Truyền thuyết về Đức Quan Âm | Drukpa Việt Nam

Bạn đang ở đây

Truyền thuyết về Đức Quan Âm

1820
17/04/2017 - 08:00
Quan Âm là ai? Trụ xứ của Ngài ở đâu?
Dưới góc độ khảo cứu, Kinh điển Phật giáo ghi chép nhiều câu chuyện về tiền thân Đức Phật Quan Âm. Theo Kinh Quan Âm Tam Muội và Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi, Đức Quan Âm có sức uy thần không thể nghĩ bàn. Từ vô lượng kiếp trước, Ngài đã thành Phật, hiệu là Chính Pháp Minh Như Lai, nhưng vì nguyện lực Đại bi, Ngài đã thị hiện thân Bồ tát để cứu khổ chúng sinh. Kinh Bi Hoa viết rằng: “Thuở xa xưa, ở Thế giới San Đề Lam thuộc Đại Kiếp Thiện Trì có vị vua tên là Vô Tránh Niệm, có vị đại thần tên là Bảo Hải Phạm Chí. Con trai của vị đại thần ấy tên là Bảo Tạng sau khi xuất gia đã chứng đạt Bồ đề, hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Đức Như Lai rộng lòng từ bi vì vua Vô Tránh Niệm mà nói Pháp.
 

(Đức Phật Vô Lượng Thọ)
Khi nhà vua cúng dàng Đức Như Lai với các Thánh chúng, Ngài Bảo Hải Phạm Chí bèn khuyên Đức Vua cùng một ngàn người con phát Tâm Bồ đề. Nhà vua liền phát Tâm Bồ đề, nguyện cầu cõi nước thanh tịnh. Đức Bảo Tạng Như Lai bèn thụ ký cho nhà vua, sau này được thành Phật, danh hiệu là Vô Lượng Thọ (Amitayus) tại cõi Tịnh độ Tây phương Cực lạc. Hai người con của vua Vô Tránh Niệm cũng được Đức Bảo Tạng Như Lai thụ ký: vị thứ nhất tên là Bất Thuấn sau này là Quan Âm Bồ tát, vị thứ hai tên là Ni Ma sau này là Đắc Đại Thế Bồ tát (tức Đại Thế Chí Bồ tát) cùng trụ ở cõi Tịnh độ này phụ giúp Đức Phật Vô Lượng Thọ giáo hoá chúng sinh. Sau khi Đức Phật Vô Lượng Thọ thể nhập Niết Bàn thì Quan Âm Bồ tát sẽ nối ngôi Phật có hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, với cõi Tịnh độ là Nhất Thiết Trân Bảo Sở Thành Tựu. Tiếp theo, Đức Đắc Đại Thế Bồ tát sẽ thành Phật với Phật hiệu Thiện Trụ Trân Bảo Sơn Vương Như Lai, có Tịnh độ tên là Đại Thế”.
Kinh Quán Thế Âm Bồ tát Thụ Ký cũng ghi nhận là: “Quan Âm Bồ tát sẽ thành Phật với danh hiệu Phổ Quang Công Đức Sơn Vương Như Lai, Thế giới tên là Chúng Bảo Phổ Tập Trang Nghiêm. Tiếp theo, Đức Đắc Đại Thế Bồ tát sẽ thành Phật hiệu là Thiện Trụ Công Đức Bảo Vương Như Lai”.
 

Về trụ xứ của Đức Quan Âm, do sức diệu dụng và bản thệ cứu khổ chúng sinh nên Đức Quan Âm luôn thường trụ mười phương, mỗi khi chúng sinh tha thiết kêu cầu thì liền có cảm ứng. Ở góc độ tương đối, các truyền thống đều tin rằng trụ xứ của Đức Quan Âm là đỉnh núi Bồ Đà Lạc Ca (Potala), song ngọn núi đó ở địa phương nào thì có nhiều quan điểm khác nhau. Ngài Huyền Trang cho rằng đó là đỉnh núi Potala ở miền Nam Ấn. Kinh Tân Liên Hoa (Quyển 68) thì ghi nhận vị Bồ tát này trú ngụ ở núi Bồ Đà Lạc nơi biển Nam. Phật tử Việt Nam tin rằng trụ xứ của Đức Quan Âm ở tại động Hương Tích, chùa Hương.

(Động Hương tích)

Còn người Trung Quốc thì coi núi Phổ Đà thuộc quần đảo Châu Sơn ngoài khơi Triết Giang là trụ xứ của Ngài. Niềm tin này xuất phát từ Kinh Quan Âm Bồ tát, trong đó kể lại nơi núi Phổ Đà có hình Đức Quan Âm ngồi nhập định, an trú nơi đạo tràng thanh tịnh nhưng đồng thời vẫn phân thân tùy duyên thuyết pháp, hóa độ chúng sinh. Ngọn núi này vì thế trở thành một trong Tứ Đại danh sơn (bốn trụ xứ thiêng lieng của bốn Đại Bồ tát) tại Trung Hoa. Nhìn chung, Phật tử nhiều nơi coi núi Phổ Đà ngoài khơi Nam Hải là trụ xứ của Đức Quan Âm, nên họ thường xưng tụng: “Nam mô Vô Quản Ngại Quan Âm Như Lai thường cư Nam Hải nguyện” hoặc “Nam Hải Phổ Đà Sơn Quán Thế Âm Bồ tát Ma Ha Tát”, đều có ý liên hệ hồng danh Ngài cùng với trụ xứ này.

Tuy nhiên, cũng có những nhìn nhận khác về trụ xứ chính của Đức Quan Âm. Theo các kinh sách như Kinh A Di Đà quyển Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ quyển Thượng và Kinh Quán Thế Âm Thọ Ký thì Bồ tát Quan Âm theo hầu cận Đức Phật A Di Đà để phụ giúp Ngài giáo hóa chúng sinh trong cõi Tịnh Độ Di Đà. Như vậy trụ xứ của Bồ tát Quan Âm là cõi Tây Phương Cực Lạc. Còn theo Kinh Nhất Thiết Trang Nghiêm Công Đức, Kinh Thanh Tịnh Quan Âm Phổ Hiền Đà La Ni và Kinh Quan Âm Tam Muội thì Bồ tát Quan Âm là vị hầu cận của Đức Phật Thích Ca. Theo cách hiểu đó, trụ xứ của Đức Quan Âm chính là cõi Uế Độ Ta Bà của chúng ta.
 

~ Trích từ ấn phẩm Đức Phật Quan Âm - Thần lực Đại bi gia trì, Drukpa Việt Nam biên soạn, XB 3/2017.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Số lượt truy cập: 3,029,345
Số người trực tuyến: