm nhập thất kín và Ngài nhập thất kín trong sáu năm và hơn ba mươi năm an thất, Ngài đã an trụ trong đại chứng ngộ Mahamudra không chút trở ngại. Tôi đã mạnh dạn thỉnh cầu Ngài đến trung tâm nhập thất Naropa ở Darjeeling để hướng dẫn chúng tôi bằng kinh nghiệm giác ngộ của Ngài, đương nhiên Ngài đã từ chối vì nếu nhận lời thỉnh cầu sẽ làm gián đoạn sự nhập thất của Ngài. Ngài cũng từ chối lời thỉnh cầu làm Viện chủ trung tâm nhập thất của Đức Pháp Vương Karmapa đời thứ XVI.

(Bản đồ Sikkim)

Một ngày nọ, Ngài chỉ dạy thị giả: "Ta muốn tắm gội sạch sẽ vào sáng sớm mai và hai Thầy trò chúng ta sẽ chào đón một ngày mới diệu kỳ", sau đó Thầy mỉm cười trong giây lát. Sáng sớm hôm sau, nhằm ngày 20 tháng 8 năm 1990, khi vừa kết thúc thời khóa thiền định buổi sáng, Ngài tắm rất lâu, sửa soạn y phục sạch sẽ gọn gàng rồi an tọa trong trạng thái thiền định, trì chữ 'AH' ba lần (chủng tự của Mahamudra) trước khi hòa tan vào Báo Thân. Trạng thái tâm thiền định này kéo dài trong khoảng một tuần, thân Ngài hoàn toàn trong tư thế thiền định, khuôn mặt mỉm cười rạng rỡ đầy từ bi.

Ngài là một trong những Thượng sư Đại Thủ Ấn Mahamudra đã truyền trao cho tôi tất cả giáo pháp thiền định độc nhất vô song. Ngài không có thói quen dùng Kinh sách để giảng dạy như chúng ta mà giáo pháp của Ngài là sự hiển bày trực tiếp thanh tịnh của Đại thực chứng. Thật tiếc thay! Chúng sinh trong thế giới này hiếm có cơ duyên hy hữu được đón nhận giáo pháp từ Ngài. Thật là một tổn thất to lớn làm sao! Hẳn phải có rất nhiều lý do nhưng tôi nghĩ rằng lý do chính là chúng ta quá bận rộn tìm kiếm những bậc Thầy nổi tiếng. Nhờ thiện nghiệp nhiều đời và sự hướng đạo chân quý từ Đức Nhiếp Chính Vương Drukpa Thuksey Rinpoche, tôi thật may mắn nên đã có phúc duyên hạnh ngộ giáo pháp của Ngài ngay trong kiếp này.

Nguồn: Lobpon Gangri Kunsang Dorje - Guru, www.drukpa.org

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,026,274
Số người trực tuyến: